Và tôi tin rằng, năng lượng hạnh phúc ấy sẽ nuôi dưỡng cho những
hành động kế tiếp của mình.”
Gần đây, một tạp chí Phật Học có đăng thư một độc giả hỏi vị
giáo thọ phụ trách, “Tôi vừa mới được quy y và bắt đầu học Phật, tôi
thấy con đường này mênh mông quá.
Tôi có một khó khăn là không biết mình nên bắt đầu từ nơi đâu đây?
Những giáo lý về sanh diệt, tác ý, nghiệp quả, duyên sinh... cái nào
cũng rất là quan trọng và cần thiết. Và tôi cũng được hướng dẫn ngồi
thiền. Nhưng ngoài chiếc gối ngồi thiền ra, ta phải bắt đầu ở nơi đâu
đây?”
Vị giáo thọ trả lời, “Tôi nghĩ câu cuối bạn viết trong thơ
cũng chính là một gợi ý cho câu trả lời ấy: ta phải bắt đầu nơi đâu
ngoài chiếc gối ngồi thiền của mình? Thật ra thì sự thực tập của ta bắt
đầu khi mình đứng dậy và bước khỏi chiếc tọa cụ, trở về với cuộc sống
hằng ngày. Nơi ấy chắc chắn ta sẽ phải đối diện với những việc gây cho
mình sự lo âu, bực dọc, bất an... Chúng làm lu mờ cái thấy của ta,
khiến mình không còn khả năng mở rộng con tim ra được nữa. Và nơi đó
mới là sự tu tập của ta.
Tôi thích câu này của nhà thơ Rumi, ‘Có
một ngàn cách để ta quỳ xuống và hôn mặt đất.’ Cũng thế, trong một
ngày bình thường tôi nghĩ cũng có ngàn việc xảy ra để khiến cho ta lo
âu và phiền não. Mà cái ước vọng cao xa của ta về con đường tu học cũng
là một trong những nguyên nhân gây cho mình khổ đau.
Sự thực
tập hằng ngày của tôi là ý thức được những gì đã gây cho tôi sự bất an,
để rồi bị chúng sai xử, cho dù là nhỏ nhặt đến đâu. Tôi tập nhận diện
và chăm sóc cho chúng. Tôi thường nói với người khác rằng, ‘sự thực tập
của tôi là để tự mình chứng thực được lời hứa về Diệt đế của đức Phật,
rằng hạnh phúc là điều mà ta có thể chứng nghiệm được’. Và tôi tin
rằng, năng lượng hạnh phúc ấy sẽ nuôi dưỡng cho những hành động kế tiếp
của mình.”
Mà thật vậy, ta có học bất cứ một giáo lý nào thì
rồi cuối cùng đó cũng phải là sự sống của mình. Chúng ta rồi cũng phải
đặt quyển kinh xuống, đứng dậy khỏi chiếc gối ngồi thiền, để bước về và
tiếp xúc với cuộc sống chung quanh. Và ở nơi đó chắc chắn sẽ có những
khó khăn, lo âu, phiền não… chờ đợi ta. Và ta sẽ làm gì với chúng, tiếp
xử chúng như thế nào, đó mới chính thật là con đường tu học của mình.
Đâu cần phải là một điều gì lớn lao
Chúng
ta thường đặt câu hỏi là làm thế nào để cho sự thực tập của mình có
nhiều hiệu quả hơn, mang lại lợi ích lớn lao hơn? Câu hỏi ấy tuy cần
thiết, nhưng tôi thấy tự nó chưa được chính xác lắm. Tôi nghĩ ta nên hỏi
là làm thế nào để cho sự tu tập của mình được chân thật hơn.
Chuyện
kể, thời Phật còn tại thế có một bà lão nghèo khổ ăn xin độ nhật. Một
hôm, vua A Xà Thế có cho tổ chức một lễ hội cúng dường đức Phật tại
tịnh xá Kỳ Viên. Bà lão nghĩ rằng, “Một đời mình đói khổ, lại già nua,
sắp hết tuổi trời, nếu lễ hội này không gặp Phật cúng dường thì không
bao giờ được gặp Ngài”. Nghĩ vậy, bà lão vừa lần hồi xin ăn dọc đường,
vừa đi đến gần Kỳ Viên tịnh xá.
