03/10/2012 07:45 (GMT+7)
Số lượt xem: 81748
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ước mơ muôn thuở của nhân loại là cuộc sống hạnh phúc, gia đình ấm no, xã hội thanh bình, thế giới an vui. Nhưng để chuyển hóa những ước mơ đó thành hiện thực, thì không gì khác ngoài việc thực hành chánh pháp, sống đời sống chân chánh, chia sẻ phước thiện đến với tất cả mọi người.


1. Dẫn nhập

Sự sống của con người đang bị giảm dần theo năm tháng bởi sự bào mòn của thời gian, sức tàn phá của sanh, già, bệnh, chết. Đời sống này cũng sẽ đi vào ngõ cụt nếu trong tận tâm thức của con người luôn ngự trị bởi bóng đêm của tham, sân, si. Thế giới mà chúng ta đang sống cũng đang gặp phải những biến động của thời tiết, trái đất đang nóng dần lên, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực xã hội … đang len lõi trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Đứng trước những thách thức như vậy, chúng ta phải làm gì để cứu lấy đời sống này? Thiết nghĩ, tri thức của loài người dẫu thông minh đến đâu, vẫn còn bị hạn hẹp trong cái nhìn hữu ngã, vẫn còn bị trói buộc bởi tham, sân, si. Vì vậy, tri thức ấy cũng không thể giúp con người ra khỏi phiền muộn, hệ lụy của cuộc sống. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, lời dạy của bậc Giác Ngộ luôn cần thiết, luôn là giải pháp tối ưu cho con người và xã hội trong vấn đề tìm kiếm và bảo vệ hạnh phúc của mình, của người cũng như của toàn xã hội. Bài viết này, tác giả xin nêu một bài kinh trong “Tạp A Hàm” nhằm chia sẻ một vài điều giáo huấn của bậc thầy giác ngộ, để chúng ta cùng nhau suy ngẫm và thực tập.

2. Luận giải ba pháp hành

Trong kinh “Tạp A Hàm” quyển 42, kinh số 1147 có ghi lại cuộc đối thoại giữa Đức Phật và vua Ba Tư Nặc. Nhân chuyến vi hành khắp lãnh thổ mà mình đang cai trị xong, với thân hình đầy bụi đất, đức vua đã đến thăm viếng và đảnh lễ Đức Thế Tôn, cuộc đàm thoại giữa hai thầy trò được diễn ra như sau:

Đức Thế Tôn hỏi Vua: Này Đại vương ! Ta nay hỏi ông, ông hãy tùy ý mà đáp nhé. Thí như có người từ phương Đông lại, có tín, có duyên, chưa từng giả dối, đến tâu với vua rằng: ‘Tôi từ phương Đông lại, thấy một núi đá, rất vuông vức to lớn, không bị đục thủng, không bị phá hoại, cũng không xói lở, đang nghiền đất mà đến. Tất cả cây cỏ và sanh vật đều bị nghiền nát.’ Từ phương Nam, Tây, Bắc cũng có người đến, có tín, có duyên, chưa từng giả dối, đến tâu với vua rằng: ‘Tôi thấy một núi đá rất vuông vức to lớn, không bị đục thủng, không bị phá hoại, cũng không xói lở, đang nghiền đất mà đến. Tất cả cây cỏ và sanh vật đều bị nghiền nát.’ Ý Đại vương thế nào? Sự việc khủng bố, hiểm ác, chết chóc lớn lao như vậy xảy đến; vận của chúng sanh đã hết; sanh làm người thật khó. Đại vương sẽ phải tính sao?”

Vua bạch Phật: “Nếu như vậy, thì không còn cách tính nào khác, chỉ còn cách tu thiện, chuyên tâm phương tiện nơi Pháp luật của Phật.”

Phật bảo Đại vương: “Cớ sao lại nói là những chuyện hiểm ác khủng bố chợt xảy đến cho đời, vận của chúng sanh đã hết, thân người khó được; chỉ còn phải thực hành theo pháp, hành nghĩa, hành phước, phải chuyên tinh phương tiện nơi giáo pháp của Phật? Vì sao không nói, địa vị của Quán đảnh vương, đứng đầu trên mọi người, uy quyền tự tại, thống lãnh đại địa, sự vụ, nhân dân để đối phó sự việc ấy?”

Vua bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, đó là nói khi thanh bình, thì vương vị quán đảnh là đứng đầu mọi người, thống lãnh cõi đất, để doanh lý mọi việc. Dùng tài sản đấu tài sản. Dùng voi đấu voi. Dùng xe đấu xe. Dùng bộ đấu bộ. Hoặc thắng hoặc bại, ngay lúc đó không thể tự chủ. Cho nên, con nói đến khi sự việc hiểm ác khủng bố xảy đến, chúng sanh vận cùng, thân người khó được; khi đó không có kế nào khác, mà chỉ còn có thực hành theo pháp, hành nghĩa, hành phước, chuyên tâm quay về nương tựa nơi giáo pháp của Phật.”

