22/09/2010 10:55 (GMT+7)
Số lượt xem: 6020
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đạo Phật sở dĩ được quảng bá và truyền thừa lâu dài trên thế gian này, thật ra không chỉ vì tự nó chứa đựng một kho tàng đồ sộ giáo lý cao thâm – văn học luận lý như nhiều người thường nhận định, mà điều tiên quyết và thiết yếu chính là Giới luật. Do vậy, đức Thế Tôn hơn bốn mươi năm hoằng hóa lợi sanh đến lúc sắp nhập Niết bàn,

 Ngài dạy: “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp, Giới luật còn là Phật pháp còn; Giới luật mất là Phật pháp mất”.
Ngày nay trong bối cảnh xã hội xao động, từng bước chuyển mình tương thích với sự phát triển và trổi nhịp của văn minh thời đại; Phật giáo được xem là “chân lý thực tại”, mà cốt lỗi chính là Đạo đức và Giới luật làm nền tảng. Chính vì thế hôm nay tôi xin một lần mạo muội đem những suy nghĩ nhỏ bé của mình đem ra trao đổi và giao lưu cùng pháp lữ với những tháng ngày tu tập bên nhau.
Giới (Sila) có nghĩa tổng quát là “phòngphi chỉ ác”, nghĩa là đề phòng điều sai quấy và dừng chỉ mọi điều ác, cũng có nghĩa là “chỉ ác tác thiện” tức là ngăn các điều xấu, thực hành mọi hạnh lành.
Chữ Giới trong Giới Bổn Ba La Đề Mộc Xoa có nghĩa là biệt giải thoát, cũng gọi là xứ xứ giải thoát, hay tùy thuận giải thoát. Biệt giải thoát tức là giữ Giới phần nào thì giải thoát phần đó, giữ Giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít. Chữ Pàtimokkha cũng có nghĩa trói buộc, giữ gìn, thúc liễm những hành động của thân khẩu ý để tạo ác nghiệp.
Ngoài ra, Giới còn có nghĩa là điều phục, chế ngự bằng sự tỉnh giác, chế ngự bằng tri kiến, bằng kham nhẫn, bằng tinh tấn… để cho ba nghiệp thanh tịnh, và Giới luật cũng đồng nghĩa với nếp sống có luân lý đạo đức, nếp sống hướng thượng.
Luật là pháp luật, là những quy tắc đem ra cân xử, phán xét đúng sai, nặng nhẹ…
Phân loại Giới
Giới của Đức Phật chế gồm có hai loại: Biệt giải thoát Giới và Bồ tát Giới. Biệt giải Thoát đã định nghĩa ở trên, ở đây ta tìm hiểu về Bồ tát Giới. Bồ tát Giới còn gọi là thông Giới, để phân biệt với Biệt Giải Thoát của hàng xuất gia, Giới của hàng Thanh Văn. Bồ Tát dịch từ chữ Buddhisattva, tức là một chúng sanh có thể giác ngộ thành Phật. Giới Bồ tát được nói trong kinh Phạm Võng là những hành vi, giới hạnh, những học pháp đưa đến thành tựu Bồ Đề tâm.
Theo quan điểm Đại Thừa gồm có ba loại giới: Nhiếp Luật Nghi Giới, Nhiếp thiện Pháp Giới, và Nhiêu Ích Hữu Tình Giới.
Nhiếp Luật Nghi Giới là những giới điều cụ thể dành cho các bậc tu hành khác nhau, bao gồm giới của Tại gia và Xuất gia. Tại gia có Ngũ giới, Bát Quan Trai giới, Thập Thiện. Xuất gia có: Sa di, Sa di ni có mười giới, Thức Xoa Ma Na Ni có thêm sáu học giới. Tỳ kheo hai trăm năm mươi giới, Tỳ kheo Ni ba trăm bốn tám giới. Bồ Tát có mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh.
Nhiếp Thiện Pháp giới nghĩa là người tu hành chuyên tâm thực hành những hành vi toàn thiện và xem đó cũng là một hình thức thực hành giới không còn bị rơi rớt trong trong sinh tử luân hồi.
