NHỮNG TRÌNH ĐỘ KHÁC NHAU CỦA HẠNH PHÚC


Nguyên tác: Different Levels of Happiness Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
20/03/2018 21:01 (GMT+7)
Số lượt xem: 1560
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng




nhung trinh do

 

Anh chị em thân mến, tôi vô cùng vui mừng hiện diện trong hội trường này một lần nữa. Lần trước có những con chim bồ câu bay qua bay lại đây đó, nhưng hôm nay dường như dường như không còn bồ câu nữa …

Trước tiên vì đây là kỷ niệm lần thứ ba mươi của Tushita, tôi phải nói với Zopa Rinpoche và tổ chức của ngài rằng trong ba mươi năm qua ngài đã thật đã cống hiến nhiều cho Đạo Phật, và qua đó tôi nghĩ một số người nào đó đã có được sự an bình nội tại hơn. Thế nên, tôi rất cảm kích điều đó.

Năm tháng đã trôi qua từ lần nói chuyện trước của tôi trong hội trường này. Thời gian không bao giờ dừng lại; nó luôn luôn di chuyển, và không năng lực gì có thể làm nó dừng lại. Nhưng những gì chúng ta có thể làm là sử dụng thời gian một cách thích đáng. Trong ý nghĩa nào mà tôi nói là “thích đáng”? Tôi nghĩ rằng ngay cả những bông hoa này cũng có một thứ quyền nào đó để lớn mạnh, để nở hoa, và cuối cùng cũng sản sinh ra hạt giống, bảo đảm cho một thế hệ mới. Trên tất cả của yếu tố vật lý này, chúng ta, như những tạo vật sống động, như những chúng sanh, có yếu tố mầu nhiệm mà chúng ta gọi là “tâm” hay “thức”, cũng như những cảm xúc. Mặc dù trình độ thô của thức và cảm xúc là rất lệ thuộc vào những tế bào não bộ, nhưng bản chất tối hậu của thức vẫn là điều gì đó huyền bí đối với những người bình thường.

Rõ ràng, mọi người có một cảm giác về tự ngã – “tôi”. Trong ba nghìn năm qua hay hơn thế, con người đã cố gắng để xác định tự ngã là gì, thế nên có những quan điểm khác nhau về tự ngã. Cũng thế mọi người có kinh nghiệm về vui sướng và đớn đau, và mỗi con thú cũng có một loại kinh nghiệm tương tự. Vậy thì, với tự do của tự ngã và những kinh nghiệm của vui sướng và đớn đau, thì mỗi người khao khát nhiều vui sướng hơn, nhiều hạnh phúc hơn, và không muốn khổ đau là tự nhiên. Cảm nhận ấy là thông thường với tất cả chúng sanh, mặc cho những đặc trưng khác biệt về thân thể. Rõ ràng rằng chó, mèo, và những con thú khác, kể cả côn trùng, tất cả đều có một cảm nhận về cái tôi, về tự ngã và với một khao khát có ít khổ đau hơn.

Bây giờ, ở đây, khi tôi sử dụng chữ “hạnh phúc”, tôi đang nói về hạnh phúc trong một ý nghĩa chân thành, sự hài lòng sâu xa. Cũng có thể ngẫu nhiên là những thử thách gay go hay khó khăn có thể đem đến một sự hài lòng hơn. Tôi nghĩ rằng, ở một phạm vi nào đó, những con thú cũng có thể trải nghiệm loại hài lòng đó. Sự khác biệt giữa con người chúng ta và những con thú khác là sự thông minh lạ thường của con người, và do bởi điều đó mà chúng ta có những trình độ khác nhau của hài lòng. Đối với thú vật, tôi nghĩ sự hài lòng chính yếu đến từ những kinh nghiệm vật lý hay cảm giác. Con người chúng ta chia sẻ cùng trình độ hài lòng ấy với những con thú, nhưng do bởi sự thông minh đặc trưng, do vì con người phức tạp hơn nhiều, cho nên chúng ta có sự hài lòng sâu rộng hơn ở trình độ tinh thần. Mặc dù, ở một chừng mực nào đó, thú vật trải nghiệm hài lòng cả những trình độ cảm giác và tinh thần, nhưng con người chúng ta rõ ràng trải nghiệm sự hài lòng rộng lớn hơn ở trình độ tinh thần.

Những người như vận động viên đôi khi trải nghiệm thử thách cam go rất nhiều ở trình độ vật lý, nhưng họ có một mục tiêu nào đó và khi họ đạt được mục tiêu thì

họ có sự thỏa mãn vô cùng ở trình độ tinh thần. Do vậy, tất cả những thử thách gian khó ở trình độ vật lý mang đến một sự thỏa mãn hơn. Tôi nghĩ ngay cả chúng ta cũng có những kinh nghiệm như vậy. Thí dụ, có thể có hai bệnh nhân có cùng chứng bệnh thân thể trong cùng một phòng của một bệnh viện. Một người có năng lực tinh thần có thể nghĩ nhiều hơn về những thứ nào đó, người kia thì ít khả năng tư duy hơn chỉ quan tâm đến những trải nghiệm thân thể vật lý. Bệnh nhân có năng lực tinh thần nghèo nàn hơn sẽ có nhiều đau đớn hơn và chán chường hơn. Mặc dù trình độ đau đớn thân thể là giống nhau, nhưng trình độ tinh thần, thái độ của họ khác nhau đối với bệnh tật và đau đớn của họ, vốn đã làm nên sự khác biệt.

Dĩ nhiên, đôi khi chúng ta nói, “Hôm nay thân thể của tôi hơi không thoải mái, hơi đau nhức, nhưng tâm tư tôi rất hạnh phúc”.  Và cũng có những trường hợp ngược lại, không có vấn đề về thân thể nhưng tinh thần lại khổ sở. Rõ ràng có hai trình độ. Giữa hai thứ, thứ nào nghiêm trọng hơn? Đấy là trình độ tinh thần. Sự bệnh hoạn hay không thoải mái thân thể có thể được khuất phục bằng hạnh phúc tinh thần. Sự thỏa mãn tinh thần có thể chinh phục sự đau đớn thân thể. Trái lại, nếu một người sự khổ sở tinh thần, với việc lo lắng quá, căng thẳng quá, thì sự thoải mái thân thể không thể chinh phục được nổi băn khoăn tinh thần. Trình độ tinh thần là quan trọng hơn.

Với những trình độ khác nhau của hạnh phúc và thỏa mãn, ở trình độ thật căn bản, tôi có thể nói rằng tôi rất hạnh phúc. Vì tôi có một giấc ngủ rất tốt lành tối qua, theo sau đó là một bửa điểm tâm và một bửa trưa ngon lành, tôi rất vui sướng, rất hài lòng. Loại hạnh phúc hay hài lòng thế đó là thông thường với những thú vật khác. Khi những con thú được cho ăn uống no đủ và không có gì nguy hiểm tức thời, chúng đúng là rất bình yên. Tôi nghĩ là chúng cũng hành thiền trong cách ấy. Khi một con thỏ ngồi mà không động đậy, tôi nghĩ nó đang thiền. Và cũng giống với một con bồ câu, khi nó no đủ và không có hiểm họa gì tức thời. Dĩ nhiên, thật sự hành thiền thì phức tạp hơn thế. Chỉ nhắm mắt lại và không động đậy không phải là thiền.

Có một trình độ khác của hạnh phúc vốn không liên hệ với trình độ vật lý. Thí dụ, trong trường hợp của riêng tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc nếu trong tháng qua hay năm rồi, tôi đã làm một việc gì đó hữu ích, chẳng hạn như tham dự những cuộc gặp gở hay tự học hỏi hay thực hành, vốn cho tôi một loại toại nguyện nào đó, hay nếu tôi đã hoàn thành ý nghĩa thật sự của cuộc sống bằng việc cống hiến một sự phụng sự nho nhỏ nào đó cho những người khác. Nếu tôi có thể mang đến một niềm hạnh phúc hay một sự thỏa mãn tạm thời nào đó cho người khác, kể cả thú vật, thì tôi cảm thấy hạnh phúc.

