Nếu như những khám phá của Newton hay Einstein có khả
năng tạo ra sự thay đổi lớn lao trong thế giới vật chất quanh ta, thì
sự nhận biết về bản chất cấu thành thực sự của mỗi chúng sinh dẫn đến
phá vỡ quan niệm chấp ngã kiên cố sẽ có công năng giải thoát chúng ta
khỏi mọi phiền não và khổ đau trong đời sống tinh thần.
Đơn giản chỉ vì mọi phiền não và khổ đau của chúng ta đều
bắt nguồn từ sự chấp ngã, nghĩa là tin chắc rằng có một bản ngã, một
“cái ta” luôn tồn tại độc lập trong mối quan hệ với thế giới quanh ta.
Do quan niệm chấp ngã, chúng ta đã không ngừng tìm mọi cách để bảo vệ
“cái ta”, chống lại mọi khuynh hướng mà ta cho là có thể gây tổn hại cho
“cái ta” đó. Ta cũng không ngừng nỗ lực để xây dựng, vun đắp cho “cái
ta” của riêng mình được nổi trội hơn, tốt đẹp hơn so với “người khác”.
Chính vì vậy, một khi “cái ta” đó bị xâm hại hay tổn thương, ta cảm
thấy như đó là chính ta đang bị hại, và khi “cái ta” đó chịu sự hư
hoại tan rã theo luật vô thường, ta rơi vào khổ đau cùng cực vì sự bám
chấp cho đó chính là tự thân mình. Và tất cả những điều đó đều là ảo
tưởng, vì chúng dựa trên một nhận thức hoàn toàn không đúng thật.
Việc quay về quán chiếu tự thân để thấy được cái gọi là “ta” vốn chỉ là
một hợp thể của 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức) sẽ giúp ta buông
bỏ được những định kiến sai lầm tai hại từ lâu nay vẫn luôn thôi thúc
ta có những tư tưởng, lời nói và hành vi xấu ác, tạo nhiều ác nghiệp.
Hơn thế nữa, khi quán chiếu sâu hơn về 5 uẩn, chúng ta còn thấy được
rằng cả 5 uẩn đó tự chúng cũng không hề có bất kỳ một thực thể bền chắc
chân thật nào. Chính vì vậy mà không có gì để “cái ta” có thể nương
dựa hay bám víu vào đó cả. Và sự thấu suốt về tính chất không thật, giả
tạm của 5 uẩn sẽ giúp ta dứt trừ được mọi khổ đau và nguyên nhân gây
khổ đau. Trong Tâm kinh Bát-nhã đề cập rất đầy đủ về ý nghĩa này:
“Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.”
Tạm dịch:
“Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành sâu xa pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa liền
thấy rõ được cả năm uẩn đều là không, [nhờ đó] vượt qua được mọi sự khổ
ách.”
Nghĩa không ở đây không nên hiểu như là sự trống không, chẳng có gì, mà
cần hiểu như đã trình bày ở một đoạn trên là “không hề có một thực thể
bền chắc, chân thật”. Nhiều người do hiểu sai về nghĩa không được dùng
trong kinh điển Phật giáo nên đi đến nhận thức sai lầm rằng đạo Phật bi
quan yếm thế hay phủ nhận mọi sự hiện hữu. Trong thực tế, những kết
quả có được từ sự quán chiếu sâu xa trong đạo Phật bao giờ cũng là chân
thật, đúng đắn, và vì thế luôn có khả năng dẫn dắt chúng ta đi theo
con đường sáng suốt nhất.
Đạo Phật không hề phủ nhận mọi sự hiện hữu, mà chỉ nhìn sâu vào để thấy
rõ được bản chất thực sự của mọi sự vật, hiện tượng. Nhờ vào sự quán
chiếu sâu xa và chân thật mà về mặt cấu thành, ta có thể thấy rõ là toàn
bộ thế giới hiện tượng đều chịu sự chi phối của lý nhân duyên; về mặt
vận hành thì tất cả đều tuân theo luật nhân quả; và về mặt bản chất thì
tất cả đều là vô thường, không có thực thể độc lập, tự tồn tại.
