13/07/2020 19:17 (GMT+7)
Số lượt xem: 1584
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


107774951_2626787284087712_4208553299789522610_n.jpg


Trong Phật giáo có rất nhiều lễ hội, nhưng lễ hội quan trọng nhất vẫn là lễ hội Đại Giới Đàn (còn gọi là pháp hội). Bởi vì pháp hội Đại Giới đàn là ngày hội lễ tổ chức tuyển người làm Phật. Trong Giới đàn có một hội trường để cho các vị giới sư truyền giới cho các vị giới tử, nơi ấy có bảng hiệu “Tuyển Phật trường”.


Trong nội viện của Tuyển Phật trường, còn có một nơi chốn thiêng liêng khác, mà nếu không phải là giới sư, giới tử, người hộ đàn (đã kiết giới) thì không được vào, đó là Giới đàn. Ngày xưa Giới đàn thường trang hoàng thiết trí ở ngoài trời, tựa như đàn Nam Giao ở Huế, nhưng thời nay không tổ chức ngoài trời nữa mà tổ chức bên trong nội viện của chùa. Nơi giới đài có tấm bảng với hai đại tự Thanh Giới, thường là viết bằng chữ Hán, mà phải là người đạo cao đức trọng, giới thể thanh tịnh mới viết hai chữ này.
Trong Phật giáo đức Phật luôn nhắc nhở đệ tử mình thực hiện hạnh bố thí, bố thí có ba cách:

Bố thí tiền bạc, vật chất.

Bố thí những lời dạy dỗ, răn nhắc, can ngăn (Giới) của đức Phật, qua thuyết giảng, in ấn kinh sách, đĩa CD với nội dung Phật giáo……
Bố thí những lời an ủi, động viên, và đưa ra giải pháp chữa trị cho người đang lâm vào tình trạng tuyệt vọng, bế tắc, bất đắc chí, trầm cảm, tổn thương tâm lý…..
Trong ba cách bố thí mà đức Phật chỉ dạy, chúng ta vẫn thấy được bố thí giới là quan trọng nhất. Bởi vì giới luật là thọ mạng của Phật pháp, Giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp mất.

Bởi vậy người muốn bố thí giới thì phải giữ giới, phải có phạm hạnh. Cho nên những Giới đàn nghiêm túc đều đi tìm các vị giới sư, giữ giới thanh tịnh để trao truyền giới cho các giới tử. Người truyền giới có giới thể thanh tịnh, có năng lượng tu tập thì mới truyền trao được. Người thọ nhận có hết lòng trân quý tịnh giới, có khát ngưỡng như người đang đi trong sa mạc nóng thiêu quằn quại, tìm thấy được giọt nước, giọt nước đó cũng có thể gọi là giọt cam lồ. Người truyền trao, kẻ thọ nhận giao cảm với nhau qua sinh mệnh sống còn của đạo pháp. Ngay giây phút linh thiêng mầu nhiệm đó của sự truyền giới đúng pháp, người thọ giới (giới tử) được đắc giới.

Khi đắc giới rồi người thọ giới, luôn giữ giới như giữ con ngươi trong tròng mắt của mình, đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng nghĩ đến giới, luôn có chánh niệm, coi giới là thầy của mình. Có giữ giới là có chánh niệm, có chánh niệm là có giác ngộ. Giữ giới là truyền đăng, là vận chuyển bánh xe giáo pháp xoay chuyển mãi trong không, thời gian. Giới tử thọ giới trong các Giới đàn tổ chức ở ba miền đất nước mà giữ giới, thì Phật giáo Việt Nam không còn nêu lên vấn nạn cải đạo nữa. Bởi vì Tăng đoàn là chỗ dựa vững chãi an lạc nhất, lấy thanh giới nuôi dưỡng huệ mạng của mình, và sinh mệnh của đạo pháp. Chính từ những người con Phật gìn giữ tịnh giới mà Phật giáo Việt Nam sẽ còn mãi mãi với dân tộc Việt Nam.


107584145_2626788190754288_7003589961784717953_n.jpg


Ý nghĩa giới đàn [1]

Giới đàn: Nơi để cử hành nghi thức truyền giới và thuyết giới. Đàn là khoảnh đất được đắp hơi cao hơn mặt đất trong giới trường.
Giới đàn vốn không cần xây cất nhà cửa, chỉ cần kiết giới, làm dấu ở bất cứ chỗ trống nào là được, nhưng để đề phòng gió mưa, lúc hành pháp sự có thể kiết giới thụ giới trong chùa. Ấn Độ thời xưa thường tác pháp ngoài trời mà không lập đàn riêng.

