vợ con
nghe theo chúng bạn đi cúng lễ ở khắp nơi, tiêu tốn hàng chục triệu đồng
cho việc lễ bái. Con đã khuyên can nhiều lần nhưng cô ấy không nghe,
tồi tệ hơn nữa là giờ cô ấy một mực yêu cầu con phải đi dự lễ cùng cô
ấy. Con không đi viện cớ là bận việc công ty, cô ấy đi tối ngày, con
phải ở nhà chăm sóc hai cháu, cô ấy không chịu, dọa nếu không theo cô ấy
thì gia đình sẽ tan nát, có người chết sớm. Tuần trước, con và cháu bé
thứ hai bị sốt siêu vi trùng, cô ấy không những không ở nhà chăm sóc mà
còn trách cứ con, tại con không chịu đi lễ nên “bề trên” phạt cho ốm,
nếu không chịu thay đổi sẽ còn ốm nữa. Trời ơi, con không nhận ra vợ con
nữa rồi, một cô giáo hiền hòa, mẫu mực giờ thành ra người mê tín dị
đoan, cuồng tín đến mù quáng. Con phải làm gì để “đánh thức” vợ con,
thưa Thầy? Liệu con có thể giúp cô ấy tỉnh ra được không? (Trần Đức
Quang, Bắc Ninh)
Trả lời:
Đọc
thư của anh, tôi thông cảm nỗi khổ tâm và những xáo trộn hạnh phúc gia
đình do vợ anh quá mê tín dị đoan gây ra. Mê tín làm cho con người trở
nên sợ hãi, yếu đuối, lệ thuộc tâm lý, làm và nói những chuyện gàn dỡ.
Để giúp vợ thoát khỏi mây mù mê tín, anh tham khảo và thử nghiệm các
“liều thuốc” sau đây:
Nhận diện tác hại của mê tín
Việt
Nam hiện nay có khoảng 8.000 lễ hội lớn nhỏ. Lễ thường gắn với niềm tin
và tín ngưỡng. Hội là hội hè vui chơi, biểu diễn và thưởng thức nghệ
thuật. Có những lễ hội mang tính văn hóa và giá trị đẹp, cần được duy
trì và phát huy. Có những lễ hội chỉ là những hủ tục, mê tín dị đoan với
nhiều tác hại. Các lễ hội văn hóa tích cực có khả năng chuyển tải
thiêng liêng, đạo đức và hiền thiện. Mê tín núp bóng lễ hội văn hóa
thường mang lại nhiều tổn thất và bất an cho người tin nó mà không đặt
vấn đề.
Mê
tín có từ ngàn xưa, từ lúc con người cảm thấy bất lực trước sức tàn phá
của thiên tai mà không sao giải thích được. Văn hóa Phật giáo không có
chỗ cho những hành vi mê tín, dị đoan và hiện tượng trục lợi “buôn Thần
bán Thánh” để lừa bịp những người nhẹ dạ, cả tin. Tín ngưỡng thiếu lý
trí sẽ nhuốm màu thần bí và trở thành mê tín. Tác hại của mê tín không
chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và thái độ ứng xử, mà còn phương hại
cho lối sống và kinh tế gia đình. Điều này hoàn toàn đúng với trường hợp
của vợ anh, một cô giáo nhẹ dạ đáng tội nghiệp.
Dị
đoan là những điều quái lạ, huyễn hoặc, chỉ tồn tại trong niềm tin
thiếu lý trí của con người. Mê tín là niềm tin mù quáng, không phân biệt
đúng sai, nhắm mắt làm càng, thể hiện sự mê muội và mất lý trí. Mê tín
và dị đoan là cặp song sinh. Nơi nào có dị đoan, nơi đó có mê tín. Ai
sống với mê tín, người đó chấp nhận các dị đoan. Di đoan là mê tín. Mê
tín thường kéo theo dị đoan.
Đằng
sau các dị đoan và mê tín là nỗi sợ hãi về những điều bất hạnh bao gồm
cái chết, bệnh tật, tổn thất, bất hạnh và nghịch cảnh. Nỗi sợ hãi là
thực phẩm thầm lặng nuôi sống mê tín. Những kẻ truyền bá mê tín thường
khai thác tâm lý sợ hãi của tín chủ để lợi dụng, từ đó, tạo ra tình
trạng tiền mất tật mang. Có một số người truyền bá mê tín không vì mục
đích lợi nhuận hay lừa đảo, mà chỉ để làm cho mình được nổi tiếng (dĩ
nhiên chỉ là hư danh).