Đó là những nguyên lý khái quát bao trùm tất cả, và chỉ thông qua việc
nắm hiểu những nguyên lý này ta mới có thể nhận thức được một cách đúng
đắn, chân thật về thế giới hiện tượng cũng như về chính bản thân mình.
Khi nhận biết đúng thật như vậy, chúng ta không vì thế mà chối bỏ thế
giới hiện tượng đang hiện hữu đối với các giác quan của ta. Tuy nhiên,
ta sẽ không chỉ quan sát chúng bằng vào những cảm nhận vốn là không thật
của các giác quan, mà còn phải sử dụng đến tuệ giác quán chiếu để nhìn
sâu vào bản chất thực sự của chúng. Chính nhờ đó mà ta mới có được khả
năng hóa giải mọi sự chi phối, tác động của thế giới hiện tượng.
Giống như khi ta xem một người làm ảo thuật, nếu không hiểu biết gì về
ảo thuật ta sẽ thấy những gì xảy ra đều là thật, như lửa cháy, chim bồ
câu bay lên, dao đâm xuyên qua cổ họng người... Khi hiểu được thực chất
của vấn đề, tuy vẫn nhìn thấy giống như mọi người khác, nhưng ta biết
rõ đó chỉ là trò ảo thuật, rằng những gì ta nhìn thấy chỉ là một kiểu
ảo giác được tạo ra bằng một cách nào đó để đánh lừa các giác quan của
ta... Như vậy, ta sẽ không hốt hoảng khi nhìn thấy lửa cháy, không
khiếp sợ khi nhìn thấy con dao đâm xuyên qua cổ họng người...
Trong cuộc sống cũng vậy, nếu ta bám chấp vào bản ngã và không thấy được
tính chất vô thường, nhân duyên tan hợp của thế giới hiện tượng, không
hiểu được lý nhân quả đang tự nhiên vận hành, ta sẽ liên tục quay
cuồng vì chịu sự thôi thúc, cuốn hút của mọi sự vật, hiện tượng quanh
ta... Ngược lại, với một cái nhìn sáng suốt và thấu đáo về bản chất
thực sự của bản thân mình và thế giới chung quanh, về sự vận hành tự
nhiên của toàn bộ thực tại này, ta sẽ luôn có được sự sáng suốt và an
ổn, không chịu sự chi phối, cuốn hút bởi những gì diễn ra quanh ta.
Nhận thức chân thật về thế giới quanh ta là thấy được tất cả sự vật,
hiện tượng đều do nhân duyên kết hợp mà thành, dẫn đến hệ quả là tất cả
đều vô thường, liên tục biến đổi, không bền chắc và nhất thiết phải
trải qua các tiến trình sinh - diệt hay thành - hoại. Mặc dù vậy, toàn
bộ thế giới đang hiện hành này là thật có đối với các giác quan của
chúng ta. Và vì thế, ta không thể ứng xử với chúng như những thứ không
thật có. Chẳng hạn, trước khi đi ra giữa trời nắng nóng, bạn cần một
chiếc mũ để đội lên đầu chứ không phải thứ gì khác, và việc có hay
không có chiếc mũ là hai sự thật khác nhau, dẫn đến những kết quả khác
nhau. Do đó, bạn không thể phủ nhận sự tồn tại của chiếc mũ trong thế
giới vật chất.
Nhưng nếu bạn không thấy được bản chất thực sự của chiếc mũ là do các
nhân duyên hợp thành, là vô thường, luôn biến đổi và chắc chắn rồi sẽ
hoại diệt, thì bạn sẽ có thể phụ thuộc rất nhiều vào chiếc mũ. Khi ai đó
làm hỏng hoặc lấy mất nó, bạn sẽ bực tức hoặc buồn phiền vì sự mất
mát. Nếu sự hư hỏng hay mất mát đó đã là một sự thật, thì sự bực tức
hay buồn phiền của bạn chỉ là một phản ứng hoàn toàn vô ích và trong
thực tế là có hại.
