07/12/2011 20:53 (GMT+7)
Số lượt xem: 131498
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giác Ngộ - Minh chứng cho điều đó chính là những khóa tu niệm Phật dành cho người trẻ ở chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn, TP.HCM) do TT.Thích Chân Tính, trụ trì chùa làm Trưởng ban Tổ chức khóa nào cũng hơn 3.000 người tham dự. Trao đổi với PV Giác Ngộ về vấn đề này ngay trong những ngày trước lễ vía Đức Phật A Di Đà, TT.Thích Chân Tính cho biết:


Trước đây chùa Hoằng Pháp có tổ chức khóa tu Phật thất (niệm Phật trong 7 ngày, dành cho tất cả các đối tượng). Sau đó chuyển sang khóa tu niệm Phật một ngày/tháng. Thấy giới trẻ đến tham dự khá đông nên chúng tôi mới nghĩ tới việc tổ chức khóa tu mùa hè, mỗi năm một lần (bắt đầu từ năm 2005) và rồi khóa tu ấy cũng không đáp ứng hết nhu cầu tu học của các bạn trẻ. Từ đó Ban Tổ chức mới tiếp tục mở ra một ngày tu dành cho sinh viên với chủ đề “Sinh viên hướng về Phật pháp”, hai tháng một lần vào ngày Chủ nhật.

DSC00484.JPG

TT.Thích Chân Tính - Ảnh: Huệ Hòa

Đặc thù của khóa tu dành cho người trẻ là gì, thưa Thượng tọa?

- TT. Thích Chân Tính: Khóa tu mùa hè mỗi năm tổ chức một lần, số lượng từ 3.000 người trở lên, có khóa lên đến hơn 6.000 em, nên Ban Tổ chức phải hạn chế số lượng về độ tuổi cũng như cách thức đăng ký vì cơ sở vật chất không đáp ứng đủ. Nội dung tu học chủ yếu là về đạo hiếu - gốc rễ của con người bên cạnh những chủ đề liên quan đến nhân quả, xoay quanh các vấn đề xã hội như game online, bạo lực, sống thử… Nói chung là những đề tài gần gũi với đời sống người trẻ, đáp ứng với thực tế của các bạn trẻ.

Đặc biệt, trong khóa tu chúng tôi tổ chức cho các em tụng những thời kinh Vu lan, kinh Báo ân cha mẹ… Qua đó, nhiều em đã nhận diện được công ơn cha mẹ và có những chuyển biến tích cực. Ngoài ra, xen vào giữa khóa tu còn có các chương trình vui chơi, giải trí lồng ghép với việc tu tập niệm Phật…

Cũng phải nhấn mạnh rằng, truyền thông mục đích niệm Phật cho người trẻ không giống như cho người già, lớn tuổi (là để vãng sanh) mà là để giúp các em có sự định tĩnh ngay hiện tại. Do đó, các em niệm Phật có sự kết hợp với quán niệm hơi thở để luyện tập sự bình tĩnh khi giải quyết vấn đề, đối mặt với khó khăn, thất bại… Khuyến khích họ niệm Phật theo phương thức ấy là phương thuốc để chữa trị những “căn bệnh tâm lý” từ thực tế như buồn chán, nóng giận…

Lợi ích của việc tổ chức một khóa tu chuyên biệt dành cho người trẻ là gì?

- Với việc thiết kế một chương trình tu học phù hợp để đối tượng người trẻ có thể tiếp xúc với pháp môn Niệm Phật là đã bắt đầu gieo nhân lành với Phật pháp cho các em. Thành công của khóa tu là nhờ vào những bài giảng của quý thầy về tình mẹ, tình cha, về chữ hiếu như đĩa Tình người của thầy Viên Trí, Bến yêu thương của thầy Trí Chơn, Bóng mây của thầy Thiện Thuận… Cái có sức hút của khóa tu là ở đó.