Cách đây mới hai ngày thôi, khi tôi đang từ sân bay về khách sạn và phải dừng lại khi đèn đỏ. Tôi đã chú ý thấy một em bé nghèo trên đường phố. Em bé ấy đang xin ăn, với một cái ly, với những người đang lái xe. May mắn thay, chiếc xe của tôi dừng lại nơi ấy. Do vì tôi đã kinh nghiệm trước đây về những sự kiện như vậy, nên tôi thường để một ít tiền trong túi, nhưng đó là ngày khác còn hôm nay tôi không có gì trong túi ngoài trừ vài viên kẹo. Tôi rồi thì phải mượn tiền từ những người cảnh sát trên xe của tôi và cho đứa bé. Một giờ trước, tôi đã nhận sửa sô cô la từ một người bạn, và tôi cũng cho đứa bé. Vào lúc ấy đúng là tôi cảm thấy hạnh phúc. Mẹ của đứa bé cùng đi với nó mang theo một đứa nhỏ hơn và đứa bé ấy đã mĩm cười thật tươi với mẹ nó. Ở thời khắc ấy, ngay khi tôi thấy thái độ vui sướng của đứa bé với mẹ nó, tôi thật sự cảm thấy một sự toại nguyện sâu xa. Cho nên, những việc nhỏ có thể mang đến một loại vui sướng nào đó, tối thiểu một khoảng thời gian ngắn.

Khi tôi quán chiếu về những thứ này, tôi thấy rằng có một trình độ khác của hạnh phúc hay hài lòng vốn không liên hệ gì đến thân thể vật lý. Dĩ nhiên, kinh nghiệm tâm linh của tôi là rất, rất giới hạn – có thể là một ít trên số không. Khi tôi quán chiếu về những thứ này, tôi thấy rằng có thể có sự toại nguyện sâu xa ở trình độ tinh thần thuần khiết không cần dựa vào những giác quan – về việc thấy, nghe, nếm hay xúc chạm vào thứ gì đó. Sự toại nguyện đó làm tôi can đảm hơn để đem những thứ thực tập này xa hơn và cũng như ao ước chia sẻ chúng với những người khác vốn rối rắm tinh thần.

Chúng ta có những kinh nghiệm hàng ngày ở những trình độ khác nhau của hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng những người không tín ngưỡng cũng có những loại kinh nghiệm tương tự từ việc giúp đở những người khác, hay tối thiểu từ việc không làm tổn hại họ. Việc giúp đở người khác cho chúng ta một cảm giác hạnh phúc và qua những thái độ như vậy chúng ta có thêm những người bạn. Bất cứ ta đi đâu, ta cũng thấy thêm những nụ cười, thêm sự thân thiện. Nếu ta là một người vị kỷ và hẹp hòi quá mức, ta nghi ngờ những người khác, và vì tính vị kỷ của ta, ta giữ khoảng cách với người khác. Với những cảm giác như vậy, chúng ta không thể cảm thấy hạnh phúc khi ta thấy thêm những người khác; chúng ta cảm thấy không thoải mái. Như vậy thật sự là chống lại bản chất căn bản của con người. Chúng ta là những tạo vật xã hội.

Suốt cuộc đời của một người, một đời sống hạnh phúc lệ thuộc vào những người khác; đó là căn bản của một  đời sống hạnh phúc, thành công. Nếu chúng ta nghi ngờ và giữ khoảng cách với người khác, chúng ta trở thành bị cô lập tinh thần; rồi chúng ta cảm thấy lẻ loi, sợ hãi, và một cảm giác bất an. Thế nên, bất chấp ta là một người có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, hãy là một người trung thực, nhiệt tình; chúng ta rồi thì sẽ là một người hạnh phúc hơn. Điều đó rất quan trọng. Chúng ta không nói ở đây về kiếp sống tới hay Đức Phật hay Thượng Đế. Đơn giản là chúng ta đang thẩm tra cách tốt nhất để đạt đến một đời sống hạnh phúc, và đây là những thái độ nội tại, những phẩm chất nội tại này, là những nhân tố then chốt để làm một người hạnh phúc.

Vì chúng ta là những tạo vật xã hội, chúng ta là những bộ phận của một xã hội, và nhằm để sống một cách hạnh phúc trong xã hội ấy, điều thiết yếu là chúng ta có tâm linh cộng đồng, chúng ta chia sẻ những vấn nạn và những thứ khác, và hoàn toàn hợp tác với nhau. Cộng đồng rồi thì sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Nhằm để có được một sự hợp tác chân thành, thì tình thân hữu là nhân tố chìa khóa, và sự tin tưởng là căn bản của tình thân hữu, không phải tiền bạc, quyền lực, học vấn, hay trí thông minh. Nếu có sự tin tưởng thật sự, thì tình thân hữu sẽ đến sau đó. Nếu chúng ta muốn tin tưởng, thì nhiệt tình và sự quan tâm chân thành cho sự cát tường của người khác, hãy chăm sóc người khác tối đa như làm cho chính mình, thì sẽ không có chỗ cho việc lừa đão người khác, cho sân hận hay ganh tỵ.

Nếu người nào đó thành công, chúng ta nên cảm thấy hạnh phúc hơn là lo lắng rằng họ đang thành công hơn chúng ta. Không có chỗ cho ganh tỵ hay cảm giác ganh đua tiêu cực. Những cảm giác ganh đua tích cực thì tốt, nhưng tiêu cực thì không. Miễn là chúng ta tôn trọng những quyền của người khác, miễn là chúng ta quan tâm chân thành cho sự cát tường của người khác, thì không có chỗ cho giết hại, trộm cắp, lừa dối, hảm hiếp, hay bắt nạt. Tất cả phẩm hạnh, tất cả những động của thân thể, lời nói, và tinh thần của chúng ta có thể là trong sạch.

Sự cởi mở và nhiệt tình chân thành là căn bản của sự tự tin, hay sức mạnh nội tại. Với chúng, chúng ta có thể đối diện với những người khác một cách trong sạch, như chúng ta không có gì để dấu diếm. Đó là căn bản của việc phát triển sự tin tưởng. Tin tưởng mang đến tình thân hữu, và tình thân hữu mang đến một cộng đồng hạnh phúc, hay ngay cả một gia đình hạnh phúc. Cho dù chúng ta có chấp nhận một niềm tin tôn giáo hay không đó là tùy vào cá nhân, đó là vấn đề của cá nhân. Nhưng những gì tôi gọi là “đạo đức thế tục” là cần thiết bởi vì chúng ta muốn một đời sống hạnh phúc. Chúng ta không đang nói về kiếp sau hay những thứ khác. Đơn giản là chúng ta muốn một cuộc sống hạnh phúc.

Ở một trình độ khác, có những người có tín ngưỡng. Tôi cảm thấy rằng đây là hai khía cạnh của tất cả những tôn giáo truyền thống quan trọng – một khía cạnh là sự thực tập và khía cạnh kia là triết lý hay giáo lý. Miễn là khía cạnh thực tập được quan tâm, tất cả những tôn giáo truyền truyền thống đều giống nhau. Tất cả những truyền thống dạy chúng ta thực tập về từ ái và bi mẫn, và với việc ấy là, tâm linh của tha thứ và bao dung, cũng như kỷ luật tự giác.

Nhằm để đề cao những sự thực tập này, có những triết lý và những quan điểm khác nhau hình thành. Có hai nhóm tôn giáo – hữu thần và vô thần. Nhóm tôn giáo hữu thần tin tưởng vào một đấng tạo hóa đầy quyền năng, cho dù là Thượng Đế, Allah hay Brahma, và tận cùng, mọi thứ lệ thuộc vào đấng tạo hóa này. Tất cả mọi sự hiện hữu và đặc biệt là loài người là được tạo dựng bởi cùng một Thượng Đế.

Một lần ở Jerusalem, tôi đã gặp và thảo luận với một số người Do Thái và một số người Palestine Hồi giáo. Một giáo viên Do Thái nói với đám đông của chúng tôi về một đố điều ông ta giảng dạy cho những học sinh Palestine trong lớp. Khi những học sinh Palestine thấy những người lính hay cảnh sát Do Thái ở những chốt kiểm soát, họ thường cảm thấy không vui. Thế nên ông đề nghị rằng khi chúng gặp người nào đó làm chúng tức tối, thì chúng nên nhớ rằng con người ấy là hình ảnh của Thượng Đế. Đây là điều mà ông dạy chúng và sau này một số học sinh Palestine báo cáo rằng chúng thấy lợi lạc vô cùng trong việc nghe theo lời khuyên của ông. Ở trình độ tinh thần, những cảm giác không thoải mái của chúng lập tức giảm thiểu. Trong cách ấy, nếu chúng ta có một đức tin vô hạn trong Thượng Đế, khi chúng ta đối diện với những người làm chúng ta tức tối không thoải mái, thì chúng ta có thể nghĩ, “Con người này hình ảnh của Thượng Đế. Người ấy cũng được Thượng Đế tạo ra.” Đó là một phương pháp đầy năng lực.