Phật bảo Đại vương: “Đúng thế! Đúng thế! Thường xuyên bị nghiền nát, nghĩa là kiếp ác, già, bệnh, chết, khổ, não nghiền nát chúng sanh, sẽ phải làm sao? Chính là phải tu nghĩa, tu  pháp, tu phước, tu thiện, tu từ, ở trong Phật pháp tinh cần phương tiện.” Cuộc đối thoại được kết thúc trong sự hoan hỷ của Đức Vua. [i]

Thông qua sự trao đổi giữa Đức Phật và vua Ba Tư Nặc, chúng ta không khó để nhận ra rằng, nếu thế giới này băng hoại, mạng sống của con người giảm dần bởi sanh, già, bệnh, chết, hoặc chuyện hiểm ác xảy đến với cuộc đời này, chúng ta không thể dùng quyền uy, thế lực hay phép thuật, bùa chú…mà có được sự thanh bình và hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ thực sự có mặt khi tự thân mỗi người phải tự hoàn thiện mình bằng đời sống thánh thiện. Có như vậy, xã hội mới có bình an, quốc độ mới được thanh bình. Trong bài kinh vừa dẫn trên có điểm đáng chú ý trong lời dạy của Đức Phật, khi gặp sự khó khăn của đời sống, cho đến tiến trình bắt đầu và kết thúc của một sinh mệnh an lạc hay đau khổ, được thiết lập trên sự tu tập chuyển hóa của mỗi tự thân thông qua ba pháp hành. Đó chính là thực hành pháp, thực hành nghĩa và thực hành phước. dưới đây đi vào phân tích ba pháp hành này.

2.1. Thực hành pháp

Pháp ở đây được hiểu là chánh pháp, chánh pháp là con đường sáng, là phương pháp thực tập để mỗi người tự mình có thể đoạn tận những hạt giống khổ đau, loại trừ những tâm niệm bất thiện, hướng về đời sống thánh thiện. Trong kinh Tạp A Hàm, đức Thế Tôn đã định nghĩa về chánh pháp như sau: “Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Có phi pháp, có chánh pháp. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói: Thế nào là phi pháp? Sát sanh, tà kiến. Đó gọi là phi pháp.... cho đến. Thế nào là chánh pháp? Không sát sanh, chánh kiến. Đó gọi là chánh pháp.” [ii]  Như vậy, ở đây chúng ta thấy được rằng chánh pháp, là những pháp hành mà đức Phật dạy chúng ta để thực tập trong đời sống hằng ngày như: không sát sanh, không trộm cướp, cũng như bát chánh đạo… Những chánh pháp này có tác dụng giúp chúng ta đoạn trừ mầm móng khổ đau, đưa đến chân hạnh phúc. Nhưng để có được hạnh phúc này không ai khác tự thân chúng ta phải là người hiểu pháp, thực hành pháp và chứng đạt pháp. Từ luận điểm này, chúng ta có thể suy luận rằng, nếu cuộc đời này ai trong mỗi chúng ta đều thực hành chánh pháp, thì tự thân an vui, gia đình hạnh phúc, xã hội thanh bình, đất nước thịnh trị, quốc độ thanh tịnh, cho đến thành tựa thánh quả. Đúng như lời Thế Tôn đã khẳng định: “Duy chỉ có Chánh pháp khiến Ta tự giác, thành tựu Bồ-đề. Ta hãy cung kính tôn trọng, phụng sự, cúng dường pháp ấy, nương vào đó mà sống. Vì sao? Chư Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác quá khứ cũng cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà sống. Chư Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác vị lai cũng sẽ cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà sống.”[iii]

2.2.  Thực hành nghĩa

 Theo bản Hán tạng là “行義”, thầy Tuệ Sỹ dịch là “thực hành nghĩa”, ngài Bhikkhu Bodhi dịch Anh ngữ  “to live righteously”(sống ngay thẳng, đạo đức, công bằng, chính đáng, hành động đúng lý), Hòa Thượng Minh Châu dịch là “sống chơn chánh”. Như vậy, ở đây chúng ta có thể hiểu “thực hành nghĩa” là thực hành đời sống chân chính, đời sống đạo đức, đời sống hướng thượng. Đây cũng chính là chánh mạng trong bát chánh đạo. Định nghĩa về chánh mạng được đức Phật dạy trong kinh văn như sau: “Này chư Hiền, thế nào là chánh mạng? Này chư Hiền, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh mạng.”  (‘Kinh Phân Biệt Về Sự Thật’ (Saccavibhangacittasuttam),[iv] hay trong ‘Đại Kinh Xóm Ngựa’ (Maha ssapura suttam) đức Phật giải thích từ chánh mạng như sau: “Sanh mạng chúng ta phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết, che giấu. Nhưng chúng ta không vì sanh mạng thanh tịnh ấy, khen mình, chê người". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập”. [v]

