09/07/2018 16:22 (GMT+7)
Số lượt xem: 1799
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


GN - Thức ăn là yếu tố không thể thiếu cho sự tồn tại và sống còn của muôn loài. Thông thường, người ta chia thức ăn làm hai loại: món ăn vật chất và món ăn tinh thần. Cả hai loại thức ăn này đều hết sức quan trọng. 


Thế nhưng, tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng thường chú trọng đến loại thức ăn thứ hai hơn. Trong nhiều kinh, Đức Phật dạy có 4 loại thức ăn giúp các loài sinh vật lớn lên và sống còn. Đó là đoàn thực, xúc thực, ý tư thực và thức thực. 

Giacngo11.jpg
Giác Ngộ - tờ báo của mọi gia đình Phật tử, tiếng nói của lối sống thiện lành

Hiểu một cách đơn giản, đoàn thực là loại thức ăn được đưa vào miệng. Xúc thực là loại thức ăn do tiếp xúc, do xúc chạm trong hình thái tiếp xúc, sinh khởi của căn, cảnh, thức. Ý tư thực là loại thức ăn của suy nghĩ, tư tưởng, ý chí và hy vọng. Thức thực là món ăn của sự hiểu biết, nhận thấy… Mặc dù bốn loại thức ăn trên có mối quan hệ mật thiết với nhau, song ba loại thức ăn sau mang nặng yếu tố tinh thần. 

Món ăn tinh thần cũng là một loại trưởng dưỡng, cần đến quá trình tiếp nhận, tiêu hóa để biến thành dưỡng chất cho tâm, hình thành nhân cách. Tâm bị ngộ độc còn nguy hiểm hơn cả thân bị ngộ độc. Đức Phật từng ví: tâm còn đáng sợ hơn cả rắn độc, thú dữ, giặc thù; lửa dữ bùng cháy lan tràn cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm. Cái họa ngộ độc đó không chỉ một kiếp mà còn đến nhiều kiếp. 

Trong xã hội ngày nay, những món ăn tinh thần được sản xuất, được tiêu thụ có thể tính bằng giây, bằng sát-na, nhiều không xiết kể. Giữa một khối lượng thức ăn ngồn ngộn như thế, lại có thể dễ dàng tiếp nhận theo cách chủ động hoặc bị động, làm sao một người có thể tiêu hóa kịp mà không bị bội thực hay ngộ độc? 

Cũng giống như loại thức ăn được đưa vào miệng, những loại thức ăn nạp vào bởi các giác quan khác cũng được cung cấp từ nhiều nguồn. Có nguồn tự nhiên kiểu organic, nhưng cũng có nguồn bị tẩm ướp nhiều hóa chất, độc tố. Chúng ta dễ dàng nhận thấy một hiện tượng xã hội thường được các cá nhân và báo đài phản ánh khác nhau, tùy theo góc nhìn và mục đích của họ, tạo nên sự nhiễu loạn, lợi ích cũng như tác hại. Đó là một kiểu “kiến trược” - kiến thức ô nhiễm - trong 5 món ô nhiễm - ngũ trược mà Đức Phật đã chỉ ra. 

Để không bị ngộ độc bởi các loại thức ăn tinh thần, chúng ta phải trang bị cho mình những vốn kiến thức và phương pháp nhất định, đặc biệt không tùy tiện cổ xúy, quảng bá những loại thức ăn mà chúng ta chưa rõ lai lịch, lợi ích cũng như tác hại của nó. 

Một trong những phương pháp mà Đức Phật đã dạy đó là “trạch pháp” - chọn lựa một cách ý thức, thông tin hay vấn đề nào đó để tiếp nhận sao cho có lợi ích nhất. Dĩ nhiên để có sự chọn lựa đúng đắn, chúng ta cần phải có trí tuệ của sự nghe hiểu, tư duy và thực nghiệm. “Hãy dùng cái tuệ văn tư tu chứng để tự tăng tiến ích lợi. Có trí tuệ soi chiếu, thì dẫu mắt thịt, cũng vẫn là kẻ thấy rõ nhất!”. Và, hãy tập trung tâm lại: “Tâm ở trong thiền định thì có thể thấu triệt trạng thái chuyển biến của vũ trụ”. 

Người thế gian nói chung ưa thích những món ăn mang yếu tố kích thích, độc, lạ, cho dù loại thức ăn đó tiềm ẩn nhiều nguy hại. Dù vậy, Giác Ngộ - tờ báo dành cho những ai hướng đến sự cởi bỏ, xả ly - vẫn trung thành với việc cung cấp cho độc giả những món ăn thiện, lành, cho dù những món ăn ấy không kích thích tức thì đến “vị giác” của người đọc. 

Quảng Kiến

https://giacngo.vn/thoisu/sukienvande/2018/07/06/7BE4D2/


Âm lịch

Ảnh đẹp