Ta
hãy chiêm nghiệm lại câu chuyện của Thái Tử Siddhartha và cuộc chạm mặt đầu tiên
của Ngài với cái già, bệnh, chết, và với một sa môn du hành. Đây là một trong những đề tài gần
gũi, thân thương nhất trong truyền thống Phật giáo, phần lớn bởi tính
chất chân thành, thẳng thắn trong cảm xúc của vị hoàng tử trẻ. Chàng xem già, bệnh, chết như một đe doạ nghiệt ngã, và đã dồn tất
cả hy vọng của mình vào đời sống thiền định ở rừng, xem đó là lối thoát duy nhất.
Như đại thi hào Phật giáo Mã Minh (Asvaghosa) vẽ lại câu chuyện, vị hoàng tử trẻ
có không ít thân nhân, bạn bè tìm các thuyết phục chàng từ bỏ những tư tưởng ấy.
Mã Minh đã rất khôn ngoan viện dẫn lời khuyên tin chịu cuộc đời của họ dưới một
ánh sáng hết sức thuyết phục. Thế nhưng, thái tử nhận
ra rằng nếu theo lời khuyên của họ, chàng sẽ phản bội trái tim mình. Chỉ có chân
thành với cảm xúc chân thật của mình, chàng mới có thể dấn thân vào con đường
lìa xa những giá trị thường tình của xã hội, và hướng đến sự Giác Ngộ vô thượng
đi vào Bất Diệt Vô Sinh.
Đây
khó có thể là một câu chuyện khẳng định (tín thuận) cuộc đời, nhưng nó khẳng
định một điều khác quan trọng hơn cuộc đời: sự thật của trái tim khi trái tim khao khát một hạnh phúc tinh ròng, tuyệt đối.
Sức mạnh của ước nguyện này tùy thuộc vào hai xúc cảm mà tiếng Pali gọi là
samvega và pasada. Rất ít người trong chúng ta được nghe tới
chúng, nhưng chúng là những cảm xúc làm nền tảng ban đầu cho truyền thống của
đức Phật. Hai cảm xúc này đã gây cảm hứng cho vị hoàng tử trẻ đi tìm sự Giác Ngộ,
không những vậy, sau khi đã thành Phật, Ngài còn khuyên đệ tử của mình mỗi ngày
đều phải nuôi dưỡng và vun bồi chúng. Cách Ngài chăm sóc và đối xử với hai cảm
xúc này thật đặc thù, cho đến nỗi ta có thể xem đó là một trong những đóng góp
quan trọng nhất mà giáo lý đức Phật đã cống hiến cho văn hoá Mỹ hôm nay.
Samvega là cảm xúc mà Thái Tử Siddhartha đã cảm nhận khi lần đầu tiếp xúc
với già, bệnh, và chết. Đây là một từ khó dịch vì nó bao hàm nhiều mức độ phức tạp của cảm
xúc – ít nhất có ba tâm trạng trong cùng một lúc: cảm giác đè nặng do choáng sốc,
vỡ mộng, và chán ngán khi nhận ra sự phù phiếm, vô nghĩa của đời sống mà người
ta thường sống; cảm giác khiêm nhượng do nhận ra sự tự mãn và khờ dại của mình
khi để cho mình sống một cách mù quáng; cảm giác bồn chồn khắc khoải do ý thức
tính cấp bách của việc tìm cách thoát ra khỏi cái vòng quẩn quanh vô nghĩa này.
Đây là tâm trạng chúng ta đều đã có lúc trải qua trong quá trình trưởng thành,
nhưng tôi không tìm được một từ nào trong ngôn ngữ chúng ta có thể gói ghém đầy
đủ cả ba tâm trạng.
Có một từ như vậy rất ích lợi, có lẽ chúng ta nên du nhập
thẳng từ samvega
vào trong ngôn ngữ của mình.
Không phải chỉ cung cấp một từ ích lợi, nhiều hơn thế, đạo Phật còn cống hiến
một biện pháp hữu hiệu để đối phó với những cảm xúc đằng sau từ này - những cảm
xúc mà văn hoá chúng ta cảm thấy sợ hãi, đe doạ và lúng túng không biết đối phó.