Trong một trường hợp ở Hoa Kỳ hoặc Canada, tôi ngồi cùng với một người Ki tô hữu và sau khi chúng tôi đã thảo luận và trao đổi một số giá trị tâm linh, ông ấy dàn guitar và hát một số lời ca ngợi Thượng Đế. Trong lúc ấy, những giòng lệ đã rơi từ mắt ông vì đức tin vô hạn trong Thượng Đế. Thực tế, sự quy phục hoàn toàn trong Thượng Đế cũng hoạt động để làm giảm thiểu tính vị kỷ. Trong sự tiếp cận của Phật giáo, có hai loại vị tha - một, sự vị tha của đời sống quy ước thế gian và thứ kia, trình độ cứu kính của vị tha; mục đích là để giảm thiểu tính vị kỷ cực đoan. Do vậy, đức tin vô hạn trong Thượng Đế và quy phục Thượng Đế hoạt động nhiều hay ít cũng giống như vậy. Thượng Đế là từ ái vô hạn, cho nên những người có tín ngưỡng phải đi theo cách ấy. Do vậy rất tốt. Những sự thực tập này là ở trình độ tinh thần, không ở trình độ giác quan.

Tôi nghĩ rằng quý vị có thể sử dụng trình độ giác quan để bổ sung cho trình độ tinh  thần – bằng việc lắng nghe âm nhạc tôn giáo hay xem hình ảnh tôn giáo, thí dụ thế. Đối với tôi, tôi xem những bức tượng hay hình ảnh Mẹ Maria bồng Giê-Su như một đứa bé sơ sinh như một biểu tượng nổi bật của từ ái và bi mẫn. Thật là đẹp đẽ. Nhưng Giê-Su ở trên thánh giá đôi khi làm tôi cảm thấy buồn. Mẹ Maria bồng Giê-Su hài đồng liên hệ đến từ ái, bi mẫn, và ân cần. Một lần khi tôi hành hương đến một thánh địa Ki tô giáo, Fatima,ở Bồ Đào Nha. Nơi có một bức tượng nhỏ của Đức Mẹ Maria. Vài người chúng tôi ở đó, dĩ nhiên với những anh chị em Ki tô hữu địa phương. Chúng tôi ngồi lại với nhau trong một vài phút để hành thiền trong im lặng. Khi tôi và mọi người sắp rời đi, tôi quay lại và bức tượng nhỏ của Đức Mẹ Maria thật sự mĩm cười với tôi. Tôi nghĩ rằng chắc có điều gì sai sót trong tâm tôi, nhưng rồi sau này khi quán chiếu lại sự kiện, tôi chắc chắn đó là thật.

Tôi có một kinh nghiệm tương tự một lần trong một tu viện Tây Tạng ở Nam Ấn. Tôi thật sự ngưỡng mộ nhiều với Maria, cho nên tôi nghĩ Maria đã cảm kích về điều ấy, hay cho tôi một loại gia hộ đặc biệt. Hay thỉnh thoảng tôi nói đùa rằng Maria không phân biệt giữa Phật tử và không Phật tử. Thật sự Đạo Phật không có khái niệm về một đấng tạo hóa. Nói một cách nghiêm khắc, theo quan điểm của những tôn giáo hữu thần, thì Phật tử là những người không có đức tin.

Thế nào đi nữa, nếu có đức tin, những giáo thuyết nào đó được tất cả những truyền thống quan trọng giữ gìn là rất tốt vì chúng cung cấp sự hòa bình nội tại, niềm an bình ở trình độ tinh thần. Với việc liên hệ đến những truyền thống tôn giáo vô thần, có Phật giáo, Kỳ Na giáo, và phái Số Luận[1], một trường phái tư tưởng cổ khác không Phật giáo của Ấn Độ vốn rất phức tạp và đối kháng hiệu quả nhất với Phật giáo trong lãnh vực triết lý. Đó là một triết lý rất phức tạp, rất phong phú. Trong truyền thống Số Luận, có hai nhóm: một nhóm chấp nhận đấng tạo hóa, và nhóm khác không chấp nhận.

Những truyền thống vô thần không tin tưởng vào một đấng tạo hóa nhưng tin luật nhân quả - rằng mọi thứ hình thành như sự tiếp nối của những nguyên nhân và điều kiện trước đó. Không phải là mọi thứ bổng nhiên xảy ra mà không có nguyên nhân. Không có đấng tạo hóa; mọi thứ xảy ra thông qua những nguyên nhân và điều kiện của chính nó, cho nên chúng ta gọi nó là luật nhân quả. Theo đó, như tôi đã đề cập trước đây, với việc liên hệ đến bất cứ hành vi tích cực nào, “tích cực” có nghĩa là không chỉ mang đến một sự hài lòng nào đó tạm thời cho chính ta mà về lâu về dài sự hài lòng hay lợi ích, vốn đến qua việc phụng sự người khác. Việc đem đến một lợi ích nào đó cho những người khác là cách tốt nhất để đạt được sự toại nguyện về lâu về dài cho chính ta, vì đó là hành vi tích cực – nghiệp tích cực hay nghiệp lành. Nghiệp tích cực mang đến một kết quả tích cực.

Những thí dụ của nghiệp tiêu cực chẳng hạn như sát sanh, trộm cắp, tà dâm (chủ yếu là hiếp dâm), vọng ngữ, làm tổn hại đến thân thể và sở hữu vật chất của người khác, nói lời chia rẻ vốn liên hệ đến những từ ngữ chia rẻ bạn bè hay những người vốn đến với nhau. Chúng ta thường nói rằng có mười nghiệp bất thiện, và đối lập với chúng là nghiệp tích cực, chẳng hạn như tránh làm tổn hại đến người, tránh giết hại, tránh trộm cắp, và v.v…Nghiệp có nghĩa là hành động. Những hành giả tin tưởng vào luật nghiệp báo đôi khi dễ dàng quy trách nhiệm: “Ô, đấy là nghiệp! Không thể làm gì khác hơn!”  Tôi nghĩ đó là một sai lầm. Nghiệp được chúng ta tạo ra, cho nên trong trường hợp chúng ta sắp trải nghiệm kết quả của một nghiệp tiêu cực nào đó – nếu chúng ta thực hiện một nổ lực – qua nổ lực của chúng ta thì chúng ta có thể tạo nên một nghiệp tích cực mạnh mẽ hơn vốn có thể trung hòa nghiệp tiêu cực trước đó. Qua năng lực thuần túy của nghiệp tích cực, năng lực của nghiệp tiêu cực để sản sinh những hậu quả tiêu cực có thể được tiêu trừ.

Khi chúng ta phản chiếu trên những hành vi đúng đắn của chúng ta – những hành vi vốn đem đến tối thiểu một hạnh phúc nào đó, một sự hài lòng nào đó, một sự thoải mái nào đó cho người khác, kể cả những loài vật – thì chúng ta đón nhận sự hài lòng vô hạn. Điều này xảy ra ở trình độ tinh thần, và nó xảy ra phù hợp với luật nghiệp báo. Cho nên, nghiệp có thể thay đổi, bởi vì nó là do chúng ta tự tạo ra. Mọi thứ tùy thuộc vào năng lực ý chí của chúng ta – “tôi phải làm việc này, bất chấp có bao nhiêu chướng ngại đi nữa.” Mặc dù một vài năm về trước chúng ta cảm thấy thật không có thể thực hành những điều gì đó, khi thời gian trôi qua và chúng ta tự cảm thấy quen thuộc với những thứ ấy, tâm thức chúng ta dần dần tiến đến gần hơn, gần hơn, và gần hơn. Sau một vài thập niên, thì chúng ta thật sự trải nghiệm những thứ ấy.

Trong trường hợp của riêng tôi, một vài thập niên trước, có những thứ nào đó mà tôi cảm thấy thật sự khó khăn để thực hành, nhưng bây giờ, sau ba mươi hay bốn mươi năm, những thứ  như vậy đã trở nên dễ dàng hơn nhiều lắm. Đó là cùng chủ đề, cùng con người, cùng tâm thức, nhưng do bởi quen với sự thực tập, nên ngày càng gần hơn. Giống như với những phi hành gia. Họ không thể điều khiển mọi thứ ngay lập tức, nhưng qua việc rèn luyện và trở nên quen thuộc với những gì họ phải làm, cuối cùng họ có thể hành động mà không phải suy nghĩ nhiều. Bấm nút thứ nhất, nút thứ hai, nút thứ ba, đến một cách tự động.

