Từ nhỏ bà Tư Mỹ vốn rất thích nuôi
chó nên lúc nào trong nhà bà cũng có vài ba con. Bà lại có khiếu nuôi dạy nên
con nào cũng khôn và biết làm nhiều việc. Trong một lần tình cờ xem ti-vi nhà
hàng xóm, thấy cảnh những con chó kéo xe trượt tuyết ở vùng ven Bắc Cực xa xôi
rất tiện lợi nên bà chợt nghĩ đến việc dạy đàn chó của bà kéo xe.
Cụ Tư Mỹ bên cỗ xe chó kéo khi đàn chó chưa bị trộm bắt hết
Ban đầu, bà mua ống nhựa, xin thêm
bánh xe đạp cỡ nhỏ rồi miệt mài cưa đục, lắp ráp tạo ra cỗ xe cho bầy chó. Hơn
nửa tháng, cỗ xe tự chế hoàn thành. Bà buộc xe vào cổ ba con chó, tập cho chúng
kéo. Mất nửa năm kiên trì dạy dỗ, bà Mỹ đã tạo được một cỗ xe chó kéo ưng ý và
gọi nó bằng một cái tên mỹ miều: cỗ xe tam cẩu. Cỗ xe chó trở thành kế sinh
nhai cho bà.
Hơn chục năm qua, người dân trong
vùng không còn xa lạ với cảnh mấy con chó kéo xe lon ton chạy trước, sau xe bên
trên nào là thúng, mủng, bao tải… Bà Tư Mỹ hì hục đạp xe theo sau.
Dọc đường từ bờ sông ra chợ Phước Vinh, xa khoảng 5 đến 6 cây số, chiếc xe chó
của bà Tư Mỹ mỗi sáng lại thủng thẳng chở ốc bươu, đọt lục bình, lúa… ra chợ
bán. Thương bà Tư Mỹ ở cái tuổi gần đất xa trời vẫn còn khổ cực chạy bữa hàng
ngày, và cũng thương đàn chó trung thành nên bà con ai cũng cố mua giùm. Bán
xong, bà mua gạo, mắm chất lên xe, rồi bảo lũ chó: “Chạy về trước đi mấy con”;
bà dứt lời, lũ chó lon ton chạy về.
Đàn chó của bà nổi tiếng gần xa,
nhiều đoàn xiếc tìm đến tận cù lao nơi bà sinh sống để hỏi mua với giá vài chục
triệu đồng. Thấy số tiền lớn cũng ham, nhưng bà nhất quyết không bán, vì từ lâu
bà đã xem chúng như những đứa con thân yêu. Chúng đã đỡ đần bà rất nhiều, có
con đã cứu sống bà, có con đã vì bà mà chết.
Bà Mỹ có tất cả 6 người con: 5 gái
và 1 trai. Chồng không may mất sớm, bà hết lặn lội nuôi con, đến nuôi dâu, rồi
nuôi cháu. Mấy mẹ con tần tảo xây được căn nhà. Nhà mới chưa ráo thì người ta
khiêng xác đứa con trai đầy máu về đặt trước mặt bà. Một “hung thần đường phố”
nào đó đã cướp sinh mạng con bà rồi bỏ trốn. Người mẹ ấy lặng lẽ bán cái nhà
mới xây để lo tang ma và xây một cái mả tươm tất cho con. Xong xuôi, bà trở nên
trắng tay...
Chó không đơn thuần chỉ là thú cưng, mà nó còn là bạn, là
thành viên trong gia đình của nhiều người, có tên tuổi đàng hoàng. Một con vật
tình cảm như thế, liệu có nên biến chúng trở thành “thực phẩm” đơn thuần? Ăn
thịt chó cũng không thể nâng lên thành “văn hóa ẩm thực”, vì đơn giản đó chỉ là
món khoái khẩu của một số người, trong khi nhiều người khác cực lực phản đối.
Hơn thế, việc bắt giết chó đã tạo nên nhiều nhiễu loạn. Nên chăng cần một đạo
luật thích đáng nhằm bảo vệ chó, bảo vệ sự yên bình cho xã hội? - Quảng Kiến |
Câu chuyện về bà Tư Mỹ và đàn chó
đã được báo chí đăng nhiều lần và có lẽ kể hoài không hết. Nhưng, điều đáng
nói, và cũng là điều hết sức đau lòng, đó là đàn chó mà bà hết lòng thương yêu,
dày công dạy dỗ và xem như con đã lọt vào tầm ngắm của những tên “cẩu tặc”.