Dựa vào động cơ và nghiệp lực của chúng sanh, người ta có thể chia thành ba loại giới đó là bậc hạ, bậc trung, bậc thương. Giới bậc hạ là thọ trì giới do mưu cầu danh lợi, vì động lực tham ái, do vậy còn tái sinh. Giới bậc trung là thọ trì giới mong muốn được công đức, còn chấp nhận tướng, chấp phước báo hay giữ giới để lợi lạc riêng mình. Giới bậc thượng là thực hành giới vì cung kính giới, có niềm tin vào giới, vì mục đích lợi tha, không chấp ngã và cầu giới ý nghĩa ba la mật.
Nguyên nhân và mục đích Đức phật chế giới
Một hôm, tôn giả Xá Lợi phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn làm sao để chánh pháp Như Lai sau khi Như Lai diệt độ rồi, chánh pháp ấy vẫn được tồn tại lâu dài? Thế Tôn dạy: Đức Phật nào mà có chế giới, nói pháp thì chúng đệ tử nhờ đó để tu hành, làm cho chánh pháp được cửu trụ sau khi Như Lai diệt độ. Khi ấy Tôn giả Xá Lợi Phất thưa với Ngài rằng: Bạch Thế Tôn tại sao con không thấy Thế Tôn chế giới mà chỉ nói pháp? Ngài dạy: này Tôn giả, ta biết thời phải làm gì, nay chưa tới thời nên ta chưa chế giới. Vì thế mười hai năm đầu chưa xảy ra chuyện gì cấu uế Ngài chưa chế giới.
Đến năm thứ mười ba, người đầu tiên phạm giới là Tôn giả Na-đề-tử. Tôn giả là con nhà giàu có, lại là con một, nhưng lại từ bỏ gia đình xin Phật xuất gia. Sau đó vì sự nài nỉ của mẹ, xin cho một đứa con để nối dòng; không cầm lòng được và nghĩ đơn giản nên đã chấp nhận và cùng với vợ cũ ân ái một chút có sao đâu! Xong chuyện thì Tôn giả ra đi, thậm chí sau đó sinh con Tôn giả cũng chẳng hay. Thời gian sau thấy các vị tỳ kheo không có chuyện ân ái, tại sao mình lại bị vợ cũ ràng buộc? Tôn giả bức rức trong lòng và tỏ ra khó chịu, ân hận.
Các vị tỳ kheo hỏi: Tại sao thời gian đầu hiền giả hoan hỷ, sắc diện tươi tốt mà nay thấy ủ rũ quá vậy? Tôn giả đem chuyện đó kể cho các vị tỳ kheo hay, các vị tỳ kheo đem chuyện của tôn giả bạch lên đức Thế Tôn, Thế Tôn kêu lên quở trách. Bắt đầu từ đó Phật mới chế giới, nên giới đứng đầu là hàng đệ tử xuất gia không được dâm dục, dây là nguyên nhân Phật chế giới.
Mục đích Phật chế giới là muốn cho tỳ kheo tu tập thanh tịnh:
Để tăng già được mỹ mãn.
Để tăng già được ổn định.
Để kiềm chế các tỳ kheo khó kiềm giữ.
Để thiện tỳ kheo được an ổn.
Đề chế ngự các lậu hoặc trong hiện tại.
Để ngăn ngừa lậu hoặc đời sau.
Để tạo tin tưởng cho những người tin tưởng.
Để xác tín cho những người có lòng tin.
Để chánh pháp được bền vững.
Để phụ trợ cho luật.
Chúng ta thấy Đức Phật không muốn đặt ra nhiều giới luật bắt buộc đệ tử phải hành trì. Ngài giảng giới, dạy giáo lý đơn giản và thực tiễn cho sự chứng ngộ tâm linh, và đa số Phật chỉ chế giới khi có trường hợp vi phạm của chư tăng mà thôi. Như vậy, giới là phương tiện để hành giả gạn lọc thân tâm, tận trừ mọi lậu hoặc, ngăn chặn nghiệp bất thiện và tiến về chân hạnh phúc. Giới luật Phật giáo mang đậm tính nhân văn, nhân bản và linh động trong sự phân biệt từng loại: khinh, trọng, tánh tướng và trong mỗi trường hợp mà có cách ứng xử phù hợp như khai, giá, trì, phạm. Căn bản của việc giữ giới vẫn là tâm tự nguyện, với tâm thanh tịnh giữ gìn giới luật thì sẽ mang lại an lạc cho mình và cho người khác ngay trong đời sống hiện tại.