Chúng ta cần phải nhận thức về chiếc mũ như một đối tượng thực sự tồn
tại trong thế giới quanh ta, với những công năng và thuộc tính cá biệt
của nó, vì đó là một sự thật. Ta cần phân biệt chiếc mũ với những thứ
khác như đôi giày, chiếc áo... Khi đi ra nắng thì ta cần tìm chiếc mũ
chứ không thể thay nó bằng đôi giày hay chiếc áo...
Vì thế, đạo Phật không hề phủ nhận điều đó, nhưng gọi loại sự thật này
là Tục đế, nghĩa là sự đúng thật chỉ trong phạm vi thế tục, hay thế
gian. Nói cách khác, trong đời sống thế gian, ta vẫn phải nhận hiểu
chính xác về mọi sự vật, hiện tượng bằng loại sự thật này. Các định luật
về vật lý, hóa học, cơ học... đều thuộc phạm trù Tục đế.
Nhưng bản chất thực sự của chiếc mũ vẫn cần được nhận biết như một hợp
thể do nhân duyên cấu thành, luôn biến đổi và sẽ hoại diệt, vì đây cũng
là một sự thật. Loại sự thật này có ý nghĩa sâu xa hơn, phổ quát hơn
nên được gọi là Đệ nhất nghĩa đế hay Chân đế, và cũng được xem là sự
thật tuyệt đối để phân biệt với Tục đế chỉ được xem là sự thật tương
đối.
Khi phân tích ở phạm trù tương đối, mỗi một hiện tượng, con người hay sự
vật cá biệt đều sẽ có những thuộc tính và công năng khác biệt nhau,
như chiếc mũ của bạn sẽ có màu sắc, kích thước, tính chất không hoàn
toàn giống với những chiếc mũ của người khác... Sự khác biệt này là
thuộc phạm trù Tục đế.
Ngược lại, khi phân tích ở phạm trù tuyệt đối thì về bản chất mọi chiếc
mũ đều như nhau, vì chúng đều do các nhân duyên giả tạm hợp thành, luôn
biến đổi theo thời gian và cuối cùng sẽ hư hoại. Không những thế, đây
còn là bản chất của mọi pháp hữu vi, tức là mọi pháp có hình tướng. Và
bản chất tương đồng phổ quát này là thuộc phạm trù Chân đế.
Khi xét theo Chân đế thì không những mọi sự vật, hiện tượng đều giống
nhau về bản chất vô thường, mà chúng cũng không hề có một thực thể độc
lập, tự tồn tại, bởi sự sinh khởi của chúng đều có tương quan, phụ thuộc
vào nhiều yếu tố, sự vật khác... Sự phụ thuộc lẫn nhau trong thế giới
hiện tượng khiến cho mỗi một sự vật, hiện tượng đều không thể tự chúng
sinh khởi hay tồn tại, hay nói cách khác là chúng không hề có một thực
thể chân thật, tự tồn.
Chính trong ý nghĩa này mà Tâm kinh Bát-nhã đã dạy rằng: “Sắc tức thị
không, không tức thị sắc.” Cho đến các uẩn khác là thọ, tưởng, hành và
thức cũng đều như vậy.
Và khi năm uẩn đều là không, thế giới hiện tượng cũng là không - trong ý
nghĩa không hề có một thực thể chân thật, tự tồn - thì bản thân “cái
ta” vốn được xem là chủ thể nhận thức cũng không dựa vào đâu để có thể
là thật có và bền chắc.
Từ những phân tích trên, một nhận thức chân thật, chính xác về thế giới
quanh ta cũng như về chính bản thân ta luôn phải bao gồm hai lớp ý
nghĩa. Đó là sự thật tương đối hay Tục đế và sự thật tuyệt đối hay Chân
đế.
Nhờ hiểu rõ thế giới quanh ta bằng Tục đế, ta luôn có khả năng ứng xử
thích hợp với từng hoàn cảnh, nhận biết đúng về từng sự vật để có thể
vận dụng một cách thích đáng trong việc làm lợi ích cho bản thân và
người khác.
