Đây
là biểu tượng của sự may mắn, đã từng xuất hiện lần đầu khoảng 16.000
đến 14.000 trước công nguyên. Biểu tượng này được lấy ý tưởng từ việc
quan sát vũ trụ, hệ mặt trời, nó thể hiện nơi phát sinh ra nguồn sống vô
tận, và sự vĩnh hằng. Trong tín ngưỡng Ấn Độ giáo, chữ Vạn được đồng
hóa với thần Vishnu và được liên kết với thần Shiva và việc thờ rắn thần
Nagar.
Chữ Vạn được coi là biểu tượng của Phật
giáo, hàm chứa Phật tính. Đây là một trong 80 vẻ đẹp của Phật. Trong
truyền thống đạo Bon bản địa của Tây Tạng, chữ Vạn là biểu tượng của sự
vĩnh hằng, bất biến. Chữ svastika của đạo này quay ngược chiều kim đồng
hồ, hoặc cùng chiều kim đồng hồ
Chữ Vạn được xuất
hiện trên ngực hoặc trên lòng bàn tay và gót chân của Phật hoặc các
Jinas. Nó còn được dùng làm hoa văn trang trí trên vải, tạo thành đường
viền cho mẫu thiết kế.
Trong thực tiễn của Pháp
Luân Đại Pháp, biểu tượng Pháp Luân bao gồm cả các ký hiệu chữ vạn và ký
hiệu âm dương (ở Trung Quốc được gọi là ký hiệu Thái Cực). Các cách tu
luyện cổ xưa của trường phái Đạo đã luôn xem các ký hiệu âm dương là mẫu
thu nhỏ của vũ trụ. Tương tự như vậy, các cách tu luyện của trường phái
Phật xem hình chữ vạn là đại diện cho vũ trụ.
Nhìn
gần vào các thiên hà dưới đây, quý vị có thể tự mình thấy tại sao những
người cổ xưa lại nghĩ hình chữ vạn và ký hiệu âm dương là đại diện đầy
đủ cho vũ trụ.
CHỮ VẠN QUAY THEO CHIỀU NÀO ĐÚNG?
Những
nhà Phật học không thống nhứt nhau về chiều quay của chữ Vạn, mỗi nhà
nêu ra một cách, xin lược kê ra sau đây: Lấy 2 mẫu chữ VẠN bên trên:
- mẫu A: 卐 chiều quay ngược chiều kim đồng hồ.
- mẫu B: 卍 chiều quay cùng chiều kim đồng hồ.
1. Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu, trang 68:
Chữ
nầy trong kinh truyện không có, chỉ trong nhà Phật có thôi. Nhà Phật
nói rằng: khi Phật giáng sinh, trước ngực có hiện ra hình chữ Vạn 卐 (A),
người sau mới biết chữ ấy.
Song, Vạn (A) nguyên
là hình tướng chớ không phải là chữ, cho nên dịch là cát tường hải vân
tướng, mà theo cái hình xoay về bên hữu (A) là phải hơn. Vì xem như
nhiễu Phật thì nhiễu về bên hữu, hào quang của Phật ở khoảng lông mày
phóng ra cũng xoay về bên hữu, thì viết xoay về bên hữu mới là tướng cát
tường, có chỗ làm xoay về bên tả (B) là lầm.
Vậy theo Thiều Chữu, hình chữ Vạn (A) đúng, (B) sai.
2. Phật học Từ Điển của Đoàn Tr. Còn, tr 600, Q.3:
VẠN TỰ: Svastika, chữ Vạn 卍 (B) cũng kêu Kiết tường.
Ấy
là một chữ linh bên Ấn Độ, chữ ấy có sức đưa lại, nêu ra các điểm tốt
lành, vui vẻ, phước đức. Vì vậy nên gọi là: Kiết tường, Vạn tự, Đức tự.
Sức lành của chữ Vạn 卍 (B) sâu rộng như biển, cao lớn như mây.
NÊN
CHÚ Ý: Không nên viết chữ Vạn ngược, vì các nhà học đạo cho là 4 cái
đầu lửa, quay thuận chiều thì diệt sạch các phiền não, đem lại sự an
lạc; mà quay nghịch chiều thì thiêu hủy các công đức, các thiện căn,
thật rất nguy hại!
Vậy theo Đoàn Trung Còn, hình chữ Vạn (A) sai, (B) đúng.
Điều
nầy trái ngược với Thiều Chửu mà chúng ta đã thấy ở phần 1 bên trên.
Nhưng cả hai ông đều không giải thích được lý do tại sao: chữ Vạn quay
theo chiều nầy thì cát tường, quay theo chiều ngược lại thì nguy hại.
Cả hai vị đều không nêu ra được cái lý do xác đáng và có sức thuyết phục mà người ta không thể bài bác được.
3. Từ Điển Phật Học Hán Việt của Giáo Hội PGVN Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, chủ biên Kim Cương Tử, Q2 tr1822:
VẠN TỰ: Svastika hoặc Srivatsalaksara (thuật ngữ).
