09/12/2011 18:35 (GMT+7)
Số lượt xem: 184403
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Vụ án nói đến ở đây là trọng án giết người cướp của (1) do Lê Văn Luyện (LVL) gây ra vào rạng sáng ngày 24 tháng 8 tại tiệm vàng Ngọc Bích ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, gây thương tích trầm trọng cho người con đầu 9 tuổi và đã cướp đi sinh mạng của người cha, người mẹ cùng đứa con út 18 tháng tuổi.


Mấy ngày qua, vụ án đã làm chấn động lương tâm của nhiều người thuộc mọi thành phần trong xã hội. Vì tính chất nghiêm trọng của vụ án, cả ngành công an đã phối hợp với lực lượng biên phòng để khẩn trương tìm cách phá án và chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy một tuần, chánh phạm và một số tòng phạm đã bị truy bắt vào cuối tháng 8 năm 2011. Theo luật nhân quả khách quan không trừ một ai, người gieo gió sẽ gặt bão, kẻ làm ác phải đền tội , phải nhận lãnh sự trừng phạt nghiêm khắc và thích đáng của pháp luật. Vụ án này sớm hay muộn rồi cũng kết thúc, những xúc động ban đầu sẽ lắng xuống, nhưng vẫn còn đó bao điều trăn trở.

le-van-luyen-2.jpg

Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Vì sợ quả nên khi quả phát sinh rồi chúng ta mới tìm mọi cách để khắc phục. Nhưng dù cố gắng đến đâu người ta cũng khó mà giải quyết cho xong tất cả tai hại của một kết quả xấu. Làm sao tìm lại sự sống cho ba nạn nhân vô tội ? Sau tai họa cực kỳ kinh khủng, với một cánh tay bị chém đứt lìa được nối lại, em Trịnh Ngọc Bích 9 tuổi hoảng loạn và côi cút sẽ sống và học tập như thế nào đây khi cha mẹ thân yêu và người em duy nhất là Trịnh Phương Thảo không còn có mặt trên đời ? Cho dù chưa tròn 18 tuổi thì có thể không bị kết án tử hình, nhưng sau khi ra tù để sống và làm việc trong những ngày tháng còn lại, tâm trí kẻ sát nhân có bị ám ảnh bởi cái chết thảm khốc do mình gây ra cho ba sinh linh vô tội và không thù oán ?

Có một câu hỏi lớn được đặt ra cho tất cả chúng ta: Tại sao một “chàng trai hiền lành, không nghiện ngập”, học lực “không được tốt lắm nhưng không phải là học trò hư” (2 ) lại có thể phạm tội ác một cách khủng khiếp như thế ? Giải đáp câu hỏi này tức là chúng ta đã biết “sợ nhân” để tìm cách ngăn chặn tội ác từ gốc rễ, với mong ước thiết tha là bi kịch ở tiệm vàng Ngọc Bích không tái diễn một lần nữa.

Một vài ngày sau khi vụ án xảy ra, qua máy truyền hình, khán thính giả được nghe một người có ý thức trách nhiệm thẳng thắn nói ra nguyên nhân kinh tế của vụ thảm sát. Đó là sự chênh lệch của thu nhập. Chúng ta biết học hết lớp 9, LVL “ở nhà phụ bố mẹ bán thịt heo”, sau đó “lên Hà Nội đi phụ hồ”. (3) Ở quê nhà học tập nghề bán thịt, chắc hẳn chàng trai ở tuổi mới lớn đã không nhìn thấy tương lai. Ở chốn phồn hoa đô hội, bán sức lao động để nhận tiền công rẻ mạt của một công nhân xây dựng đang ở giai đoạn học việc, chắc chắn anh học sinh “hiền lành” vừa hoàn tất chương trình trung học cơ sở càng thấy tương lai mờ mịt hơn nữa. Không riêng  LVL mà đối với hàng vạn công nhân ở các khu chế xuất có thu nhập khoảng vài triệu đồng một tháng, trong cơn bão giá hiện nay, làm việc cật lực để duy trì sự sống kham khổ mỗi ngày đã khó, làm sao có thừa tiền để mua sắm một vài thứ vật dụng có giá trị hoặc dành dụm được một ít chỉ vàng để  lo liệu cho tương lai ? Trong khi đó, có không ít thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học, may mắn kiếm được việc làm ở các công ty nước ngoài hoặc có cơ sở kinh doanh để làm ăn riêng, đã có được thu nhập khá cao để tổ chức cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Đó là chưa kể những công tử ngày nay, hạnh kiểm và học lực cũng chẳng hơn ai nhưng nhờ thế lực của gia đình hoặc sản nghiệp của cha mẹ nên làm chơi mà ăn thiệt, dễ dàng có thu nhập “khủng” để sống giàu sang, tiêu xài phung phí.

