22/12/2013 20:26 (GMT+7)
Số lượt xem: 2309
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lạy Phật cách nào đúng?
HỎI:
Tôi được biết lạy Phật nên theo cách “ngũ thể đầu địa”, đại thể là hai chân, hai tay và đầu đụng mặt đất, tâm thanh tịnh và trang nghiêm.



Tuy nhiên thực tế tôi thấy nhiều người lạy Phật với những cách thức khác nhau: Có người ngửa hai lòng bàn tay, trán cúi đặt vào lòng bàn tay. Có người thì úp hai bàn tay xuống đất, trán cúi đặt vào lưng bàn tay. Có người thì trán cúi chạm xuống đất, còn hai bàn tay ngửa đưa ra phía trước trán. Có người khi cúi đầu lạy xuống, giữ lại một lúc. Có người cúi lạy xuống thì ngẩng đầu lên ngay. Tôi không biết cách lạy nào đúng? Ý nghĩa của cách thức lạy ấy thế nào? Kính mong quý Báo hướng dẫn.
(CHÁNH TÂM, tanlochappy@yahoo.com.vn )

ĐÁP:
Bạn Chánh Tâm thân mến!
Đúng như bạn nói, lạy Phật theo cách “ngũ thể đầu địa” là thể hiện lòng tôn kính nhất. Ngũ thể đầu địa có nghĩa là năm vóc (đầu, hai tay và hai chân) gieo sát đất. Theo Phật Quang đại từ điển, tập 3, dẫn sách Đại Đường Tây Vực ký (quyển 2), nói về cách lạy Phật “năm vóc gieo xuống đất” gồm: Trước hết, quỳ gối bên phải (gồm toàn bộ gối, cẳng chân và mu bàn chân) sát đất, kế đến là gối bên trái, rồi đến hai khuỷu tay sát đất, hai bàn tay ngửa ra duỗi thẳng quá trán, sau cùng là đỉnh đầu đặt sát đất, giữ yên một lúc, như thế gọi là một lạy.
Điều cần lưu ý là động tác “hai khuỷu tay sát đất, hai bàn tay ngửa ra duỗi thẳng quá trán”. Động tác này biểu thị cho việc hai tay người lạy nâng bàn chân của Thế Tôn cung kính đảnh lễ (ảnh). Cho nên, cách lạy này còn gọi là “đầu diện tiếp túc quy mạng lễ” (đầu mặt chạm chân Thế Tôn cung kính lễ lạy). Như vậy, cách lạy mà bạn mô tả “trán cúi chạm xuống đất, còn hai bàn tay ngửa đưa ra phía trước trán” là đúng với cách lạy “ngũ thể đầu địa”.
Một điều nữa cần lưu tâm là “đầu đặt sát đất, giữ yên một lúc”. Việc cúi lạy rồi “giữ yên một lúc” là rất cần thiết vì không chỉ thân mà cả tâm đều cung kính lễ. Do đó, cần một khoảng thời gian để dốc hết tâm tư cung kính lễ lạy Phật. Lạy Phật nên chậm rãi, thong thả mới trang nghiêm và thành kính. Nên, những ai “cúi đầu lạy xuống, giữ lại một lúc” là đúng với quy cách lạy “ngũ thể đầu địa”.
Theo Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao, khi kính lễ Tam bảo năm vóc gieo sát đất có ý nghĩa nhiếp phục sự kiêu mạn và tỏ lòng thành kính: 1. Khi gối bên phải sát đất nguyện cho chúng sanh được đạo chánh giác. 2. Khi gối bên trái sát đất, nguyện cho chúng sanh không khởi tà kiến ngoại đạo, tất cả đều an trụ trong đạo chánh giác. 3. Khi tay phải sát đất, nguyện như Thế Tôn ngồi tòa kim cương, đại địa rúng động, hiện bày tướng lành, chứng nhập đại Bồ-đề. 4. Khi tay trái sát đất, nguyện cho chúng sanh xa lìa ngoại đạo, khiến họ vào chánh đạo. 5. Khi đỉnh đầu sát đất, nguyện cho chúng sanh lìa tâm kiêu mạn, đều được thành tựu vô kiến đỉnh tướng.


Thờ Bồ-tát, niệm Phật được không?
HỎI:
Tôi là Phật tử tu theo pháp môn Tịnh độ, thường niệm Phật A Di Đà. Nay có nhà riêng, chồng tôi chỉ muốn thờ duy nhất Bồ-tát Quán Thế Âm. Xin hỏi thờ Bồ-tát Quán Thế Âm nhưng vẫn niệm Phật A Di Đà được không?
(DIỄM QUỲNH, lilydiemquynh2209@gmail.com )

ĐÁP:
Bạn Diễm Quỳnh thân mến!
Khi bạn thờ phụng, lễ bái một vị Phật hay Bồ-tát thì đồng nghĩa với việc phụng thờ và quy hướng hết thảy chư Phật, Bồ-tát trong mười phương, ba đời. Do đó, nhà bạn thờ Bồ-tát Quán Thế Âm cũng có nghĩa là kính thờ hết thảy chư Phật.
Mặt khác, Bồ-tát Quán Thế Âm là một trong ba vị Tây phương tam thánh, vị Đại Bồ-tát trợ thủ đắc lực cho Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sanh về Cực lạc. Nên mỗi lần kính lễ Bồ-tát bạn hãy quán tưởng đến Tây phương tam thánh (Phật A Di Đà, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí) và cầu nguyện các Ngài chứng minh gia hộ.
Do đó, nhà bạn thờ Bồ-tát Quán Thế Âm và bạn vẫn tu tập pháp môn Niệm Phật bình thường.
Chúc các bạn tinh tấn!

*TỔ TƯ VẤN ( tuvangiacngo@yahoo.com )


Âm lịch

Ảnh đẹp