01/12/2010 17:41 (GMT+7)
Số lượt xem: 4705
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sự bao phủ của “nghiệp lực” dường như làm cho nhân sinh luôn sống bất an, thuận dòng bản năng tham dục để phải hứng chịu biết bao hệ lụy do quả nghiệp chiêu cảm.

Với lòng từ bi vô hạn, Đức Phật không nỡ chúng sinh thiếu phước mãi chìm đắm trong biển khổ, nên Ngài tùy duyên chế giới để mọi người có phương tiện nương nhờ.

Đến với đạo Phật, mọi người sẽ ngỡ ngàng trước sức hấp dẫn của nhiều tư tưởng, thông qua hệ thống giáo lý hết sức đồ sộ. Thế nhưng tựu trung không ngoài ba môn học căn bản: Giới, Định, Tuệ. Chúng ta biết đến với tên gọi Tam vô lậu học, nghĩa là ba môn học sẽ giúp người tu vượt lên sự mê mờ, thấu rõ sự chuyển biến của vũ trụ nhân sinh trong đó giới học được xem như căn bản, nền tảng. Thọ giới, hiểu giới, trì giới chính là những giai đoạn nền móng vững vàng ấy. Đồng thời truyền giới chính là động lực làm phát sinh mọi thiện pháp, thiện thú trong cuộc sống. Đứng trên bất kỳ phương diện nào hay bất kỳ dưới hình thức nào của nhân sinh, giới luật luôn luôn giữ vai trò hệ trọng và có ý nghĩa tác động vô cùng to lớn. Châm ngôn đạo Phật rất dễ hiểu nhưng để thực hành đến nơi đến chốn không phải ai cũng làm được:


                                Chư ác mạc tác
                                Chúng thiện phụng hành
                                Tự tịnh kỳ ý
                                Thị chư Phật giáo.                

                                "Chớ làm các điều ác
                                Siêng làm các điều lành
                                Giữ tâm ý thanh thịnh
                                Là lời chư Phật dạy."



Như đề cập ở trên, ba môn học vô lậu có năng lực đưa người bị chìm đắm trong sự bức bách, ràng buộc của sinh tử đến được sự thảnh thơi, tự tại của trạng thái an lành-nê hoàn. Trong chặng đường trường kỳ đó, hành giả rất cần những tư lương quan trọng để trang trải cho nhịp bước kết dính nhau. Hành trang cần có không gì thiết thực bằng “balô” giới luật. Theo chiều dài của dòng thời gian đã chứng minh được điều này. Ngày nay, mọi người đều nhận diện được phước đức cũng như tuệ giác có phần giới hạn so với các bậc kỳ túc. Cho nên điều tiên quyết phải để tâm chú trọng vào giáo pháp, vạch tìm cặn kẽ nghĩa lý nhiệm mầu sao cho hiểu rõ (thả ư giáo pháp lưu tâm,ôn tầm bối diệp, tinh sưu nghĩa lý)(1); ngõ hầu ươm mầm, kế thừa bậc Thánh, lợi ích, báo đáp bốn ơn nặng. Điều này chúng ta cảm nhận thêm qua lời than thở của Ngài Huyền Trang khi sư đứng trước bảo tháp bồ đề tại đất Phật:

                           Áo não tự thân đa nghiệp chướng
                           Bất kiến Như Lai kim sắc thân.

Sự bao phủ của “nghiệp lực” dường như làm cho nhân sinh luôn sống bất an, thuận dòng bản năng tham dục để phải hứng chịu biết bao hệ lụy do quả nghiệp chiêu cảm. Với lòng từ bi vô hạn, Đức Phật không nỡ chúng sinh thiếu phước mãi chìm đắm trong biển khổ, nên Ngài tùy duyên chế giới để mọi người có phương tiện nương nhờ. Thế ta mới hay:

Giới như biển mênh mông, không bờ mé
Giới như ngọc báu quý, cầu không chán
Giới như đèn chiếu lớn, sáng đêm dài
Giới như chuỗi anh lạc, điểm pháp thân
Giới như mặt đất bằng, sanh công đức
Giới như chiếc thuyền rộng, vượt biển khổ.

