Bấy giờ, Như Lai tuyên
bố với chư thiên và loài người là Ngài buông bỏ thọ hành và ba tháng
nữa, Ngài sẽ nhập Niết bàn. Tôn giả A Nan nghe vậy liền khóc, xin Như
Lai tiếp tục ở lại đời, nhưng Như Lai nói, Ngài đã tuyên bố buông bỏ thọ
hành, nếu Ngài ở lại thêm nữa, thì nói với làm không đi đôi, làm sao
Như Lai có tính thuyết phục thiên ma, thuyết phục những hạng thiện nhơn ở
trong đời. Sau đó, Ngài liền dạy Bốn phép lạ của ý. Bốn phép lạ của ý cũng còn gọi là Tứ như ý túc. Bốn phép lạ của ý hay Tứ như ý túc gồm:
- Dục như ý túc: Ý muốn tu tập pháp cao thượng hay thành tựu pháp cao thượng.
Tại
sao chúng ta bị sinh, bị già, bị bịnh và bị chết? Vì do tham dục, khiến
chúng ta bị sinh, bị già, bị bịnh và bị chết. Khi chúng ta đã bị sanh,
bị già, bị bệnh và bị chết là chúng ta sống hoàn toàn mất hết tự do,
sống và chết đều không có chủ quyền.
Nên,
chúng ta muốn tu tập là để vượt ra khỏi cái bị sinh, bị già, bị bịnh và
bị chết. Ước nguyện tu tập, để vượt ra khỏi cái bị sanh, bị già, bị
bệnh và bị chết hay sống chết đều có tự do, đều có chủ quyền, ước nguyện
ấy gọi là dục như ý túc.
Chúng ta muốn
được sống trong tự do và chết ở trong tự do, hay sống và chết đều có chủ
quyền, thì chúng ta phải biết phát khởi ước nguyện và nỗ lực biến ước
nguyện trở thành hiện thực. Chúng ta phải tha thiết đoạn trừ những hạt
giống phiền não, tham dục đang vận hành và ràng buộc ở trong tâm thức
ta, vì chúng làm cho đời sống của ta mất tự do, mất chủ quyền, chứ không
phải ai khác.
Tâm ta bị hệ lụy bởi tham
dục, tham dục về tiền tài, khiến ta bị hệ lụy và khổ não bởi tiền tài;
tham dục về sắc khiến ta bị hệ lụy và khổ não bởi sắc; tham dục về danh,
khiến ta bị hệ lụy và khổ não bởi danh; tham dục đối với ăn ngủ, khiến
ta bị hệ lụy và khổ não bởi ăn ngủ . . . Vì chúng ta nô lệ tham dục,
khiến cho chúng ta sống và chết đều không có chủ quyền, đều mất hết tự
do. Mỗi khi chúng ta bị hệ lụy vào cái gì, thì chúng ta bị cái đó trói
buộc, vắt cho kiệt sức và cướp mất hết chủ quyền.
Chúng
ta cả triệu lần muốn vượt ra, nhưng lại cả triệu lần bị trói lại, ai
trói? Không có ai trói cả, chỉ có tham dục trong tâm của chúng ta đang
trói chúng ta. Nên, muốn sống chết có chủ quyền, có tự do, chúng ta phải
biết buông bỏ tham dục. Buông bỏ tham dục, chúng ta mới có khả năng
thành tựu được sống và chết như ý.
Nên, phép lạ nầy giúp ta lấy lại chủ quyền đối với sống và chết hay vượt thoát tử sinh.
- Niệm như ý túc:
Hay tâm như ý túc, tức là chúng ta luôn luôn nhớ ước nguyện của chúng
ta là tu tập để vượt thoát cái bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết. Nếu
ước nguyện đó khởi lên, nhưng chúng ta không duy trì, thì nó sẽ tan. Duy
trì ước nguyện tu tập, duy trì phương pháp tu tập buông bỏ tham dục,
giúp cho chúng ta vượt thoát sinh tử.
Khi
chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi, . . . chúng ta dùng năng lượng chánh niệm
làm cho những chủng tử, tham dục, hệ lụy, giận hờn, trách móc trong tâm
ta lắng xuống.
Nhiều khi không có đối
tượng trước mắt chúng ta, mà chúng ta cũng tham, cũng giận, có những sự
kiện đã đi qua lâu lắm rồi, thế mà nhiều khi nghĩ lại hay tưởng tới
chúng ta cũng tham, cũng giận. Cái tham, cái giận đó đã có mặt và tạo
thành năng lượng chủng tử ở trong tâm thức của chúng ta, nó làm cho
chúng ta bị hệ lụy, làm cho chúng ta bị cản trở đối với sự tu tập.
