27/11/2013 14:03 (GMT+7)
Số lượt xem: 1474
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khi tội ác trả giá đã xong, lòng căm phẫn và hận thù cũng cần cởi bỏ, vì đức Phật dạy: Hận thù không hóa giải được nỗi đau và thù hận, chỉ có tình thương mới có thể xoa dịu nỗi đau


Để chạy đua với cuộc mưu sinh, để lo tồn tại gia đình, lo vun đắp tương lai, trên đất nước Việt Nam này, có bao nhiêu triệu ông bố bà mẹ trẻ đang phải cắn răng kìm lòng gửi con đến những nơi giữ trẻ tự phát: không tiêu chuẩn dinh dưỡng, không đủ phương pháp sư phạm, lại không đủ cả một giây kiên nhẫn trước tiếng khóc con trẻ?
    
Khoảng 7h ngày 16/11/2013, chị Võ Thị Huyền (quê Nghệ An, tạm trú khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức TPHCM), vẫn chở con 18 tháng tuổi đến gửi cho Hồ Ngọc Nhờ trông hộ. Chỉ vài giờ đồng hồ sau, chị bàng hoàng khi nhận được tin con mình đã chết và thủ phạm chính là cô bảo mẫu Nhờ.
    
Chỉ vì đứa bé khóc, dỗ mãi không nín, mà cô bảo mẫu đã chửi bới, dùng tay dốc ngược 2 tay 2 chân cháu và làm rơi cháu bé xuống đất, cháu bé càng khóc to, cô ta còn đá vào ngực, bụng cháu, làm cháu vỡ tim dẫn đến tử vong. Chỉ khi thấy cháu Đỗ Nhất Long 18 tháng tuổi bất tỉnh, Nhờ mới gọi hàng xóm đi cấp cứu, nhưng cháu đã tử vong trên đường tới bệnh viện. Ngay lập tức, Nhờ bị cơ quan công an bắt giữ. Vụ việc này đã gây phẫn nộ trong dư luận những ngày gần đây.
    
Cháu bé 18 tháng tuổi qua đời một cách thật thương tâm, oan ức. Bé được yên ấm trong lòng mẹ chín tháng mười ngày, bé chào đời và được cha mẹ ấp ủ, nâng niu có 14 tháng, 14 tháng cha mẹ yêu thương đã không thể vực bé dậy sau 4 tháng bé bị ngược đãi, bạo hành bởi một người đàn bà đã biết sinh hạ được một con người mà tay không cũng đã giết chết một sinh mạng con người.
   
Cô bảo mẫu vô nhân đạo Hồ Ngọc Nhờ đã vi phạm nhân quyền vì ngược đãi trẻ em suốt 4 tháng nay. Sự vô nhân tính trong việc làm và cách hành xử của cô Nhờ hiện nay bắt nguồn từ quá khứ buông thả ngỗ nghịch, bất hiếu với cha mẹ theo chính quyền địa phương nơi cô lớn lên cho biết "Nhờ hồi mới lớn đã tụ tập, nhậu nhẹt với đám con trai, về nhà cự cãi với cha mẹ; rồi lấy chồng năm 14 tuổi, và bỏ nhà lên Tp.HCM làm thuê cùng chồng hơn một năm nay, bỏ mặc cha mẹ già bệnh tật trong căn chòi rách nát".
    
Mấy năm nay, bà Hồ Ngọc Anh chỉ có thể ngồi một chỗ trên võng vì bị bệnh đau khớp hành hạ, và bệnh thần kinh tọa. Người bố 65 tuổi bị đau chân mà vẫn phải thay con bưng cơm nước sát võng bà, chờ bà ăn uống xong rồi mới dọn dẹp và đi làm. Tuy nhiên vì chân đau chỉ cho phép ông ngồi nhổ cỏ được nửa buổi, nên làm xong, người ta trả được bao nhiêu, ông đành lấy bấy nhiêu. Trước khi đi làm, ông đều dặn vợ :”Bà ngồi trên võng thôi, đừng có lết đi đâu, lỡ chết thì ai hay? Nhà có 2 vợ chồng già thôi mà”.
    
Còn Nhờ đi làm xa, cả năm không một lần về thăm nuôi hay gọi về hỏi thăm bố mẹ. Nên bố mẹ già chỉ biết sống nhờ vào lòng tốt của hàng xóm. Và vì thế, ông bà tội nghiệp vẫn không hay gì về tội ác tày đình của con gái. Thiết nghĩ, ông bà không nên biết về Nhờ nữa, vì Nhờ vốn không phải là con của những người lương thiện chất phác như ông bà, chị em của Nhờ dù nghèo nhưng cũng rất hiền lành, ko ai xấc xược độc ác như Nhờ; bên cạnh đó từ lâu, Nhờ sống như một đứa con không có cha mẹ.  
 Mái ấm Tâm Đức chùa Linh Sơn, Tp.HCM
Như vậy là Nhờ phạm phải hai trong năm tội đại nghịch: Đó là bất hiếu và giết người. Đức Phật dạy, trong các loại tội lỗi, thì tội bất hiếu là tội nặng nhất. Vì những đứa con bất hiếu, bất nhân không chịu thấu hiểu khi mẹ bụng mang dạ chửa đã khổ rồi, lúc sinh đẻ còn khổ hơn, nhưng khi con lớn lên lại là đứa bất kính, bất hiếu, hư đốn, cứng đầu, thì cha mẹ đau đớn từng giờ từng phút. Cái đau khổ này còn đau hơn cả cơn đau đẻ, thống khổ không sao kể xiết được.
   
