10/09/2011 22:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 117568
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sự Trọng Yếu của Khóa Tụng Kinh Sáng và Chiều

Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta đã có biết bao là hạt giống nghiệp tội, cũng bởi do nghiệp mà chiêu vời quả báo. Kinh Địa Tạng nói: Mỗi cử động, mỗi tâm niệm của chúng sanh ở cõi Diêm Phù đều là tội lỗi. 



Do từ những chủng tử đó mà phát sanh thêm các giống chủng tử khác, nên nghiệp tội tích tụ thêm nhiều tội nghiệp hơn. Cho nên lục đạo chướng duyên khiến bị luân chuyển không cùng tận. Nếu chúng ta không nương nhờ vào tọa thiền, tụng niệm và lễ sám, thì làm sao hy vọng tiêu trừ được những tội nghiệp như thế? 

Đây đặc biệt đúng với những vị xuất gia vào cửa Đạo, vì họ đã không làm việc trong chính quyền, không cày bừa, cũng chẳng đan dệt, duy chỉ dựa vào sự cúng dường của thí chủ đàn na. Nếu như họ không lo gia công tu Đạo, thời sẽ khó tiêu của tín thí. Đại Sư Triệu Châu nói: "Đời nay không liễu Đạo, sau mang lông đội sừng trả." 

Hơn nữa khóa lễ sáng và chiều không những sẽ làm lợi ích cho riêng cá nhân, mà cũng đem lợi ích cho cả chúng sanh trong khắp Pháp Giới, cùng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Vậy, sao chúng ta lại có thể bỏ qua sự việc quan trọng như thế? 

Phàm là người khi tham gia khóa lễ: thân nên nghiêm chỉnh, không uể oải; miệng tụng niệm thông suốt, rõ ràng từng tiếng; ý nên chú tâm không dao động suốt từ đầu khóa lễ cho đến khi kết thúc. 

Như vậy tức Tam Nghiệp (thân khẩu ý) và Tam Chỉ (đình chỉ các tạp nhạp với thật thể, ngừng các phương tiện phan duyên và ngừng dẫn đến hai cực đoan) sẽ cùng tương hợp với nhau. 

Nếu thân tướng chúng ta có thể cung kính, trang trọng, không giải đãi, miệng niệm dõng dạc, rõ ràng và ý quán tưởng theo đoạn Kinh văn, tức là Tam Nghiệp sẽ tương khế (khế hợp) hài hòa với Tam Quán (không, giả, trung). 

Tam Chỉ và Tam Quán như kính giám tượng chiếu soi vạn vật, đã từng không chọn lựa, mà vẫn tinh vi rõ ràng, chẳng thiếu sót. 

Được vậy là tâm ta cùng tâm Thánh sẽ cảm ứng Đạo giao, như nước hòa vào nước và như đem hư không hợp vào không gian. Có thể gọi là công đức của chúng ta phổ biến khắp Pháp Giới, mức lượng bằng như hư không vậy. 

Công Phu Khuya

Người tu hành trước hết nên học cho thông suốt toàn bộ văn nghĩa của khóa lễ. Như thế sẽ tiện giúp cho chúng ta khởi quán tưởng trong lúc tụng trì. Lại nữa, lúc bình thường trong khóa lễ, chúng ta nên định tâm thuần thục. Nếu không, một khi đối diện với các cảnh giới có thể khởi lên trong lúc tụng niệm, khiến tâm bị tạp loạn, thì sự quán tưởng khó mà thành tựu được. 

Vào buổi sáng sớm, khi muôn vạn cảnh vật chưa khởi động, là lúc tâm chúng ta vẫn còn yên tĩnh. Chúng ta nên thức dậy, mặc áo chỉnh tề và bắt đầu tụng Chú Phật Đảnh Lăng Nghiêm Tâm (Chú Lăng Nghiêm). 

Bài chú này điều trị ngũ dục - khi chúng chưa kịp nảy sanh các mầm móng, khiến tâm chúng ta nhanh chóng được tinh thông, thấm nhuần và sẽ trực thẳng hiển bày Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh. Gọi là: Tịch nhiên và bất động. Là một cảm ứng và tự nhiên thông suốt vậy. 