Đồng thời, trong khóa tu mình trực tiếp hoặc gián tiếp giải quyết cho các em những khúc mắc trong đời sống thực tế như đã trình bày ở trên, tạo sự hấp dẫn riêng, các em từ đó mang về một túi kiến thức tổng hợp, có thể ứng dụng ngay vào đời sống của mình.

Theo Thượng tọa, điều gì đã làm cho họ chọn Hoằng Pháp là “chốn về” tâm linh như vậy?

- Sức hút ấy đến từ nội dung khóa tu mùa hè. Thông qua khóa tu, các em có thêm nhiều kiến thức thực tế. Phương pháp tổ chức của Hoằng Pháp khá nề nếp, khoa học, nghiêm túc. Đồng thời, khóa tu này chúng tôi tổ chức hoàn toàn miễn phí, cuối khóa tu Ban Tổ chức luôn có những món quà Phật pháp, từ đó các em cũng lại lấy đó làm quà để động viên các bạn bè mình đến tham gia.

Quy trình của nó là: các bạn trẻ tham gia khóa tu, cảm thấy có lợi trong việc chuyển hóa thân tâm rồi các bạn giới thiệu cho nhiều bạn bè mình tham gia nhiều hơn.

Về thành công này, phải kể tới vai trò của quý thầy trong Ban Tổ chức, đặc biệt là khả năng lắng nghe giới trẻ, hiểu tâm lý người trẻ rồi hòa đồng với họ, cùng tu chung, cùng hát, cùng sinh hoạt với các em. Mình làm như vậy bằng tấm lòng với trái tim mong muốn các em hiểu Phật pháp, biết tu học, nghĩ được rằng trong số các em tương lai sẽ trở thành nhân tài của đất nước, mà những nhân tài nếu được hun đúc trong môi trường Phật pháp, thấm nhuần giáo lý đạo Phật thì họ sẽ giúp ích nhiều cho cuộc đời, cho đạo pháp.

Nghĩ vậy nên chúng tôi làm hết mình, có lẽ từ đó các em cảm được, trân trọng và “tiếng lành” cứ vậy được “đồn xa”…

 Thượng tọa có thể chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tế của Hoằng Pháp để các đạo tràng khác vận dụng hầu làm cho giới trẻ đi chùa, niệm Phật, học Phật nhiều hơn?

- Đặc biệt của khóa tu mùa hè là trong quá trình tổ chức suốt 7 ngày, chúng tôi đóng cửa chùa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tổ chức theo nhóm, mỗi thầy quản lý từng nhóm, nghiêm khắc trong suốt 7 ngày không điện thoại, theo kỷ luật “thép”. Lúc đầu các em có cảm thấy khó chịu nhưng càng về cuối thì sẽ cảm được lợi ích rất thiết thực từ cách tổ chức của chùa.

 Đối tượng của khóa tu là không đồng nhất và không có quy củ như tổ chức GĐPT, vậy sau khóa tu thầy có đánh giá như thế nào về việc chuyển biến từ các em?

- Kết quả mà khóa tu đạt được chính là những cảm tưởng được Ban Tổ chức lưu lại từ chính các em. Ở đây chúng tôi có tập hợp và in sách, những bài viết giản dị và chan chứa cảm xúc chân thật của các em chính là bằng chứng đánh giá về những đổi thay trong tâm thức các em.

DSC00499.JPG

TT.Thích Chân Tính trong buổi trả lời phỏng vấn Giác Ngộ - Ảnh: Huệ Hòa

 Hoằng pháp cho giới trẻ là một trong những nhiệm vụ được Giáo hội xem trọng. Thượng tọa có chia sẻ, đề xuất gì với Giáo hội trong công tác này từ những kết quả mà chùa Hoằng Pháp đã đạt được?

- Đạo Phật VN có tổ chức GĐPT giúp cho thanh thiếu nhi Phật tử có nơi sinh hoạt, rèn luyện đạo đức, sống theo giáo lý nhà Phật, điều đó là rất tốt. Tuy nhiên, theo thời gian thì tổ chức này có vẻ hơi cứng nhắc, chưa thực sự đáp ứng được nhiều mặt của giới trẻ hôm nay. Giáo hội cũng nên quan tâm và đưa ra một mô hình sinh hoạt phù hợp hơn cho GĐPT trong thời hiện đại.