Chúng lần lượt thừa cơ cướp đi, có khi còn ngang nhiên cướp chó ngay trước mắt
bà, mặc cho bà kêu la, van vỉ. Mỗi lần như thế, bà lại đổ bệnh, nằm liệt mấy
ngày liền...
Đọc câu chuyên về bà Tư Mỹ và đàn
chó, tôi xúc động, xa xót vô cùng. Thương cho cụ già phải bươn bả kiếm sống.
Giận những kẻ bất lương cướp đi phương tiện sinh nhai của một người già yếu. Mà
đàn chó ấy thực ra đâu chỉ là phương tiện kiếm sống, chúng chính là những “đứa
con” thân yêu của bà. Bất lực nhìn những “đứa con” của mình bị bắt, bị giết,
rồi chẳng mấy chốc trở thành những món mồi cho những quán thịt cầy càng ngày
càng mở ra nhan nhản, thử hỏi con người giàu lòng thương yêu như cụ làm sao có
thể chịu nổi?!
Nhiều năm qua, báo chí ở nước ta
liên tục đưa tin về những vụ trộm chó và cả “công nghệ” giết chó, khiến nhiều
người không khỏi bất bình, phẫn nộ. Sự liều lĩnh, hung hãn, dã man của những
tên “cẩu tặc” lắm khi bị trả giá bằng cả mạng sống của chúng, vậy mà vẫn chưa
thể khiến cộng đồng nguôi giận. Sự bất bình ấy còn lây lan sang cả những người
mê thịt chó.
Không ít diễn đàn đã được lập ra để tranh luận về vấn đề này: Ăn
thịt chó liệu có phải là nét “văn hóa ẩm thực” của người Việt hay là một hành
động man dã? Tranh luận chưa có hồi kết vì ai cũng có những lý lẽ của riêng
mình. Trong khi đó, không ít du khách kinh hãi khi nhìn thấy cảnh bày bán, ăn
thịt chó ở Việt Nam,
và họ đã tuyên bố “tẩy chay” nước ta vì sự “dã man, mất nhân tính” đó. Họ cho
rằng, làm sao có thể thích thú khi ngấu nghiến nhai thịt một loài vật trung
thành, có tình nghĩa còn hơn cả một người bạn như chó?
Theo thống kê, nước ta mỗi năm có
khoảng 1 triệu con chó không rõ nguồn gốc bị giết thịt. Mới đây, theo tin của CNN,
người ta đã phanh phui đường dây buôn lậu chó từ Đông bắc Thái Lan sang Việt Nam. Mỗi năm,
đường dây này gián tiếp giết hại 200.000 con chó đáng thương.
Vừa qua, Liên minh Bảo vệ chó châu
Á (ACPA) đã được thành lập với mục đích chấm dứt nạn buôn bán thịt chó vô
nhân đạo. Tháng 8-2013, tại Hà Nội, Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam đã tổ
chức một hội nghị kết nối các thành viên của liên minh. Tiến sĩ Tuấn Bendixsen
- Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam nói rằng: “Có nên ăn
thịt chó không, khi mà món ăn này không chỉ gây ra đau đớn với một loài vật
thông minh gần gũi với con người, mà còn khiến người ăn gặp nhiều nguy cơ về
sức khỏe. Không kể đến khía cạnh đạo đức, thịt chó là món ăn khoái khẩu
với một số người nhưng là nỗi bất hạnh của người chủ bị mất chó”.
Ông còn cho
biết thêm: “Rất nhiều cuộc điều tra trên toàn châu Á đã chứng minh rằng tất cả
các khâu trong chuỗi buôn bán cung ứng thịt chó từ khai thác, vận chuyển, phân
phối, đến giết thịt đều vô cùng tàn bạo... Cách giết chó cũng rất phi nhân
đạo. Những chú chó bị nhốt vào lồng, nhìn đồng loại của mình bị đập chết ngay
trước mắt... Trong khi đó, chúng là loài động vật cực kỳ thông minh”.