Y cứ vào nội dung của kinh văn chúng ta có thể hiểu được rằng, chánh mạng là từ bỏ đời sống tà mạng; đời sống chánh mạng là đời sống phải được xây dựng trên nền tảng thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết, không che giấu lỗi lầm.[vi] Như vậy, dựa vào hai đoạn kinh văn chúng ta có thể quy nộp theo logic nhân quả, đó là hành giả từ bỏ đời sống tà mạng (nhân), thực hành đời sống chánh mạng, được thành tựu thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết, che giấu (quả) .

Dựa vào sự giảng dạy trong kinh văn, thiết nghĩ rằng nếu chúng ta biết thực hành về nghĩa, tức là thực hành đời sống chánh mạng, thì chúng ta có thể cứu lấy đời sống của mình và tất cả mọi người.

2.3.  Thực hành phước

Thực hành phước là một việc làm cần thiết trong trong đời sống hiện tại cũng như tương lai cho tất cả phàm phu chúng sanh cho đến quả vị Bồ tát. Tạo lập phước đức chính là xây dựng một đời sống đẹp cho chính mình và tha nhân, đây cũng chính là một pháp tu trong Phật giáo. Trong Phật giáo, nói đến nội dung thực hành phước được ghi lại rải rác rất nhiều trong các kinh luận, từ những việc nhỏ như: chia sẻ bố thí cứu giúp cuộc đời, các vật dụng cơm ăn, áo mặc, tiền bạc, cho đến việc lớn như bố thí chánh pháp, bằng cách dạy dỗ chánh pháp cho mọi người, để mọi người có hướng đi an lạc giải thoát. Theo tư tưởng của các vị luận sư trong “ A tỳ đạt ma” giải thích về việc thực hành phước có nhiều cách, vì thương tưởng muốn đem lại lợi lạc cho chúng sanh, thỉnh chư Phật chuyển pháp luân; chúng hữu tình đang chìm đắm trong mê, khiến chúng tu tập tìm về bến giác; chúng hữa tình chưa đủ giới đức, khiến cho đủ giới đức; chúng hữu tình chưa có trí tuệ, dạy dỗ khai mở trí tuệ… đây chính là thực hành phước. Nhưng có điểm đáng chú ý ở trong lập luận của các vị luận sư, là thực hành việc phước thiện phải được thiết lập trên nền tảng thanh tịnh của thân, khẩu, ý ba nghiệp. Nếu thực hành phước không được thanh tịnh trong ba nghiệp thì vẫn không thể gọi là thực hành phước, mà trái lại có thể sanh trưởng tội lỗi. [vii] luận điểm này của các vị luận sư, có thể nói là kế thừa tư tưởng của đức Phật trong kinh “Tạp A Hàm”, Thế Tôn đã dạy như sau: Đức Phật bảo Bà-la-môn: “Có một thứ đại tế đàn, tuy người chủ thực hành việc bố thí làm phước nhưng lại sanh ra tội, gặt hái quả báo bất thiện, bị đâm chém bởi ba thứ đao kiếm. Ba loại ấy là: đao kiếm bởi thân, đao kiếm bởi miệng, đao kiếm bởi ý. “Thế nào là đao kiếm bởi ý, sanh ra các quả báo khổ? Như có một người chủ tổ chức đại tế đàn, suy nghĩ: “Ta tổ chức đại hội tế tự, cần phải giết ngần ấy trâu đực mập mạnh, trâu cái, trâu con, dê tơ, cùng nhiều loài sanh vật nhỏ bé khác.” Đó gọi là đao kiếm bởi ý, sanh ra các quả báo khổ. Tuy người thí chủ có ý nghĩ là làm các việc bố thí và cúng dường như vậy, nhưng thật ra việc làm ấy sanh ra tội. “Thế nào là đao kiếm bởi miệng, sanh ra các quả báo khổ? Có một người chủ tổ chức lễ hội lớn, bảo như vầy: “Nay, ta tổ chức lễ hội lớn tế lễ, các ngươi phải giết ngần ấy trâu đực mập mạnh, cho đến ngần ấy sanh vật nhỏ bé khác.” Đó gọi là đao kiếm bởi miệng, sanh ra các quả báo khổ. Người chủ lễ hội lớn, tuy làm các việc bố thí, cúng dường, nhưng thật ra việc làm ấy sanh ra tội. “Thế nào là đao kiếm bởi thân, sanh ra các quả báo khổ? Có người chủ lễ hội lớn, tự tay mình giết trâu đực, cho đến giết hại các loài sanh vật bé nhỏ khác. Đó gọi là đao kiếm bởi thân sanh ra các quả báo khổ. Người chủ lễ hội lớn này, tuy nghĩ đến các việc bố thí, cúng dường, nhưng thật ra việc làm ấy sanh ra tội.[viii]  Qua sự phân tích trên, chúng ta thấy rằng việc thực hành phước thiện là cần thiết trong đời sống, là chất xúc tác để tạo nên đời sống thanh bình cho đời này và ngay cả đời sau. Cho nên đây cũng chính là lý do tại sao thực hành phước là nhân tố cứu giúp đời sống này.