Phật học nói rằng có một sự giới hạn đối với bất cứ sự rèn luyện thân thể vật lý nào bởi vì trình độ vật lý thô phù, cho nên có sự giới hạn. Qua rèn luyện chúng ta có thể nhảy qua  một khoảng cách hay độ cao nào đó đáng kể. Nhưng vì tâm không có hình thể, cho nên nếu chúng ta làm quen thuộc với những thứ nào đó, thì không có giới hạn. Nó có thể gia tăng, vì căn bản của nó không cứng nhắc. Với sự rèn luyện thân thể vật lý, vi căn bản của nó là cứng nhắc cụ thể, cho nên bị giới hạn. Nhưng với một phẩm chất tinh thần, một khi ta phát triển nó đến một trình độ nào đó, miễn là chúng ta lưu ý đến sự phát triển, thì cảm giác ấy đến một cách tự động. Không cần phải nổ lực trong từng trường hợp. Nhưng với sự rèn luyện thân thể, thí dụ với những vận động viên, quý vị cần rèn luyện liên tục. Nếu không vận động trong vài tháng, thì quý vị cần luyện tập để đạt đến cùng trình độ vốn có. Phẩm chất tinh thần không giống như thế. Qua kinh nghiệm của riêng ta, nếu chúng ta chú ý, thì chúng ta nhận thấy rằng có những sự khác biệt giữa những phẩm chất của trình độ thân thể và tinh thần.

Tâm thức chúng ta vô hình, vô tướng, và trong một cách nào đó thì rất khó để kiểm soát, trong một cách khác thì rất dễ dàng để kiểm soát, để chuyển hóa. Kiểm soát hay chuyển hóa ở trình độ tinh thần hình thành một cách toàn diện qua ý chí tự nguyện., qua nhiệt tình. Không có áp lực bên ngoài có thể thay đổi tâm thức chúng ta, nó chỉ có thể thay đổi một cách tự nguyện. Thế nên, nhằm để phát triển loại nhiệt tình tự nguyện ấy, thì chúng ta phải thấy lợi ích của những cung cách tích cực nào đó của tư duy, chẳng hạn như từ ái, ân cần, tôn trọng người khác và tùy hỉ trong những hành vi tốt lành của người khác, và tính gây hại của sân hận, ganh tỵ, và những tâm tiêu cực khác. Đó là những gì mang đến lòng tin chắc: “Tôi muốn giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực nay và tăng gia những thứ tích cực.” Sau đó chúng ta tự nguyện hiện thực nổ lực trong hành động.

Một khi chúng ta thấy nhu cầu của loại chuyển hóa như vậy, rồi thì chúng ta sẽ phát triển ý chí để thực hiện nổ lực ngày đêm, kể cả trong những giấc mơ của chúng ta. Tâm vô hình, vô tướng này, sẽ dần dần thay đổi. Những nguồn gốc của lo lắng, và rắc rối tinh thần cuối cùng sẽ được giảm thiểu, và sự hòa bình của tâm sẽ gia tăng bất chấp những thứ xảy ra chung quanh chúng ta. Không năng lực ngoại tại nào có thể hủy hoại sự hòa bình nội tại của chúng ta. Sự hòa bình nội tại của chúng ta sẽ bị hủy hoại tức thời bởi những kẻ thù nội tại của chúng ta – sân hận, thù oán, ganh tỵ. Đây là những kẻ thù thật sự. Những kẻ thù ngoại tại, bất chấp mạnh mẽ thế  nào đi nữa, chỉ có thể tàn phá thân thể vật chất của chúng ta mà thôi, chứ không thể phá hoại sự hòa bình bên trong của chúng ta. Một khi sự sân hận , thù oán, và ganh tỵ phát triển, nó liền tức thời phá hoại sự hòa bình nội tại của chúng ta. Cho nên, kẻ thù không phải ở bên ngoài; kẻ thù ở bên trong đây.

Một trong những người bạn Hồi giáo của tôi nói rằng “thánh chiến (jihad)” có nghĩa thật sự là để chiến đấu với những cảm xúc phiền não tai hại – là thứ mà Phật giáo gọi là kẻ thù nội tại. Đó là một ý nghĩa của thánh chiến - jihad. Cho nên tất cả những sự thực tập này thật sự đòi hỏi khái niệm jihad. Nhưng có một số người  có những ấn tượng khác về ý nghĩa của nó.

Theo quan điểm của một hành giả Phật giáo, càng đạt được kinh nghiệm nội tại, thì tâm thức của hành giả càng ổn định. Dĩ nhiên, như tôi đã đề cập trước đây, chính tôi là một hành giả rất nghèo nàn, nhưng ngay cả từ một kinh nghiệm nho nhỏ của tôi thì tôi có thể quả quyết với quý vị rằng qua rèn luyện tâm thức, thì tâm thức của chúng ta trở nên ổn định hơn và trải nghiệm ít căng thẳng và ít sợ hãi hơn, là điều vốn mang đến một sự tự tin hơn. Cũng thế, với một tâm tĩnh lặng thì chúng ta có thể thấy thực tại một cách rõ ràng hơn. Khi tâm thức chúng ta bị khống chế bởi sợ hãi, hay sân hận, thì chúng ta không thể thấy thực tại một cách chính xác. Khi tâm chúng ta quá bị quấy rầy, thì chúng ta không thể sử dụng trí thông minh của con người một cách thích đáng. Tôi nghĩ rằng lòng nhiệt tình lập tức mang đến sức mạnh nội tại và cũng có thể cho phép tâm thức chúng ta thể hiện chức năng một cách bình thường hơn, một cách khách quan hơn. Trong cách ấy, chúng ta đạt đến một trình độ khác của tâm thức hòa bình, một trình độ khác của hạnh phúc và toại nguyện.

Nếu chúng ta rèn luyện trong cách này, thì ngay cả khi chúng ta được sanh ra như một con người rất bình thường, thì có khả năng vào thời điểm lâm chung, thể trạng tinh thần của chúng ta sẽ tiến bộ hơn. Rồi thì một trăm phần trăm bảo đảm rằng kiếp sống tới của chúng ta sẽ là một kiếp sống rất tích cực. Đời nối tiếp đời cách ấy. Người Phật tử tin tưởng rằng trong kiếp sống vô tận sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, tốt đẹp hơn, tốt đẹp hơn lên, …, cho đến khi mục tiêu cuối cùng của Quả Phật được đạt đến. Hạnh phúc tối đa là ở Quả Phật.

Trong Bát Nhã Tâm Kinh, câu thần chú: Tadyatha Gate Gate Paragate Parasamgate Buddhi Soha (yết đế yết đế ba la yết đế ba la tăng yết đế bồ đề tát bà ha). Dĩ nhiên, tôi không thể phát âm một cách chính xác. Khi những học giả thật sự của Sanskrit tán tụng bằng Sanskrit, thì thật đặc biệt. Với ngôn ngữ Tây Tạng, thì tôi không biết. Thế nào đi nữa, ý nghĩa của  tadyatha là “nó là như vậy”, gate gate có nghĩa là “đi, đi”, paragate nghĩa là “vượt qua”, parasamgate nghĩa là “vượt qua một hoàn hảo”, và bodhi nghĩa là “xin cho hạt giống của Bồ đề, hay giác ngộ, được gieo trồng.”

Thường thường, tôi nói đùa với mọi người rằng Gate Gate Paragate Parasamgate Buddhi Soha có hai trình độ - một là vật lý và thứ khác là tinh thần. Ở trình độ vật lý, không cần nổ lực, chúng ta đi, đi, đi vượt qua, có nghĩa là chúng ta đi từ thiếu niên để là thanh niên và rồi trung niên và là người lão niên. Rồi thì với bodhi svaha, chúng ta cuối cùng đi đến nghĩa trang. Trong một trường hợp, hoặc là ở châu Âu hay châu Mỹ, chúng ta phải đi ngang qua một nghĩa trang gần đấy. Sau đó, trong buổi nói chuyện của tôi, tôi đề cập rằng kinh nghiệm của việc đi ngang qua một nghĩa trang, và rằng đó là nơi đến cuối cùng của chúng ta. Ở trình độ vật lý, không cần phải nổ lực, nó xảy ra một cách tự động.