Dĩ nhiên, không phải chỉ có văn hoá chúng ta mới bị đe doạ bởi cảm xúc
samvega. Trong truyện của Siddhartha, phản ứng của vua cha trước khám phá
của ông hoàng trẻ đại diện cho cách mà hầu hết các văn hoá dùng để đối phó với
các tình cảm này: Nhà vua đã tìm cách thuyết phục thái tử rằng tiêu chuẩn hạnh
phúc của thái tử là quá đáng, không thể nào với tới, đồng thời vua cũng tìm cách
làm xao lãng tâm trí của thái tử bằng các liên hệ tình cảm, và đủ mọi thứ dục
lạc trên đời. Nói đơn giản, biện pháp của vua là làm cho hoàng tử hạ thấp mục
tiêu của mình và tìm sự thoả mãn nơi một hạnh phúc ít hơn là tuyệt đối, và không
mấy gì tinh thuần.
Nếu chàng hoàng tử trẻ sống ở Hoa Kỳ thời bây giờ, người cha sẽ có
những phương tiện khác để đối phó với sự không thoả mãn của chàng, nhưng biện
pháp về bản chất vẫn giống hệt. Chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng
người cha đưa chàng đến một cố vấn tôn giáo, người này sẽ dạy hoàng tử tin tưởng
rằng những gì Thượng-đế tạo ra trên cơ bản đều tốt cả, và đừng chú trọng đến
những khía cạnh của đời sống có thể gieo rắc nghi ngờ lên niềm tin ấy. Hoặc người cha đưa hoàng tử đến một nhà tâm lý trị liệu, người này
sẽ đối xử với các xúc cảm samvega như chứng bệnh không có khả năng chấp
nhận thực tại. Nếu các liệu pháp không có kết quả, nhà
tâm lý trị liệu có thể sẽ kê đơn cho hoàng tử những loại thuốc có ma túy làm
biến đổi tâm trạng để làm tê liệt cảm xúc này nơi chàng, khiến chàng có thể trở
thành một thành viên hữu hiệu, dễ thích nghi của xã hội.
Nếu
người cha là người cấp tiến, ông có thể sẽ tìm một vị giáo thọ hay Pháp sư,
người sẽ khuyên hoàng tử tìm hạnh phúc trong những niềm vui mầu nhiệm nho nhỏ
của đời sống - một tách trà, một buổi đi bộ trong rừng, chủ nghĩa hoạt động xã
hội, xoa dịu nỗi đau của người khác. Chàng sẽ được bảo chớ bao giờ bận tâm rằng
các hạnh phúc kia sẽ bị rút ngắn vì già, bệnh, và chết.
Giây phút hiện tại là tất cả những gì chúng ta có, vậy chúng ta cần phải làm sao
để thưởng thức cái vị ngọt pha lẫn chất đắng mà mình
được nếm, và đừng tìm cách níu lại những niềm vui ngắn ngủi khi chúng qua đi.
Ông
hoàng dũng cảm mà chúng ta được biết trong câu chuyện chắc chắn sẽ không chấp
nhận bất kỳ một lời khuyên nào theo
kiểu tốt bụng ấy. Chàng xem đó là sự tuyên truyền cho một đời sống âm thầm tuyệt
vọng, kêu gọi chàng phản bội trái tim
mình. Nhưng nếu không tìm được sự khuây khoả nào trong những
nguồn yên ủi ấy, chàng sẽ đi đâu trong xã hội của chúng ta? Không giống
Ấn Độ thời đức Phật, chúng ta không có con đường nào khác - được định rõ và được
xã hội chấp nhận – ngoài con đường trở thành những thành viên sản xuất kinh tế
cho xã hội. Thậm chí các dòng tu cũng được đánh giá cao vì khả
năng cung cấp bánh mì, mật ong, và rượu vang cho thị trường. Và hoàng tử
có lẽ sẽ không có con đường nào khác ngoài con đường gia nhập vào hàng
ngũ những người lang thang và thoát ly, những người cấp tiến và cách mạng,
những người sống bên lề xã hội.
Hoàng tử sẽ khám phá ra nhiều tâm hồn đẹp và nhạy cảm trong những
nhóm người này, nhưng không có một khối tích tập những tuệ giác uyên áo, đã được
kiểm chứng để chàng tham khảo. Có người sẽ đưa cho chàng một quyển sách của Thoreau[1] hay Muir[2], nhưng những điều họ viết chẳng mang lại
cho chàng một phân tích thoả đáng nào về già, bệnh, chết, và cũng không mang lại bất kỳ một lời khuyên nào để vượt
thoát chúng. Và bởi vì không có một mạng lưới an
toàn nào cho những người sống bên lề xã hội, chàng thấy mình phải bỏ quá nhiều
năng lượng vào các vấn đề cơm áo, và còn quá ít thời giờ hay năng lượng để tìm
giải pháp riêng mình cho vấn đề samvega. Chàng sẽ biến mất không còn tăm tích,
dở dang sự nghiệp giác ngộ - có thể trong vùng núi Utah, hay trong một khu rừng Yukon
nào đó.