Theo Thích Thị Yếu Lãm, thượng, Bồ Tát Lâu Chí xin đức Phật được xây một giới đàn ở phía Đông Nam viên tịnh xá Kì Viên để truyền giới cho Tỳ kheo. Về hình thức Giới đàn, căn cứ vào giới đàn chùa Na- lan- đà ở Ấn Độ được miêu tả trong đại đường tây vực cầu pháp cao tăng truyện, thượng của ngài Nghĩa Tịnh thì giới đàn này “Vuông vức mỗi bề hơn 3m”, chung quanh được xây một bức tường gạch, cao khoảng 0,60m, chỗ ngồi trong tường cao khoảng 0,15m.

Tương truyền Giới đàn có sớm nhất ở Trung Quốc là Giới đàn do ngài Đàm- ca- ca la xây dựng ở Lạc Dương từ năm 249 đến 256. Từ đời Tấn, Tống về sau, ở phương Nam lập rất nhiều Giới đàn, nhưng hình thức các Giới đàn không còn khảo cứu được.
Đến năm 667, đời Đường, luật sư đạo tuyên lập Giới đàn tại chùa Tịnh Nghiệp ở vùng ngoại ô Trường An, đàn này chiều cao 2,7m, gồm 3 tầng: Tầng dưới dài 9m, cao 0,9m; Tầng giữa dài 7m, cao 1,2m; Tầng trên vuông vức 2,1m, cao 0,6m. Mỗi tầng chung quanh đều có khắc các hình tượng sư tử thần vương. Về sau ngài đạo tuyên chọn “Giới Đàn Đồ Kinh” để trình bày tỉ mỉ về nguồn gốc, tên gọi, hình dáng của Giới đàn. Từ đó Giới đàn có hình thức nhất định.

109120214_2626787817420992_2977863080808046223_n.jpg

Năm 765 vua Đại Tông ban sắc lệnh lập Giới đàn Phương Đẳng ở chùa Đại Hưng Thiện,
 lại ban sắc cho tăng, Ni ở kinh thành mỗi bên lập 10 vị Đại đức lâm đàn, tức là Tam sư thất chứng. Giới đàn Phương Đẳng là Giới đàn đại thừa, đàn pháp tuy y cứ vào các bộ luật, nhưng người thụ giới phải phát tâm bồ đề rộng lớn, đó là điểm đặc biệt nhất so với giới đàn tiểu thừa.

Năm 754, Hòa thượng Giám Chân người Trung Quốc đến Nhật Bản xây dựng Giới Đàn trước điện Đại Phật của chùa Đông Đại. Đây là Giới đàn đầu tiên ở Nhật Bản. Hình thức Giới đàn này căn cứ theo bộ “Giới Đàn Đồ Kinh” của ngài đạo tuyên.
Theo: Tứ phần luật hành sự sao tư trì kí, thượng 2, phần1; Phật Tổ Thống Kí 36, 39; Phật Tổ lịch đại thông tải 18; Đại tống tăng sử lược, hạ; Thích Thị Kê Cổ Lược 3, 4; Đạo tuyên luật sư cảm thông lục
Ý nghĩa Cam Lộ [2]
A.Cam Lộ:
S: Amrta.
P: Amata.
Ha: A-mật-lí-đa, A-mật-lật-đa.
Hd: Bất tử, Bất tử dịch, Thiên tửu.
Sương ngọt, giáo lí của Phật giúp nuôi lớn thân tâm chúng sinh.
Mật giáo gọi nước quán đảnh bất nhị của hai bộ chân ngôn là cam lộ bất tử.
Duy-ma Kinh Chú 7 ( Đại 38, 395 thượng) ghi: “Ngài La-thập nói chư thiên đem các vị thuốc quý lên núi báu ở giữa biển để luyện thành cam lộ, người ăn vào được thành tiên, gọi là thuốc bất tử (…). Ngài Đạo Sinh nói: Thức ăn của trời là cam lộ, ăn vào được sống lâu, nên có tên là thức ăn bất tử”.

Kinh Vô Lượng Thọ, thượng, phần đầu (Đại 12, 271 thượng) ghi: “Nước 8 tính chất, trong suốt đầy tràn, sạch sẽ thơm tho, vị như cam lộ”.
Theo: Kim Quang Minh Kinh Văn Cú 5; Đại Nhật Kinh Sớ 13; Đại Nhật Kinh Sớ Diễn Áo Sao 11; Huyền Ứng Âm Nghĩa 22.
B. Cam Lộ
Một trong 3 danh hiệu (Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Cam Lộ) của Phật A-di-đà. Mật giáo gọi Phật A-di-đà là Cam Lộ Vương.