Vị trí của tôi bây giờ là parasamgate. Vì bây giờ tôi đã bảy mươi sáu tuổi, gate gateparagate đã qua rồi, và bây giờ nó là parasamgate, với nghĩa trang chỉ như điểm đến cuối cùng. Hay có lẽ thân thể tôi sẽ được đặt trong một chorten hay tháp mộ. Tôi không biết. Nhưng thế nào đi nữa, đó là điểm đến cuối cùng ở trình độ vật chất. Do thế, nó sẽ đi theo cách ấy không cần nổ lực.

Bây giờ, chỗ chúng ta cần sử dụng nổ lực là ở trình độ tinh thần của Gate Gate Paragate Parasamgate Buddhi Soha. Hai chữ đầu, gate gate, liên hệ đến những con đường của tích lũy (tư lương đạo) và chuẩn bị (gia hạnh đạo). Paragate có nghĩa có nghĩa đạt đến trình độ thứ ba, con đường thấy đạo (kiến đạo). Và theo những giai tầng của Bồ tát thừa, địa thứ nhất được đạt tới, tiếp theo là những địa còn lại của thập địa. Sau đó đến bodhi svaha – Quả Phật. Như tôi đề cập trước đây, tôi là một hành giả nhỏ của Phật giáo, và tôi đang thật sự thực hiện nổ lực của việc đi trên lối của gate gate. Đôi khi tôi cảm thấy một số dấu hiệu của cửa thứ nhất gate, mặc dù tôi chưa đạt đến đấy, nhưng tôi đã có một số dấu hiệu về nó. Cho nên, nếu tôi có thêm thời gian để thực hiện nổ lực, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng tôi sẽ đạt đến trình độ thứ nhất của gate.

Một cách căn bản thì tất cả chúng ta đều giống nhau, đều là những con người. Tinh thần, cảm xúc và thân thể đều giống nhau. Thế rồi, từ quan điểm của Phật giáo, mọi người đều có Phật tánh, hay Tathagatagarbha. Phật tánh, hay hạt giống Phật là ở đấy. Miễn là linh quang ở đấy, thì hạt giống Phật ở đấy. Linh quang là nguồn gốc căn bản, nhân căn bản của thức. Miễn là thức ở đấy, nguồn gốc căn bản của thức phải ở đấy. Thứ ấy, nói một cách đại khái, là Phật tánh. Đấy là năng lực để trở thành toàn tri toàn giác. Từ đấy, Giác Ngộ hình thành. Những viên đá, vốn không có tâm thức, nên không có Phật tánh, vì vậy chúng không có năng lực ấy. Chúng sanh, kể cả thú vật, có thức. Ngay cả thức của một con thú là rất giới hạn, thức vẫn ở đấy. Do vậy, vì theo quan điểm của Phật giáo, tất cả chúng sanh có Phật tánh, nên chúng sanh luôn luôn có khả năng để thành tựu Quả Phật.

Vì thế, với việc quan tâm đến những trình độ khác nhau của hạnh phúc, những người không tín ngưỡng đạt đến nó trên căn bản thế tục. Đấy là một. Thứ đến, đối với những người có tín ngưỡng, thì có đức tin tôn giáo hữu thần và đức tin tôn giáo vô thần. Phật giáo là một đức tin trong tôn giáo vô thần và trong Phật giáo cũng có truyền thống Pali và Sanskrit.

Vậy thì, như tôi thường làm, tôi muốn có một vài câu hỏi. Nhưng tôi muốn nói rõ rằng chúng phải là những câu hỏi đầy đủ ý nghĩa, chứ không là những câu hỏi ngớ ngẫn. Những câu hỏi ngớ ngẫn làm mất thời gian. Và nếu có quá nhiều câu hỏi ngớ ngẫn thì tôi có thể bực bội, và sau đó quý vị sẽ phải nghe những lời gắt gỏng. Đó cũng sẽ là một minh chứng cho sự giận dỗi của Đạt Lai Lạt Ma.

 

HỎI & ĐÁP

 

HỎI: Làm sao một đứa trẻ thấy hạnh phúc khi thấy cha mẹ bị đau khổ vì cơn bệnh giai đoạn cuối?

ĐÁP: Tôi hoàn toàn chia sẻ sự quan tâm của bạn. Nó làm tôi nghĩ về lúc mẹ tôi qua đời, và một cách đặc biệt khi vị trưởng lão giáo thọ của tôi viên tịch. Khi vị trưởng lão giáo thọ, người trao cho tôi cụ túc giới qua đời, tôi đã thật sự cảm thấy như tôi mất đi một tảng đá vững vàng mà tôi học hỏi trên ấy. Vào lúc ngài qua đời, tôi không còn tảng đá vững vàng ấy nữa. Nhưng rồi thì tôi đã nhớ rằng vị giáo thọ quá cố của tôi thường đọc những vần kệ của Tịch Thiên để khuyến khích – khi chúng ta đang đi ngang qua một số khó khăn, thì chúng ta phải nghĩ về thực tế của những khó khăn đó. Nếu có khả năng vượt thắng chúng, thế thì không cần phải lo lắng; và nếu không có cách để vượt thắng loại thảm họa đó, thế thì lo lắng cũng không ích gì. Đó là sự tiếp cận rất thực tế.

Cho nên, khi bạn đang đối diện một hoàn cảnh mà cha mẹ bạn có một cơn bệnh giai đoạn cuối – một loại bệnh tật rất nghiêm trọng hay đau đớn – xin hảy thực hiện mọi nổ lực để vượt thắng nó, để chửa trị nó. Nếu không thể chửa trị, thế thì săn sóc chính bạn nhiều hơn. Và ngay cả nếu sự kiện trở nên tệ hại nhất diễn ra, thì quý vị nên hướng đời sống của quý vị trong một cung cách đầy đủ ý nghĩa hơn vì thế cha mẹ quá cố của quý vị sẽ cảm thấy hạnh phúc. Nếu quý vị lo lắng quá nhiều, và trong trường hợp tệ hại nhất có một sự suy nhược thần kinh do quá nhiều băn khoăn, tôi nghĩ những người bạn của quý vị sẽ cảm thấy rất buồn trong trường hợp của cha mẹ quá cố của quý vị. Sau khi vị giáo thọ của tôi viên tịch, tôi tự nói với mình, “Bây giờ tôi phải nhận lấy toàn bộ trách nhiệm để hoàn thành mong ước của vị giáo thọ quá cố của tôi.” Do vậy, thảm kịch ấy biến thành việc đạt đến sức mạnh hơn, hăng hái hơn.

Nếu quý vị là người không tín ngưỡng, hãy nghĩ về việc làm những thứ nào đấy trong kiếp sống này. Nếu là một người có tín ngưỡng, tin vào những kiếp sống sau, thì quý vị có thể trì tụng những mật ngôn nào đó và hồi hướng cho cha mẹ của quý vị. Và nếu quý vị là một người có tín ngưỡng trong một tôn giáo hữu thần, hãy nhớ đến Thượng Đế và hãy nhớ rằng phải có một ý nghĩa nào đó trong hoàn cảnh đau buồn về cha mẹ của quý vị. Chỉ có Thượng Đế mới biết ý nghĩa ấy, quý vị thì không. Nếu quý vị tin vào luật nhân quả nghiệp báo, thì hãy nghĩ về nghiệp quả của chính cha mẹ quý vị và về vấn đề hệ quả đặc thù này đã đơm hoa kết trái như thế nào từ những nghiệp nhân trước đó của họ.

HỎI: Làm sao chúng ta yêu thương những người không thương yêu chúng ta?

ĐÁP: Tình thương của chúng ta thường là tình thương định kiến. Tình thương ấy thật sự là dính mắc, và như thế ấy thì không lành mạnh. Dính mắc thì đồng hành sâu đậm với thù oán và ganh tỵ. Những gì chúng ta cần là tình yêu và lòng thương mến không thành kiến, tình yêu và lòng thương mến không điều kiện hay từ ái và bi mẫn. Nếu lý do ta yêu một người nào đó vì người ấy yêu ta hay tốt với ta, đó là tình yêu định kiến. Bất kể dù người nào đó có tích cực với chúng ta hay không, thì người ấy vẫn xứng đáng với lòng thương mến bi mẫn của chúng ta, sự quan tâm của chúng ta. Điều này kể cả kẻ thù ta. Miễn là thái độ này được quan tâm, thì người nào đó có thể tiêu cực với ta, nhưng ta không nghĩ về điều ấy; ta nghĩ rằng kẻ thù ta cũng là một chúng sanh và cũng muốn hạnh phúc và có mọi quyền lợi để vượt thắng khổ đau. Trong cách này, chúng ta phát triển một cảm nhận quan tâm chân thành cho sự cát tường của họ. Đó là lòng thương mến không định kiến, lòng bi mẫn thật sự. Nhằm để phát triển điều này, chúng ta phải thực tập một sự buông xả căn bản, rồi thì bình đẳng hóa chính ta với mọi chúng sanh khác, cả bạn bè và kẻ thù. Từ việc thấy rằng mọi người đều có cùng quyền lợi để vượt thắng khổ đau, sau đó chúng ta phát triển một cảm nhận quan tâm. Đó là tình yêu không định kiến; đó là lòng từ ái thật sự.

