11/10/2012 18:50 (GMT+7)
Số lượt xem: 50894
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

(PGAL) - Chúng ta nhận thấy tiến trình tu tập của đức Phật từ khi đang còn là Bồ-tát cho đến khi chứng Vô Thượng Bồ đề, Ngài luôn luôn tự thân nỗ lực, không nương tựa vào bất cứ ai, mà chỉ nhờ vào lòng tin, tinh tấn, niệm, định, tuệ của mình.


Kinh nghiệm tu tập của Đức Phật qua Kinh Thánh cầu

Kinh nghiệm tu tập của Đức Phật qua Kinh Thánh cầu

Sự kiện ra đời của đức Phật để đem lại an lạc cho con người và cuộc đời, đã được Ngài đề cập trong nhiều kinh: "Ta ra đời vì an lạc, vì hạnh phúc, vì lợi ích cho chư thiên và loài người, vì lòng thương tưởng cho đời". Với lý tưởng đó, Ngài đã trải qua bao nhiêu thử thách, gian lao, bằng những kinh nghiệm của tự thân để cuối cùng tìm được con đường đi ra khỏi khổ đau. Ở đây chúng ta muốn giới thiệu kinh nghiệm tu học của đức Phật được ghi lại trong kinh Thánh Cầu (số 26, Trung Bộ I).

Ở đời cái gì cũng vậy, không phải ngẫu nhiên có được, mà đòi hỏi mỗi con người chúng ta phải tự nỗ lực, tự tầm cầu, tự suy tư để tìm đến con đường giải thoát cho tự thân và tha nhân. Đức Phật cũng vậy, qua sự tu tập và kinh nghiệm của Ngài khi đang còn là Bồ-Tát cho đến lúc chứng Vô thượng Chánh đẳng giác, nỗi khổ đau kiếp người lúc nào cũng vẫn ám ảnh trong tâm thức, khiến Ngài phải tự tư duy, tìm cầu giải thoát. Những kinh nghiệm đó được Ngài chia ra hai loại, đó là Thánh cầu và phi Thánh cầu .

1. Thế nào là Phi Thánh cầu?

"Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm".

"Vợ con, đầy tớ nam, đầy tớ nữ, dê, cừu, gà, voi, heo, trâu, bò, ngựa đực, ngựa cái, vàng và bạc là bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm. Những chấp thủ ấy là bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sanh, bị già... bị ô nhiễm lại tìm cái bị sanh, bị già... bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo như vậy gọi là Phi Thánh Cầu".

2. Thế nào là Thánh cầu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già... tìm cầu cái không già... tự mình bị bệnh... tìm cầu cái không bệnh... tự mình bị chết... tìm cầu cái bất tử... tự mình bị ô nhiễm... tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo như vậy gọi là Thánh Cầu".

Ngài đã kể lại, khi Ngài đang còn là Bồ-tát, chưa chứng Chánh đẳng giác, đã tự mình đi tìm cầu cái bị sanh, bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu. Những nỗi khổ đau đang ám ảnh trong tâm trí của Ngài và thấy sự nguy hại của chúng, Ngài từ bỏ chúng và đến học đạo với hai vị đạo sư nổi tiếng đương thời là Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta. Khi đến học đạo với Àlàra Kàlàma, được Àlàra Kàlàma tuyên bố về Vô-sở-hữu-xứ. Rồi Ngài suy nghĩ không phải chỉ có Àlàra Kàlàma có lòng tin, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ, Ta cũng có lòng tin, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ. Suy nghĩ như vậy, Ngài tự thân nỗ lực và không bao lâu Ngài đã chứng được pháp ấy. Nhưng pháp ấy cuối cùng cũng không hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thượng tri, giác ngộ, Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô-sở-hữu-xứ. Ngài lại từ bỏ pháp ấy, ra đi. Tiếp đến học đạo với Uddaka Ràmaputta, được Uddaka Ràmaputta tuyên bố về Phi tưởng phi-phi-tưởng-xứ. Rồi Ngài suy nghĩ không phải chỉ có Uddaka Ràmaputta có lòng tin, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ, Ta cũng có lòng tin, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ. Suy nghĩ như vậy, Ngài tự thân nỗ lực và không bao lâu Ngài đã chứng được pháp ấy. Nhưng tựu trung, pháp ấy vẫn không hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thượng tri, giác ngộ, Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Phi tưởng phi-phi-tưởng-xứ. Do đó Ngài lại từ bỏ pháp ấy, ra đi.

Sau khi từ bỏ hai vị Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta, vì hai vị này chưa chứng được thánh quả, rồi Ngài đến Uruvela, lựa một địa điểm khả ái, dễ dàng khất thực và Ngài tham thiền ở đó cho đến khi thành đạo. Ngài tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; và chứng được chúng; tự mình bị già... tìm cầu cái không già... tự mình bị bệnh... tìm cầu cái không bệnh... tự mình bị chết... tìm cầu cái bất tử... tự mình bị ô nhiễm... tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn vả đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Rồi tri và kiến khởi lên nơi Ngài: "Sự giải thoát của Ta không bị giao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn tái sanh nữa".