Chúng ta có thể đề cập ở đây nguyên nhân giáo dục của vụ thảm sát. Thời quân chủ, nhiều thanh niên nam nữ không có điều kiện cắp sách đến trường để học đạo lý thánh hiền. Nhưng những câu tục ngữ như “Trọng nghĩa khinh tài”,“Đói cho sạch rách cho thơm”, “Tốt danh hơn lành áo”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”, những lời gia huấn như “Thương người như thể thương thân”,“Ở cho có đức có nhân/Mới mong đời trị được ăn lộc trời” đã được truyền khẩu từ đời này đến đời kia, qua lời dạy của cha hay lời ru của mẹ để thấm vào máu thịt của mỗi người con. Phải chăng khói lửa chiến tranh trong mấy chục năm qua đã đốt cháy những bài học đạo đức có giá trị truyền thống của dân tộc để thay thế vào đó những lời dạy về lòng căm thù giặc, về sự kiên cường và mưu trí trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng với nhiều loại kẻ thù ? Những bài học nhuốm khói lửa chiến tranh này đã phát huy được hiệu quả để góp phần đưa hai cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Nhưng đáng tiếc là đất nước đã có hòa bình từ lâu mà giáo dục nước nhà vẫn còn thiếu vắng những bài học sinh động về tình thương, về lòng khoan dung, về nhân cách và đạo làm người. Ra đời sau chín năm ngồi trên ghế nhà trường, để xây dựng cuộc sống có ý nghĩa, có hạnh phúc trong thời bình, LVL đã được trang bị kiến thức gì ngoài bài học “Hạnh phúc là đấu tranh”? (4) Ở nhà bán thịt heo hay lên Hà Nội học nghề thợ hồ để tiếp cận kinh tế thị trường, công nhân vị thành niên LVL lãnh hội được bài học khôn nào ngoài sự lên ngôi của đồng tiền có sức mạnh vạn năng đã được thể hiện qua bài ca dao mới :“Tiền là Tiên là Phật/Là sức bật của tuổi trẻ …”? (5)

Ở trang 4 và 5 báo Tuổi trẻ số ra ngày 1 tháng 9, có hai bản tin, hai tấm hình được sắp xếp đối xứng một cách ngẫu nhiên mà có ý nghĩa. Ở trang bên này in bài viết Hành trình bắt nghi can Lê Văn Luyện với hình ảnh đương sự đầu bù tóc rối ngồi viết lời khai trước sự giám sát của một anh bộ đội biên phòng. Ở trang bên kia đưa tin “Ăn nhậu trên phà, một cô gái chết đuối” với bức chân dung xinh đẹp trong ngày cưới của nạn nhân Đinh Thị Kim Phượng. Ở đầu trang báo có câu văn in bằng chữ đậm nét tóm tắt nội dung bài viết: Ngày 31 tháng 8, ông viện trưởng và ông viện phó Viện kiểm sát nhân dân một huyện ở đồng bằng Nam Bộ đã có bản tường trình gởi Ủy ban kiển tra Huyện ủy về việc liên quan đến một cô gái chết đuối khi đi ăn nhậu cùng hai vị này.(6)  Xen vào giữa văn bản là một đoạn ngắn với tiêu đề: “Có dấu hiệu vi phạm đạo đức”. Từ hai bài báo, chúng ta có thể suy ra nguyên nhân hành vi phạm pháp mà nhiều công dân trẻ đã thực hiện trong những năm gần đây. Đó là lối sống không lành mạnh của một số người lớn có địa vị cao. Đó là bạn trẻ ngày nay không tìm thấy những tấm gương sáng về đạo đức để học tập ở một số người lớn thiếu gương mẫu trong cuộc sống mà được nắm giữ những chức vụ quan trọng trong xã hội. Trên nước Việt thân yêu của chúng ta hôm nay, ngoài LVL, còn bao nhiêu thanh thiếu niên có học hoặc thất học đã và đang chịu sự mất mát to lớn không có gì có thể bù đắp được, đó là mất niềm tin ở người lớn, ở ngày mai, ở xã hội và cuộc đời ?

