Chiến
tranh qua đã lâu nhưng dường như tâm thức bạo hành vẫn còn đọng lại
trong cách ứng xử. Buồn thay thế hệ trẻ hoàn toàn trưởng thành trong hòa
bình mà đối xử với nhau lại có thái độ hiếu chiến, hung bạo còn hơn đối
với kẻ thù. Đã có quá nhiều lời kêu gọi giới trẻ, đặc biệt là lớp tuổi
vị thành niên, hãy chấm dứt thói côn đồ, hãy biết kềm chế để đừng sử
dụng bạo lực khi có va chạm hoặc kể cả khi gặp phải những xung đột ở tầm
mức quan trọng. Vì lẽ xã hội đã thảng thốt trước những vụ án mạng xảy
ra chỉ vì một cái nhìn bị quy kết là “nhìn đểu”, một lời ám chỉ vu vơ,
hoặc đơn giản hơn, chỉ vì có lời từ chối khi được người khác mời rượu.
Đã có người ngậm ngùi than sao mà mạng người bây giờ cứ như cỏ rác!
Phải
chăng đó là tình trạng vô thức cộng đồng; dẫn xuất từ thực tế lúc mới
chào đời, lớp tuổi vị thành niên ngày nay đã bị un đúc bởi những “gien”
vẫn còn chịu đựng sự ngột ngạt của bầu không khí thời chiến tranh và
thời bao cấp phải giành lấy sự sống và phải xếp hàng chen chúc? Ấy là
khi đất nước còn bom rơi đạn lạc, sống và chết chỉ cách nhau gang tấc;
nhưng nay đất nước đã an bình, sự sống không còn bị đột ngột tước đoạt.
Ấy là khi vật chất còn thiếu thốn; nhưng bây giờ vật chất, dù chắc chắn
là chưa đủ để thỏa mãn cho tất cả mọi người, nhưng cũng không đến nỗi
phải đói khát như cách đây vài chục năm. Phải chăng đó là tâm thức cộng
đồng đã hình thành những thói ăn nết ở đặc chất “giang hồ”, chỉ biết sao
cho thỏa mãn nhu cầu bản năng, vẫn tiếp tục tác động lên nếp nghĩ, nếp
sống của người trẻ? Đến nỗi ngôn ngữ cũng đầy bạo lực; nào là “máu lắm”,
“thịt nó đi”, “xắt nó ra”; rồi thì “phở quát”, “cháo mắng”; rồi đầu chó
ném vào sân vận động, mắm tôm tạt vào mặt cổ động viên đội bạn…
Phẩm hạnh đã bị xói mòn
Dường
như chưa ai nghiên cứu và thống kê xem những đức tính nào của người
Việt vẫn tồn tại đến hôm nay và niềm tin của con người đã bị xói mòn đến
mức độ nào. Liệu lớp trẻ còn có thể tin vào “thiên lương” của con
người, vào phẩm hạnh cộng đồng…khi ngay cả thế hệ cha anh vẫn tiếp tục
đóng các vai trò chính trong những vụ việc “xin điểm”, “mua bằng”, “gạ
tình cho điểm”,… đang nhan nhản trên mặt báo. Thực ra, không thể trách
thế hệ cha anh; vì phải khẳng định rằng những hiện tượng xấu vẫn chỉ là
“con sâu làm rầu nồi canh”; có điều chính những phương thức điều hành
không khoa học và thiếu minh bạch trong việc quản lý xã hội ở cấp địa
phương đã khiến “sâu” xuất hiện ngày càng nhiều. Trong một chừng mức nào
đó, có thể thấy thành phần có nhận thức tốt thuộc thế hệ cha anh của
lớp trẻ ngày nay thường bị đẩy ra khỏi guồng máy điều hành xã hội và
đành bất lực nhìn sự xuống cấp đạo đức của vài thế hệ.
