Trong cuốn "The Buddha and His Teachings", hòa thượng Narada Mahathera đã viết:
“Sau cuộc chiến đấu kỳ diệu phi thường kéo dài sáu năm đằng đẵng, không
có sự hỗ trợ từ bên ngoài và không được sự hướng dẫn của một năng lực
siêu phàm nào, đơn độc một mình và chỉ nương nhờ nơi nỗ lực của chính
mình, đạo sĩ Gotama, lúc ấy ba mươi lăm tuổi, tận diệt mọi ô nhiễm, chấm
dứt mọi tiến trình tham ái và Chứng Ngộ Thực Tướng của vạn pháp, đã trở
thành một vị Phật (Buddha), Đấng Chánh Biến Tri, bậc Toàn Giác.
Không phải khi sanh ra Ngài đã là Phật, mà Ngài trở thành Phật do sự nỗ
lực của mình. Phạn ngữ Buddha xuất nguyên từ căn "Budh", là Hiểu Biết
hay Thức Tỉnh. Gọi là Buddha vì Ngài hiểu biết đầy đủ Bốn Chân Lý Thâm
Diệu Cao Quý (là Tứ Diệu Đế), và từ giấc mơ vô minh Ngài đã thức tỉnh.
Đức Phật cũng không bao giờ tự nhận là có quyền năng cứu vớt kẻ khác
bằng sự cứu rỗi của mình. Ngài thiết tha kêu gọi những ai hoan hỷ bước
theo dấu chân Ngài không nên ỷ lại nơi người khác mà phải tự mình giải
thoát lấy mình, bởi vì cả hai, trong sạch và bợn nhơ, cũng đều tùy thuộc
nơi chính mình. Ta không thể trực tiếp làm cho ai trong sạch hay ô
nhiễm.
Để minh định rõ ràng mối tương quan của Ngài đối với hàng môn đệ và để
nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện tự mình nhận lãnh trọn vẹn trách
nhiệm và tự mình nỗ lực kiên trì, Đức Phật minh bạch dạy rằng:
- "Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư."
Đức Phật chỉ vạch cho ta con đường và phương pháp mà ta có thể nương
theo đó để tự giải thoát ra khỏi mọi khổ đau của vòng sanh tử và thành
tựu mục tiêu cứu cánh. Đi trên con đường và theo đúng phương pháp hay
không, là phần của người đệ tử chân thành muốn thoát khỏi những bất hạnh
của đời sống.
- "Ỷ lại nơi kẻ khác để giải thoát cho mình là tiêu cực. Nhưng đảm đang
lãnh lấy trách nhiệm, chỉ tùy thuộc nơi mình để tự giải thoát, quả thật
là tích cực."
Tùy thuộc nơi người khác là đem tất cả cố gắng của chúng ta ra quy hàng.
- "Hãy tự xem con là hải đảo của con. Hãy tự xem con là nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác!"
Phật giáo không đòi hỏi nơi tín đồ một đức tin mù quáng. Do đó một niềm
tin tưởng suông không thể có chỗ đứng. Thay vào đó là lòng tín nhiệm căn
cứ trên sự hiểu biết.
Niềm tin mà người Phật tử đặt nơi Đức Phật cũng giống như niềm tin mà
bệnh nhân đặt nơi một lương y trứ danh hay của trò đặt nơi thầy. Mặc dầu
tìm nương tựa nơi Đức Phật và tôn trọng Ngài là vị hướng đạo vô thượng,
là thầy dắt dẫn trên Con Đường Trong Sạch, người Phật Tử không quy phục
mù quáng như kẻ nô lệ, không tin rằng chỉ quy y Tam Bảo hay chỉ có đức
tin suông nơi Tam Bảo mà mình có thể trở nên trong sạch.
Không ai, dầu là Đức Phật đi nữa, có đủ quyền lực để gội rửa bợn nhơ
của người khác. Nói một cách chính xác, không ai có thể rửa sạch, cũng
không ai có thể làm hoen ố người khác.
Đức Phật là vị Tôn Sư có thể giúp đỡ bằng cách vạch ra con đường, nhưng
chính ta phải lãnh lấy nhiệm vụ gội rửa thân tâm của chúng ta.
Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:
- "Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm.
Chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta.
Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta.