Nếu chúng ta có thể thực tập được như vậy, thế thì hãy thực tập; bằng nếu không, vậy thì hãy thực hiện một sự chuẩn bị nào đó cho việc trả thù – Tôi không đùa! Trả thù đem đến một sự cáu kỉnh hơn, tình trạng tinh thần rối loạn hơn. Nếu thất bại và đáp ứng một cách mạnh mẽ, thì ta thậm chí lo lắng hơn, lo lắng vô tận. Ngay từ lúc đầu, hãy tự cởi mở chính mình, “Bất chấp họ làm gì.” Dĩ nhiên, nếu họ cố gắng tổn hại thân thể ta, thì hãy cẩn thận. Ta phải thật thận trọng, bằng không thì ta sẽ nghĩ hay nói điều gì đó tiêu cực. Chỉ nghĩ, “Không hề gì, không hề gì.”

Thí dụ, khi một số viên chức Trung Cộng diễn ta tôi như một con quỷ, nó làm tôi bật cười. Đôi khi tôi nói đùa với một số bạn bè người Hoa của tôi rằng họ càng lập đi lập lại sự phỉ báng ấy, thì cặp sừng của quỷ của tôi sẽ càng mọc dài hơn. Đúng là ngớ ngẫn, có phải không? Cho nên, hãy nghĩ trong cách ấy, xem nhẹ nó và sẽ không có gì rắc rối.

HỎI: Vai trò của nghiệp và cảm xúc trong việc theo đuổi hạnh phúc là thế nào?

ĐÁP: Tôi nghĩ sự khao khát quá mạnh có thể cũng là một loại cảm xúc trong cảm giác, nhưng có một vai trò quan trọng diễn ra bởi những cảm xúc tích cực mạnh mẽ, chẳng hạn như lòng bi mẫn rộng lớn, một cảm nhận của việc quan tâm vì sự  khổ đau của người khác. Khi quý vị nghĩ về khổ đau của người khác, nước mắt tuôn rơi vì có quá nhiều cảm giác, nhưng cảm xúc đó là cảm xúc rất tích cực, đem đến sự nhiệt tình hơn để phụng sự người khác, để làm việc gì đó cho mọi người. Loại cảm xúc đó mang đến quyết tâm, như được biểu lộ trong lời cầu nguyện ưa thích của tôi – “Khi nào không gian còn tồn tại, khi nào chúng sanh đau khổ còn hiện hữu, Tôi nguyện cũng sẽ hiện diện để phụng sự tất cả.” Loại quyết tâm đó đầy năng lực được đem đến bởi những cảm xúc như vậy.

Thế nên, cảm xúc không nhất thiết là tiêu cực. Tôi nghĩ có hai loại cảm xúc. Một loại cảm xúc đến một cách tự động và tổng quát là tiêu cực. Một loại cảm xúc khác đến qua tu tập, qua lý trí và việc làm cho quen thuộc, và thường là tích cực.

HỎI: Cha mẹ giúp cho con cái của họ hạnh phúc như thế nào?

ĐÁP: Tôi nghĩ tùy thuộc vào lứa tuổi của con cái. Trong kinh nghiệm của tôi, khi tôi còn rất trẻ, tôi nhớ rằng bất cứ khi nào một người mới đến lãnh sự quán Ấn Độ thuộc Anh ở Lhasa thì luôn luôn mang đến đồ chơi cho tôi. Khi tôi nhận tin tức rằng có một người mới đến và muốn có một cuộc gặp gở chính thức, thì tôi luôn  luôn hào hứng về loại đồ chơi nào mà người ấy sẽ tặng tôi. Thế nên, vào lúc rất trẻ, đó là những gì quan trọng. Khi con trẻ hơi lớn lên, tôi nghĩ là chúng cần những sự hướng dẫn hay gương mẫu đầy đủ ý nghĩa. Ở tất cả mọi lứa tuổi, đó là tình cảm tối đa của quý vị, sự yêu thương tối đa của quý vị cho con cái đó là rất quan trọng. Tôi nghĩ khí cụ mạnh mẽ nhất trong việc thay đổi tâm tư người khác là tình yêu thương, chứ không phải tiền bạc. Tình cảm chân thành và một cảm nhận quan tâm chân thành thật sự tác động vào tâm tư và cảm xúc của con trẻ.

HỎI: Đức Thánh Thiện nói rằng người ta nên không sợ hãi, nhưng nếu cha mẹ ngài đặt sự sợ hãi vào tâm tư ngài, thì ngài không thể chống lại họ.

ĐÁP: Việc đó tùy thuộc vào động cơ, và cũng như mục đích. Nếu con cái lười biếng, nếu quý vị có một mục đích tốt lành và chân thành quan tâm đến tương lai cát tường của chúng, thì đôi khi quý vị có thể sử dụng một chút áp lực hăm dọa. Những thứ như vậy là tích cực. Thật không tốt nếu xem thường con cái và trêu chọc hay mĩa mai chúng. Quý vị phải tôn trọng con cái quý vị và cho chúng tình cảm tối đa.

Ở đây tôi muốn kể cho quý vị nghe về câu chuyện của tôi. Khi tôi 7 hoặc 8 tuổi, tôi đã bắt đầu học thuộc lòng một số kinh luận căn bản. Vì tâm thức tôi khá sắc bén, nên tôi có thể học thuộc lòng một cách dễ dàng, nhưng do bởi thế, tôi cũng rất lười biếng. Vào lúc đó, anh trai tôi và tôi đang học chung với nhau, nên giáo thọ của tôi có hai cây roi, một cây màu vàng và một cây bình thường. Cây roi bình thường để dành cho anh tôi, và cây roi vàng được coi là cây roi thánh thiện dành cho học trò thánh thiện – Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi biết là cây roi thánh thiện không sinh ra cái đau thánh thiện, chỉ là cái đau bình thường. Vì sợ, tôi phải hơi nổ lực trong học tập. Nhưng sau này, dĩ nhiên, giáo thọ của tôi rất ân cần. Một số nổ lực của tôi là vì sợ; nhưng nổ lực của tôi cũng vì sự cảm kích sâu xa cảm nhận quan tâm của các ngài cho tôi và lòng từ ái của các ngài thì vô cùng, vô cùng mạnh mẽ hơn.

Như tôi đã đề cập trước đây, khi giáo thọ của tôi qua đời, tôi thật sự cảm thấy một sự mất mát vô tận, đó là cho chính người đã giữ cây roi. Nên đó là thí dụ. Quý vị phải cho tình cảm tối đa và thỉnh thoảng, nếu cần thiết, thì quý vị có thể sử dụng những phương pháp hay lời nói hơi nghiêm khắc, nhưng quý vị làm như thế là vì cảm nhận quan tâm chân thành và vì một mục tiêu tốt lành. Quý vị phải hành động phù hợp với những hoàn cảnh.

HỎI: Hạnh phúc có thể giảm thiểu sự thối nát trong xã hội và quốc gia không?

ĐÁP: Vâng, hạnh phúc chân thật trên căn bản của trung thực và sự thật. Con người cảm nhận rằng quý vị hài lòng với tiền bạc của quý vị qua những hành động không căn cứ trên đạo đức là sai. Điều đó rất rất là nông cạn; họ thật sự ngu ngơ và thiển cận. Những con người – cho dù là những lãnh tụ tôn giáo, thương gia, chính trị gia, và từ bất cứ chuyên môn khác nào – là thật sự yếu kém sâu bên trong, và cuộc sống của họ thì đầy ảo giác hay nhận định sai lầm. Những người như vậy không thể hành động một cách lương thiện thật sự vì họ có điều gì đấy che dấu; do bởi chính điều đó, một cảm giác không thoải mái luôn luôn ở sâu bên trong ấy. Làm sao họ lương thiện thật sự? Họ không thể. Như tôi đã đề cập trước đây, họ không thể xây dựng một sự tin tưởng thật sự, và cuối cùng họ sẽ trở thành thấp hèn.

HỎI: Vai trò của âm nhạc trong việc đem hòa bình đến thế giới là gì?

