06/07/2019 14:38 (GMT+7)
Số lượt xem: 1960
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


GN - “Không uống rượu, bia, không sử dụng chất gây nghiện…”, là nội dung của một trong năm điều đã được Đức Phật chế định cho những ai muốn trở thành Phật tử, gọi là “cấm giới”.

Nguyên tắc này có cách đây trên 25 thế kỷ, lúc Đức Phật còn tại thế và được xếp vị trí thứ năm, sau không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm và không nói dối.

Theo quan niệm của đạo Phật, người giữ được năm điều đạo đức vừa kể là một người tốt, có phẩm chất của một người Phật tử, góp phần làm tốt đời, đẹp đạo. Do vậy, gọi là cấm giới nhưng cũng chính là nguyên tắc đạo đức bảo hộ cho mỗi người phát tâm gìn giữ. Thực sự, khi đọc những điều cấm (là sự khuyến khích của Đức Phật) sẽ thấy, nếu ai thực hành được không chỉ giúp cho bản thân được an toàn mà còn làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

khongruoubia.jpg
Nói không với rượu bia là nếp sống có lợi cho sức khỏe, trí não

Cách đây vài số báo, PV Giác Ngộ chia sẻ câu chuyện về thầy Thích Hạnh Danh, trụ trì chùa Khánh Tân (xã Sơn Bình, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chọn dấn thân vùng sâu, vùng xa. Việc đầu tiên là thầy mở lớp dạy tiếng Anh cho các học sinh nghèo tại xã Sơn Bình. Bạn đi thực tế ở đây kể, thầy Hạnh Danh du học Myanmar về và nhận định giáo dục là điều kiện thay đổi con người, xã hội. Lớp tiếng Anh thu hút rất nhiều người học, họ được rèn khả năng nghe, nói, đọc, viết, được giao tiếp và nghiêm túc thực hiện những nội quy lớp học, đồng thời tình nguyện thực hiện năm nguyên tắc đạo đức cơ bản của người Phật tử nói trên.

Nhờ giữ giới, trong đó có không rượu bia mà “Làng quê thay đổi nhiều mặt, trong đó có nếp sống của người trẻ, trở nên hiền thiện hơn”. Phóng viên cho biết đó là nhận định của nhiều người dân khi chia sẻ về việc giáo dục kiểu nhà chùa mà vị thầy trẻ này đã làm với bà con nghèo nơi đây.

Về việc giữ năm nguyên tắc đạo đức thì bốn “giới” đầu bao gồm lời nói, hành động đưa tới những niềm đau, nỗi khổ trực tiếp cho người và mình nếu phạm. Còn giới thứ năm - không uống rượu, bia, chất gây nghiện - là thói quen gián tiếp tạo ra các sai phạm hoặc tai nạn khiến mình và người có nguy cơ đánh mất hạnh phúc, bình an. TT.Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM trong một lần chia sẻ với PV Giác Ngộ về tác hại của rượu, bia, việc coi thường nguyên tắc đạo đức thứ năm của nhà Phật trong đời sống đã khẳng định: “Giới thứ năm không phải là tánh tội mà chủ yếu là do thói quen, sống trong môi trường nhậu nhẹt, ma túy nên người ta bị nhiễm. Do đó, không nên vin vào lý luận ‘nghiệp của tôi là uống rượu, dùng ma túy’ mà ngụy biện cho hành vi của mình!”.

Theo TT. Nhật Từ, không phải vô tình mà Đức Phật đặt giới không uống rượu say, không sử dụng các chất gây ra mất bình tĩnh, không kiểm soát được hành vi… ở vị trí thứ năm. Như đã nói, nó là thói quen, không phải là tánh tội, song, nếu phạm giới ấy thì nguy cơ đánh mất bốn giới kia (thuộc về tánh tội) rất dễ dàng. Ví dụ có người đã có sẵn hạt giống sân, tà dâm, tham lam… thì khi có một chút chất gây kích thích - họ sẽ dễ nổi sân, dễ làm hành vi tà dâm, ăn cắp hoặc trộm cướp hơn.

Từng có nhiều năm học tập, nghiên cứu và hiện nay vẫn còn thường xuyên hướng dẫn Phật tử hành hương đất Phật (Ấn Độ), thầy Nhật Từ kể, trong xã hội Ấn Độ, người ta có những đạo luật rất khắt khe trong việc kinh doanh và sử dụng rượu cũng như ma túy. Ví dụ như họ quy định giờ bán rượu, địa điểm uống rượu (không được ở những nơi công cộng)… Đồng thời, quan niệm về giá trị con người được người ta mặc định là không sử dụng các chất gây nghiện và mất tự chủ. Chính quan niệm ấy ăn sâu vào từng người dân Ấn Độ nên người ta tự khắc biết giữ gìn.