Báo chí Thái Lan cho rằng việc bắt
trộm và buôn bán chó qua biên giới là “ngành thương mại hổ thẹn”, nhiều người
giương khẩu hiệu: “Chó không phải thực phẩm”. Hong Kong,
từ năm 1950, đã ra pháp lệnh cấm giết chó mèo làm thực phẩm. Năm 2001, Đài Loan
cũng ra lệnh cấm bán thịt chó; năm 2007 tiếp tục thông qua luật phạt người bán
thịt chó hơn 7.700USD.
Quả thực, “con không chê cha mẹ
khó, chó không chê chủ nghèo”. Trong một bài diễn văn của mình, luật sư
Georges Graham Vest đã viết: “Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong phú quý
cũng như trong lúc bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau. Nó ngủ yên trên
nền đất lạnh, dù đông cắt da cắt thịt hay bão tuyết lấp vùi, miễn sao được cận
kề bên chủ là được. Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn gì cho nó. Nó
liếm vết thương của ta và những trầy xước mà ta hứng chịu khi ta va chạm với
cuộc đời tàn bạo này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng dù ta
có là một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân bại danh liệt thì vẫn
còn con chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu
trời. Nếu chẳng may số phận đá ta ra rìa xã hội, không bạn bè, vô gia cư thì
con chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó làm
kẻ bảo vệ ta trước hiểm nguy, giúp ta chống lại kẻ thù. Và một khi trò đời hạ
màn, thần chết rước linh hồn ta đi để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, khi
tất cả bằng hữu đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng, quay đi để sống tiếp cuộc đời
của họ. Thì khi ấy còn bên nấm mồ ta, con chó cao thượng của ta nằm gục mõm
giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở ra cảnh giác, trung thành và chân
thực ngay cả khi ta đã mất rồi”.
Bức tượng đồng tạc chú chó Hachiko tại nhà ga Shibuya - Nhật Bản
Lòng trung
thành của chó trong đời có lẽ ai cũng đã từng chứng kiến hoặc cảm nhận. Ở Nhật,
người ta còn dựng một bức tượng đồng để tưởng niệm một chú chó, xem như là biểu
tượng cao cả về lòng trung thành. Đó là chú chó Hachiko, được Giáo sư Ueno của
Trường Đại học Tokyo
nuôi dưỡng và coi như con.
Mỗi sáng hàng ngày, Hachiko đi bộ với Giáo sư Ueno
Eizaburo đến nhà ga để tiễn ông lên tàu đi làm. Và đến 3 giờ chiều, Hachiko lại
ra nhà ga đợi giáo sư trở về. Nhưng vào ngày 12-5-1925, Giáo sư Ueno đã bị đột
quỵ khi đang đứng trên giảng đường ở trường và mãi mãi không trở về nữa.
Hachiko không biết điều gì đã xảy ra với chủ, hàng ngày chú vẫn đến nhà ga để
đón chủ. Suốt gần 10 năm ròng rã như thế, Hachiko già yếu, bị bệnh viêm khớp và
gục chết tại chính cái nơi mà nó đã đứng đợi chủ nhân của mình, kết thúc chuỗi
đợi chờ vô vọng tại nhà ga Shibuya...
Câu chuyện về Hachiko đã được dựng thành phim, cùng rất nhiều bộ phim
khác về lòng trung thành của những chú chó, gây xúc động mạnh mẽ trong lòng
người xem. Không chỉ riêng Hachiko, mà rất, rất nhiều câu chuyện cảm động về
chó đã được đăng tải.
Chó không đơn thuần chỉ là thú cưng, mà nó còn là bạn, là
thành viên trong gia đình của nhiều người, có tên tuổi đàng hoàng. Một con vật
tình cảm như thế, liệu có nên biến chúng trở thành “thực phẩm” đơn thuần? Ăn
thịt chó cũng không thể nâng lên thành “văn hóa ẩm thực”, vì đơn giản đó chỉ là
món khoái khẩu của một số người, trong khi nhiều người khác cực lực phản đối.
Hơn thế, việc bắt giết chó đã tạo nên nhiều nhiễu loạn. Nên chăng cần một đạo
luật thích đáng nhằm bảo vệ chó, bảo vệ sự yên bình cho xã hội?
Quảng Kiến
--------------------------
* Bạn đọc có ý kiến gì về vấn đề này? Vui lòng e-mail chia sẻ bài viết về: baogiacngo@yahoo.com.