Lợi ích của việc hành trì giới luật
Là đệt tử của đức Thế Tôn không kể tại gia hay xuất gia, nếu khéo giữ gìn giới luật sẽ được những lợi ích sau đây:
Được hưởng gia tài pháp bảo nhờ tinh cần.
Tiếng lành đồn xa.
Không sợ hãi, rụt rè khi đến trước hội chúng đông đảo.
Khi chết tâm không rối loạn.
Sau khi mạng chung được sanh vào thiện trú thiên giới.
Trong các bộ luận: Tập thập cú nghĩa, dĩ thập lợi cố, thập sự lợi ích… đều nói lên mười lợi ích sau:
Nhiếp thủ ư Tăng: vì kiện toàn Tăng già thành chúng thanh tịnh.
Linh Tăng hoan hỷ: nhờ tu hành phạm hạnh khiến chúng Tăng được hoan hỷ.
Linh Tăng an lạc: vì hoan hỷ được an lạc nơi thiền định trong tư tâm.
Linh vị tín giả tín: khiến người chưa có lòng tin Tam bảo, thấy chư Tăng tu hành phạm hạnh thanh tịnh mà sanh lòng tin.
Dĩ tín giả linh tăng trưởng: đối với người đã tin rồi khiến lòng tin thêm tăng trưởng.
Nan điều giả linh điều thuận: làm cho người khó điều phục khiến họ được điều thuận.
Tàm quý giả đắc an lạc: khiến người biết hổ thẹn được an lạc.
Đoạn hiện tại hữu lậu: vì đoạn hết phiền não hiện tại.
Đoạn vị lai hữu lậu: vì đoạn hết phiền não ở vị lai.
Linh chánh pháp cửu trụ: vì tu hành phạm hạnh mà chánh pháp được trường tồn lâu dài.
Mười điều lợi ích trên được đức Thế Tôn mỗi khi thiết lập một điều giới, ngay cả khi sắp sửa nhập Niết Bàn, đức Thế Tôn đã ân cần dạy bảo: “Này các Tỳ kheo, sau khi ta diệt độ, các vị phải tôn trọng trân quý Ba La Đề Mộc Xoa như người đi trong đêm tối gặp đèn sáng, như người nghèo được của quý, dù ta có trụ ở đời cũng không có gì khác.” (Kinh Di Giáo, SG Thích Hoàn Quan, trang 10, Hoa Đạo 1970)
Tầm quan trọng của giới luật trong đời sống tu tập
Tất cả Giới luật đức Thế Tôn đều là những chuẩn mực đạo đức làm nền tảng cho sự giải thoát mọi khổ đau, cắt đức mọi tham ái ràng buộc. Vì thế Giới luật đóng vai trò quan trọng trong việc tu tập giải thoát. Hành trì Giới luật là làm theo những lời đức Phật dạy, luôn luôn sống với sự chế ngự của Giới Bổn như Ngài từng khuyên cáo: “Này các Tỳ kheo, ta khuyến cáo các người hướng đến Sa môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc phải làm hơn nữa? Thân mạng của chúng ta phải được thanh tịnh, phải hộ trì các căn, biết tiếc độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác…” (Trung bộ I, P.593, 1992).
Lại nữa, đức Thế Tôn dạy: “Nhơn Giới sanh Định, nhơn Định phát Tuệ”, muốn cầu được trí tuệ tất phải tu Thiền định và trước hết phải giữ gìn Giới luật. Nếu Giới luật mà khuyết thì Thiền định sẽ khó thành. Thiền định không thành thì Trí tuệ cũng không do đâu mà phát sinh. Bởi thế, Tam vô lậu học là pháp môn căn bản của người học Phật, cũng như chiếc đỉnh ba chân, thiếu một chân thì không thể đứng được. Cũng vậy trên đường đi đến giải thoát, nếu thiếu một trong ba yếu tố trên đạo quả sẽ khó thàh tựu được.
