22/12/2011 18:36 (GMT+7)
Số lượt xem: 63781
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giới trẻ ở Hà Nội đang có xu hướng lên chùa tu thiền với mong muốn cho tâm tĩnh lặng và thảnh thơi.


Thiền cho tâm an ổn, thanh tịnh

Những người chưa biết đến đạo Phật đều nghĩ “chỉ có thất tình, chán công việc mới đi tu”, đi tu là phải vào chùa xuống tóc, phải hạn chế nhiều điều so với cuộc sống đời thường.

Phần đông trong các phật tử tu thiền là giới trẻ.

Đó là một quan niệm không chính xác, chưa hiểu hết về Phật. Theo đạo Phật thì tu chính là dần sửa mình, là tu thân tích đức, tu tâm dưỡng tính, chỉ làm cho mỗi người tốt lên chứ không gây thiệt thòi gì.

Bạn Trần Minh Trang (Ngân hàng Á Châu) cho hay: “Làm trong ngành tài chính với nhiều áp lực nên lúc nào cũng mệt mỏi và căng thẳng nhưng từ ngày tu thiền mình cảm thấy thảnh thơi, giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực. Đặc biệt, tu thiền đã giúp mình hạn chế được sự nóng giận, tham lam ích kỷ và nhất là dẹp được si mê”.

Ở Hà Nội hiện có gần 10 địa chỉ tu thiền được sinh hoạt dưới hình thức câu lạc bộ Phật tử rồi mở rộng như Đoàn Thanh niên Phật tử (TNPT) chùa Quán Sứ, Đoàn TNPT Về Nguồn chùa Đình Quán, Đoàn TNPT chùa Lý Triều Quốc Sư, Đoàn TNPT Trần Thái Tông Thiền viện Sùng Phúc...

“Sau một thời gian dài sinh hoạt ở chùa Đình Quán, tôi đã tự tin lên rất nhiều. Không sợ đối mặt với những điều không hay sẽ xảy đến với mình. Nhờ tu thiền mà tôi tìm thấy sự yên tĩnh trong tâm hồn, không còn cáu gắt, nổi nóng và lo nghĩ như trước nữa” - chị Hoàng Phương Thảo (Từ Liêm - Hà Nội) tâm sự.

Theo chị Thảo, đến chùa ngoài việc được nghe các Sư Thầy hướng dẫn tu thiền, còn được nghe giảng về Phật pháp, được giải đáp những khúc mắc trong cuộc sống và trao đổi kiến thức để thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, đồng thời tạo sợi dây kết nối chặt chẽ trong cộng đồng Phật tử nói chung, tình đạo hữu nói riêng.

Từ tu thiền đến sự giác ngộ

Nhịp sống hiện đại ngày càng gấp gáp khiến con người nhiều lúc cảm thấy “hụt hơi”. Sau một đợt bận rộn, chật vật để mưu sinh, nhiều người trẻ bắt đầu cảm thấy dường như cơ thể không còn biết “nghe lời”.

Phật tử trẻ được hướng dẫn chu đáo cách tu thiền.

Đại đức Thích Thiện Tài (Quản chúng tại Thiền viện Sùng Phúc) chia sẻ: “Khi con người có dấu hiệu của sự không làm chủ được suy nghĩ, bản thân mà cứ mải mê lao theo những mục đích không nằm trong những nhu cầu căn bản nhất như: ăn, ngủ, mặc, ở... rồi đau khổ vì chính những điều phù phiếm đó, ấy là khi ta cần tìm đến tu thiền”.

“Tu thiền là một phương pháp tu luyện bản thân theo tinh thần Phật giáo, để cái tâm không tán loạn, không còn tham, sân, si... Đặc biệt là tu thiền còn để tâm bình, khí hòa, biết chắt lọc những điều hay dở” - Đại đức Thiện Tài khẳng định.

Trong xã hội ngày càng nhiễu loạn giữa các luồng thông tin, tu thiền theo Phật giáo cũng đang là cách mà nhiều phụ huynh đang hướng cho con cái họ để tiếp nhận được sự an lạc.

Người biết tu thiền sẽ biết nhìn nhận một cách thấu đáo về bản thân mình, không xét nét lỗi lầm của người khác mà chỉ tập trung hoàn thiện bản thân nhằm đạt được cái đích cuối cùng. Đó là trí thông minh tuệ giác và cái tâm thanh tịnh, an bình.

“Từ khi tu thiền, mình đã có chánh niệm, có định và tuệ. Chánh niệm thì mình không còn dựa vào ai, không chấp vào ai, vào bất cứ cái gì nữa thì sẽ có định rồi có tuệ. Vì vậy, lúc nào mình cũng thấy thoải mái thì sẽ tự tin và an ổn hơn” - chị Nguyễn Thị Hòa (Đoàn TNPT chùa Đình Quán) nhấn mạnh.

Bùi Hiền

theo Bee.net.vn


Âm lịch

Ảnh đẹp