Nhờ hiểu rõ thế giới quanh ta bằng Chân đế, ta sẽ thoát khỏi được sự chi
phối, cuốn hút hay thôi thúc vốn sinh khởi từ những hiện tượng hay sự
vật quanh ta, luôn nhận biết đúng thật về bản chất của chúng mà không
có những sự tưởng tượng hay thêu dệt, phóng chiếu của tâm thức lên hiện
tượng hay sự vật.
Lấy ví dụ, khi ta nhìn thấy một chiếc xe tay ga đời mới với dáng vẻ thật
đẹp đẽ và lôi cuốn. Về mặt Tục đế, ta nhận hiểu rõ công năng của chiếc
xe, đánh giá được về dáng vẻ, màu sắc cũng như những thông số về tốc
độ, sức mạnh, mức tiêu thụ nhiên liệu, độ bền... của nó và có thể so
sánh với chiếc xe ta đang dùng hoặc những chiếc xe khác nữa. Ta có thể
biết rõ loại xe mới này có những ưu điểm nào và việc sử dụng nó sẽ mang
lại những hiệu quả tốt hơn như thế nào...
Tuy nhiên, về mặt Chân đế ta cũng đồng thời nhận biết rõ bản chất vô
thường, giả hợp và không bền chắc của nó. Ta biết nó cũng chỉ là một
chiếc xe như bao nhiêu chiếc xe khác và không thể mãi mãi xinh đẹp, hấp
dẫn như hiện nay ta đang nhìn thấy.
Với sự hiểu biết đầy đủ về cả hai lớp ý nghĩa tương đối và tuyệt đối, ta
sẽ có một phản ứng đúng đắn và thích hợp khi tiếp xúc với chiếc xe.
Nếu việc mua xe là đáp ứng với những nhu cầu thực sự cần thiết trong
cuộc sống của ta, chẳng hạn như giúp ta di chuyển nhanh hơn, thoải mái
hơn, ít tiêu hao nhiên liệu hơn... và ta hiện có đủ tiền dành cho việc
mua xe, ta sẽ quyết định mua nó. Ngược lại, nếu xét thấy chiếc xe đang
dùng cũng đáp ứng được đầy đủ những nhu cầu của mình, hoặc xét thấy
mình chưa có đủ khả năng tài chánh, ta sẽ bỏ qua việc mua xe mà không
có gì bận tâm đến nó.
Trong trường hợp chúng ta không nhận hiểu được bản chất thực sự của
chiếc xe, nghĩa là thiếu đi lớp ý nghĩa tuyệt đối, ta sẽ có thể khởi
sinh những cảm xúc, tư tưởng hoặc hành vi không thích hợp. Chẳng hạn, do
quá ham thích vẻ đẹp vốn là giả tạm của chiếc xe, ta quyết định mua nó
trong khi điều đó là không thực sự cần thiết cho công việc hay cuộc
sống; hoặc có thể ta không đủ tiền mua nhưng vẫn quyết định vay mượn bạn
bè để mua, và điều đó dẫn đến nhiều hệ quả bất lợi, khó khăn về sau.
Thậm chí, trong trường hợp ta không mua được chiếc xe vì không đủ khả
năng, ta vẫn có thể bị nó làm khổ vì sự khao khát, thèm muốn thôi thúc
trong lòng ta, và điều đó khiến ta không thể sống một cách an vui, thanh
thản.
Lấy một ví dụ khác, khi ta tiếp xúc với một người nào đó, ta cần hiểu rõ
về hình dáng, năng lực, tính tình... của người ấy trong mối quan hệ so
sánh với những con người khác, nhưng đồng thời ta cũng phải nhận biết
rằng, về bản chất thực sự thì con người đó chỉ là sự giả hợp của năm
uẩn, mang tính vô thường, luôn biến đổi và không có một thực thể tự tồn
tại.
Nhờ hiểu biết đúng thật về năng lực, tính tình... (Tục đế) ta sẽ có thể
giao tiếp với con người đó một cách hiệu quả, có thể giúp đỡ họ hoặc
nhờ cậy họ làm những công việc thích hợp... Nhưng đồng thời, nhờ hiểu
biết đúng thật về bản chất thực sự (Chân đế), ta sẽ loại bỏ được những
định kiến như ưa thích, ghét bỏ, đố kỵ... đối với người đó; ta cũng
không sinh khởi những cảm xúc sai lầm đối với người đó như là mê đắm,
thèm muốn hay ganh tỵ...
