Theo Tuệ này uyển âm nghĩa, quyển hạ: “Ca lăng tần già là loài chim
có tiếng hót rất hay, tuyệt diệu. Loài chim này vốn sống ở Tuyết Sơn,
tiếng hót hòa nhã, thánh thót, du dương, người nghe không biết chán”
HỎI:
Trong
kinh Phật có nói đến các loài chim Bạch hạc, Khổng tước, Anh vũ, Xá
lợi, Ca lăng tần già, Cộng mạng.Xin hỏi các loài chim ấy là chim gì, đặc
điểm thế nào, chúng có phải là những loại chim thần nhu Kim sí điểu
không?
ĐÁP:
Bạch
hạc, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, Ca lăng tần già, Cộng mạng là những
loại chim có màu sắc đẹp, giọng hót hay và quý hiếm. Các loài chim này
được đề cập đến trong kinh Phật, đặc biệt là những kinh thuộc Bắc tạng
như Đại Niết Bàn kinh, Thắng Thiên Vương Bát Nhã kinh, A Di Đà kinh, Tạp
Bảo Tạng kinh, Khổng Tước Minh Vương kinh, Anh Vũ Gián Vương kinh… Đức
Phật thường lấy giọng hót của các loại chim này, nhất là Ca lăng tần gia
để so sánh và tán than những vị Tăng thuyết pháp có âm thanh vị diệu,
chinh phục được thính chúng, đưa học trở về chánh đạo. Đặc biệt, ở Tịnh
độ của Phật A Di Đà thì Bạch hạc, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, Ca lăng
tần già, Cộng mạng liên tục ngày đêm hót lên những pháp âm vi diệu khiến
người nghe phát tâm niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng
Bạch
hạc là chim hạc trắng, mỏ dài, chân cao, lông trắng, có khả năng bay
rất xa, tiếng kêu lớn và thanh.Khổng tước là chim công, đuôi dài, con
trống rất đẹp, đuôi và cánh thường xòe ra như cánh quạt, màu sắc sặc sở.
Anh vũ là chim vẹt, lông xanh, mỏ quặp, có khả năng nói được tiếng
người. Xá lợi là chim thu, còn được gọi là chim bách thiệt, mắt rất
trong, tiếng hót dịu dàng, thanh thoát, có thể nói được tiếng người. Ca
lăng tần già là tên của một loài chim quý, lông màu đen, mỏ đỏ, tiếng
hót cực hay, êm ái, véo von hơn cả tiếng trời, thường sống thành cặp
chẳng hề rời nhau, còn được gọi là mỹ âm điểu, diệu thanh điểu. Tiếng
hót của loài chim này thường được ví như pháp âm của Phật. Theo Tuệ này
uyển âm nghĩa, quyển hạ: “Ca lăng tần già là loài chim có tiếng hót rất
hay, tuyệt diệu. Loài chim này vốn sống ở Tuyết Sơn, tiếng hót hòa nhã,
thánh thót, du dương, người nghe không biết chán”. Cộng mạng là một loài
chim lạ, cực kỳ quý hiếm sống ở Tuyết Sơn, với đặc điểm là tuy một thân
nhưng có hai đầu nên còn gọi là mạng mạng điểu hay sanh sanh điểu.
Chim
thần trong thần thoại cổ Ấn Độ là Ca lâu la (Raguda), chim thần cánh
vàng. Loại chim này có hình dáng giống như đại bang nhưng cực kỳ to lớn,
thân thể rực rỡ như thần lửa, tính khí rất mãnh liệt, là vật cỡi của
trời Tỳ Sắt Nô (Visnu). Trong kinh Phật, Ca lâu la là một loài trong Bát
bộ chúng, Ca lâu la còn được phiên âm Yết lộ đồ, Già lâu la, Bá lỗ noa
v.v… dịch nghĩa Kim sí điểu (chim cánh vàng), Diệu sí điểu.Theo kinh
Hải Long Vương, Kim sí điểu có sải cánh rộng 336 vạn dặm, màu vàng
ròng, khắp cõi Diêm phù đề chỉ vừa một chân của nó, có thể nuốt phăng
một con long ngư thất bảo, mỗi ngày ăn hết một con rồng chúa và 500 con
rồng con. Kim sí điểu thường trụ ở tầng dưới núi Tu Di, trên các đại thọ
trong bốn đại châu. Thức ăn chủ yếu của Kim sí điểu là loài rồng, cá…
khi ăn phát ra tiếng kêu bi thống, loài rồng rất kinh sợ sát thủ đại
bàng cánh vàng này. Theo kinh Niết Bàn, Kim sí điểu có thể ăn tất cả các
vật, kể cả vàng bạc châu báu, ngoại trừ kim cương. Kim sí điểu có hai
loại, một loại độc ác chuyên sát hại và một loại biết tu hành, thích
nghe pháp và ủng hộ người tu hành. Đặc biệt Kim sí điểu vương được dùng
để chỉ cho Đức Phật như Tượng vương, Ngưu vương, Kính Cựu Hoa Nghiêm,
quyển 36, Phật dạy: “Ví như Kim sí điểu, bay liệng trên hư không, dùng
mắt thanh tịnh quán sát cung điện của Long vương, lấy hết sức mạnh của
đôi cánh rẽ nước biển khiến nó tách làm hai. Biết con trai con gái của
Long vương mệnh đã hết liền quắp lấy họ. Như Lai, bậc Chánh đẳng giác
cũng như vậy, nếu thấy chúng sanh thiện căn đã chín muồi thì dùng hai
cánh chỉ - quán rẽ nước biển sanh tử mà cứu hộ”.
Như
vậy, các loại chim như Bạch hạc, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, Ca lăng
tần già, Cộng mạng là chim bình thường, với đặc điểm là đẹp đẽ, quý hiếm
và có giọng hót rất hay, sống ở Ấn Độ. Một vài loại như Bạch hạc, Khổng
tước, Anh vũ có nhiều ở Việt Nam. Còn Kim sí điểu là chim “thần” vì có
cánh nên gọi là chim nhưng thực ra Ca lâu la thuộc vào loài quỷ thần,
một loài trong Bát bộ chúng gồm: Thiên, Long, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu
la, Ca lâu la, Khẩn na la và Ma hầu la già.
Theo Tổ tư vấn/GiacNgo.Vn