Việc
cho vợ anh uống “liều thuốc” kiến thức về nguồn gốc của mê tín, nguyên
nhân sống còn của niềm tin sai lầm này, các hậu quả mà người dị đoan
phải gánh chịu… sẽ góp phần giúp cho chị ấy “tỉnh ra” vấn đề để dừng lại
các thái độ và hành động sai lầm trước khi quá muộn. Dĩ nhiên, để thành
công, anh phải hết sức khéo léo, điềm tĩnh, kiên nhẫn, tránh gây gỗ với
vợ vì như thế có thể làm hỏng mọi thứ.
Thần linh không hại được con người
Phật
giáo không chấp nhận thần linh trong tín ngưỡng dân gian có khả năng
ban phước giáng họa. Ngay cả thượng đế, Phật giáo nguyên chất còn cho
rằng chưa từng hiện hữu, do con người mê tín nắn tạo ra, huống hồ, thần
linh lấy đâu mà ra năng lực siêu nhiên để phạt kẻ này, hại kẻ nọ như thể
thế giới này không có luật pháp vậy.
Thượng
đế và thần linh nếu có cũng phải sống trong quy luật nhân quả, làm xấu
sẽ bị khổ đau như bóng không rời hình, âm vang không tách rời khỏi
tiếng. Các thần không phải là cáng cân của luật pháp, do đó, nếu các
thần linh ức hiếp con người, các thần sẽ bị nhân quả nghiêm trị. Rất may
là trên thực tế con người mượn hình ảnh thần linh để hù dọa lẫn nhau,
chứ chưa có thần linh “bề trên” nào đã hại con người như thế.
Các
tôn giáo nhất thần và đa thần thường vẽ vời ra năng lực “hủy diệt” cho
“bề trên” (thượng đế và các thần), để dọa nạt người không mê tín vào
thần, để rồi từ nỗi sợ hãi và tuyệt vọng, chăn dắt họ quay niềm tin vào
lực lượng siêu nhiên vốn không có thật.
Trong
xã hội tiến hóa của loài người, cha mẹ dù sinh ra con cái nhưng hủy
hoại mạng sống của con cái là đã mang tội giết người, nên sẽ bị luật
pháp trừng phạt. Làm cha mẹ sinh ra con, có ai bất nhẫn, bất nhân đến độ
giết đi mạng sống của con ruột mình?! Tội giết con được xem là tội bất
nhân, luật pháp không thể dung tha. Nếu các đấng “bề trên” viện cớ sinh
ra con người nên có quyền hủy diệt con người thì thần linh đó thật ác
đức, không đáng để con người tôn trọng và kính nễ. Nếu các đấng “bề
trên” nhiễu nhương và phá hoại cuộc đời và hạnh phúc của con người thì
con người cần dấy cuộc thánh chiến chống lại bề trên, để giải phóng nhân
loại khỏi ách thống trị bạo ác của bề trên.
Trên
thực tế, các đấng bề trên chưa từng hiện hữu. Việc kể công hay gán tội
cho họ đều không thích hợp. Do đó, thay vì đi cúng lễ theo nghĩa “hối
lộ” các đấng bề trên (vừa tốn tiền vừa sợ hãi) thì theo Phật giáo, ta
hãy phân tích các nguyên nhân và điều kiện thuận nghịch để khắc phục
những khó khăn và bất hạnh trong cuộc sống. Truy tìm nguyên nhân của các
bất hạnh là giải quyết bất hạnh được phân nửa. Phân nửa còn lại là giải
pháp đúng, con đường trị liệu đúng. Ai nỗ lực tự thân với sự dẫn dắt
của trí tuệ như vừa nêu sẽ có khả năng giải quyết dứt điểm các bất hạnh
và khổ đau đã, đang hoặc sẽ diễn ra.