May
mắn thay cho chúng ta, hoàng tử được sinh ra trong một xã hội có sự yểm
trợ và tôn trọng cho những người sống thoát ly. Điều này đã cho chàng cơ hội để tìm giải pháp cho vấn đề samvega,
mang lại công bằng cho sự thật trong trái tim chàng.
Bước
đầu tiên trong giải pháp này được biểu trưng trong câu chuyện Siddhartha qua
phản ứng của thái tử với người thứ tư mà chàng gặp khi du hành ngoài cung điện:
vị sa
môn du hành. Tâm trạng lúc này của chàng có tên là pasada, một loại cảm
xúc đa chiều khác, thường được dịch là ‘niềm tin trong sáng và trầm tĩnh’ (‘niềm
tin thanh tịnh’ hay ‘tâm tịnh tín.’) Đây là cảm xúc giữ không cho samvega biến thành tuyệt vọng.
Trong trường hợp của thái tử, chàng đã ý thức rõ tình trạng hiểm nguy của mình,
và ý thức về con đường thoát khỏi tình trạng ấy, đưa đến chỗ vượt ra ngoài già,
bệnh, chết, đồng thời tin tưởng rằng con đường này sẽ thành công.
Như
các giáo lý ban đầu của Phật giáo công khai thừa nhận, tình trạng hiểm nguy của
chúng ta chính là cái vòng sinh, già, bệnh, chết hết sức vô nghĩa. Các giáo lý
này không hề chối bỏ sự thật này, và cũng không bắt chúng ta phải lừa dối chính
mình hay nhắm mắt trước thực tại. Như một vị thầy đã nói: sự công nhận thực tại
khổ đau của đạo Phật – quan trọng đến độ đặt khổ vào vị trí của thánh đế thứ
nhất – là một món quà, bởi vì nó thừa nhận kinh nghiệm trực tiếp và nhạy cảm
nhất của chúng ta, một kinh nghiệm mà rất nhiều truyền thống khác tìm cách chối
bỏ.
Từ
chỗ này, các giáo lý nguyên thỉ bảo ta hãy trở nên nhạy cảm hơn nữa, cho đến mức
nhận ra nguyên nhân đích thực của khổ đau không phải nằm ở ngoài
kia – nơi xã hội hay nơi kẻ khác – mà nằm ở trong này, nơi sự
thèm khát (ái) có mặt trong tâm mỗi người. Các giáo lý này
cũng xác nhận rằng có sự kết thúc của khổ, sự giải thoát khỏi vòng sinh tử.
Và chúng chỉ ra con đường đưa đến sự giải thoát ấy, qua việc tu tập phát triển
các phẩm chất cao quý tiềm ẩn trong tâm cho đến mức loại trừ được sự thèm khát (ái)
và mở ra cửa ngõ Vô Sinh. Tóm lại, tình trạng hiểm
nghèo của chúng ta có một giải pháp thiết thực, nằm trong khả năng của mỗi con
người.
Giải
pháp này cũng là một thứ vàng không sợ lửa, sẵn sàng đương đầu với mọi săm soi,
thử nghiệm - một dấu hiệu chứng tỏ sự tự tin của đức Phật nơi giải pháp mà Ngài
đã tìm ra cho vấn đề samvega. Đây là một trong những khía cạnh của đạo
Phật chân chính có sức thu
hút mạnh nhất đối với những người đã chán bị khuyên can hãy chối bỏ những tuệ
giác tạo nên cảm xúc samvega nơi họ lúc ban đầu.
Trên thực tế, đạo Phật nguyên thỉ không phải chỉ tự tin rằng nó có
thể đối phó những cảm xúc samvega, nó còn là một trong số rất ít tôn giáo
chủ động nuôi dưỡng và vun bồi những cảm xúc này đến mức cực độ. Giải pháp cho các vấn đề cuộc đời của đạo Phật
đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, mà chỉ có cảm xúc samvega mạnh mẽ mới giữ không
cho hành giả rơi tuột trở lại con đường cũ của mình. Cho nên đức Phật đã
khuyên tất cả Phật tử, dù nam hay nữ, dù tại gia hay xuất gia, mỗi ngày đều nên
quán niệm về già, bệnh, chia lìa, và chết -- để phát triển những cảm xúc
samvega – và quán niệm về sức mạnh của tự nghiệp (hành động của mỗi người)
, để nâng samvega lên một bước nữa, đó là pasada.