ĐÁP: Tôi phải nói là rất giới hạn. Dĩ nhiên, như tôi đã đề cập trước đây, một sự hài lòng nào đó đến từ trình độ giác quan. Những thứ như âm nhạc và phong cảnh xinh đẹp có thể đem đến một sự hòa bình nào đó của tâm thức, nhưng loại hòa bình đó của tâm thức hoàn toàn lệ thuộc vào những nhân tố bên ngoài, và khi những nhân tố đó không còn nữa, thì quý vị thấy khó để vượt qua thời gian. Đôi khi tôi cảm thấy hơi thương hại cho những một số nhóm du lịch. Một số người già có nhiều tiền, nhưng vì họ đã về hưu và không có một loại việc làm đặc thù, họ thiếu một loại năng lực suy nghĩ. Để trải nghiệm một sự hài lòng nào đó thì hoàn toàn vào trình độ giác quan. Ngoại trừ họ có một nghề nghiệp nào đó ờ trình độ giác quan ngoại tại, bằng không thì họ không thể vượt qua thời gian, họ chán chường. Nếu quý vị có một số kinh nghiệm niềm hòa bình của tâm thức và toại nguyện ở trình độ tinh thần, thì quý vị không cần lệ thuộc vào năng lực của cảm giác. Quý vị không cần đi đây đi đó. Quý vị có thể ở trong một nơi vắng vẻ tịch mịch; quý vị đạt được một sự hòa bình tối đa của tâm thức.

Trong một trường hợp tôi viếng thăm một đại tu viện ở Barcelona, ở Tây Ban Nha. Một tu sĩ Thiên Chúa giáo đã đến gặp tôi và người tổ chức đã nói với tôi rằng tu sĩ ấy đã ở một tịch mịch trong ngọn núi ở sau tu viện đó. Ông ở đấy trong một thời gian dài như vậy, năm năm với hầu như không có thức ăn nóng. Khi chúng tôi gặp nhau, tôi nói với ông, “Tôi được nghe rằng ông đã ở trong núi năm năm như một ẩn sĩ. Ông đã thực tập gì trong núi?” Ông nói với tôi, “Tôi hành thiền về yêu thương.” Khi ông đề cập đến việc đó, trong đôi mắt ông có một phản chiếu nào đó về sự ấm áp của ông. Tôi dâng trào một sự tôn kính sâu xa và ngưỡng mộ đối với ông.

Một điều nữa là tiếng Anh của ông ngay cả tệ hơn tôi. Tôi nói chuyện trìu mến trong vốn tiếng Anh nghèo nàn của tôi với ông vì tiếng Anh của tôi hơi khá hơn ông. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi rất ý nghĩa. Đó là một tu sĩ tuyệt vời.

Một số hành giả Phật giáo, kể cả một số Tây Tạng, cũng thích sống trong những nơi thật đơn độc, cô lập vì những nơi ấy cho họ cơ hội để sử dụng những năng lực con người của họ ở trình độ tinh thần, đem đến cho họ niềm hòa bình nội tại và sức mạnh nội tại bao la. Những người như vậy không bao giờ dựa vào âm nhạc hay những thứ ngoại tại khác. Dĩ nhiên, việc nghe nhạc có thể bổ sung cho sự thực tập tâm linh khác. Đôi khi chúng ta có thể chỉ nghĩ về ý nghĩa của một sự cầu nguyện nào đó, và vào lúc khác nghe cùng lời cầu nguyện ấy với một âm điệu nào đó có thể tác động chúng ta hơn. Tất cả mọi truyền thống tôn giáo phối hợp những lời cầu nguyện nào đó với âm nhạc. Tôi nghĩ vấn đề chính là việc thực tập ở trình độ tinh thần, nhưng quý vị có thể xem những thứ gì đó, nghe nhạc, và thỉnh thoảng cũng có một miếng bánh thánh bỏ vào trong miệng quý vị. Cho nên tất cả ba giác quan này có thể hoạt động với nhau như một sự bổ sung cho việc thực tập tâm linh.

HỎI: Ai sẽ có được năng lực để yêu thương và tình cảm hơn – đàn ông hay đàn bà?

ĐÁP: Tôi nghĩ một cách tổng quát, qua những nhân tố sinh học, đàn bà có năng lực hơn với việc liên hệ đến một ý nghĩa của việc quan tâm cho sự cát tường của người khác. Trong một cuộc thảo luận của tôi với những nhà khoa học, họ cho rằng khi hai người – một nam và một nữ - nhìn vào một người nào đó đang trải nghiệm đau đớn, sự đáp ứng của người nữ là mạnh hơn người nam. Cũng thế, theo sinh học, với người nam, một khi người ấy hưởng thụ thế là xong, nhưng người nữ phải mang đứa bé trong nhiều tháng, và rồi sau khi sanh người ấy phải thực hiện một nổ lực vô cùng để chăm sóc đứa trẻ.

Tôi thường kể câu chuyện về điều gì đó tôi đã đề cập trên một chuyến bay dài cả đêm từ Nhật Bản đến Hoa Kỳ. Cùng với những hành khách, tôi để ý một cặp vợ chồng trẻ với hai đứa bé. Một đứa thì rất nhỏ còn đứa kia đã biết đi. Lúc khởi đầu, đứa lớn chạy tới chạy lui, gây rối một chút, nhưng chẳng hề gì. Lúc đầu, cả cha mẹ cùng để ý đến hai đứa bé. Sau đó, khoảng nửa đêm, người cha rơi vào giấc ngủ. Người mẹ vẫn quan tâm đến hai đứa bé đó. Bà chăm sóc chúng, đặc biệt đứa nhỏ, cả đêm. Đến lúc chúng tôi gần đến San Francisco hay Los Angeles, mắt của bà mẹ rất đỏ. Đó là một biểu hiện rõ ràng. Cả cha mẹ đều yêu thương thật sự con cái họ, nhưng có một sự giới hạn nào đó với việc người cha chăm sóc chúng, trái lại bà mẹ chăm sóc chúng cả đêm.

Và nhìn vào những con chó và chim. Con mẹ liên tục chăm sóc những đứa con cho đến khi chúng có thể sống độc lập. Dĩ nhiên, con chó cha chỉ thụ hưởng, thế là xong; chó cha không làm gì cả. Nhưng một số con chim ở với nhau cho đến khi con nó có thể sống độc lập, với cả cha và mẹ chim mớm mồi cho chúng. Và rồi thì hơn nữa, bà mẹ có những cảm xúc mạnh mẽ hơn nhiều đối với con cái; đó là nhân tố sinh học, vì chúng ta cần điều đó. Đời sống của chúng ta bắt đầu và chúng ta sống còn với tình cảm của bà mẹ chúng ta và sửa của bà mẹ chúng ta. Tôi thường nói với mọi người, có vài trăm người ở trong tòa nhà này, thí dụ thế, và trong khi chúng ta có thể giống nhau bên ngoài, thì tôi nghĩ rằng những người nào nhận tối đa tình cảm từ bà mẹ của họ khi họ còn bé bỏng thì cảm thấy an toàn hơn, tĩnh lặng hơn sâu bên trong. Những người nào mất mẹ, không nhận tình cảm từ bà mẹ hay ngay cả bị họ ngược đãi, mặc dù họ bên ngoài giống nhau và có thể có một đời sống thành công, nhưng sâu bên trong có một số niềm đau nào đó, một dấu vết nào của kinh nghiệm đó.

Do vậy, theo sinh học thì người nữ là động lòng thương hơn. Khi tôi có một buổi nói chuyện công cộng ở Hoa Kỳ, Âu châu, hay ở Ấn Độ, tôi thường đề cập rằng ở thời kỳ ban sơ, loài người chúng ta không có khái niệm về giới lãnh đạo. Mọi người bình đẳng và làm việc với nhau. Một số nhà triết học Mác xít nói rằng chủ nghĩa Mác xít nguyên thủy – mọi người bình đẳng, làm việc với nhau và chia sẻ bất cứ thứ gì họ có. Rồi cuối cùng khái niệm về giới lãnh đạo hình thành. Vào lúc ấy giáo dục không có vai trò gì, vì thế sức mạnh thân thể là nhân tố chính trong việc trở thành lãnh đạo. Vì thế là sự bắt đầu cho sự thống trị của nam giới. Giống như thế với những thú vật khác, như loài khỉ. Vì nam giới mạnh mẽ hơn, họ trở thành trội hơn.