Lấy huyễn độ huyễn
Việc
khai mở kiến thức đúng về tác hại của mê tín để người mê tín từ bỏ các
niềm tin sai lầm, không phải lúc nào cũng thành công, khi mà anh đã rơi
vào tình thế “Bụt nhà không thiêng” đối với vợ. Dưới mắt vợ anh, anh chỉ
là một kẻ phàm tục và dĩ nhiên sẽ không thể hiểu biết hết về thế giới
siêu nhiên mà cô ta đang bị kẻ chủ trương mê tín dẫn dắt. Lối suy nghĩ
tiêu cực này có thể có của vợ anh đôi lúc làm cho anh dễ cáu giận. Nhưng
đừng vì thế buông xuôi mọi việc, để cho mê tín dẫn dắt cuộc sống của
gia đình anh.
Do
đó, nếu giải pháp “đánh thức” không thành công, anh có thể áp dụng công
thức “dĩ huyễn độ huyễn” được Phật giảng dạy trong Kinh. Tức tạm thời,
anh cứ đóng vai diễn là người có niềm tin như vợ anh, để vợ anh nghĩ
rằng chị và anh là người đồng hội, đồng thuyền. Sau đó, anh có thể phối
hợp với một vị trụ trì có kinh nghiệm ở ngôi chùa cùng thành phố anh chị
đang sống, nói rõ về các mê tín mà vợ anh đang dính vào, để nhờ trợ
giúp tích cực. Sắp xếp một cuộc gặp gỡ giữa hai vợ chồng anh với nhà
chùa trong một ngày thuận lợi cho cả hai bên.
Anh
nên cung cấp vài thông tin về cá tính của vợ, cảnh huống của gia đình
để nhà chùa nắm vững trước khi gặp nhau. Trong cuộc trò chuyện, vị trụ
trì có thể nói như đinh đóng cột về cảnh huống gia đình và cá tính của
vợ, làm chị sinh tâm bội phục. Phụ nữ thường có tâm lý nể phục những ai
nói đúng về họ và gia đình họ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân
dẫn đến niềm tin quàng xiêng, mù quáng. Biến điều này thành một lợi thế
để anh phối hợp với nhà chùa làm công việc “tương kế tựu kế.” Đến lúc vợ
anh có niềm tin mạnh về năng lực đặc biệt của nhà chùa, việc nhà chùa
góp ý những điều chị ấy đang quan tâm mới có kết quả, ítnhất là tác dụng
tâm lý dẫn đến niềm tin vào lời khuyên.
Theo
Phật giáo, việc “cúng lễ ở khắp nơi, tiêu tốn hàng chục triệu đồng”
không phải là giải pháp cho các vấn nạn gia đình và xã hội mà con người
có thể gặp trong cuộc sống. Cũng cùng một vấn đề, thay vì các thầy pháp,
thầy phong thủy, thầy địa lý, thầy bùa ngải, thầy đồng bóng “dọa” không
cúng lễ thì “gia đình sẽ tan nát, sẽ có người chết sớm” thì vị trụ trì
có thể giải thích “đức năng thắng số” tức không có số phận thật để mặc
cảm, sợ hãi và lo lắng, sau đó tư vấn các giải pháp thích hợp theo tinh
thần sống với nhân quả, giải quyết vấn đề bằng trí tuệ. Nhà chùa có thể
tổ chức một khóa lễ cầu an vừa không tốn tiền vừa có khả năng xoa dịu và
trấn an các nỗi đau và bất hạnh của gia đình. Nỗi sợ hãi “không chịu đi
lễ nên bị bề trên phạt cho ốm” sẽ được thay thế bằng niềm vui được Phật
pháp gia hộ, mang hạnh phúc và an vui về cho gia đình.
Cần
thấy rõ, sự thành công của phương pháp này lệ thuộc vào khả năng phối
hợp giữa anh với nhà chùa. Phương pháp hợp tác này có khả năng giúp vợ
anh thoát khỏi cái “khổ do mê tín dị đoan, cuồng tín đến mù quáng” gây
ra.
Chúc
anh sớm thành công trong việc giúp vợ “tỉnh ra” sự mê tín của mình, hầu
xây dựng lại niềm tin chân chính và hạnh phúc gia đình như trước đây.
Theo Phật Pháp Ứng Dụng