Với
những người có ý thức samvega thật mạnh mẽ, muốn cắt bỏ những ràng buộc
xã hội ngăn không cho họ đi theo con đường đưa đến sự chấm dứt khổ, đạo Phật cho
họ một kho tàng trí tuệ đã được chứng minh từ lâu để tham khảo, đồng thời cũng
cho họ một mạng lưới an toàn: tăng thân xuất gia, một thể chế giúp họ có thể rời
khỏi đời sống tại gia mà không phải lo lắng chuyện cơm áo sinh nhai. Với những
người không thể từ bỏ những ràng buộc xã hội, giáo lý đức Phật cống hiến cho họ
cách sống trong cuộc đời mà không bị cuộc đời chế ngự, sống một đời sống rộng
rãi (thí), đức hạnh (giới), và thiền tịnh để làm mạnh thêm các phẩm chất cao quý
trong tâm, những phẩm chất đưa đến sự chấm dứt khổ.
Liên hệ hỗ tương mà đạo Phật thiết lập cho hai nhánh xuất gia và tại
gia trong cộng đồng Phật giáo (parisa) bảo đảm mỗi bên đều được lợi lạc
trong sự giao tiếp. Sự yểm trợ của người tại gia bảo đảm cho
người xuất gia không phải quá lo lắng về thực phẩm, y phục, và chỗ ở; lòng biết
ơn trước sự bố thí vô điều kiện của người tại gia sẽ giúp giữ gìn cho người xuất
gia không trở nên những kẻ bất xứng hay chán ghét con người. Trong khi đó,
sự tiếp xúc với người xuất gia giúp người tại gia hướng về một viễn cảnh khác
trong đời sống, nuôi dưỡng năng lượng samvega
và pasada mà họ cần phải có để không trở nên ù lì, tê liệt bởi sự tuyên
truyền duy vật của nền kinh tế hiện hành.
Thái
độ của đạo Phật đối với đời sống đã trau dồi samvega – công khai thừa
nhận sự vô nghĩa của vòng sinh, già, và chết – và phát triển samvega trở
thành pasada: tin tưởng vào con đường đưa đến sự Vô Sinh Bất Tử. Con
đường này bao gồm không chỉ sự truyền thừa, mà còn cả một thể chế xã hội (tứ
chúng) giúp nó được nuôi dưỡng và bảo tồn. Đó là tất cả những
gì xã hội chúng ta đang hết sức cần. Thật hổ thẹn thay, trong những nỗ
lực hiện nay của đạo Phật nhập theo xu thế xã hội,
samvega
và pasada là những khía cạnh của truyền thống mà người ta thường xuyên lờ
đi, không nói đến. Chúng ta quên rằng một trong những nguồn sức mạnh của đạo
Phật là khả năng rút một chân ra khỏi dòng chảy cuộc đời, và biểu tượng truyền
thống cho sự tu hành là vượt qua dòng để đến bờ bên kia.
Tôi hy vọng chúng ta sẽ bắt đầu nhớ lại những điều này, đưa chúng vào trong
tim
óc, để trong nỗ lực đi tìm một đạo Phật dễ dàng rao giảng, chúng ta không đến
nổi phải bán hết lúa giống.
Việt dịch: TN Chân Giải Nghiêm
(Nguyên tác: ‘Affirming the Truths of the Heart - The
Buddhist Teachings on Samvega & Pasada’ của Thanissaro Bhikkhu
[1] Henry David
Thoreau (1817-1862) tác giả người Mỹ, có nhiều tác phẩm về triết học, có nhiều
tư tưởng cách mạng như bãi bỏ chế độ chủ nô, cá nhân có thể kháng cự guồng máy cai trị vì lý do đạo đức và công bình. Ông
cũng viết về lịch sử và triết học tự nhiên, trong đó tiên liệu những phương pháp
và tìm tòi cho ngành sinh thái học và ngành lịch sử sinh môi, hai ngành quan
trọng của thuyết sinh môi hiện đại.
[2] John Muir (1838-1914) một trong những nhà bảo vệ sinh môi đầu tiên
của thời hiện đại. Các bài luận văn và sách của ông kể về những cuộc thám
hiểm thiên nhiên và về đời sống của loài vật nơi hoang dã, đặc biệt là cuốn
Sierra Mountains of California thời ấy đã được hàng triệu người đọc và đến nay
vẫn còn lưu hành rộng rãi. Những hoạt động và triết lý của ông
đã ảnh hưởng mạnh đến phong trào bảo vệ môi sinh đương đại.