Khi đến gần Kỳ Viên, bà lão thấy
một cảnh tượng huy hoàng, tráng lệ chưa từng thấy, ngựa xe chen chúc,
nhộn nhịp trên những con đường dẫn về tịnh xá. Những ngọn đèn sơn son
thếp vàng rực rỡ của hạng vua quan đại thần, bên cạnh những ngọn đèn
nhỏ hơn của hàng thứ dân, đủ mọi màu sắc sáng choang treo hai bên
đường.
Bà lão biết mình chỉ có khả năng cúng dường Phật một ngọn
đèn nhỏ mà thôi. Bà dốc hết cả gia tài chỉ được 2 xu, để mua cây đèn
nhỏ và chút dầu thắp. Bà lão treo chiếc đèn nhỏ bé leo lét của mình lên
một cành cây và hướng về tịnh xá. Ba ngày đêm trôi qua, những tràng
hoa héo rủ, những ngọn đèn khác lần lượt cạn dầu rồi tắt ngúm. Chỉ
riêng ngọn đèn nhỏ của bà lão nghèo ăn xin vẫn còn tiếp tục cháy sáng
mãi...
Trên con đường tu học thật ra ta đâu cần dâng tặng cho
cuộc đời một điều gì lớn lao lắm. Lý thuyết tuy mênh mông nhưng con
đường thực hành rất đơn giản: tập tha thứ, bớt dính mắc, bước được
những bước thong dong... Chỉ cần giữ cho ngọn đèn dầu nhỏ của ta được
trong và sáng mãi trong tâm, là ta cũng đã dâng tặng hạnh phúc cho cuộc
đời này rất nhiều rồi. Dẫu biết rằng, những gì chân thật và đơn giản
lại là những điều khó làm nhất.
Chiếc áo choàng thanh tịnh
Tôi
nghĩ sự tu học của chúng ta phải cụ thể, nó phải có khả năng chuyển
hóa và tháo gở những khó khăn ngay trong cuộc sống này, chứ không phải
chỉ có mặt trên tọa cụ mà thôi. Chúng ta có thể nghĩ rằng, giải thoát
có nghĩa là mình được sinh lên một cảnh giới nào khác cao đẹp hơn, như
là Tịnh độ hay là một Cõi trời. Nhưng thật ra, tháo gỡ được những khó
khăn, phiền muộn của mình trong cuộc sống cũng đã là một giải thoát lớn
rồi phải không bạn?
Đức Phật có dạy một phương cách giúp chúng
ta thể hiện được điều ấy là thực tập hơi thở có ý thức. Hơi thở có
năng lượng làm cho thân ta trở nên thanh nhẹ, và tâm ta được an vui.
Mỗi khi ta có một sự căng thẳng, lo âu, hay sợ hãi nào đó, ta hãy quay
lại và tự hỏi, “Hơi thở của tôi trong giờ phút này là như thế nào?” Và
rồi, “Bây giờ tôi nên thở như thế nào để thân tôi được buông thư và dễ
chịu hơn?”
Bạn biết không, mỗi khi ta cảm thấy bất an hoặc lo
âu, nó sẽ phát sinh lên một sự căng thẳng trong thân. Và thường thì ta
phản ứng bằng hai cách: một là dồn nén nó lại bên trong, hai là bộc lộ
nó ra bên ngoài qua lời nói và hành động của mình. Nhưng đức Phật có
dạy cho ta một phương cách thứ ba, thiện xảo hơn, là dùng hơi thở của
mình để chuyển hóa sự căng thẳng ấy.