Vì
vậy, khi chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi, chúng ta phải làm cho các chủng
tử tâm hành như giận hờn, ganh tị, thù oán, trách móc trong tâm ta lắng
xuống. Nó phải lắng xuống nơi tâm thức của chúng ta. Sự lắng xuống ấy,
phải được duy trì trong từng hành hoạt của chúng ta. Khi trong từng bước
đi của chúng ta vững chãi, trong từng hành hoạt của chúng ta thảnh thơi
là chứng tỏ những hạt giống tham, giận, bồn chồn, lo âu, sợ hãi, ganh
tị trong tâm thức của chúng ta đã lắng xuống.
Chúng
ta đừng nghĩ rằng, làm việc hăng say, năng nổ là không bệnh. Làm việc
hăng say, năng nổ, nhưng thiếu niệm như ý túc là bệnh. Ấy là bệnh của
lật đật, của loạn động, của chệch hướng và đánh mất mình. Làm việc nhanh
hay chậm, đi nhanh hay đi chậm không phải là vấn đề mà vấn đề là trong
những động tác nhanh hay chậm ấy, ta có duy trì được năng lượng chánh
niệm, chánh định, chánh kiến của chúng ta hay không.
Vì
vậy, chúng ta phải thường xuyên thực tập chánh niệm trong mọi động tác
sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Và chúng ta phải bước đi được những
bước đi vững chãi, hành hoạt thảnh thơi trong những bận rộn của cuộc
đời, đó là một phép lạ mà chúng ta thành tựu từ tâm ý.
Khi
thực tập niệm như ý túc hay tâm như ý túc là chúng ta luôn luôn nhớ đến
lý tưởng tu tập của mình. Tại sao mình tu? Tại sao chúng ta phải lên
chùa để thực tập và pháp nào chúng ta đang thực tập? Chúng ta phải nhớ
và hành trì pháp ấy cho đến khi thuần thục.
Trong
tiếng Phạn, tâm như ý túc có nghĩa là tâm của chúng ta luôn an trú
trong niệm, an trú trong định và an trú trong tuệ, khi đó chúng ta mới
có khả năng làm vắng bặt tất cả những chủng tử phiền não trong tâm thức
của chúng ta. Chúng ta tu tập là chúng ta đoạn trừ cái dẫn chúng ta đi
đến bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết. Chúng ta tu tập tức là làm cho
tâm vắng lặng và duy trì sự vắng lặng đó liên tục ở nơi tâm, khi nào
chúng ta làm được điều đó là khi đó và ngay đó chúng ta thành tựu được
niệm như ý túc.
Tuy nhiên, khi chúng ta
đang tu tập, chúng ta có thể làm cho những hạt giống rộn ràng đó vắng
lặng được một lúc, nhưng rồi nó lại trồi lên, làm cho tâm của chúng ta
bận rộn trở lại. Chúng ta tu tập được ví như những người chiến sĩ xung
trận, chiến thắng đó, rồi thất trận đó, phút trước là anh hùng, thì phút
sau là kẻ bại trận, phút trước chúng ta rất là dễ thương, nhưng phút
sau chúng ta không còn là dễ thương nữa, bởi vì phút trước chúng ta duy
trì được niệm như ý túc trong tâm, nhưng phút sau tâm của chúng ta đã
theo duyên trần mà chạy tán loạn.
Cho
nên, người tu là một chiến sĩ quán sát và ứng chiến với các chủng tử tâm
hành nơi tâm thức của mình bất cứ lúc nào và ở đâu.
Những
hạt giống xấu nơi tâm thức của chúng ta rất lanh lợi và khôn khéo, hễ
chúng ta có ý thức về nó, thì nó trốn, ta không thể tìm ra dấu tích của
nó đang trú ẩn ở đâu, nhưng khi chúng ta lơi niệm là nó lại xuất hiện,
nó đẩy chúng ta đi ra khỏi pháp môn mà chúng ta đang hành trì. Vì vậy,
chúng ta phải giữ chánh niệm liên tục, giữ cho được tâm như ý túc, hễ
chúng ta bị rơi niệm như ý tuc là chúng ta mất tất cả, chúng ta phải bắt
đầu thực tập lại ngay từ đầu.
Chúng ta
giữ chánh niệm trước sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc
trần, rất là khó và khi thoát được những cái thô trần đó, thì chúng ta
cũng rất dễ bị mắc kẹt vào ý trần. Ý trần tức là những hình ảnh đẹp, xấu
khi sáu quan năng nhận thức của ta tiếp xúc đã đi qua rồi, nhưng ảnh
tượng của chúng còn đọng lại nơi tâm thức. Có vậy, nên nhiều khi chúng
ta chỉ ngồi một mình thôi, mà cũng nổi giận hay nổi thương quay cuồng.