Sau khi thành đạo, Ngài suy nghĩ: "Pháp này do Ta chứng được thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng như vậy thì thật khó mà thấy được định lý Idapacayatà Paticcasamuppàda (Y Tánh Duyên Khởi Pháp); sự kiện này thật khó thấy, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, y tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Nếu ta thuyết pháp mà người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật phiền toái cho Ta, như vậy thật bực mình cho ta!". Phạm thiên Sahampati biết được tâm tư của đức Thế Tôn, liền hiện đến đỉnhcầu Ngài ở lại đời để thuyết pháp. Cuối cùng, Ngài nhận lời của Phạm thiên theo bài kệ:

"Cửa bất tử rộng mở
Cho những ai chịu nghe.
Hãy từ bỏ tín tâm, 
Không chính xác của mình
Tự nghĩ đến phiền toái, 
Ta đã không muốn giảng
Tối thượng vi diệu pháp, 
Giũa chúng sinh loài người". - (Ôi Phạm thiên)

Từ đó, Ngài vận chuyển bánh xe pháp. Trên con đường hoằng pháp Ngài gặp tà mạng ngoại đạo Upaka, vị này ca ngợi và hỏi Ngài vì mục đích gì mà xuất gia, ai là vị đạo sư và Ngài thọ trì pháp của ai. Để khẳng định mình là bậc thầy của trời người, Ngài nói lên bài kệ với tà mạng ngoại đạo Upaka như sau:

-"Ta, bậc thắng tất cả,
Ta, bậc nhất thiết trí.
Hết thảy pháp không nhiễm, 
Hết xả pháp, xả ly.
Ta sống không giải thoát, 
Đoạn tận mọi khát ái.
Như vậy Ta tự giác,
Còn phải y chỉ ai?

Ta không có Đạo sư, 
Bậc như Ta không có, 
Giữa thế giới Nhân, Thiên, 
Không có ai bằng Ta, 
Bậc Ứng cúng trên trời, 
Bậc Đạo sư vô thượng.
Tự mình Chánh đẳng giác, 
Tự an tịnh thanh thoát.

Để chuyển bánh xe pháp, 
Ta đến thành Kàsi.
Gióng lên trống bất tử, 
Trong thế giới mù loà.

-"Như hiền giả tự xưng, hiền giả xứng đáng là bậc chiến thắng vô tận?".

-"Như Ta, bậc thắng giả, 
Những ai chứng Lậu tận, 
Ác pháp, Ta nhiếp phục, 
Do vậy, Ta vô địch.
Này Upaka!"

Rồi Ngài đi đến vườn nai để hóa độ cho năm vị Tỷ-kheo trước kia đồng tu khổ hạnh với Ngài và cả năm đều chứng quả A-la-hán. Tiếp theo, Ngài nói bài pháp về năm dục trưởng dưỡng, sự nguy hại của năm dục trưởng dưỡng và sự giải thoát năm dục trưởng dưỡng. Các sắc do mắt nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân cảm xúc, khả ái, khả hỷ, khả lạc, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Như vậy gọi là năm dục trưởng dưỡng. Nếu những sa môn hay Bà-la-môn nào bị trói buộc, bị tham đắm bởi năm dục trưởng dưỡng này, không thấy sự nguy hại, sự giải thoát của chúng mà thọ dụng của chúng thì những sa môn, bà-la-môn ấy sẽ rơi vào tầm tay của Ác ma. Còn những sa môn hay bà-la-môn nào không bị trói buộc, không bị tham đắm bởi năm dục trưởng dưỡng này, thấy sự nguy hại, sự giải thoát của chúng mà thọ dụng chúng thì những sa môn, bà-la-môn ấy sẽ không rơi vào tầm tay của Ác ma. Muốn vậy, cần phải chứng được Tứ thiền, Tứ không và Diệt Thọ Tưởng Định bằng trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn trừ.

Qua đó, chúng ta nhận thấy tiến trình tu tập của đức Phật từ khi đang còn là Bồ-tát cho đến khi chứng Vô Thượng Bồ đề, Ngài luôn luôn tự thân nỗ lực, không nương tựa vào bất cứ ai, mà chỉ nhờ vào lòng tin, tinh tấn, niệm, định, tuệ của mình. Chính ngay cả Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta là hai vị đạo sư nổi tiếng đương thời, vẫn không làm cho Ngài đạt được trí nguyện giải thoát. Điều đó, Ngài đã từng dạy cho chư Tỷ-kheo:"Này các Tỷ-kheo, hãy sống tự mình là ngọn đèn cho chính mình (attadipà viharatha), chớ y tựa một ai khác. Lấy Chánh pháp làm ngọn đèn, lấy chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác... " (Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư Tử hống, Trường Bộ II).

Tóm lại, kinh nghiệm tu tập của Ngài được ghi lại trong kinh Thánh cầu đã minh chứng rằng bằng tinh thần vô uý và tự tin vào sức mạnh của chính mình, Ngài đã thắp ngọn đuốc bằng niềm tin Giới, Định, Tuệ bừng sáng trong đêm đầy tăm tối, đem lại con đường đi ra khỏi khổ đau cho nhân loại

Tác giả bài viết: Hòa thượng Thích Minh Châu


Âm lịch

Ảnh đẹp