Khuyến khích tổ chức các khóa tu dành cho người trẻ, đề cập những vấn đề liên quan đến cuộc sống thực tế của các em và lồng Phật pháp vào, để các em dễ “thấm” hơn!

Đồng thời, quý thầy, quý sư cô cũng nên dấn thân vào công tác hoằng pháp cho giới trẻ, đừng ngại những khó khăn, phải rèn luyện khả năng tổ chức, phát tâm “hoằng pháp lợi sinh”, vì thế hệ trẻ - tương lai của Phật pháp. Tôi nghĩ, nếu mình có tấm lòng, có tâm làm thì không có gì khó khăn cả, chắc chắn sẽ thành công.

Bên cạnh đó, các chùa với các câu lạc bộ Phật tử trẻ nên gắn bó với Giáo hội thì việc sinh hoạt sẽ tốt hơn. Hoằng pháp phải phù hợp với thời đại, uyển chuyển chứ đừng giữ mãi một phương thức cũ quá sẽ làm cho màu sắc của đạo trở nên già cỗi, thiếu sức sống.

Giả sử, ngay bây giờ có một nhóm bạn trẻ nói với thầy rằng: “Niệm Phật chỉ dành cho… người già” thì thầy sẽ nói gì với họ? Và làm thế nào để thuyết phục họ đi chùa niệm Phật, thưa thầy?

- Trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy niệm Phật là nguồn sinh ra công đức, phước báo rất lớn. Hoặc như bài kệ trong kinh Pháp Cú: “Chớ làm các điều ác/Hãy làm các điều lành/Giữ tâm ý trong sạch/ Đó là lời Phật dạy”. Bài kệ này được xem là cốt lõi của người tu học Phật pháp. Các bạn trẻ hay người già muốn bình an, hạnh phúc thì phải làm cho tâm ý trong sạch. Giữ tâm ý trong sạch có cách nào bằng niệm Phật? Và thử hỏi, ai không muốn bình an, hạnh phúc? Nói chừng đó, nếu các bạn thật sự đủ duyên thì tự khắc sẽ niệm Phật thôi!

 Được biết, chùa Hoằng Pháp có kết hợp với chùa Bằng (Hà Nội) để giao lưu và tổ chức khóa tu mùa hè cho Phật tử trẻ phía Bắc. Sự đón nhận, cũng như phương pháp tổ chức như ở Hoằng Pháp có phù hợp với Phật tử phía Bắc?

- Rất tốt. Bước đầu thành công. Trong tương lai, Thượng tọa trụ trì chùa Bằng sẽ tiếp tục mở rộng. Nói chung, sau khóa tu, các bậc phụ huynh rất hoan hỷ. Do vậy, sang năm chùa Hoằng Pháp sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức. Không chỉ vậy, chùa Hoằng Pháp cũng hoan hỷ, sẵn lòng phối hợp với các chùa có nhu cầu tổ chức các khóa tu mùa hè, khóa tu niệm Phật cho các đối tượng.

 Cảm ơn Thượng tọa về buổi chia sẻ này!

Lưu Đình Long thực hiện

Lời trái tim muốn nói Mặt trời của con (ảnh) là hai cuốn sách do chính các em tham gia khóa tu mùa hè viết những cảm nghĩ về cha mẹ, về những chuyển biến trong các em sau khi tham dự khóa tu. Những lời lẽ chân phương, mộc mạc và rất xúc động của các em đã là động lực để các thầy tiếp tục mở những khóa tu học dành cho giới trẻ - những thế hệ tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp sau này!

DSC00508.JPG

http://giacngo.com.vn/thoisu/2011/12/07/7A624B/


Âm lịch

Ảnh đẹp