Quả
thật, đã có những thiếu sót mang tính hệ thống trong việc phân công
phân nhiệm cán bộ dẫn đến tình trạng ngồi nhầm chỗ, đóng nhầm vai, làm
nhầm việc…để rồi tình trạng tham những trở thành không kiểm soát được,
khiến những biện pháp chắp vá tùy tiện được áp dụng rộng rãi, tạo điều
kiện cho những luồng nhận thức xấu ác được lan tỏa trở thành chủ đạo
trong đời sống…Bước vào nền kinh tế thị trường, sự hình thành các “nhóm
lợi ích” có sự hỗ trợ của hệ thống độc quyền đã làm méo mó những quyết
sách kinh tế, đáng lẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng thì chỉ tạo điều
kiện tăng trưởng quyền lực của các nhóm lợi ích đó; quyền lực ấy tiếp
tục tác động vào xã hội bằng việc đẩy mạnh chủ nghĩa tiêu thụ càng khiến
lớp trẻ háo hức tìm cách thỏa mãn mọi nhu cầu bản năng trong khi chưa
được chuẩn bị về nhận thức. Không riêng với giới trẻ, niềm tin đã bị xói
mòn ngay cả nơi thế hệ cha anh, hoặc bất lực buông xuôi, hoặc cũng chấp
nhận tha hóa để tìm cách nhảy vào guồng máy bằng mọi giá, mọi phương
thức; kể cả những phương thức đối lập với đạo đức. Trong cái vòng xoáy
“vong thân” đó, cùng với niềm tin, phẩm hạnh cộng đồng lần lượt bị xói
mòn. Niềm tin và phẩm hạnh chỉ còn là những món hàng xa xỉ!
Sự
xuống cấp của đạo đức xã hội nói chung đã được mọi người nhận ra. Cái
ác hôm nay mang nhiều khuôn mặt không ngờ: có thể là trẻ thơ vùi dập bạn
bè chỉ vì một lời nói, có thể là anh nông dân hiền lành năm xưa trong
cơn ghen hay cơn say giết vợ con mình, có thể là cậu sinh viên vì không
được yêu mà giết bạn mình, là anh giết em, là vợ đốt chồng, là con giết
cha rồi giấu xác…Ngày xưa, cám cảnh xã hội nhiễu nhương thời Pháp thuộc,
cụ Tú Xương cũng mới chỉ thấy rằng:
“Nhà
kia lỗi đạo con khinh bố, Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng…” ông không
thể hình dung ngày nay người ta không còn khinh hay chửi nhau nữa mà
người ta vĩnh viễn “loại” nhau ra khỏi cuộc đời.
Ngày
nay, người ta vị nể nhau, ca tụng nhau chỉ vì “con” xe xịn, chiếc điện
thoại di động đời mới thuộc loại “hàng độc”, cái áo lót (!) là “hàng
hiệu”…Có nơi nào nghèo như xứ ta nhưng công dân vẫn thủ đắc hàng chục
chiếc xe Rolls Royce mà ngay hàng tỷ phú thế giới như Bill Gates hay
Warren Buffet còn chưa sắm?
Chúng
ta vẫn tin vào phẩm giá chung của cộng đồng vì luôn nghĩ rằng trong tận
đáy tâm hồn mỗi người “thiện căn” vẫn ở đó, và vẫn còn những giá trị
muôn đời mà những tầng lớp nhân dân lương thiện vẫn gìn giữ như danh dự,
lương tâm, lòng trắc ẩn, đức hy sinh, sự tự trọng. Nhưng lòng tin ấy
cũng đang đứng trước những dấu hỏi to lớn khi ngày càng có thêm những
câu chuyện đau lòng như chuyện lợi dụng tai nạn của người khác để hôi
của trên đường phố, chuyện những kẻ trộm chó liên tiếp bị cả tập thể dân
làng xúm vào đánh tới chết cho thấy con chó quý hơn mạng người, chuyện
những kẻ được coi là ngôi sao sẵn sàng khoe hình ảnh tục tĩu trên các
phương tiện truyền thông lại còn được giới truyền thông “tiếp thị” bằng
cách giả vờ lên án.
Văn
hóa công dân đang trở thành một thách thức cho toàn thể dân tộc khi cái
xấu, cái ác cứ tiếp tục hiện diện như điều bình thường. Phải chăng, đến
một lúc nào đó, sự phẫn nộ trước điều xấu ác sẽ không còn? Người dân
dửng dưng trước nạn tham nhũng và bất công. Cha mẹ bình thản thấy con
cái hỗn láo với mình. Thầy cô giáo lặng lẽ nhìn học trò đánh nhau giết
nhau trước cổng trường. Mọi người hào hứng khoe với nhau những hình ảnh
tục tĩu mà mình đã sưu tầm được. Phải chăng người ta đang quen dần với
tình trạng xuống dốc của phẩm hạnh, để đến lúc những người lương thiện
sẽ trở thành “sinh vật quý hiếm” trong xã hội? Hẳn đó là một điều quá
gay go cho sự tồn vong của cả một dân tộc!