Chữ
Vạn có hình dáng là: Vạn (A). Đây là tướng biểu thị sự tốt lành lưu
truyền ở Ấn Độ, Phật giáo, Bà La Môn giáo, Kỳ Na giáo, đều sử dụng. Sớm
nhất là trên tượng Phạm Thiên, Visnu, Krisna. Âm tiếng Phạn là
Thất-lị-mạt-sa-lạc-sát-nẵng, tức là tướng hải vân cát tường.
Các tôn sư Cư-ma-la-thập, Huyền Trang dịch là Đức.
Bồ
Đề Lưu-Chi đời Ngụy trong Thập Địa Kinh Luận quyển 12 dịch tiếng nầy là
chữ VẠN (Vạn tự), trong đó Thất-lị-mạt-sa tức là chữ Vạn (A) dịch là
Vạn với nghĩa là công đức viên mãn, nên có nghĩa là hải vân cát tường,
còn dịch là không có lầm lỗi. Chỉ có lạc-sát-nẵng dịch là Tự (chữ). Đây
là sự lầm lẫn với từ ác-sát-na. Tiếng Phạn lạc-sát-nẵng tức là tướng
ác-sát-na là Tự.
Nay chữ Vạn (A) là tướng chớ không phải Tự (chữ), vậy nên có thể dịch là: cát tường hải vân tướng, tức là vạn tướng.
Thế
nhưng hình dáng nầy vòng bên phải là Vạn (A) tương tự như khi kính lễ
Đức Phật, hoặc vòng về bên phải ba vòng, tương tự như sợi lông trắng ở
giữa hai lông mày của Đức Phật chuyển vòng về bên phải. Tóm lại coi việc
vòng về bên phải là tốt lành (cát tường).
Xưa
nay, có khi viết là Vạn 卍 (B) là nhầm. Cao Ly Bản Tạng Kinh và Tuệ Lâm
Âm Nghĩa quyển 21, Hoa Nghiêm Âm Nghĩa đều viết là Vạn 卐 (A).
Lại nữa, để biểu thị tướng vòng về bên phải, nên ghi là
Theo
thuyết của Kinh Đại Thừa thì điều đó biểu thị tướng cát tường trên ngực
của Đức Phật và Thập Địa Bồ Tát. Đây là một trong 32 tướng tốt.
Theo
thuyết của Tiểu Thừa thì tướng nầy không chỉ giới hạn ở ngực. Xét hình
Vạn (A) nầy là tướng tốt lành của bậc Phạm Thiên. Phàm khi vẽ các bức
tôn tượng đều có vẽ hình Vạn (A) nầy, ở trong khuôn vẽ hình thể làm
pháp, đó là hình ngọn lửa cháy rực. Pháp của Phạm Thiên coi lửa là thanh
tịnh nhất, cát tường nhất, nên sáng tạo ra tướng nầy.
Vậy theo Kim Cương Tử và các Hòa Thượng soạn giả, hình chữ Vạn (A) đúng, (B) sai.
4. Theo Từ Điển Phật Học VN của Thích Minh Châu - Minh Chi, trang 757:
"VẠN:
Một trong 32 tướng đẹp của Phật, vị trí trên ngực của Phật. Nó biểu thị
công đức vô lượng của Phật, lòng từ bi và trí tuệ vô lượng của Phật.
Là phù hiệu, không phải là chữ viết.
Viết xoay bên trái, hay bên phải, đều được, tuy rằng có một số nhà Phật học tranh luận nhau về hướng xoay của phù hiệu nầy.
Nhà độc tài Phát xít Hitle cũng dùng phù hiệu nầy cho Đảng áo nâu của mình, nhưng đặt nghiêng.
Vậy,
theo Tiến sĩ Triết học Hòa Thượng Thích Minh Châu và nhà Phật học Minh
Chi thì chữ Vạn (A) hay (B) đều được cả, vì sự tranh luận của hai nhóm
Phật học về chiều quay của chữ Vạn không bên nào đạt được lý lẽ thuyết
phục.
5. Vài ý kiến khác:
*
Có học giả so sánh chiều quay của chữ Vạn với chiều tương sinh trong
Ngũ Hành (Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ) đặt theo 4 hướng Tây, Bắc, Đông, Nam
và Trung ương, và cho rằng: chữ Vạn quay theo chiều kim đồng hồ thì
cùng chiều tương sinh của Ngũ Hành, mới đem lại sự an lạc, công đức viên
mãn, cát tường; còn nếu quay ngược với chiều tương sinh của Ngũ Hành
thì nó thiêu hủy hết công đức, đem lại phiền não, rất nguy hại.