Trước đây, trong lớp học, tìm hiểu nguyên nhân bi kịch làm người của Chí Phèo, giáo chức chúng ta thường trút tất cả trách nhiệm cho chế độ thực dân nửa phong kiến. Thầy trò chúng ta đã “chạy án” để  “anh” Chí được vô tội bằng  lập luận “con quỷ dữ” của làng Vũ Đại đã bị những thế lực xấu xa và gian ác của chế độ phong kiến tước đoạt quyền làm người!? Dù xã hội cũng có phần trách nhiệm trong bi kịch ở tiệm vàng Ngọc Bích, nhưng chúng ta ngày nay không theo khuôn sáo cũ để chạy tội cho LVL bằng cách lập luận phiến diện, thiếu chính xác và không được khách quan như thế. Thấm nhuần giáo pháp của Đức Thế Tôn, Phật tử chúng ta biết rằng mỗi người là chủ nhân, là kẻ thừa tự cái nghiệp mà mình đã tạo tác bởi thân, khẩu và ý. Không oán trời, không trách người, không đổ lỗi cho xã hội, mỗi người phải nhận lãnh hậu quả của hành động mà mình đã thực hiện một cách có ý thức. Có phải vì nhận thức như vậy mà nhà văn Nam Cao đã để cho đứa con tinh thần là Chí Phèo tự sát để tự giải nghiệp cho mình ? Khi bị bắt, bị can LVL đã nói với sĩ quan đồn trưởng đồn biên phòng Na Hình: “Hãy bắn chết cháu đi !”(7) Nếu được nói ra một cách thành thật, lời đề nghị này cho thấy nhân tính đã sống lại ở nơi con người đã hóa thành ác thú trong một thời gian ngắn.Trong giây phút ăn năn hối cải ấy, kẻ tạo nghiệp ác cũng nhận thấy bản án tử dành cho mình là đúng người, đúng tội. Thế nhưng, kết án tử hình LVL này thì chúng ta có ngăn ngừa được sự tái sinh của những LVL khác?

 

Ở các đoạn trên, nêu nguyên nhân của tội ác có nghĩa là chúng ta đã gián tiếp tìm cách ngăn ngừa tội ác. Giới hạn của bài báo không cho phép người viết kể thêm nhiều nguyên nhân khác. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu Phật tử chúng ta không biết áp dụng lời dạy của Đức Như Lai để tìm cách giải quyết tận gốc rễ vấn đề, để cái ác, cái xấu nếu không khuất bóng thì cũng không còn nhiều đất sống để tác oai tác quái. Dành quyền luận tội và kết án phạm nhân LVL cho các vị quan tòa và luật sư, chúng ta hãy trở lại với chính mình để nhận diện và xét xử kẻ nội thù có tên là ngã đang được nhiều người nuôi dưỡng và bao che. Vọng tưởng về một cái ta bất biến có thể tồn tại biệt lập với thiên nhiên và đồng loại chính là cỗi nguồn của mọi phiền não và khổ đau của chúng sinh. Vì chấp ngã mà chúng ta đã sống vị kỷ, chỉ biết có mình và gia đình mình, từ đó thường có thái độ dửng dưng, vô cảm trước khổ đau của đồng bào, và lắm khi đối xử thô bạo, tàn ác với cỏ cây, cầm thú và con người. Tuyên thuyết giáo lý vô ngã, Đức Thế Tôn đã khai tử cái ngã không có thật ấy để thay thế vào đó một cái ngã không có tự tính, một cái ta thay đổi từng sát na và chỉ có thể tồn tại trong mối quan hệ mật thiết với muôn ngàn cái ta khác, theo quy luật cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Ý thức vô ngã hủy diệt tính vị kỷ và làm phát sinh lòng vị tha, đó là nền tảng để xây dựng thế giới hòa bình,  đem lại cho chúng sinh cuộc sống an lạc. Hơn hai ngàn năm trước, có nhận thức sâu sắc về cái ngã duyên khởi và cộng sinh ấy, một hiền nhân Trung Hoa đã trao truyền cho hậu thế bài học triết lý có hình thức ngắn gọn mà nội dung rất sâu rộng :

“ Thiên địa dữ ngã tịnh sinh , vạn vật dữ ngã vi nhất.” (8)

TP.HCM, 6.8.11

Chú thích

(1)Toà án phân biệt hai tội cướp của giết người và giết người cướp của. Tội thứ nhất nhẹ hơn tội thứ hai, vì động cơ của tội thứ nhất là cướp của, còn động cơ của tội thứ hai là giết người. Đọc lời khai của LVL, chúng ta có thể gọi tên tội mà y đã phạm là giết người cướp của.

(2), (3) Tuổi trẻ, số ra ngày 31 tháng 8 năm 2011, tr. 5.

(4) Sau năm 1975, qua hơn  30 năm dạy bút pháp và hành văn ở nhiều trường đại học, mỗi lần yêu cầu sinh viên nghị luận chủ đề “Hạnh phúc là đấu tranh”, chúng tôi chưa thấy có bạn trẻ nào nêu được phản đề : Có nhiều khi hạnh phúc còn được tạo thành bởi yêu thương và nhường nhịn.

(5) Tiền là Tiên là Phật / Là sức bật của tuổi trẻ / Là sức khỏe của tuổi già / Là cái đà danh vọng / Là cái lọng che thân / Là cán cân công lý / Tiền là hết ý !

(6) Vì tai nạn đang được điều tra nên chúng tôi lược bỏ tên người và tên đất.

(7) Tuổi trẻ, số ra ngày 1 tháng 9, tr. 4.

(8) Trời đất với ta cùng sinh, vạn vật với ta là một .  (Trang Tử)


Hà Thúc Hoan

http://chuyenluan.net/index.php?option=com_content&view=article&id=5852:suy-nghi-ve-mot-vua-an&catid=16:tongiao&Itemid=19


Âm lịch

Ảnh đẹp