Người làm cho ta thương và ghét đã đi xa rồi, sự kiện đã đi qua lâu rồi,
nhưng cái giận, cái thương vẫn nổi lên nơi tâm thức của mình mỗi khi có
dịp nghĩ đến nó. Hiện tượng tâm lý đó ai cũng có, bởi vì hạt giống đó
đã nằm sẵn ở trong tâm thức của chúng ta từ vô thỉ kiếp và khi đủ điều
kiện, thì nó sinh khởi. Cho nên, chúng ta phải thường xuyên thực tập và
duy trì phép lạ thứ hai là niệm như ý túc.
- Tinh tấn như ý túc:
Khi tất cả những chủng tử tâm hành của chúng ta vắng lặng rồi, chúng ta
phải liên tục duy trì nó, cho đến khi các chủng tử thấp kém đó bị tiêu
diệt, hoàn toàn không sinh khởi trở lại nữa. Giây nào, phút nào, giờ
nào, ngày nào, tháng nào, năm nào, đời nào chúng ta cũng thực tập tinh
chuyên như vậy, thì những chủng tử đã đẩy chúng ta đi tới cái bị sinh,
bị già, bị bệnh, bị chết sẽ hoàn toàn vắng lặng, khi đó chúng ta bắt đầu
có tự do, có chủ quyền.
Tấn như ý túc là
chúng ta luôn luôn đi tới mà không đi lui. Trước đây, chúng ta chỉ tu
một ngày trong cả tháng, thì giờ đây chúng ta tu hai ngày, ba ngày,...
cho đến khi chúng ta tu cả tháng, cả năm, cả đời, cả kiếp, chẳng thà đi
tới chậm, chứ không phải mới bắt đầu tu, thì tu hăng lắm, nhưng sau đó,
thì chậm dần, rồi tắt lịm là điều không nên. Chỉ có tu mới chống được
tai họa, chống được cái khổ, nếu không tu, thì tai họa ập tới, cái khổ
cứ chồng chất lên mãi ở trong đời sống của chúng ta mà thôi.
Nên
tinh tấn cũng là một phép lạ. Phép lạ, vì nó có khả năng làm cho điều
ác chấm dứt và nó có khả năng làm cho điều thiện phát sinh. Và vì nó có
khả năng làm cho khổ đau chấm dứt và an lạc phát sinh. Người ta hay
nghĩ, phép lạ là phải bay lên trời, thế thì ruồi, muỗi cũng bay được,
chim chóc cũng bay được mà con người bay không được, vậy con người thua
xa ruồi muỗi hay sao?
Nên, phép lạ là
ngày nào cũng làm việc trong chánh niệm, cũng ăn cơm trong chánh niệm,
ngày nào cũng đi thiền hành, ngày nào cũng lạy Phật, ngày nào cũng niệm
Phật và ngày nào cũng có khả năng làm cho tâm yên lắng, để trí tuệ phát
sinh, ngày nào cũng chia sẻ niềm vui đến với mọi người và ngày nào cũng
có thể lắng nghe được nỗi khổ của mọi người và có phương pháp giúp người
bớt khổ, đó mới là phép lạ thực sự, phép lạ của tâm như ý túc.
Chúng
ta ngồi nghe mà tâm không phán xét, không phản ứng, nghe để hiểu gốc rễ
của vấn đề, chúng ta nghe được như thế là một phép lạ. Nếu không có
thực tập hạnh lắng nghe, chúng ta nghe người ta than vãn là chúng ta
không có chịu nổi, càng nghe chúng ta càng phiền muộn. Chúng ta thắp
hương cúng Phật mỗi ngày, sáng thắp như thế, chiều thắp như thế, tối ta
cũng thắp như thế, mỗi ngày ta đều thắp hương như thế hay mỗi ngày ta
đều lạy Phật ba lạy tha thiết chí thành, chúng ta làm riết như thế, đều
đặn mỗi ngày như thế, chúng ta sẽ thành tựu được tấn như ý túc.
Vì
vậy, chúng ta phải luôn nhớ pháp hành của chúng ta, khi chúng ta hành
trì thường xuyên, thì các chủng tử tâm hành của chúng ta sẽ vắng lặng.
