1. Đạo tràng, tiếng Phạm là Bodhi-manda. Cũng gọi Bồ đề đạo tràng, Bồ đề tràng. Nơi Đức Phật thành đạo dưới gốc cây Bồ đề ở Bồ đề già da thuộc Trung Ấn Độ.
2. Đạo tràng là nơi tu hành Phật đạo. Bất luận có nhà cửa hay không, phàm chỗ nào dùng để tu hành Phật đạo đều được gọi là Đạo tràng.
Phẩm Như Lai thần lực trong kinh Pháp Hoa quyển 6 (Đại 9, 52 thượng), nói: "Nơi đất nước đang ở. nếu có người thọ trì, đọc tụng, giải nói, viết chép, như lời dạy tu hành, nơi trong vườn, trong rừng, dưới gốc cây, nơi tăng phường, nhà bạch y, điện đường, trong núi hang, đồng trống v.v... nếu có quyển kinh thì nên xây tháp cúng dường. Vì sao? Vì chỗ ấy tức là Đạo tràng."
3. Đạo tràng chỉ cho sự phát tâm và tu hành thành tựu Bồ đề.
Phẩm Bồ tát trong kinh Duy Ma quyển thượng nói: "Trực tâm là đạo tràng, thâm tâm là đạo tràng, Bồ đề tâm là đạo tràng, bố thí là đạo tràng, tam minh là đạo tràng, trong khoảng một niệm biết tất cả các pháp là đạo tràng."
4. Trong Mật giáo, khi tu diệu hạnh Du già, trước hết phải kết giới trong một khu vực nào đó, kế đến kiến lập đạo tràng bản tôn để tu Đạo tràng quán. Mục đích là quán tướng thân Phật ở các thế giới khác chính là Bản tôn; hoặc quán tâm minh và Bản tôn dung hợp làm một.
5. Đạo tràng là tên gọi của chùa, viện. Vua Dượng đế nhà Tùy từng ban lệnh đổi tên chùa là Đạo tràng. Ngoài ra, nơi làm các việc Phật trong cung vua gọi là Nội đạo tràng, hoặc gọi là Nội tự. Tông Lâm Tế chuyên gọi nơi dành cho các vị tăng Vân thủy (du phương, hành cước) tu hành là đạo tràng. Ngài An Nhiên của tông Thiên Thai Nhật Bản gọi chỗ thọ giới là đạo tràng.
6. Đạo tràng chỉ cho các pháp hội, như: Từ bi đạo tràng, Thủy lục đạo tràng.
7. Đạo tràng, cũng gọi là Đạo Trưởng, vị tăng ở đời Bắc Ngụy không rõ quê quán.
Nhận xét:
- Từ đạo tràng là một thuật ngữ Phật giáo, tiếng Hán là 道 場.
- Với nghĩa thứ nhất, chỉ một nơi duy nhất được gọi là đạo tràng. Đó là Bodh Gaya hay Bodhgaya, tiếng Việt là Bồ Đề Đạo Tràng, thuộc quận Gaya, tiểu bang Bihar, Ấn Độ.
- Với nghĩa thứ 3, đạo tràng vốn có trong tự tâm mỗi người. Khi tâm thanh tịnh, hướng thiện, đó là đạo tràng. Khi tâm bất thiện, ô nhiễm, đạo tràng không xuất hiện.
- Trong bảy nghĩa của từ đạo tràng thì có đến ba nghĩa (nghĩa 2, 4, và 5) được hiểu là một danh từ chung chỉ cho nơi, chốn tu học/ tu hành của tăng, ni và phật tử. Với cách hiểu này thì mỗi một tự viện là một đạo tràng. Ở Việt Nam hiện nay đã có trên 14 ngàn tự viện, tức đã có trên 14 ngàn đạo tràng.
- Cũng trong bảy nghĩa của từ đạo tràng, không nghĩa nào của từ này có nghĩa là một nhóm, một hội, một hiệp hội, một đoàn thể hay một tổ chức. Và cũng có không nghĩa nào có khái niệm tương đương với danh từ 'assciation' của tiếng Anh, mà theo The Oxford Reference Dictionary định nghĩa: 1/ a body of persons organised for a common purpose (một nhóm người/ một đoàn thể người được thành lập vì mục đích chung); 2/ a mental connection of ideas (sự liên kết tinh thần giữa các ý niệm/ ý tưởng/).
- Nghĩa thứ 6 của từ đạo tràng là chỉ cho các pháp hội. Theo Phật Quang Đại Từ Điển, quyển 4, trang 4102, pháp hội (法 會), cũng gọi là Pháp sự, Phật sự, Trai hội, Pháp yếu, chỉ cho các pháp hội được cử hành vào những ngày lễ của Phật giáo. Vào những ngày lễ này, chư tăng và tín đồ tập trung về ở một nơi nhất định, trang nghiêm đạo tràng, tụng niệm lễ bái, thiết trai cúng dường, thí thực, giảng kinh, thuyết pháp, tán thán công đức của Phật và Bồ-tát... Với nghĩa này thì dường như tự viện nào cũng có đạo tràng được lập nên rồi kết thúc ngay sau khi phật sự đó viên mãn.
Trực Tâm