Kế đến là niệm Chú Đại Bi, chú này có năng lực gội rửa tâm trần cấu. Sau khi giác ngộ đồng thể đại bi với tất cả, chúng ta tụng tiếp Thập Chú: 

1) Chú Như Ý Bảo Luân Vương: Khi tâm cấu nhơ đã thanh tịnh, chúng ta chuyển Pháp Luân Như Ý. 

2) Chú Tiêu Tai Kiết Tường: Ngăn trừ tai ương và đem tốt lành đến. Pháp luân càng thêm được tự tại. 

3) Chú Công Đức Bảo Sơn: Kiết tường đã hiển hiện trong tâm, chúng ta cư trú trên Núi Pháp Tánh và thu hoạch bảo công đức. 

4) Chú Chuẩn Đề: Tiêu trừ hoàn toàn những lo sợ chướng ngại, hầu Pháp Tánh có thể hiển hiện - là phương tiện cho quả thành công toại. 

5) Chú Quyết Định Quang Minh Vương: Quả thành công toại rồi, thì sẽ đem lại trí huệ thọ mạng cho chúng ta. 

6) Chú Dược Sư Quán Đảnh: Trí huệ thọ mạng đã phát rồi, thời lại càng như lưu ly hàm chứa bảo nguyệt bên trong. Lúc này, ánh sáng lưu dẫn, rưới trên đỉnh đầu chúng ta. 

7) Chú Quán Âm Linh Cảm: Khế hợp thâm diệu với năng lực nhĩ căn của Đức Quán Âm - cùng khắp Pháp Giới và sự linh cảm vô cùng tận. Như ánh nguyệt chiếu soi mà hãy còn tịch tĩnh, tịch tĩnh mà chiếu soi. 

8) Chú Thất Phật Diệt Tội: E rằng bổn nghiệp mông lung mờ mịt, nên phải tiêu diệt các nghiệp căn từ vô thỉ kiếp - từng ngăn cản trí huệ quang minh như vần nguyệt sáng của chúng ta. 

9) Chú Vãng Sanh: Nghiệp của chúng ta vốn là tịnh, nên hy vọng được Phật Di Đà quán đảnh xoa đầu, như để chứng minh rằng chúng ta sẽ vãng sanh Tịnh Độ. 

10) Chú Thiện Nữ Thiên: Là diệu quán cao tột nhất của tất cả đã diễn tả ở trên. 

Những bài chú này cũng nhau hợp thành sự diệu dụng của Pháp Tánh, khiến cho chúng ta nhanh chóng được toại nguyện. Tuy nhiên, dù đã được thâm nhập diệu quán do nhờ những bài mật chú, nhưng ta nên biết, tất cả đều là do ở chỗ nhất tâm quán niệm mà thành. 

Hơn nữa, để tránh sự chấp trước vào các cảnh quán tưởng, nên chúng ta tụng thêm Bát Nhã Tâm Kinh. Kinh chỉ thẳng và tâm thể bổn không, bởi sự tuyên bố khẳng định rằng tuyệt không trí huệ có thể đạt được. Ngay cả tướng không cũng là không. Vì thể, cảnh giới của trí huệ hiện rõ hiển nhiên trong toàn thể của nó - không một không khác. Nhị biên cực đoan bị trừ tuyệt và Tam Quán được viên dung. 

Tất cả mười hai bài chú trên của Mật Tông và một bài Kinh thuộc Hiển Tông cùng hổ trợ nhiếp thu lẫn nhau - lấy đó làm công đức đồng thời hồi hướng đến Tam Bảo long thiên, phổ cấp bốn ân, ba cõi, tám nạn ba đồ, quốc thái dân an, đàn tăng phước huệ, ba môn thanh tịnh, thập địa đốn siêu. 

Phần kết là kệ hồi hướng, kế đến chúng ta niệm Phật cầu thật chứng. Khi niệm một danh hiệu Phật, thời là bao hàm tất cả các danh hiệu chư Phật - bởi có sự bao gồm hỗ trợ của một với nhiều và sự hợp nhất hoàn toàn tương dung giữa mình và người khác.