Chứ chúng ta mới nhiếp phục phiền não mà các phiền não trong ta chưa
khuất phục và chưa được thuần hóa, mà ta đã buông ra, thì nó trồi dậy và
phản ứng lại ta càng mạnh hơn. Nhiều người than, trước đây chưa tu thì
mọi chuyện êm thắm, nay tu rồi mà sao nhiều chuyện quá! Điều ấy không có
gì lạ, cũng giống như lò xo, để yên thì thôi, chứ đè vào rồi thả ra,
thì nó sẽ bung ra mạnh. Chủng tử xấu nơi tâm thức của chúng ta cũng vậy,
để yên thì nó ít hung hãn, nhưng khi chúng ta chọt vào mà chơi, thì sự
hung hãn và phản ứng của nó tăng lên, vì vậy mà có nhiều người tu tập bị
sinh bệnh tật, khiến cái tâm của họ trở nên hung hãn và khó tính. Nên,
chúng ta phải thật sự nỗ lực thường xuyên, khiến điều xấu ác nơi tâm
không sinh, mà những điều tốt đẹp nơi tâm sinh khởi và tăng trưởng liên
tục, gọi là tấn như ý túc. Thành tựu tấn như ý túc là thành tựu phép lạ
thứ ba.
- Tư như ý túc: Tư
như ý túc cũng còn gọi là tư duy thần túc, Quán thần túc, Tuệ như ý
túc. Tư như ý túc hay Tư duy thần túc, nghĩa là năng lực tư duy đối với
chân lý do đức Phật giảng dạy, mà sinh khởi thần túc đúng như ý, hay do
an trú ở trong thiền định mà quán chiếu, thấy rõ mọi nhân duyên vận hành
và hiện khởi của những chủng tử tâm thức, mà thành tựu thần túc như ý,
nên tư như ý túc cũng gọi là tuệ như ý túc. Hoặc bằng vào thiền định mà
nhiếp phục các chủng tử tâm hành, khiến cho các chủng tử tâm hành hoàn
toàn an tịnh, mà thành tựu thần túc, nên gọi là định như ý túc.
Định
như ý túc là thành tựu phép lạ của ý, do sự tư duy từ thiền định đem
lại. Sự tư duy từ thiền định là gì? Đó là đặt tâm vào một đối tượng duy
nhất, vào một đề mục duy nhất để tâm ý có sự định tĩnh từng phần và toàn
phần. Ta thiền tập mỗi ngày để tâm ta lúc nào và ở đâu cũng thuần thục ở
trong định và khiến ta có khả năng nhập định và xuất định một cách như
ý. Ta thực tập Tư như ý túc thuần thục, khiến ta khi trực diện với mọi
hoàn cảnh thuận nghịch, thăng trầm, khen chê, tụ tán, sống chết mà tâm
ta an nhiên, hoàn toàn không bị dao động thì đó chính là một phép lạ của
tâm ý. Phép lạ ấy ta có thể thành tựu qua sự thực tập thiền quán mỗi
ngày. Mỗi ngày ta đi, hành động đi của ta phải được thiết lập hoàn toàn
trên nền tảng tư duy của tuệ giác; mỗi ngày ta đứng, hành động đứng của
ta cũng phải được thiết lập hoàn toàn trên nền tảng tư duy của tuệ giác;
và sự nằm, ngồi, nói, cười, ăn, uống, tiếp xúc, làm việc của chúng ta
cũng vậy, cũng phải hoàn toàn thiết lập trên nền tảng tư duy của tuệ
giác. Tư duy của tuệ giác là sự tư duy không mang chất liệu của ngã
tính. Tư duy của tuệ giác là sự tư duy hoàn toàn không liên hệ đến các
phiền não bẩm sinh và phân biệt do học tập hay do hoàn cảnh tôn giáo
hoặc xã hội tác thành. Tư duy của tuệ giác là sự tư duy đúng như tự thân
của mọi sự hiện hữu. Mọi sự vật hiện hữu như thế nào, thì ta phải chiêm
nghiệm để thấy và biết nó đang hiện hữu đúng như thế ấy, đó gọi là tư
duy của tuệ giác.
Tư duy như thế là một
phép lạ, giúp ta vượt thoát mọi vô minh, phiền não, vượt thoát mọi khổ
đau sinh tử, chứng Niết bàn và an lạc ngay trong cuộc sống nầy.
Cho
nên, Tứ như ý túc hay bốn phép lạ của ý, nếu ta thực tập miên mật, thì
mọi chướng ngại của phiền não đối với Niết bàn và mọi chướng ngại của vô
minh đối với tuệ giác đều được chấm dứt, ta có thể thành tựu đời sống
giải thoát và giác ngộ ngay trong cuộc sống nầy.
Thích Thái Hòa