Trong đời sống tu tập của mỗi hành giả, Giới luật được xem là thức ăn, nước uồng để bổ dưỡng cho pháp thân, Giới luật như tròng con mắt của chính mình hãy thận trọng giữ gìn, nên đức Thế Tôn luôn nhắc nhở rằng: “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp, Giới luật còn là Phật pháp còn, Giới luật mất là Phật pháp mất”. Như trong kinh Phạm Võng Bồ Tát giới có câu:
“Giới như đèn sáng lớn
Soi sáng đêm tăm tối
Giới như gương báu sáng
Chiếu rõ tất cả pháp”.
Giới luật trong đời sống hiện tại
Trải qua nhiều thời kỳ, có nhiều vấn đề được đưa ra bàn thảo, nhưng giới luật vẫn là tiền đề, vì sao vậy? Vì rằng: nó có thể đem lại sự hưng hay phế cho cộng đồng tăng chúng, quyết định cho sự tồn vong của Phật giáo. Vấn đề đặc ra không chỉ giải minh trên bình diện lý luận văn chương, mà thực sự chúng ta phải tư duy, xác quyết và trắc nghiệm thế nào để mỗi thành viên Tăng trong tự viện, tịnh xá, tĩnh thất… từng bước hoàn thiện nhân cách phẩm hạnh cho chính bản thân mình, nhằm đem lại đời sống an lạc hiện tại, giải thoát trong tương lai.
Là Tăng sĩ, việc “thượng cầu hạ hóa” đưa đạo vào đời là hoài bảo, song việc dụng tâm giữ gìn phạm hạnh không bị đồng hóa bởi thế tục là điều luôn luôn canh cánh bên lòng. Hai chữ “tùy duyên” được chúng ta thực hiện sao cho nó có ý nghĩa tích cực: “tùy thuận chúng sanh, dĩ văn tải đạo” đừng để nó bị biểu thị theo nghĩa “phan duyên trần cảnh, ô nhiễm thân tâm”.  
Tuy nhiên với một xã hội hiện đại hóa, văn minh và phát triển, thì chúng ta cũng dùng chút phương tiện giáo hóa thế gian, mới hòa nhập vào cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội một cách hợp lý và đầy trí tuệ.
Nhưng với hình thức nào, phương tiện ra sao, cái căn bản của người xuất gia thì không thể phương tiện được, nói rõ hơn cái gì thuộc về giới tánh, giới thể cái đó không thể phương tiện được.
Nhưng người xuất gia có quyền hòa nhập vào cuộc đời bởi vì “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Nhưng không cho nó hòa hợp và hòa tan một cách dễ dàng, ta không nên phương tiện quá khiến mình trở nên thế tục hóa lúc nào không hay.
Với người xuất gia trẻ thời nay có đầy đủ khả năng làm cho Phật pháp hưng thịnh và phát triển mạnh, song bên cạnh đó cũng không ít thành phần tham gia phá hoại làm cho Phật pháp ngày một giảm đi. Mặc dù Phật giáo chú trọng về tâm, về tánh không đặt nặng về tướng lắm, nhưng một con sâu làm rầu nồi canh, một đống phân nhỏ có thể làm ô uế căn nhà rộng, do đó ta không thể xem thường được.
Nhiều người xuất gia trẻ thời bây giờ dễ rơi vào trường hợp này, nhưng họ không hề hay biết vì cho rằng phương tiện hóa. Ở đây tôi không tiện nói rõ ra, nhưng hy vọng rằng họ sẽ tỉnh thức trong một mai, cho dù hành vi đó trong giới điều của Phật không có nhưng nó rất nguy hiểm cho Phật giáo chúng ta.
Sống trong một cộng đồng, thường thường cái gì được cho là tốt đẹp thì tập trung phát triển mạnh, điều đó cũng xảy ra không ít phiền toái. Phật giáo đang phát triển trên khắp năm châu bốn bể, nhưng chúng ta đừng sớm hãnh diện và chủ quan mà phải nỗ lực, phấn đấu để bảo vệ Phật pháp ngày càng trong sáng và lành mạnh hơn, vì Phật giáo chúng ta là đạo trí tuệ, đạo bình đẳng, là đạo sống cho nhân loại, không để cho một vết nhơ mà nhòa cả trang giấy trắng.
