(QUẢNG PHÚ, quangphu…89@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Quảng Phú thân mến!
Tham nhũng, bớt xén công quỹ, rút ruột công trình v.v… có tính
cá nhân hay cấu kết thành hệ thống hiện đang trở thành căn bệnh trầm kha trong
mọi lãnh vực đời sống xã hội. Rõ ràng việc bớt xén khẩu phần của trẻ là một
hành vi dơ bẩn, tội lỗi, phi đạo đức nhưng để tố giác và lên án nó một cách
mạnh mẽ, công khai, có hiệu quả đối với một nhân viên thuộc cấp như mẹ của bạn,
dù chúng ta không bi quan nhưng việc ấy quả chẳng dễ dàng trong bối cảnh hiện
nay.
Chúng tôi đồng cảm với tâm trạng của mẹ bạn, một Phật tử tin
sâu Nhân quả, sợ hãi tội lỗi, không dám làm ác. Nhưng đây là sự việc ngoài ý
muốn, tiến thoái lưỡng nan, chẳng đặng đừng; nếu không thỏa hiệp (nhận tiền và
im lặng) với họ thì bị cô lập và trù dập, nếu nhận tiền của họ thì mang tội ăn
cắp, dù chỉ là gián tiếp.
Người Phật tử luôn mang trong mình hành trang sống
Bi-Trí-Dũng. Mẹ của bạn đã có Bi (lòng thương, muốn giúp trẻ), có Trí (thấy
việc ác không làm, thấy tiền bất nghĩa không tham), vấn đề còn lại là đức Dũng.
Vì thế, cần phát huy tuệ giác để tìm phương thức tối ưu trước khi hành động,
thể hiện đức Dũng của mình nhằm đạt được mục tiêu lợi mình và lợi người.
Để tạm “vẹn cả đôi đường”, mẹ của bạn có thể chuyển cái “của
nợ” đó cho một tổ chức hay hình thái từ thiện nào đó. Phương cách này chỉ có
thể giúp mẹ của bạn tạm vơi bớt phần nào sự khổ tâm, day dứt. Giải pháp hiệu
quả và có tính căn cơ hơn, thiết nghĩ mẹ của bạn có thể tuyên chiến với tiêu
cực bằng cách phản ánh sự thật lên cấp trên, các cơ quan chức năng có thẩm
quyền, với những đường dây nóng của các cơ quan truyền thông.
Là những người công dân tốt, chúng ta hãy tin tưởng vào sự
nghiêm minh của pháp luật, kiên quyết đấu tranh với tiêu cực, góp phần nhỏ bé
của mình để ngăn chặn những điều xấu ác đã và đang xảy ra hàng ngày quanh ta.
Chúc bạn tinh tấn!