15/04/2012 09:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 44861
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

HỎI: Công ty A là một doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhưng dưới những tác động và khó khăn chung nên hoạt động kinh doanh gặp khó khăn và phải đi đến quyết định phá sản theo Luật Kinh doanh của Nhà nước. Vì là loại hình công ty TNHH (trách nhiệm hữu hạn) nên Công ty A chỉ phải thanh toán theo trách nhiệm là 50 tỷ đồng theo đăng ký vốn điều lệ ban đầu so với số nợ thực tế đối với các đối tác của mình là 200 tỷ đồng. Việc tuyên bố phá sản của Công ty A là đúng quy định của pháp luật kinh tế. Tuy nhiên, việc này lại gây ra một số tác động và ảnh hưởng đáng kể đến các đối tác mà Công ty A nợ tiền nhưng không có khả năng chi trả. Vậy theo luật Nhân quả của Phật giáo thì Công ty A sẽ chịu chi phối như thế nào? (TRỌNG HIẾU, trantronghieu86@gmail.com)

 ĐÁP:

Bạn Trọng Hiếu thân mến!

Luật Nhân quả của Phật giáo thực chất chỉ là phát hiện của Đức Phật về sự thật nhân-duyên-quả trong vũ trụ bằng tuệ giác chứng ngộ của Ngài sau khi thành đạo. Nhân-duyên-quả là cả một tiến trình, nó diễn biến rất phức tạp với vô số tương tác, chi phối lẫn nhau. Nhưng chung quy có nhân thì ắt sẽ có quả, nhân như thế nào thì quả như thế nấy, mắc nợ thì phải trả…, dẫu leo lên núi cao hay chui xuống vực sâu, dẫu tái sanh nơi nào cũng không thoát quả báo. Nhân quả theo Phật giáo vốn khách quan, rất công bằng và tuyệt không phải ý chí của thần linh.

Chúng tôi không đề cập đến các vấn đề thuộc pháp luật về kinh tế của xã hội ở đây. Chỉ xét đến chủ thể đã gây tạo nghiệp nhân, tức một công ty hay cá nhân hiện đang nợ các đối tác với số tiền khá lớn gây hậu quả thiệt hại không nhỏ cho đối tác cũng như xã hội. Rõ ràng, chủ thể đã xác định nghiệp nhân của mình là mắc nợ (dù bất cứ nguyên do nào) thì phải chịu nghiệp quả để trả nợ. Hình thức trả nợ thế nào còn tùy thuộc vào nhiều nhân duyên khác nhau nhưng chắc chắn là nếu chưa trả hết số nợ ấy thì chủ thể gây nợ không thể trốn thoát quả báo dù ở đời này hay đời sau.

Luật Nhân quả-Nghiệp báo Phật giáo luôn nhìn các vấn đề ở chiều sâu như ý chí tạo nghiệp, liên hệ đến ba thời quá khứ-hiện tại-vị lai (kiếp này và những kiếp sau) chứ không đơn thuần như luật pháp xã hội chỉ có giá trị hiện tại, vì nếu chưa tìm ra bằng chứng hay tận dụng những kẽ hở của luật pháp để “hạ cánh an toàn” coi như là không có tội hay thoát tội.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN (tuvangiacngo@yahoo.com)                                                                                                           


Âm lịch

Ảnh đẹp