Có
lẽ cần phải nhắc lại là người xưa vẫn cho rằng, “phẩm hạnh chính là thứ
để nuôi con người sống được trong muôn vàn khắc nghiệt”; nếu không có
phẩm hạnh, người ta sẽ chìm khuất trong nghịch cảnh và con người với con
người sẽ chỉ còn bản năng sinh tồn thuần túy…
Vô thức tập thể và phẩm hạnh cá nhân
Nghĩ
một cách sâu xa hơn, tâm thức bất thiện và vọng động thái quá xuất phát
từ một cộng đồng đang mất dần bản sắc và phẩm hạnh. Nếu không sớm chấn
chỉnh và thay đổi từ gốc rễ, bằng vào tác động huân tập lại “vô thức tập
thể”, tình trạng đánh mất phẩm hạnh ngày càng nghiêm trọng và chúng ta
sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn mai sau trong việc phục hồi lại
những giá trị nhân văn đã mất.
Phải
đến cuối thế kỷ 19, người phương Tây mới biết đến tiềm thức
(subconsciousness) và vô thức (unconsciousness) qua những công trình
nghiên cứu về Tâm lý học của Sigmund Freud. Sau đó, học trò của ông là
Carl Jung lại đưa ra lý thuyết về vô thức tập thể
(collectiveunconsciousness). Theo các nghiên cứu này, nếu ý thức
(consciousness) giúp con người nhận thức được thực tại, học tập và làm
việc dưới sự quản chế của lý trí và những quy tắc xã hội; thì tiềm thức
(subconsciousness) và vô thức (unconscioueness) lại điều khiển hành vi
của con người mà không đòi hỏi con người phải chú ý cao độ; ví dụ như
khi lái xe hay bơi lội, một khi các thao tác đã được thực hiện quen dần
thì người lái xe hay bơi lội không cần chú ý nhiều vẫn thực hiện được.
Carl Jung cho rằng vô thức cá nhân (personal unconsciousness) là “nguyên
mẫu” (archetypes), nó là quan niệm văn hóa được truyền thừa từ đời này
qua đời khác từ tổ tiên của con người; mọi kinh nghiệm của tổ tiên đều
được bảo lưu trong vô thức cá thể của con người. Một cách rõ ràng hơn,
theo sự giải thích của Carl Jung thì nhân cách được cấu thành bởi ba
thành phần: tự ngã, vô thức cá thể và vô thức tập thể. Có thể nói các
quan niệm này hơi giống với quan niệm Mạt – na thức hay xa hơn là A –
lại – da thức hoặc chủng tử thức của Phật giáo (store of consciousness).
Đời
sống bình thường của con người bị tác động rất nhiều bởi những nếp
nghĩ, những quan niệm vô thức, hay nói theo ngôn ngữ phân tâm học, là
những mặc cảm. Người ta hay nhắc đến Napoleon; bên cạnh tài năng quân sự
và tham vọng cầm quyền, ông ta còn bị tác động bởi một mặc cảm thấp lùn
là điều thường bị mọi người chế giễu khi còn học ở trường sĩ quan. Hoặc
Hitler, ngoài khả năng hùng biện và tác động quần chúng, là kẻ luôn có
mặc cảm rằng mình chỉ xuất thân từ một anh người thợ sơn, một người lính
tầm thường. Riêng với Hitler, người ta còn thấy ở con người này tính
cách tàn bạo qua việc đưa sáu triệu người Do Thái vào phòng hơi ngạt.
Điều đó cũng đúng với những thanh niên đua đòi; ngoài thói bắt chước,
những người trẻ này còn có mặc cảm về xuất thân nghèo hèn của mình, muốn
khoe khoang để khỏa lấp cái thua thiệt trước đây của mình; hoặc khi đua
xe trên đường phố, chúng cũng muốn chứng tỏ mình. Hoặc những người hay
oán hờn người khác thì thường thì cũng vì những mặc cảm nào đó; hoặc nói
theo Phật giáo, là kẻ có những phiền não nào đó không thể giải tỏa. Từ
khi Sigmund Freud phát hiện vai trò của vô thức, người ta hiểu rằng cuộc
sống bình thường của con người phần nhiều diễn ra một cách vô thức,
không có ý thức. Con người thường hành động một cách vô ý thức, đây là
điều Phật giáo gọi là hành động không tỉnh giác, hành động vô minh.
