Đáp:
Không có gì chống trái nhau cả. Chữ ngã là đọc âm Hán tự, có nghĩa là
tôi, ta, hay mình v.v... Để bạn hiểu rõ hơn về chữ ngã, tôi xin trích
một đoạn về phần định nghĩa chữ ngã trong bộ Từ Điển Phật Học Huệ Quang
Tập 5: “Ngã nguyên nghĩa là hô hấp, chuyển thành nghĩa sanh mạng, tự kỷ,
thân thể, tự ngã, bản chất, tự tánh, hoặc chỉ chung cho chủ thể độc lập
vĩnh viễn, tiềm ẩn trong nguồn gốc của tất cả vật và chi phối cá thể
thống nhất. Đây là một trong các chủ đề trọng yếu nhất thuộc thế giới tư
tưởng Ấn Độ”.
Phàm nói ngã phải hội đủ ba yếu tố: “Chủ tể, thường nhứt và tự tại”. Cái
ngã mà Phật giáo phủ nhận hay chủ trương vô ngã, đó là chỉ rõ cái ngã
do quan hệ nhân duyên kết hợp. Đã do nhân duyên kết hợp, tất nhiên là nó
không có chủ tể, không thường nhứt và không được tự tại. Như cái thân
xác mà chúng ta đang mang đây, nhà Phật gọi là cái thân giả tạm, bởi do
ngũ uẩn kết hợp. Ngũ uẩn đó là: Sắc, thọ, tưởng, hành thức. Sắc chất
thuộc về phần tứ đại, tức gồm có 4 nguyên tố tụ hợp tạo thành. Như đất,
nước, gió, lửa. Bốn thứ nầy kết hợp trong nhu cầu cưỡng ép. Bởi thế, nên
chúng thường chống trái nhau và chính vì thế, nên chúng ta thường hay
đau yếu luôn luôn.
Đấy là phần kết hợp vật chất. Còn về phần tinh thần hiểu biết, cũng do
bốn thứ kết hợp: Thọ, tưởng, hành, thức. Thọ là sự cảm nhận vui hoặc
buồn, hoặc không vui không buồn. Tưởng là nhớ lại những việc đã qua hay
tưởng tượng đến những việc sắp đến. Hành là sự biến đổi từng sát na của
dòng tâm thức. Thức là sự phân biệt phải trái tốt xấu v.v... Bốn thứ nầy
cấu tạo thành hiện trạng tâm lý.
Như vậy, mỗi thân thể chúng ta được cấu tạo bởi hai phần: Vật chất và
tinh thần. Đã nói cấu tạo, tất nhiên, là phải do nhiều thứ hợp lại, đã
có hợp, tất phải có tan. Đó là một định lý duyên sinh bất di bất dịch.
Do đó, mà nhà Phật gọi thân nầy là vô ngã (Bởi do nhiều yếu tố hợp
thành tạm bợ không thật). Ngược lại, cái ngã mà nhà Phật gọi là Chơn
Ngã tức là cái “Ta” chơn thật.
Nói đến cái Ta là chỉ cho chủ thể mạng sống. Nhưng mạng sống có hai: Giả
tạm và vĩnh hằng. Mạng sống giả tạm là mạng sống còn bị hệ thuộc trong
phạm trù duyên sinh nhân quả. Còn mạng sống vĩnh hằng, thì vượt ngoài
phạm trù duyên sinh nhân quả đối đãi. Mạng sống nầy, trong nhà Phật nói,
có nhiều tên gọi khác nhau. Như Chơn Ngã, Pháp Thân, Phật Tánh, Niết
Bàn, Bản Lai Diện Mục, Chơn Lý Tuyệt Đối v.v...
Đó là một thực thể bất sinh bất diệt. Câu nói: “Thiên thượng thiên hạ,
duy ngã độc tôn”. Chữ Ngã đây là chỉ cho Chơn Ngã, chớ không phải là cái
ngã tầm thường do nhân duyên kết hợp. Ta không nên hiểu lầm cho rằng
Phật tự cao tự đại, nêu cao cái bản ngã của mình là trên hết. Chữ Ngã
nầy là một trong bốn đức tánh Niết Bàn mà trong Kinh Đại Bát Niết Bàn
Phật đã nêu ra: Chơn Thường, Chơn Lạc, Chơn Ngã, Chơn Tịnh.
Trong Kinh Kim Cang Bát Nhã có bài kệ :
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.
Tạm dịch :
Nếu người nào dùng sắc thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Người ấy hành đạo tà
Không thể thấy được Như Lai.
Muốn thấy được Như Lai phải thấy bằng cách nào? Không thể thấy bằng mắt
thịt qua hình ảnh sắc tướng của Phật (vì sắc tướng do duyên hợp, nên vô
ngã) Cũng không thể dùng tai nghe âm thanh của Phật mà cho là thấy Phật
(vì tiếng cũng do duyên hợp giả có) Như vậy, người nào chạy theo trên
hình tướng hay âm thanh để tìm phật, thì bị Phật quở là kẻ đó hành đạo
tà, không bao giờ thấy được Phật.
Thế thì, muốn thấy Phật, ta không thể thấy bằng mắt thịt mà phải thấy
bằng tâm, tức thầm nhận ra được cái thực thể hằng thanh tịnh sáng suốt,
bất sanh bất diệt trong mỗi con người của chúng ta, đó là thấy được Phật
hay Như Lai. Như Lai ở đây, ta phải hiểu là Phật pháp thân, chớ không
phải là Phật báo thân. Mà Phật pháp thân đó là tên khác của Chơn ngã hay
Đại ngã. Người nào trực nhận được tánh thể sáng suốt nầy, thì gọi người
đó là ngộ đạo hay kiến tánh.
Tóm lại, khi nói ngã không thật, tất nhiên, ta phải hiểu đó là cái ngã
do nhân duyên cấu tạo hợp thành. Tạm gọi là giả ngã (Giả có cái ta trống
rỗng tạm sinh hoạt trong một thời gian). Còn nói Chơn ngã, thì ta biết
đó là cái Ngã vượt ngoài duyên sinh đối đãi. Cái Ngã đó không hình,
không tướng, tạm gọi là Chân ngã hay Chân lý tuyệt đối v.v...
Last Updated on Thursday, 09 October 2008 14:51