Ý nghĩa của từ Giác Ngộ:

Để nhớ đến hành trạng tu hành cũng như sự nghiệp một đời hoằng hóa của các vị Tổ Sư, cao tăng thạc đức Phật giáo, nên nơi nào tổ chức được Đại Giới đàn đều lấy tên vị Tổ Sư hoặc cao tăng ở địa phương đó mà đặt tên cho Giới Đàn.
Theo truyền thống của thiền môn BTS Phật giáo Gia Lai, cũng như Ban Kiến Đàn đã lấy Pháp hiệu của một Hòa thượng đã viên tịch trong thời cận đại đặt tên cho Giới Đàn.
Giới Đàn đầu tiên tổ chức tại Gia Lai năm 2010, đặt tên là Giới Đàn Cam Lộ, và lần này 2015 được đặt thêm là Cam Lộ Giác Ngộ. Và nếu nhân duyên đầy đủ, 5 năm sau BTS Phật giáo Gia Lai tổ chức Giới Đàn lần thứ 3, vẫn giữ tên Cam Lộ đi kèm với Pháp hiệu của một vị Hòa thượng cao tăng khác.
Từ "Cam Lộ" chúng ta đã hiểu rõ qua định nghĩa của “ Từ Điển Phật Học Huệ Quang” ở trên.

Vài nét tiểu sử Hòa thượng Thích Giác Ngộ (1924 – 2010)

Ngài quê quán tỉnh Bình Định, họ Nguyễn tên Hộ, bẩm tính thông minh, tướng hoan hỷ, sớm có ý chí xuất trần, năm 14 tuổi xuất gia tôn Hòa thượng Tường Quang chùa Phước Sơn, huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định làm thầy, được thầy ban cho pháp danh Thị Hớn.
Năm 19 tuổi, được thầy cho thọ giới Sa di tại Giới đàn Tổ Đình Thiên Đức, Tuy Phước, Bình Định do Hòa thượng Thích Huệ Chiếu làm đường đầu.
Biết được Ngài là bậc pháp khí đại thừa, Hòa thượng Bổn Sư cho Ngài y chỉ tu học với Hòa thượng Huệ Chiếu (Tổ Đình Thiên Phước, xã Phước Hưng, Tuy Phước, Bình Định) Ngài được Hòa thượng Huệ Chiếu tiếp nhận và ban cho pháp danh là Nguyên Uyên, tự Chí Đạt hiệu Giác Ngộ.
Năm 28 tuổi ngài thọ Cụ Túc Giới tại Đại Giới Đàn tổ đình Thiên Bình, (xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn tỉnh Bình Định). Giới đàn này do Hòa thượng Thích Huệ Chiếu (tổ đình Thập Tháp) làm đường đầu, Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm Yết Ma A Xà Lê, Hòa thượng Thích Tâm Đạt viện chủ tổ đình Thiên Bình làm giáo thọ,
Trong thời kỳ hành đạo Ngài đã đảm nhiệm những chức vụ:
Năm 1953, Ngài được tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Định lúc bấy giờ đề cử chức vụ chánh thư ký Phật giáo cứu quốc xã Phước Hưng.
Năm 1954, trụ trì chùa Thiên Trúc, thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, Tuy Phước, Bình Định.
Năm 1957, Ngài giao chùa cho TT.Thích Quảng Cố trông nom, ngài lên đường ra Huế , tham gia các lớp nghiên cứu Phật học tại Phật học đường báo quốc.
Năm 1961, Ngài trở về chùa Thiên Trúc tiếp tục sứ mệnh tiếp tăng độ chúng, và tham gia công tác phật sự tại tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Định.
Năm 1964, ngài được bổ nhiệm trú trì chùa Pháp Lâm ở Đà Nẵng, hướng dẫn phật tử tu tập .
Năm 1966, Ban đại diện Phật giáo tỉnh Bình Định mời ngài về tổ đình Long Khánh để tham gia công tác giáo dục, đào tạo tăng tài, kiêm chức vụ đặc ủy văn hóa Phật giáo tỉnh Bình Định.
Ngài làm giám luật Phật học viện Nguyên Thiều, huyện Tuy Phước.
Năm 1970, Ngài được mời làm Giám luật Phật học viện Phước Huệ (Tổ đình Thập Tháp-Bình Định).
Năm 1972, Viện Hóa Đạo GHPGVNTN có quyết định cử Ngài nhận lãnh trách nhiệm Hoằng pháp cao nguyên, bổ nhiệm Ngài về trụ trì chùa Bửu Thắng (tỉnh hội Phật giáo Pleiku)
Ngày 08-03-1974, Ngài chính thức nhận chức vụ trú trì chùa Bửu Thắng. Từ đây Ngài bắt tay vào việc chỉnh đốn quy củ thiền môn, tiếp tăng độ chúng, hướng dẫn quần chúng phật tử tu học.
Sau 1975, tỉnh Pleiku sáp nhập với tỉnh KonTum thành Gia Lai - Kon Tum. Địa giới mở rộng, hoạt động Phật giáo đòi hỏi nhiều sự hy sinh, dấn thân phụng sự, Ngài là bậc cao tăng trụ trì chùa tỉnh hội, nên trách nhiệm Phật sự của ngài đối với Giáo hội và quần chúng Phật tử lại càng lớn lao hơn.