Hành giả được bảo hộ, chở che của giới chắc chắn được an toàn để thành tựu mục đích, ý nguyện. Đối với thế tục, để xây dựng một đất nước, một xã hội hay một gia đình tốt đẹp, thì dĩ nhiên hết thảy đều áp dụng rất thành công về những khuôn phép, nguyên tắc. Sự vận hành nhịp điệu trong cuộc sống đều do nơi mỗi cá nhân ý thức tuân thủ theo những giá trị chung đã ban hành. Nghĩa là những giới luật lưu thông đều có những giá trị thiết thực, xây dựng từ cá nhân đến đại thể hoàn hảo, ưu mỹ. Tuy nhiên những giá trị đều mang tính chất tương đối, bởi lẽ tùy theo thời kỳ, theo xứ sở mà mỗi mỗi đều có sự dị đồng giữa nền văn hóa, nền giáo dục,…Không vì thế mà chúng ta tạo nên những nhận định, đánh giá, chỉ trích, phê phán hay bình phẩm. Điều này sẽ làm cho chúng ta dễ vướng mắc vào những hiểu biết giới hạn, lệch lạc; đồng thời dễ kiến lập một bản ngã kiên cố. Thế nhưng, đứng trên tâm lý đại đồng, nếu như mọi người cùng nhau quy ước những giá trị này là “chân-thiện-mỹ”, là lợi ích từ cá thể đến đại thể qua quá trình sàn lọc, đào thải thì dĩ nhiên cần thống nhất, nhất ý. Một điểm chung tối ưu là sự hoàn thiện mỗi cá nhân để góp phần xây dựng lợi ích chung rất cốt yếu. Phương hướng này, các nho gia đã thực nghiệm qua hàng thế kỷ, nhưng họ đi sâu, kỹ lưỡng hơn:

"Cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc
Dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia
Dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân.
Dục tu kỳ thân giả, tiên chánh kỳ tâm
Dục chánh kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý
Dục thành kỳ ý giả, tiên trí kỳ tri." (Đại học)

(Bậc cổ đức mong muốn người trong thiên hạ sáng tỏ đức hạnh, trước hết phải trị an đất nước.
Người mong muốn trị an đất nước, trước tiên phải tề chỉnh trong gia đình;
Người muốn gia đình tề chỉnh, ban đầu phải sửa đổi bản thân
Người mong muốn bản thân có sự thay đổi, trước phải ngay thẳng trong tâm
Người muốn tâm chính đáng, trước hết sự suy nghĩ phải chân thành
Người muốn ý nghĩ chân thành, trước phải hiểu biết thấu đáo.)
Người xuất gia thì lấy những lời khuyên của Đức Phật để làm điểm tựa. Những lời dạy của Ngài phát xuất từ tuệ giác và tâm bi mẫn vô hạn đối với sự lợi ích nhân loại. Những lời nhắc nhở ấy được hàng đệ tử của Ngài thực tu, thực chứng để bật sáng rồi lan truyền qua nhiều thế hệ. Vì vậy, có nhiều hình ảnh đem ra để dẫn dụ rất sống động về người trì giới:

“Trì giới giả như ám ngộ minh, như bần đắc bảo, như bệnh đắc sái, như tù hệ xuất ngục, như viễn hành giả đắc quy.”(2)

(Những người trì giới như tối tăm mà được chiếu sáng; như nghèo cùng mà được kho báu; như bệnh tật mà được thuyên giảm; như bị tù tội mà được phóng thích; như người đi xa trở về chỗ ở.)



Mặc dầu, những hình ảnh ấy có nói lên một trong muôn phần công đức của giới, nhưng sự hội tụ giữa hai truyền thống hệ đều cùng nói lên mười mục đích (thập cú nghĩa)(3) của Đức Phật khi Ngài chế giới:

1/Vì giúp kiện toàn đoàn thể Tăng già
2/Vì giúp Tăng già được hoan hỷ
3/Vì giúp các thiện tỷ kheo được an trụ
4/Vì điều phục những người khó điều phục
5/Vì giúp những người chưa tin phát khởi lòng tin
6/Vì giúp những người đã tin, lòng tin thêm kiên cố
7/Vì giúp đoạn trừ các phiền não hiện tại
8/Vì giúp dứt bỏ các phiền não ở tương lai
9/Vì giúp những người biết hổ thẹn được an vui
10/Vì giúp chánh pháp được lâu dài.