“Còn chúng ta, do quan niệm có khác, như ‘nam vô tửu như kỳ vô phong’ (đàn ông mà không có rượu thì như cờ không có gió, xẹp lép) nên người ta sử dụng rượu bia như một cách chứng tỏ bản lĩnh. Thêm vào đó, một số người vì nghĩ rằng từ bàn nhậu có thể bàn chuyện làm ăn, ký những hợp đồng béo bở… nên họ nhậu như một phương tiện để làm ăn và hình thành một thói quen xấu, ảnh hưởng đến đến giá trị bản thân cũng như hạnh phúc gia đình”, TT.Nhật Từ nhận định.

Tất nhiên, không phải người Việt nào cũng sử dụng bàn nhậu để bàn chuyện làm ăn, hay phải kéo nhau ra nhậu mới thành sự. Ví dụ như bạn thân của tôi, Lưu Quỳnh Anh, đang làm ở một phòng giao dịch thuộc Ngân hàng Á châu tại TP.HCM chia sẻ: “Mình ý thức rõ, bia rượu nếu lạm dụng sẽ gây hại rất nhiều cho sức khỏe, bệnh tật phát sinh và làm mình không còn tỉnh táo khi về nhà, khi di chuyển trên đường… nên trong công việc, luôn nói thẳng với khách hàng là không nhậu”. Quỳnh Anh khẳng định, mặc dù vậy, nhưng công việc của bạn vẫn suôn sẻ và có nhiều khách hàng còn thích thú, họ cũng thú nhận là không muốn nhậu nhẹt gì nhưng “nếp” xã giao trong công việc khiến họ không thể từ chối. Quỳnh Anh vẫn thăng tiến trong trách nhiệm và ngày càng được đồng nghiệp quý mến vì sự cương trực, trên cơ sở kết quả công việc chứ không phải hơn thua trên bàn nhậu.

Nói về tác hại của bia rượu, đặc biệt ma túy, có lẽ không ai còn xa lạ khi các nội dung tuyên truyền vẫn được phát trên báo đài, trong trường học, các banner ở thành phố tới nông thôn… và cũng đã được điều chỉnh ở các bộ luật. Có một con số đáng suy ngẫm: Tổ chức Y tế Thế giới khi điều tra khảo sát tại các bệnh viện tại Việt Nam (hơn 20.000 đối tượng), có đến 36% bị tai nạn giao thông có liên quan nồng độ cồn vượt quá quy định vào ngày thường, còn trong dịp lễ, Tết lên tới 60%.

Trong diễn đàn Quốc hội lần này, dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia sau khi được giải thích thêm, đã được thông qua sáng 14-6, sắp có thêm một công cụ điều chỉnh việc sử dụng, buôn bán rượu bia tạo niềm vui trong dư luận. 408 đại biểu tán thành trong số 450 đại biểu tham gia biểu quyết với tỷ lệ tán thành là 84,30%, thể hiện ý chí về việc nói không với bia rượu khi lái xe.

Đến tháng 1-2020, luật này sẽ có hiệu lực, tiếp tục điều chỉnh hành vi của người Việt và cả người nước ngoài ở VN với hy vọng từ đây, mọi người ý thức hơn trong khi nhậu nhẹt. Tôi mừng vì việc này, nhất là khi ở trên đường mình đi làm về - dọc Phạm Văn Đồng (TP.HCM) - quán nhậu dài dài, thi thoảng rợn người khi nghe tiếng xe máy rồ ga và người cầm lái loạng choạng. Cũng không ít lần chứng kiến cảnh người say lủi vào con lươn té nhào ra, bất tỉnh nhân sự vì quá chén sau những lần về trễ.

Làm gì cũng nghĩ tới hậu quả của nó! Đây là câu nói được thịnh hành trong đời sống, mang hơi hướng Phật giáo với nguyên lý nhân-quả của mọi việc làm. Sử dụng các chất có hại cho đầu óc, sức khỏe lại còn gây nghiện như bia, rượu chắc chắn sẽ đưa tới kết quả không tốt. Nếu ai cũng ý thức được bản thân không còn tự chủ khi có men bia rượu và tuyệt đối không lái xe thì luật này không phải là “giới cấm” mà là một nguyên tắc đạo đức khiến mình trở nên tốt đẹp. Theo đó, việc tuân thủ Luật Phòng chống tác hại rượu, bia cũng là sự tự nguyện như cách người Phật tử tự nguyện phát tâm gìn giữ năm giới của Phật chế, nhẹ nhàng vậy thôi!

Hòa Hoằng

https://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2019/07/05/5B74CA/


Âm lịch

Ảnh đẹp