Qua những ví dụ nhỏ như trên, ta có thể thấy được ý nghĩa của một nhận
thức chân thật là quan trọng như thế nào đối với cuộc sống của chúng ta.
Chắc chắn là sự nhận biết đúng thật và đầy đủ về thế giới quanh ta sẽ
luôn giúp ta giảm nhẹ rất nhiều sự bực tức hay buồn phiền, khổ đau
trong cuộc sống.
Mặt khác, đối với chính bản thân ta thì việc nhận thức đúng thật và đầy
đủ cũng vô cùng quan trọng. Về mặt Tục đế, ta cần nhận biết đúng về
năng lực, vai trò và trách nhiệm của bản thân ta trong xã hội, vì điều
đó giúp ta có những tư tưởng, hành vi hay lời nói thích đáng, mang lại
lợi ích cho bản thân và mọi người quanh ta. Nhưng đồng thời về mặt Chân
đế, ta cũng phải nhận biết rõ rằng cái gọi là “ta” đó chẳng qua chỉ là
sự giả hợp của năm uẩn, mà tự thân các uẩn đó cũng không hề có sự bền
chắc chân thật. Điều này sẽ giúp ta dần dần loại bỏ được những cảm xúc
tiêu cực như tham muốn, sân hận, ghen ghét, đố kỵ... vì tất cả những
cảm xúc này đều sinh khởi dựa trên căn bản chấp ngã, nghĩa là tin rằng
có một “cái ta” chắc thật đang tồn tại để ta phải luôn bảo vệ và phát
triển.
Như vậy, một nhận thức chân thật phải là một nhận thức đúng thật và toàn
diện, thấy biết về thế giới hiện tượng quanh ta cũng như thấy biết về
chính bản thân ta thông qua sự soi sáng của cả Tục đế và Chân đế. Sự
thấy biết đúng thật theo Tục đế giúp ta phân tích và đánh giá sự việc
đúng như những tính chất và công năng của chúng, trong khi sự thấy biết
theo Chân đế giúp ta thoát khỏi mọi sự chi phối, lôi cuốn của thế giới
hiện tượng cũng như kiểm soát và loại bỏ dần những cảm xúc tiêu cực
thường sinh khởi mỗi khi ta tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài.
Để có thể hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của một nhận thức chân thật, có
lẽ chúng ta cần phân tích sơ qua về quá trình tiếp xúc và sinh khởi
những cảm xúc của bản thân ta với một đối tượng bên ngoài.
Khi ta tiếp xúc với một con người chẳng hạn, trước tiên sẽ là sự nhận
hiểu về ngoại hình rồi đến ngôn ngữ, cử chỉ... Nếu những yếu tố ban đầu
đó được ta ưa thích, ta sẽ bắt đầu tạo ra trong tâm trí mình một “bản
sao” của người đó.
Nhưng vấn đề đáng lưu ý ở đây là, chúng ta hầu như không bao giờ tạo ra
một “bản sao” trung thực! Khi ta yêu thích một người, ta sẽ ghi nhận
nơi người đó toàn những ưu điểm, những vẻ đẹp cả về tinh thần lẫn thể
chất... Và “bản sao” của người đó xuất hiện trong tâm trí ta sẽ được tô
đậm nét, được phóng đại lên nhiều lần những ưu điểm, những vẻ đẹp,
trong khi ta lại hiếm khi thấy được những khuyết điểm, những nết xấu...
Và nếu có thì ta sẽ có khuynh hướng làm cho những yếu tố xấu đó trở
nên mờ nhạt đi, sao cho chúng không còn đáng lưu tâm nữa.