3. Kết luận

Từ những luận bàn trên, xin được đúc kết vài điều sau:

Ước mơ muôn thuở của nhân loại là cuộc sống hạnh phúc, gia đình ấm no, xã hội thanh bình, thế giới an vui. Nhưng để chuyển hóa những ước mơ đó thành hiện thực, thì không gì khác ngoài việc thực hành chánh pháp, sống đời sống chân chánh, chia sẻ phước thiện đến với tất cả mọi người.

Thế giới chúng ta đang sống, đang từng ngày thay đổi, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực xã hội…đang ầm ỉ lan chảy và lưu chuyển trên mọi lối đi. Để chuyển hóa những khó khăn này, là trách nhiệm của ai? Trách nhiệm của tất cả chúng ta. Vậy hãy cùng nhau sống trong tuệ giác của chánh pháp, sống trong con đường thánh thiện và truyền trao cho nhau thông điệp của tình thương.

Niềm hỷ lạc trong hiện tại cũng như tương lai không hiện hữu trong bóng đêm của chấp ngã, của lòng đố kỵ, lòng tranh chấp tị hiềm. Niềm hỷ lạc chỉ đến, đang đến, sẽ đến với những ai biết sống tỉnh giác trong chánh pháp, biết giữ gìn đời sống thánh thiện.

 

Virginia Beach 1/10/2012

Thích Chúc Đại

 

 


[i] 《雜阿含經》卷42,1147經,  大正2, no. 99, p. 305, b6-c20.

    Việt dịch,Thích Tuệ Sỹ, Tạp A Hàm Kinh, quyển số 42, kinh 1147, NXBTGHN 2005,trang 174-177.

    Ngoài ra có thể so sánh đối chiếu :

   《別譯雜阿含經》卷4, 70經, 大正2, no. 100, p. 398, c9-p. 399, a18.

     Pāli, S.3.25. Pabbatūpamā. Biệt dịch, №100(70). http://studies.worldtipitaka.org/node/273750

    HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” tập 1, phẩm thứ 3, Ví dụ hòn núi, ấn hành, 2000, trang 223~228..

[ii]《雜阿含經》卷37, 1060經,大正02, no. 99, p. 275, c16-21。

    Việt dịch, Thích tuệ sỹ, Kinh Tạp A Hàm, kinh 1060, quyển 35, trang

  《雜阿含經》卷28, 769經 大正02, no. 99, p.200,c11-p.201,a8。

  《阿毘達磨集異門足論》卷12,五法品,大正26, no. 1536, p. 417, a12-13。

  《瑜伽師地論》卷25,大正30, no. 1579, p. 418, b22-23。

    Việt dịch, Thích tuệ sỹ, Kinh Tạp A Hàm, kinh 1060, VNCPHVN 1995,trang 624-625.

[iii] 《雜阿含經》卷44, 1188經,大正02, no. 99, p. 322, a1-7.

[iv]  HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 3, VNCPHVN ấn hành, 2001, trang 565.

[v]   HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, VNCPHVN ấn hành, 1992, trang 596~597..

[vi]  《中阿含經》卷7, 舍梨子相應品,分別聖諦經第十一,大正01, no. 26, p. 469, b6-13。

    《雜阿含經》卷28:785經, 大正02, no. 99, p. 203, c3-13。

[vii] 《阿毘達磨大毘婆沙論》卷177, 大正T27, no. 1545, p. 890, a5-b4。

    《阿毘達磨法蘊足論》卷11, 大正T26, no. 1537, p. 506, a15-p. 507, b5。

[viii] 《雜阿含經》卷4, 93 經,大正T02, no. 99, p. 24, c7-23。

      Việt dịch, Thích Tuệ Sỹ, Tạp A Hàm Kinh, quyển số 4, kinh 93,NXBTGHN 2002, trang  196-199.

http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/buoc-dau-hoc-phat/hanh-tri/11960-Ba-phap-hanh-cuu-lay-doi-song.html


Âm lịch

Ảnh đẹp