Thông thường con người bị chi phối bởi dục tánh nên luôn truy cầu khoái
lạc. Điều này dẫn đến các hoạt động mang tính bản năng.
Để
đối trị, Phật giáo chủ trương dùng Bát chánh đạo chế ngự sự truy cầu
của cảm quan khoái lạc. Ngoài ra, con người còn bị chi phối vì sự bảo
tồn của tự ngã gồm ba loại: khát cầu (đây là của ta); vọng tưởng (đây là
ta) và giả tưởng (đây chính là tự ngã của ta). Đối với tự ngã hủy diệt
và công kích, Ssgnumd Freud cho rằng nó là một loại bản năng xung động;
như Đức Phật thì lại dạy rằng nó là một loại hành vi phản ứng tánh. Khi
một loại tình tự thù hận (đối với người hoặc vật) ở thế giới ngoại tại
không được phát tiết thì nó lại hướng ngược về mình; từ đó sản sanh sự
thọ hình tự ngã (khổ hình) và tự sát. Đức Phật đã quở trách sự phát sanh
của ba hình thức bảo tồn tự ngã trên đây và cho rằng vì không hiểu rõ
đạo lý khổ đau của nhân sinh mà phát triển. Dòng ý thức của Phật giáo
cũng liên quan với động cơ vô thức. Phật giáo dạy rằng nếu con người có
khả năng tu tập kỹ thuật thiền định thì có thể sử dụng lớp trong của vô
thức đen tối để tạo ra thành sự phát triển nhân cách một cách kiện toàn.
Hạt
giống như thế nào thì tâm thức cũng như thế ấy. Tâm thức là dòng sông
của các hạt giống nên tâm thức cũng có tính cách riêng và chung. Vì vậy ở
xã hội loài người có tâm thức cộng đồng và tâm thức cá nhân.
Theo
Phật pháp, tâm thức cộng đồng không chỉ là tâm thức cộng đồng trong
không gian mà còn là tâm thức cộng đồng trong suốt chiều dài của thời
gian. Chúng ta không những mang trong ta xã hội của chúng ta mà cả những
xã hội của các thế hệ tổ tiên. Và cái mà chúng ta để lại cho đời sau là
tâm thức của hôm nay.
Thế
nên đã đến lúc xây dựng lại kỷ cương, là các thiết chế bên ngoài, hỗ
trợ việc xây dựng phẩm hạnh cộng đồng thay cho cái mà chúng ta lâu nay
ca ngợi là “người tốt việc tốt” vốn đã phai mờ như những khẩu hiệu mơ
hồ…thiếu sức sống vì thiếu dẫn chứng, thiếu những tấm gương sống động.
Bên trong phải giáo dục trẻ em từ trong gia đình, chòm xóm, trường học,
rèn luyện tâm hồn thơ dại những phẩm chất ngàn đời của dân tộc: thái độ
tôn trọng truyền thống, lòng tự trọng, danh dự, tinh thần hy sinh, lòng
trắc ẩn, sự khoan dung…
Đối
với từng cá nhân phải huân tập tâm thức bằng đức tin, bằng tôn giáo,
bằng những triết lý sống động chứ không phải những bài học chính trị khô
khan và vô bổ trên lớp như hiện nay Thiết chế ấy phải giúp tầng lớp
quan chức sống minh bạch, và giúp họ tự “hồi quang phản chiếu”, như
những bậc cha anh phải biết sống gương mẫu, phải tự tu tỉnh lại, sống
đúng như kỳ vọng của nhân dân và thế hệ trẻ mai sau…
Nếu
không làm được như thế, sẽ là một thảm họa đạo đức của dân tộc, và sau
đó chắc chắn sẽ là những bi kịch dành cho các dân tộc hay các cộng đồng
đã đánh mất phẩm hạnh của mình. Hãy nhớ từng có những đế chế vĩ đại
trong quá khứ bị suy tàn chỉ vì vô lương và trụy lạc.