Khuynh hướng ngược lại sẽ xuất hiện khi đối tượng là người mà ta không
ưa thích hay oán ghét. Trong trường hợp này, ta sẽ tạo ra một “bản sao”
của người ấy trong tâm trí ta với những đường nét nhấn mạnh vào các
thói xấu, các khuyết điểm... và hầu như ta không hề thấy được những ưu
điểm vốn có của người ấy, hoặc nếu có thì ta cũng có khuynh hướng phớt
lờ đi, không lưu tâm đến chúng.
Trong cả hai trường hợp, những gì ta ghi nhận về đối tượng đều không còn
trung thực, không hoàn toàn đúng thật như trong thực tế. Và quan trọng
hơn nữa, mức độ sai lệch này sẽ ngày càng phát triển lớn hơn theo thời
gian, theo số lần mà ta nghĩ nhớ đến người ấy. Nếu là người ta yêu
thích thì hình ảnh người ấy trong ta sẽ ngày càng đáng yêu hơn, tốt
đẹp, cao quý hơn... Và ngược lại, nếu là người ta căm ghét thì hình ảnh
người ấy sẽ ngày càng trở nên xấu xa, đáng ghét hơn...
Không chỉ là sự phóng đại, cường điệu hóa những gì ta nhận biết trong
thực tế, mà tệ hại hơn nữa là ta còn có khuynh hướng thêu dệt, tưởng
tượng ra những điều hoàn toàn không thật có để làm biến dạng hình ảnh
của đối tượng ấy trong tâm trí theo khuynh hướng yêu thích hoặc căm ghét
của riêng ta.
Và đây cũng chính là lý do giải thích vì sao những kẻ yêu nhau thì
thường có khuynh hướng ngày càng say đắm nhau hơn, trong khi những kẻ
oán ghét nhau thì dễ đi đến tình trạng ngày càng xa cách, càng ghét nhau
thậm tệ hơn nữa... Bởi tiến trình này diễn ra gần như là một khuynh
hướng tự nhiên ở hầu hết mọi người trong chúng ta, trừ phi ta có thể
nhận biết được tính chất vô lý của nó thông qua sự tu tập quán chiếu
đúng thật.
Hầu hết các nhà tâm lý học hiện đại đều nhận biết khá rõ về tiến trình
nói trên. Vì thế, họ luôn đưa ra những lời khuyên trong giao tiếp là
phải chú trọng đặc biệt đến ấn tượng ban đầu. Nếu bạn có thể “chinh
phục” được tình cảm của một người nào đó ngay trong lần đầu tiên tiếp
xúc, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đã thiết lập được cả một
tiến trình tự động theo sau luôn khuếch đại những ưu điểm của bạn trong
lòng người ấy. Ngược lại, nếu bạn lỡ tạo ra một ấn tượng không tốt
trong lần đầu gặp gỡ, thì việc xóa bỏ ấn tượng ấy sẽ vô cùng khó khăn.
Những cô gái về làm dâu nhà chồng thường hiểu rất rõ quy luật này trong
mối quan hệ với cha mẹ chồng cũng như anh, chị, em trong nhà chồng...
Một “lễ ra mắt” thành công sẽ dẫn đến mọi việc “đầu xuôi đuôi lọt”,
nhưng nếu như đã thất bại trong một không khí ảm đạm thì rất có khả
năng là những cơn mưa bão xung đột tình cảm sẽ còn kéo dài mãi mãi về
sau...
Nhưng tiến trình khuếch đại những tình cảm yêu ghét của chúng ta đối với
một đối tượng như vừa mô tả trên cũng chỉ mới là giai đoạn khởi đầu.
Bởi chúng ta thường không chỉ “yêu để mà yêu” hay “ghét chỉ để ghét”, mà
những cảm xúc đó còn có tác dụng dẫn dắt, thôi thúc mọi tư tưởng, lời
nói và hành vi của chúng ta theo khuynh hướng của chúng.
Trong trường hợp ta yêu thích một người, thì đồng thời với việc phóng
đại những ưu điểm của người ấy trong tâm trí, ta cũng bắt đầu nảy sinh
một khuynh hướng khao khát, mong muốn chiếm hữu người ấy. Trước tiên, ta
tự mình tạo ra một sợi dây liên kết vô hình giữa người ấy và ta, gắn
kết ngày càng chặt chẽ hơn, để rồi cuối cùng ta đi đến chỗ mặc nhiên xem
người ấy là “của ta”.