Nhưng
có điều là tại sao lại liên kết chiều quay của chữ Vạn với chiều tương
sinh của Ngũ Hành? Giữa hai chiều nầy có gì liên hệ nhau? Tại sao không
so sánh chiều quay của chữ Vạn với chiều quay của trái đất tự quay hay
chiều quay của các địa cầu quanh mặt trời, tức là chiều quay tự nhiên
trong vũ trụ? Đây mới thực là chiều quay tự nhiên, thuận dòng tiến hóa
và Thiên lý; còn chiều tương sinh của Ngũ Hành chỉ là chiều qui ước do
con người đặt ra mà thôi, không phải là chiều tự nhiên, hay chúng ta bị
chữ tương sinh ám ảnh: "tương sinh" của Ngũ Hành cũng tương sinh công
đức?
* Cũng có vài học giả cho rằng: Khi xưa, vẽ
hình chữ Vạn quay theo chiều kim đồng hồ: Vạn 卍 (B), tượng trưng Nhứt
bổn tán vạn thù; ngày nay là thời kỳ Vạn thù qui nhứt bổn, nên phải vẽ
chữ Vạn quay theo chiều ngược lại: Vạn 卐 (A).
*
Việc tranh cãi chiều quay của chữ Vạn, chiều nào đúng, chiều nào sai,
đều căn cứ trên những nhận thức riêng của mỗi người hay mỗi nhóm người,
nhưng không có cơ sở nào đủ sức thuyết phục một cách tuyệt đối, cho nên
chúng ta không thể kết luận một cách khách quan bên nào hoàn toàn đúng,
bên nào hoàn toàn sai.
Việc nầy giống như việc tranh cãi của hai người nói về sự xa và gần của mặt trời lúc sáng sớm và lúc trưa.
-
Ông nầy thì cho rằng, buổi sáng sớm nhìn thấy mặt trời lớn hơn lúc buổi
trưa. Vậy thì lúc sáng sớm, mặt trời ở gần nên thấy nó lớn, còn buổi
trưa mặt trời ở xa hơn nên thấy nó nhỏ hơn.
- Ông
kia cãi lại: buổi sáng sớm trời mát chứng tỏ mặt trời ở xa, còn buổi
trưa thì nóng bức chứng tỏ mặt trời ở gần hơn, giống như khi ta đứng gần
đống lửa vậy.
Hai ông có hai cái nhìn khác nhau
đối với cùng một sự kiện nên có hai nhận định trái ngược nhau, ai cũng
có lý cả, nên dầu cãi nhau cho đến tận thế thì không ai thắng ai và cũng
không ai thua ai. Nhưng chân lý vẫn có một.
Kết luận:
Hình
chữ Vạn quay theo chiều ngược kim đồng hồ (mẫu A) hay quay cùng chiều
kim đồng hồ (mẫu B) thì đó chỉ là hai cái nhìn khi đứng ở hai vị trí
trước mặt hay sau lưng của cùng một chữ Vạn mà thôi.
Trên
nóc tháp chuông của Báo Ân Từ trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh, có gắn
hình chữ VẠN: nếu chúng ta đứng trước Báo Ân Từ tại cột phướn nhìn lên,
chúng ta thấy chữ Vạn theo (mẫu A) tức là quay ngược chiều kim đồng hồ;
nếu chúng ta bước đến ngang hông Báo Ân Từ nhìn lên, tức là nhìn phía
sau lưng chữ Vạn thì thấy theo 卍 (mẫu B) nghĩa là quay theo chiều kim
đồng hồ.
Chữ Vạn tượng trưng chơn lý, và chơn lý
nầy chỉ có một. Nhưng tùy theo vị trí đứng nhìn mà thấy chơn lý theo
kiểu nầy, mang hình thức nầy; nếu đứng ở vị trí khác nhìn chơn lý thì
thấy chơn lý theo kiểu khác với hình thức khác. Khi chúng ta hợp lại tất
cả nhận thức, hợp lại tất cả kiểu dáng của tất cả sự mô tả chơn lý thì
may ra chúng ta mới có thể hiểu được chơn lý một cách toàn vẹn đủ các
mặt.
Cho nên, chúng ta không nên lấy cái quan điểm
riêng của mình, ở tại vị trí của mình với cái nhìn của mình mà cho
rằng, chỉ có mình là đúng, rồi phê bình chê bai những nhận thức khác là
sai.
Chữ Vạn tượng trưng điều lành, điều tốt đẹp, vì nó hiện ra trên ngực của Đức Phật,
nó là một trong 32 tướng tốt của Phật. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng,
nếu chữ Vạn quay theo chiều nào đó thì nó thiêu hủy công đức. Cái công đức của ta, chỉ có những việc làm sai trái của ta mới tiêu hủy được công đức của ta, như cái lửa giận của ta chẳng hạn, ngoài ra không có điều gì bên ngoài khác mà thiêu hủy được công đức của ta.
Chúng
ta cứ để mặc cho chữ Vạn quay tự do theo chiều quay của nó mà không cần
bàn cãi, chúng ta cố gắng lo làm tròn nghĩa vụ của mình, lập công bồi
đức càng nhiều càng tốt, vì cái công đức nầy mới đem chúng ta lên những
ngôi vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.