Còn khởi niệm tu huệ là sao? Khi chúng
ta khởi nghĩ đi đến chùa để học hỏi nghe giáo lý Phật dạy, liền đó chúng
ta đi ngay. Và khi đến chùa, chúng ta vào lớp học để nghe quý thầy
giảng dạy. Trong khi nghe, chúng ta chăm chú nghe từng lời nói của vị
giảng sư rồi chúng ta suy nghĩ thật chính chắn qua từng lời nói, sau đó,
chúng ta đem ra ứng dụng thật hành để được lợi lạc cho bản thân ta.
Như vậy, giữa hai ý niệm khác nhau,
một đàng là chúng ta khởi niệm muốn giúp đỡ người khác để chúng ta được
có phước. Ngược lại, đằng nầy, chúng ta khởi nghĩ học hỏi chánh pháp để
trau dồi trí năng của chúng ta, ngày thêm được sáng suốt hơn. Như vậy,
rõ ràng có sự khác biệt ở nơi cái nhân của Ý Niệm. Và khi kết quả cũng
có khác nhau.
Kết quả của sự bố thí, cúng dường, thì
chúng ta hưởng được phước báo giàu sang, an vui. Ngược lại, kết quả của
sự trau dồi học hỏi qua 3 phương pháp: “Văn huệ, Tư huệ và Tu huệ”, kết
quả, chúng ta sẽ được trí huệ sáng suốt.
Như thế, tu phước, thì xuất phát từ
lòng từ bi, vì có thương người, thương vật nên chúng ta mới thi ân giúp
đỡ. Còn tu huệ, thì xuất phát từ lý trí, biện biệt được lẽ chánh tà chân
ngụy.
Trong kinh Phật dạy, người phật tử cần
phải gia công tu tập cả hai: “Phước trí lưỡng toàn mới phương tác Phật”.
Chúng ta không nên chỉ tu nghiêng một bên.
Nếu chỉ đặt nặng một bên, thì chẳng
những không đạt được kết quả tốt đẹp lợi lạc, mà còn gây ra nhiều tai
hại nữa. Nếu chỉ có từ bi mà không có trí huệ đi kèm, thì từ bi đó dễ
trở thành mù quáng. Ngược lại, chỉ có biết tu huệ không thôi, thì đó là
trí huệ khô, chẳng làm lợi lạc cho ai. Vì vậy, người phật tử cần phải tu
hết cả hai vậy.
Thích Phước Thái