Tất nhiên, sự “chiếm hữu” đơn phương trong tâm tưởng này chỉ là khởi
điểm, và tiếp theo đó ta sẽ tìm mọi cách để có thể thực sự chiếm hữu
được người ấy.
Và cho dù có thực sự “chiếm hữu” được người ấy hay không, vì đã tự mình
xem người ấy là “của ta” nên ta bắt đầu nảy sinh sự phụ thuộc, gắn bó
với người ấy. Khi không được thường xuyên tiếp xúc, gần gũi, ta thấy nhớ
mong, khao khát. Được gặp gỡ, chuyện trò, ta thấy vui vẻ, hạnh phúc...
Và nếu vì một lý do nào đó mà ta phải xa lìa người ấy, không còn được
tiếp xúc, gặp gỡ nữa, ta sẽ thấy buồn khổ, phiền muộn...
Vấn đề còn tiếp tục đi xa hơn nữa khi ta luôn tin chắc rằng những gì ta
nghĩ về người ta yêu thích là hoàn toàn đúng thật - trong khi sự thật
thì đó lại là những đường nét, tính cách đã được cường điệu hóa theo ý
riêng của ta. Vì thế, khi thực tế không diễn ra đúng như ta mong muốn,
chẳng hạn như khi những hành vi ứng xử của người ấy không giống như ta
mong đợi, ta cảm thấy thất vọng và đau khổ. Điều này rất dễ nhận ra ở
những người thân trong gia đình. Chẳng hạn, các bậc cha mẹ luôn phóng
đại tài năng của con cái họ và do đó đặt quá nhiều kỳ vọng vào chúng, để
rồi phải thất vọng khi thực tế diễn ra là chúng không có khả năng đạt
được những điều họ mong muốn... Đây là nguyên nhân rất phổ biến mang
đến sự buồn phiền, đau khổ cho phần lớn chúng ta, cho dù người ta
thương yêu đó có thể là vợ, chồng, con cái hay thuộc về bất cứ mối quan
hệ nào khác trong cuộc sống...
Toàn bộ tiến trình mang lại sự khổ đau và phiền muộn như trên đều do
chính ta làm “đạo diễn” từ đầu đến cuối. Nguyên nhân của kịch bản sai
lầm này chính là sự nhận thức không đúng thật về đối tượng cũng như về
chính bản thân ta. Do chỉ thấy biết về đối tượng qua lớp ý nghĩa tương
đối mà không thấy được bản chất tuyệt đối, nên ta đã không ngừng tạo ra
những hình ảnh, nhận thức ngày càng sai lệch về đối tượng, dẫn đến
những cảm xúc, tình cảm cũng sai lầm, không đúng thật. Mặt khác, do
không thấy được bản chất thực sự của “cái ta”, vẫn luôn xem “ta” như
một thực thể độc lập và thật có nên ta mới nảy sinh ý niệm chiếm hữu
đối tượng thành “của ta”, nhằm thỏa mãn những khao khát, mong muốn của
riêng ta.
Như vậy, những sai lầm như trên rõ ràng là có thể loại bỏ nếu ta biết
quán chiếu bản thân cũng như đối tượng thông qua cả Tục đế và Chân đế.
Khi nhận thức về bản thân cũng như đối tượng tiếp xúc với cả hai lớp ý
nghĩa tương đối và tuyệt đối, ta sẽ có một cái nhìn đúng thật với những
gì đang xảy ra, thấy biết được cả những tính chất thuộc phạm trù tương
đối cũng như bản chất thực sự của đối tượng. Sự nhận thức đúng thật và
toàn diện này sẽ giúp ta luôn sáng suốt để có được những tư tưởng, hành
vi, lời nói đúng đắn và thích hợp với từng hoàn cảnh, mang lại lợi ích
cho bản thân ta cũng như cho mọi người quanh ta, thay vì là những khổ
đau và phiền muộn.
http://www.phattuvietnam.net/tuhoc/phathocphothong/16612.html