Rồi cuối cùng, giáo dục đi đến đóng một vai trò quan trọng hơn trong xã hội, vì thế làm cho bình đẳng hơn. Trong những năm gần đây, những thế kỷ gần đây, có một số nữ lãnh đạo rất nổi tiếng, ảnh hưởng. Điều đó cũng xảy ra trong xứ sở này, và Golda Meir ở DoThái là một lãnh đạo rất mạnh, có phải thế không? Điều đó mang lại một chút bình đẳng hơn. Bây giờ đã đến lúc khi chỉ có giáo dục thôi thì không đủ. Chúng ta cần có một nổ lực đặc biệt để thúc đẩy và gia tăng lòng yêu thương của loài người. Bây giờ, ở đây,  người nữ nên có một vai trò năng động hơn. Đó là quan điểm tổng quát của tôi. Khi đi đến trình độ của gia đình cá thể. Tôi không biết. Đôi khi, nếu người nữ có năng lực hơn, thì người cha trở thành giống như nô lệ. Và thỉnh thoảng, bà mẹ trở thành hầu như giống nô lệ. Việc đó khác nhau tùy từng trường hợp. Nhưng thật sự, như tôi đề cập trước đây, những mối quan hệ nên căn cứ trên lòng từ ái chân thành, lòng bi mẫn chân thành; chúng không nên căn cứ chỉ trên sự hấp dẫn thân thể, nhưng trên sự tôn trọng sâu xa cho người kia. Vì vậy, khi chúng ta có những cảm giác chân thành của sự gần gũi và quan tâm, thì trên căn bản của sự tôn trọng sâu xa, cha mẹ tự nhiên trở thành bình đẳng. Điều này luôn  luôn xảy ra.

HỎI: Khi ngài thấy người nào đó làm tổn hại hay phá hoại môi trường của ngài, ngài tiếp cận với họ như thế nào? Ngài phản ứng như thế nào với hoàn cảnh đó?

ĐÁP: Việc này có liên hệ đến một gia đình hay một tổ chức nào không? Ngày nay, một số tổ chức, kể cả chính quyền đôi khi hành động phù hợp với chương trình của họ. Điều này có thể ứng dụng một cách đặc thù vào những quốc gia như Trung Cộng, nơi không có bộ máy tư pháp độc lập. Nhưng nó cũng áp dụng tới những cơ sở tư nhân và đến những gia đình riêng lẻ.

Nếu có thể thì thật hợp lý để nói chuyện với người đã tạo nên vấn nạn môi trường ấy. Chăm sóc môi trường là sự quan tâm của mỗi người, và tất cả chúng ta cũng có thể thực hiện những sự đóng góp nho nhỏ đến sinh quyển địa cầu. Thí dụ trong trường hợp của riêng tôi, tôi không bao giờ dùng bồn tắm trong khách sạn trong vài thập niên trở lại đây; tôi chỉ tắm bằng vòi bông sen. Tôi xem đó như một đóng góp nhỏ mà tôi làm để tiết kiệm nước. Dĩ nhiên, chỉ một người làm thì không có nhiều hiệu quả. Và bất cứ khi nào tôi rời phòng, tôi luôn luôn tắt hết mọi đèn điện. Những loại hành vi như vậy về phần của một cá nhân không có ý nghĩa gì nhiều, nhưng tối thiểu về tinh thần tôi đã làm một đóng góp nào đó. Một gia đình riêng có thể chăm sóc môi trường bằng việc thu nhặt rác rưởi. Trong những cung cách nho nhỏ thì họ có thể làm một sự đóng góp, một cách gián tiếp làm giảm thiểu sự hâm nóng địa cầu. Thế nên, trao đổi với láng giềng của quý vị, và nếu không có kết quả gì, thì hãy mời thêm nhiều người tham gia thực hiện một nổ lực nào đó. Nếu như vậy mà thất bại, thế thì tôi không biết – có lẽ chiến đấu!

HỎI: Chúng ta thật sự hạnh phúc như thế nào trong những hoàn cảnh bất lợi hay thù địch?

ĐÁP: Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào sức mạnh nội tại của quý vị. Ở những giai đoạn đầu thì điều này là khó khăn ngay cả cho một hành giả, nhưng chúng ta phải thực hiện một nổ lực. Cuối cùng quý vị có năng lực bên trong mạnh mẽ hơn, và sau đó thì trở nên dễ dàng hơn nhiều để đối phó với những rắc rối như vậy. Tự nhiên mà nói, những sự thực hành như vậy không phải dễ dàng. Quý vị cần nổ lực liên tục, với quyết tâm – “Tôi phải thực hành điều này. Tôi phải gia tăng lòng từ bi của tôi.” Bao dung hay nhẫn nại, rồi thì sẽ tự động đến. Đây là một sự tiếp cận thực tiển với nhẫn nại và lợi ích vô vàn trong việc mang nó đến. Tôi nghĩ chúng ta thường quên lãng những yếu tố căn bản này của tâm thức và một cảm xúc phiền não nào đó trở nên ưu thế.

Những người nào tin tưởng trong giáo Pháp hay một số truyền thống tâm linh nào khác, như tôi đã đề cập trước đây – cho dù là tôn giáo hữu thần hay vô thần – thì quý vị nên chân thành và nghiêm túc với tín ngưỡng của quý vị. Điều đó là quan trọng. Đức tin không chỉ là việc làm trên đầu môi. Tín ngưỡng phải trở thành một bộ phận trong đời sống hàng ngày của quý vị, rồi thì giá trị chân thật của nó sẽ đến. Những người nào không tin tưởng nhiều trong những truyền thống như vậy có thể nghĩ đơn giản, “Tôi muốn một đời sống hạnh phúc, và việc đạt được một đời sống hạnh phúc tùy thuộc vào sức mạnh nội tại của tôi, và điều đó tùy thuộc vào quan điểm của tôi, thái độ của tôi.”

Do vậy, trước nhất, hãy cố gắng chú ý nhiều hơn vào những giá trị nội tại của quý vị, bên cạnh việc chỉ nghĩ. Điều đó là rất nông cạn. Ngày nay, khi tôi nghe đài BBC hay xem truyền hình, chúng luôn nói về đô la, đô la, kinh tế, kinh tế. Tôi nghĩ việc đó thật sự ảnh hưởng tâm thức chúng ta trở thành ô nhiễm hơn. Từ những nền văn minh Ai Cập, Trung Hoa, và thung lũng Ấn Hà, thì tôi nghĩ nền văn minh thung lũng Ấn Hà thì có những quan điểm triết lý phức tạp hơn nhiều. Ấn Độ, theo truyền thống thì có một nền khoa học nội tại rất mạnh, rất giàu. Khoa học hiện đại bây giờ đang chú ý ngày càng nhiều hơn và khao khát có thêm những thông tin về tâm thức và vấn đề đối phó với những cảm xúc từ di sản văn hóa truyền thống của Ấn Độ. Thật rất, rất quan trọng để nhận ra kho tàng cổ truyền của Ấn Độ và không quên những giá trị nội tại này. Dĩ nhiên, thật rất quan trọng để học hỏi vấn đề phát triển vật chất như thế nào qua khoa học và kỷ thuật hiện đại, do thế giáo dục liên hệ đến những thứ này cũng rất rất quan trọng; nhưng trong lúc đó, quý vị cũng phải biết những giá trị truyền thống. Những người Tây Tạng chúng tôi cũng phải học hỏi về giáo dục hiện đại, nhưng những giá trị truyền thống của chúng tôi vẫn liên hệ rất nhiều. Đó là những gì mà tôi muốn chia sẻ cùng quý vị. Cảm ơn.

BÌNH LUẬN: Thưa Đức Thánh Thiện, có một thông điệp này kính gửi đến ngài. Tôi trích: “Thưa Đức Thánh Thiện, tôi đến từ Lhasa, và tôi nghĩ rằng tôi có thể đại diện cho hầu hết những học trò Tây Tạng. Tôi muốn nói là chúng tôi yêu mến ngài, chúng tôi tôn kính ngài, chúng tôi sẽ đi theo ngài. Ngài là vị thầy vĩ đại trong tâm chúng tôi, trong tim chúng tôi.”

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Cảm ơn.

***

Trích từ quyển The Big Book of Happiness
Ẩn Tâm Lộ, Monday,
August 14, 2017
Saturday, January 20, 2018



[1] Kỳ na giáo: Jainism, Sankhya: Số Luận; có thể kể thêm Lão giáo hay Đạo giáo cũng thuộc loại này với lý thuyết: người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên.


Âm lịch

Ảnh đẹp