Tiếp đến là niệm Mười Hạnh Phổ Hiền. Khi niệm, nên quán tưởng các đại nguyện này như là nguyện của chính mình. Và luôn phải thâm nhập những đại nguyện trực thẳng vào mỗi tâm niệm, mỗi lời lẽ và mỗi hành động của chúng ta. Kinh Hoa Nghiêm có giải thích về Mười Đại Nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền trong phẩm 40, chúng ta nên học hỏi để quen thuộc với ý nghĩa và nội dung của lời nguyện. 

Kết thúc khóa Công Phu Khuya là Tam Quy Y, tức gồm thâu công đức tụng niệm các bài chú cùng bài Kinh của Mật và Hiển Tông, hầu kết thành tự tánh Tam Bảo chúng ta. Chúng ta không cầu vay mượn quy y bên ngoài tự tánh của chính mình. Đại tổng tướng pháp môn của nhất tâm sẽ hiển hiện hoàn toàn. Lúc đó tức là lúc chúng ta hội ngộ được Như Lai Tạng.

Công Phu Chiều

Khi chiều xuống, chúng ta nên nhiếp thu tất cả các việc thiện lành để quy hướng về Tịnh Độ. Đây được xem như "tạo công lúc đầu và quy đức lúc cuối." Thế nên, đến lúc chiều tối thì tụng Kinh A Di Đà trước. 

Kinh này khiến chúng ta giác ngộ về cảnh vi diệu của y báo, chánh báo nơi cõi Cực Lạc. Chúng ta chuyên cần trì niệm danh hiệu Phật là nhân chánh đáng, hầu mong cho chúng sanh khởi tâm chán ngán, xa rời thế giới Ta Bà cực kỳ ô uế, mà vui thích đến cõi Cực Lạc hoàn toàn thanh tịnh. 

Với Chú Vãng Sanh, chúng ta cầu mong Phật A Di Đà tới xoa đầu, bạt trừ nghiệp chướng căn bổn và bảo chứng rằng chúng ta quyết định sẽ được vãng sanh về thế giới của Ngài. 

Tuy nhiên, nếu tâm của hành giả bị tạp loạn nhơ bẩn, thời nghiệp chướng sẽ không dễ gì tiêu trừ được. Vì vậy chúng ta phải nương tựa và bài văn sám hối phát nguyện: Con nay phát tâm, không vì tự cầu, cho đến nguyện cùng chúng sanh trong Pháp Giới đồng đắc Bồ Đề. 

Lễ Sám 88 Vị Phật, nhằm sám hối nghiệp căn từ vô thỉ kiếp. Với bài kệ Phổ Hiền Thập Nguyện thì khuếch rộng sâu xa như đã niệm lúc sáng sớm - những thời tụng niệm này giúp ta nhận ra Nhị Đế dung thông, Hải Ấn Tam Muội. 

Sau hai thời Kinh A Di Đà và Lễ Sám 88 Vị Phật, tiếp đến Thí Thực Mông Sơn là quảng độ cứu tế chúng sanh cõi u minh. Rồi niệm Bát Nhã Tâm Kinh, khiến họ hiểu rằng tội và phước không có chủ, người và pháp đều trống không, như vậy họ mới có thể liễu đạt Thật Tướng của các pháp. 

Một lần nữa, niệm Chú Vãng Sanh, mong được Phật A Di Đà phóng quang trên đỉnh đầu và hộ niệm chúng ta, biến lục đạo thành Tịnh Độ, các chúng hữu tình liền chứng đến Thập Địa. 

Kế đến là niệm danh hiệu Phật để hồi hướng công đức và cầu thật chứng. Rồi chúng ta kết thúc bằng Tam Quy Y. Tất cả các việc thiện có được trong ngày, từ thỉ đến chung, nhất nhất đều quy về tự tánh Tam Bảo - đưng nguyện Pháp Giới chúng sanh, phát vô thượng tâm, đồng viên chủng trí. Với hai thời tán tụng, chúng ta khấn cầu Ngài Vi Đà, chư thiên, và các vị thần Già Lam ủng hộ Tam Bảo, chống ngoại xâm để đem an ninh cho Chánh Đạo. 

Quốc Sư Ngọc Lâm - Thanh Triều (viên tịch năm 1676) 

Ban phiên dịch Việt ngữ Vạn Phật Thánh Thành

Âm lịch

Ảnh đẹp