16/06/2012 15:03 (GMT+7)
Số lượt xem: 50224
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phật lực

HỎI: Theo giáo lý Tịnh Độ tông, ngoài tự lực còn có tha lực (hay Phật lực, năng lực cứu độ của Phật A Di Đà). Vậy tha lực trong Phật giáo có ý nghĩa như thế nào? Một người tuy có làm ác nhưng lúc lâm chung niệm được 10 niệm với tâm chí thành, chí kính thì có được vãng sanh không? Nếu thành tựu vãng sanh là do duyên lành từ kiếp trước hay do Đức Phật A Di Đà cứu độ?


(ĐẶNG VĂN CƯỜNG, cuongthu1979@gmail.com)

132536242810.jpg

ĐÁP:

Bạn Đặng Văn Cường thân mến!

Giáo điển Tịnh Độ tông tuy có đề cập đến tha lực, tức năng lực cứu độ của Phật A Di Đà và chư Thánh chúng trong việc tiếp dẫn thần thức vãng sanh Cực lạc nhưng chính yếu vẫn chú trọng vào tự lực của các hành giả. Tự lực sẽ “cảm ứng đạo giao nan tư nghì” với tha lực trong bản nguyện của Phật A Đi Đà. Do vậy, nếu chúng ta không vun bồi Tín-Nguyện-Hạnh để đạt đến ngưỡng “giao cảm” với tha lực thì không dễ dàng được tiếp độ.

Một người tuy có làm ác nhưng lúc lâm chung niệm được 10 niệm (Nam mô A Di Đà Phật) với tâm chí thành, chí kính thì chắc chắn được vãng sanh. Tuy nhiên, trong thực tế, chẳng phải dễ dàng để đạt được điều ấy nếu người đó không chuyên tâm niệm Phật thuần thục lúc sinh tiền.

Trong Phật giáo, vạn pháp đều được nhìn nhận qua lăng kính Duyên khởi. Không có pháp nào phát sinh, tồn tại hay hoại diệt một cách độc lập, chỉ do một nguyên nhân duy nhất mà chúng tương quan tương duyên mật thiết với nhau, không thể tách rời. Do đó, sự vãng sanh (đới nghiệp) được thành tựu cũng không ngoài quy luật Duyên khởi bao gồm các duyên như căn lành của vị ấy trong quá khứ, nỗ lực tu tập của vị ấy trong hiện tại, được chư Tăng và đạo hữu hộ niệm lúc lâm chung, được Phật A Di Đà và chư Thánh chúng tiếp độ v.v…

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN (tuvangiacngo@yahoo.com)


Âm lịch

Ảnh đẹp