Với những ý nghĩa ấy, giới không những có giá trị xây dựng một tập thể mà còn đem lại những giá trị rất lợi lạc thực tiễn cho người hành trì. Trong các kinh thuộc hệ A-hàm có nói đến câu chuyện Tôn giả A-nan thỉnh vấn Đức Thế Tôn về mục đích giữ giới, thì sau một lúc vấn đáp Đức Phật nhận định:
“Cho nên, này A-nan, nhân trì giới mà được không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định.

“Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa."

“Này A-nan, đó chính là các pháp hỗ trợ lẫn nhau, làm nhân cho nhau. Như vậy, giới này đưa đến chỗ cao tột, tức là đưa từ bờ này đến tận bờ kia.(4)

Có thể mỗi chúng ta, ai ai cũng có cảm nhận riêng về giá trị của giới luật.Vì vậy, hành giả rất cần nhận diện được mình trì giới để làm gì? Đời sống như thế nào phù hợp với tư cách một bậc mô phạm là điều rất quan trọng? Đại để trong Đại Trí Độ Luận q10 có đề cập người trì giới có 4 loại:

1/Vì mong được sự sung sướng trong đời hiện tại, hoặc vì sự sợ hãi, hoặc vì danh dự mà trì giới. Đây là bậc hạ trì giới.

2/Vì phú quý, sung sướng không lo lắng hay là vì phúc lạc đời sau. Đây là người bậc trung trì giới.

3/ Vì cầu giải thoát Niết Bàn mà trì giới. Đây là sự trì giới của bậc thượng.

4/ Vì cầu Phật đạo lân mẫn chúng sanh, mong hiểu biết thật tướng của các pháp, không sợ ác đạo, trì giới không cầu phúc lạc. Đây là bậc thượng thượng nhân trì giới.

Tóm lại, với chí nguyện sống đời phạm hạnh theo Đức Bổn Sư, chúng ta là những người đệ tử không thể không lấy những lời hướng dẫn của Ngài làm trang sức cho thân tâm. Giới luật mà các bậc tiền bối kế thừa và truyền đạt chính là chúng ta đang thực hành theo những chánh hạnh mà Đức Phật giảng dạy. Suốt cuộc đời của Ngài vì một mục đích duy nhất là giáo dục. Giới luật là hình thức giáo dục cụ thể nhất, sống động nhất. Bởi lẽ, giới luật được học tập qua nhiều cách từ lời nói-khẩu giáo, đến hành động-thân giáo, cho đến sự suy nghĩ-ý giáo. Sự cổ xúy giới luật là một điều mang nhiều ý nghĩa tối cần. Nhân đây, các bậc cổ đức mới dạy:

                 “Tỳ ni tạng trụ, Phật Pháp diệc trụ
                 Tỳ ni tạng diệt, Phật Pháp diệc diệt!”

Tạm hiểu: “Giới luật còn lưu truyền, Phật Pháp vẫn tồn tại
                Giới luật không còn nữa, Phật Pháp cũng suy vong!”.
 
Chú thích:

(1)Quy sơn cảnh sách.
(2)Tựa kinh Phạm Võng Bồ tát giới.
(3)Tứ Phần luật q1; Ngũ phần luật q1; Thập tụng luật q1; Căn bản nhất thiết hữu bộ tỳ nại da q1.
(4)Trung A-hàm, phẩm Tương Ưng Tập, số 42, kinh 42, thầy Tuệ Sỹ dịch.

(Kỉ niệm ngày thọ cụ túc giới tại Đại giới đàn Quảng Đức, Nha Trang, từ 05-07/11/2009, nhằm ngày 19-21/09/Kỷ Sửu)

Thích Quảng Đạo (Hải Hiếu)
 

Nguon: http://chuahaiquang.com.vn/


Âm lịch

Ảnh đẹp