Tại Đại Hội toàn quốc nhiệm kỳ V (2002-2007), Ngài được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng. Và được suy tôn vào Hội đồng chứng minh T.Ư GHPGVN.
Năm 2006, nhận thấy tuổi cao sức yếu, Ngài phó chúc cho Thượng tọa Thích Tâm Tường thay thế Ngài nhận chức vụ trú trì chùa Bửu Thắng. Ban trị sự và tăng ni phật tử Gia Lai, nhất tâm suy tôn Ngài lên ngôi vị viện chủ chùa Bửu Thắng để tiếp tục làm bóng mát bồ đề, chỗ nương tựa cho hàng tứ chúng phật tử.

Theo quy luật vô thường, ngày 14 tháng 10 năm Canh Dần (nhằm ngày 19/11 năm 2010), tại chùa Bửu Thắng, TP.Pleiku, ngài đã thâu thần thị tịch, trong lời kinh tiếng kệ, của bốn chúng đệ tử, với niềm kính tiếc vô biên. Ngài trụ thế 86 năm, 59 hạ lạp.
Ngài là một bậc tòng lâm thạch trụ của Phật giáo, đã lèo lái đưa con thuyền Phật giáo Gia Lai qua những giai đoạn khó khăn nhất.
Ngài luôn tổ chức trường hạ hàng năm cho tăng ni phật tử Gia Lai an cư tu tập, để giữ gìn mạng mạch Phật pháp, và luôn luôn ủng hộ các chùa trong và ngoài tỉnh xây dựng bằng tinh thần cũng như vật chất, và Ngài có một câu nói rất nổi tiếng:
Tôi muốn các chùa ở vùng sâu vùng xa, xây mới, trùng tu trước, chùa tỉnh hội nơi tôi đang trụ trì trùng tu sau. Bởi vì nếu tôi trùng tu trước, tôi kêu gọi các giới phật tử sẽ hưởng ứng đông đảo, đóng góp nhiều, do vậy khi các chùa vùng sâu vùng xa kêu gọi đóng góp trùng tu xây dựng sẽ gặp khó khăn. Các giới phật tử và các nhà hảo tâm hiến cúng ít lại, do vậy các công trình trùng tu xây dựng chùa ở vùng sâu vùng xa khó hoàn thành. Chính vì lý do đó cho nên tôi chưa có ý định trùng tu chùa tỉnh hội.

HT.Thích Giác Ngộ (Gia Lai) trích trong “Những lời dạy của các Cao Tăng Phật giáo Việt Nam”. Để cho Đại Giới đàn được mở ra, và thành tựu viên mãn, Ban kiến đàn Đại Giới đàn Cam Lộ - Giác Ngộ chúng con thành tâm đảnh lễ mười phương chư Phật hộ trì, liệt vị Tổ Sư gia hộ, tri ân chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự T.Ư GHPGVN. Chư tôn Hòa thượng trong Hội đồng thập sư. Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa trong Ban chứng minh, BTS Phật giáo Gia Lai, tứ vị dẫn thỉnh, nhị vị giám đàn…
Các vị lãnh đạo chính quyền các cấp, cùng tất cả chư tôn đức tăng ni, đàn na tín thí ủng hộ công quả tài vật cho giới đàn, ở trong và ngoài tỉnh. Và nhất là Thượng tọa Thích Tâm Mãn, trụ trì chùa Minh Thành. Ni trưởng Thích nữ Hạnh Nguyện chùa Bửu Sơn, cùng tăng chúng, ni chúng của hai chùa đã hết lòng yểm trợ, cung phụng trợ duyên cho giới đàn Cam Lộ - Giác Ngộ.
Nguyện đem công đức mở ra Pháp hội Đại Giới Đàn này cầu nguyện cho thế giới hòa bình chúng sinh an lạc.

Khể thủ.
TM.Ban kiến đàn Đại Giới Đàn Cam Lộ - Giác
Ngộ
Thượng tọa Thích Giác Tâm chấp bút
-
Dẫn chiếu:
[1] Từ điển Phật học Huệ Quang (Nhà xuất bản tổng hợp TP.HCM năm 2010).
Mục Giới Đàn, trang 1712 - 1713.
[2] Từ điển Phật học Huệ Quang (Nhà xuất bản tổng hợp TP.HCM năm 2010).
Mục Cam Lộ, trang 651 – 652.


Âm lịch

Ảnh đẹp