Không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch". (Câu 145)
Người Phật tử không làm nô lệ cho một quyển sách hay một cá nhân, cũng
không hy sinh tự do tư tưởng của mình khi bước theo dấu chân của Đức
Phật. Người Phật tử hoàn toàn tự do thực hiện ý chí, mở mang kiến thức
và phát triển trí tuệ cho đến ngày chính mình đắc Quả vị Phật, bởi vì
khả năng trở thành Phật nằm bên trong tất cả mọi chúng sanh.
Đức Phật dạy:
- "Người nào thấy Giáo Pháp (Dhamma) là thấy Như Lai".
Một đặc điểm khác nên được ghi nhận trong nghi lễ tụng niệm Phật Giáo,
đó là, câu kinh không phải là lời thỉnh nguyện, cũng không phải là lời
cầu xin chuyển đạt một nguyện vọng. Dầu ta có bỏ hết thì giờ để cầu xin
cũng không được gì.
Đức Phật không khi nào và không thể nào ban bố những ân huệ cho người
cầu nguyện. Để được cứu rỗi, người Phật tử không nên cầu nguyện mà phải
nhận lãnh trách nhiệm, cố gắng trau giồi đức hạnh, kiên trì tu tập để tự
thanh lọc và thành tựu giải thoát. Không nên lệ thuộc người khác mà
phải nương nhờ nơi mình, tự mình cố gắng.
Đức Phật dạy:
- "Các con phải cố gắng, các đấng Như Lai chỉ là những vị thầy"
Chẳng những cầu nguyện, van xin, là vô ích mà đó còn là thái độ nô lệ
tinh thần. Thay vì đọc kinh cầu nguyện, Đức Phật khuyên nên cố gắng hành
thiền để ghép mình vào kỷ luật, tự kiểm soát, tự thanh lọc tâm, và giác
ngộ. Thiền tập là liều thuốc bổ cho cả tâm lẫn trí.
Trong Phật Giáo không có Thần Linh vạn năng, bắt buộc tín đồ phải sợ hãi
cúi đầu vâng lệnh. Phật Giáo phủ nhận sự hiện hữu của một oai lực siêu
thế, quan niệm như một thực thể toàn năng, hay có năng lực vô cùng tận.
Không có tánh cách thần khải, không có người truyền đạt tin tức và những
lời sấm của một Thần Linh từ đâu trên cao ban xuống đến cho con người.
Do đó người Phật tử không quỵ lụy phục tùng một oai lực siêu nhiên cầm
quyền thưởng phạt và kiểm soát định mạng.
Bởi vì không tin nơi thiên khải Thần Linh, Phật giáo không đòi hỏi độc
quyền nắm chân lý và không bài xích bất cứ tôn giáo nào khác. "Tánh
thiên chấp là kẻ thù tệ hại nhất của tôn giáo".
Với đức tánh rộng lượng khoan dung của Ngài, Đức Phật hằng khuyên hàng
môn đệ không nên giận dữ, bất mãn, hay không vui lòng, nếu có ai nói xấu
Ngài, Giáo Pháp của Ngài, hay Giáo Hội mà Ngài sáng lập. Đức Phật dạy:
- "Nếu các con giận dữ, bất mãn, hay không vui lòng, chẳng những các con
tự đặt mình vào chỗ hiểm nguy có thể mất cả nền tảng đạo đức tinh thần,
mà các con còn không thể xét đoán đúng mức lời chỉ trích có giá trị hay
không".
Các lời lẽ có rất nhiều ý nghĩa kia mà Đức Phật đã dạy trong những ngày
sau cùng của Ngài quả thật mạnh mẽ, nổi bật và cảm kích. Điều này chứng
tỏ rằng cố gắng cá nhân là yếu tố tối cần để thành tựu mục tiêu. Tìm sự
cứu rỗi nơi những nhân vật hảo tâm có quyền năng cứu thế và khát khao
ham muốn hạnh phúc ảo huyền xuyên qua những lời van vái nguyện cầu vô
hiệu quả và nghi thức cúng tế vô nghĩa lý, quả thật là vô ích.
Trong thời Ngài còn tại thế, Đức Phật chắc chắn được hàng tín đồ hết
lòng tôn kính, nhưng không bao giờ Ngài tự xưng là Thần Linh.
“The Buddha and His Teachings” - Narada Mahathera
Người dịch: cư sĩ Phạm Kim Khánh