Chúng ta có thể mang hơi
thở ý thức để ôm ấp một khó khăn, hay nỗi đau nào đó, đang có mặt trong
cơ thể. Hơi thở tỉnh giác, nhẹ và sâu, sẽ làm phát khởi lên trong ta
một cảm giác khinh an và toàn vẹn. Và ta có thể mang cảm giác thanh
tịnh ấy ôm ấp lấy toàn thân của mình. Trong kinh, Phật có cho một ví dụ
rất hay. Ngài nói cũng giống như khi ta khoác lên thân mình một tấm áo
choàng, không nơi nào trên cơ thể mà không được chiếc áo ấy bao phủ.
“Lại nữa, này các Thầy, hãy lấy tâm thanh tịnh và ý thức về sự thanh
tịnh ấy của mình mà bao trùm cả thân thể mình, làm cho toàn thân thể
mình không có chỗ nào mà không được bao trùm bởi tâm thanh tịnh ấy,
cũng như một người kia choàng lên một cái áo dài tới bảy hoặc tám sải,
từ đầu tới chân, không nơi nào mà thân thể không được chiếc áo ấy bao
phủ.” Và khi thân ta được khinh an, nhẹ nhàng thì tâm ta cũng sẽ được
thư thái, an vui.
Địa hành thần thông
Tôi
nghe kể rằng, nơi nào có bước chân an lạc của một người tỉnh thức thì
nơi ấy suối sẽ được trong hơn và cây lá cũng xanh tươi hơn. Như vậy thì
chỉ sự có mặt của một người có hạnh phúc thôi cũng đã giúp ích cho sự
sống chung quanh rất nhiều rồi, phải không bạn? Thiền sư Lâm Tế có nói
về địa hành thần thông, ngài nói bước đi trên mặt đất là một phép lạ.
Người ta thường nói phép lạ là đi trên nước, đi trên mây, còn Ngài nói
phép lạ là đi trên mặt đất. Sự tu học không mang ta đi vào một thế giới
mênh mông, xa xôi nào đó, mà nó giúp ta thật sự có mặt với sự sống, ý
thức và tiếp xúc được với những gì đang xảy ra. Tổ nhắc nhở chúng ta
rằng, giải thoát chỉ có thể có mặt trong giờ phút hiện tại, và nó biểu
hiện trong mỗi hơi thở và bước chân của ta. Chúng ta tuy sống trong hiện
tại, nhưng thường lang thang trên mặt đất của ngày hôm qua với những
nuối tiếc, hoặc bận rộn chạy theo lo âu của những ngày sắp tới. Nếu ta
có khả năng trở về, và đi trên mặt đất này bằng những bước chân chậm rãi
và an ổn trong giờ phút hiện tại, thì đó là một phép lạ nhiệm mầu.
Nhà
văn Natalie Goldberg kể, có lần trong một lớp dạy về viết văn tại San
Francisco, bà mời mọi người cùng đi thiền hành ngoài phố. Hôm ấy nhóm
của bà đi ngang qua một công viên, nơi ấy đang có một cuộc diễn hành rất
đông người ở phía bên kia đường. Họ mặc những y phục sặc sở, vui hát,
ca múa trên những chiếc xe kiệu rước đầy màu sắc. Nhóm của bà chậm rãi
im lặng đi thiền hành với nhau băng qua công viên. Bỗng nhiên mọi người
trong cuộc diễn hành ở bên kia đều dừng lại, luôn cả những người đang
đứng xem, và tất cả đều nhìn sang nhóm của bà. Những bước chân chậm rãi
và thinh lặng có thể làm ngưng lại cả một cuộc diễn hành.
Trên
con đường tu học, chúng ta đâu cần thiết phải học hết những giáo lý cao
xa hoặc làm một việc gì lớn lao lắm phải không bạn. Mỉm một nụ cười,
trở về với một hơi thở, bước một bước chân thảnh thơi... cũng có thể là
những phép lạ giữa một cuộc sống căng thẳng và quá bận rộn. Tôi nghĩ
con đường tu học cũng chỉ bắt đầu từ ngay ở nơi này bằng những bước
chân nhỏ ấy, khi ta bước ra khỏi chiếc gối ngồi thiền của mình.■
Nguồn: Tập San Pháp Luân 83