Trong kinh Di Giáo đức Phật dạy rằng: “tất cả các ma vương ngoại đạo, không ai có thể phá hoại được giáo pháp của ta, chỉ có đệ tử ta mới làm cho giáo pháp ta bị hủy diệt”. “Chỉ có trùng trong thân sư tử mới ăn được thịt sư tử mà thôi”.
Có người hỏi tôi rằng: Giới luật đối với một xã hội hiện đại này có còn phù hợp nữa không?
Xin thưa rằng: Phù hợp hay không phù hợp điều đó còn ở người hành trì. Chẳng hạn khi đức Phật còn tại thế không cho đệ tử sống gần những nơi đông người, náo nhiệt hoặc không cho nắm giữ vàng bạc… Nhưng bây giờ phần đông tu sĩ đều cư trú nơi đô thị, đông đúc, vì sao? Vì để đáp ứng lại nhu cầu mà chúng sanh muốn tham hiểu và học hỏi từ Phật giáo, do đó những thành viên của Phật giáo phải phương tiện học hỏi và tu tập với kiến thức thế gian cùng trí tuệ Phật giáo trao truyền một cách thực tế hơn, dễ hiểu hơn. Đây là mặt tinh thần.
Còn về phần vật chất, khi Phật còn tại thế đời sống và sinh hoạt của người xuất gia đa phần được cư sĩ tại gia hộ trì và cung cấp cúng dường một cách hoàn mãn. Đời sống thì sống theo Tăng đoàn, mọi vấn đề đều chung, thậm chí tinh xá nơi Phật trú ngụ đều do cư sĩ xây dựng. Ngược lại, bây giờ người tu sĩ Phật giáo đa phần phải sống theo cá nhân và tự lực, theo khả năng và điều kiện của mỗi người, tuy nhiên cũng có phần đóng góp của cư sĩ. Do vậy, việc cấm nắm giữ vàng bạc bây giờ không còn phù hợp nữa. Vì muốn xây dựng một vấn đề gì đó nếu không nắm giữ những điều kiện đó lấy gì làm, đây là thực tế không thể chối cãi. Do vậy, nếu nhìn về Phật giáo phải nhìn bằng cặp mắt “đa diện” chứ đừng nhìn bằng cặp mắt “phiến diện”, vì Phật giáo là tùy duyên bất biến, không lệ thuộc bất cứ một mặt nào cả.
Tóm lại là người con Phật phải đặt mục tiêu trí tuệ lên hàng đầu. Học thôi chưa đủ mà phải có thực nghiệm của sự tu đạo. Bằng phương pháp hành trì giới luật để trang nghiêm pháp thân. Như thế mới đủ trí lực, đủ bản lĩnh, đủ nhẫn nhục, đủ từ bi, đủ khiêm hạ, đủ bất khuất để dấn thân trong sứ mạng: “hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự”. Cho nên đuốc trí tuệ luôn tỏa sáng, đem giới luật áp dụng vào đời cho tỏ đạo.
Lại nữa mỗi hành giả tu tập phải ý thức được rằng: “giới luật là mạng mạch, là nhịp đập của con tim, là không khí, là thức ăn, nước uống cho đời sống hằng ngày. Nếu ai không khéo nỗ lực hành trì một cách nghiêm túc, e rằng đã không đem lại hạnh phúc an lạc mà ngược lại nó sẽ trở thành sự trói buột cho chính bản thân mình mà còn ảnh hưởng cho đạo pháp và dân tộc.
Còn nếu ai khéo hộ trì giới luật, xem giới luật là thầydẫn đường đi trong đêm tối vô minh thì người đó ngày một thăng hoa trong đời sống của tâm linh. Sớm cải thiện được mọi hành vi xấu ác, làm cho phẩm hạnh và giá trị đạo đức tăng trưởng một cách trọn vẹn. Bởi đạo đức của một con người theo định nghĩa đều nằm trong giới luật Phật giáo mà ra. Do vậy, nếu một con người, một xã hội, một quốc gia… biết áp dụng giới luật vào đời sống hằng ngày thì điều chắc chắn con người đó, xã hội đó, sẽ không còn cảnh đầu rơi máu đổ, ân oán hận thù xảy ra trong cuộc sống.

Tác giả: Thích Nữ Đồng Phúc
15-08-2006

(PhápThoai.net)


Âm lịch

Ảnh đẹp