Nếu là người con có hiếu từ trong gia đình, khi ra đến xã hội, Nhờ đã biết suy nghĩ và sống có đạo đức hơn. Nhờ đã làm mẹ, vậy mà cô không biết thương trẻ con, và không hiểu cho nỗi lòng thương con của người làm mẹ trong nhịp sống hối hả hiện nay của chị Huyền mẹ nạn nhân.  
    
Nghề bảo mẫu vốn cần thiên chức dịu dàng nhân hậu của những người phụ nữ được rèn luyện kỹ lưỡng cả về tư cách đạo đức và kỹ năng chăm sóc trẻ con, từ đó bảo mẫu mới có thể thay bố mẹ chăm sóc trẻ em.
   
Vòng tay chăm sóc dạy dỗ của cha mẹ chính là trường học đầu tiên của bé, như Lời Phật dạy trong kinh Singalovada, và trẻ con học vỡ lòng bài học đầu tiên là ở cha mẹ, học từ cử chỉ, lời nói, nết hạnh, cách ăn, đi đứng…v…v… Nếu cha mẹ biết cách thức uốn nắn con từ lúc thơ bé, cho vào khuôn khổ lễ giáo bằng sự giáo dục mềm mỏng khéo léo, thì đứa trẻ ấy là đứa con hiếu đạo, sau này sẽ trở thành công dân lương thiện. Đó là ý nghĩa của câu châm ngôn “dạy con từ thưở còn thơ”.
    
Không ai thương con như cha mẹ đã sinh con ra, không ai có thể để lại cái đức cho con mình như chính những việc làm tốt đẹp của cha mẹ được con cái hành theo. Vậy thiết nghĩ, các bậc cha mẹ nên dành thời gian chăm sóc con mình từ lúc sơ sinh đến tuổi vào mẫu giáo (1-2 tuổi). Có rất nhiều cha mẹ đang phải lăn lộn với cuộc mưu sinh và điều kiện kinh tế gia đình không cho phép gửi con vào những trường mẫu giáo công lập có đủ điều kiện chăm lo an toàn cho bé. 
    
Đục nước béo cò, các trung tâm giữ trẻ tự phát mọc lên như nấm sau mưa, và vô cùng chủ quan trong việc tìm hiểu và quản lý bảo mẫu, những cô bảo mẫu không hề có kỹ năng sư phạm cũng như sự trải nghiệm, họ chỉ là những người tìm mọi cách để có một công việc nuôi thân, vậy nên khi cháu bé quấy khóc, những cô bảo mẫu như thế không biết dỗ trẻ ra sao, lại quay ra nổi nóng; điều này lý giải cho tình trạng bạo hành, ngược đãi trẻ em từ trước đến nay chứ không chỉ riêng trường hợp cháu Long 18 tháng tuổi mới đây :
     
Cuối tháng 11 năm 2007, tại trường Mầm non Thiên Thơ, quận Phú Nhuận, Tp.HCM, bé Đỗ Ngọc Bảo Trân 18 tháng tuổi đột tử, nguyên nhân là do bé khóc, bảo mẫu Lê Thị Lê Vy sinh năm 1977 lấy cuộn băng dính dán ngang miệng khiến bé ngạt thở. Như tháng 3 năm 2009, tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, bé Phạm Thanh Xuyên 5 tuổi phải nhập viện khẩn cấp trong tình trạng tụ máu màng não. Sau khi được bệnh viện cứu sống, bé Xuyên kể mình bị bảo mẫu tên Liên cầm chổi đánh. Tháng 9 năm 2011, tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An – Bình Dương, cháu Phan Văn Bảo Nam 16 tháng tuổi, con nhà công nhân, tử vong vì chấn thương sọ não trong lúc gửi tại nhà của bảo mẫu Nguyễn Ngọc Ánh 60 tuổi. 
    
Vì quá xót xa cho những em bé chết oan như bé Long 18 tháng tuổi từ giã cõi đời quá sớm trong oan uổng đau đớn, không những cha mẹ bé và bao nhiêu người khác đang hết sức căm phẫn việc làm cô bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ. Tâm lý này hoàn toàn dễ hiểu.
   
Phàm làm cha mẹ nên có tác phong thanh cao để con noi gương ấy mà hành theo, như thế gọi là lưu đức lành cho con. Nên tập kiên nhẫn bằng cách luôn thở sâu và đều một cách từ từ, để trạng thái mất bình tĩnh không còn nữa, từ đó không nên uy quyền người lớn mà mắng nhiếc đánh đập con trẻ; tốt hơn hết nên dạy con bằng lời lẽ mềm mỏng, êm dịu, chỉ rõ lý do vì đâu không cho con làm việc này việc kia, mà nên làm việc nầy việc nọ.
   
Xin đừng bao giờ nghĩ rằng, uy quyền đòn roi làm con trẻ kinh sợ, mà trái lại, sẽ làm cho nó gia tăng sự căm tức, sở dĩ nó không dám nói ra vì nó sợ. Mà chỉ cần một câu nói hợp tình, hợp cảnh để cảm hóa tâm trạng. Ta có thể học theo đức Phật đã cảm hóa được con voi say định giết Ngài, chỉ bằng cách lan tỏa làn không khí thanh mát từ Tâm Từ bình thản của Ngài, cùng một câu nói mềm mỏng “Này voi, con bị người ta chuốc say để con mất tự chủ mà đến đây giết ta phải không? Lại đây con, hãy đến bên chân ta nào”. 
     
Dù ta chưa thể có Tâm đại từ đại bi như đức Phật có thể cảm hóa những người vì ghen tỵ mà chống đối và những con vật định làm hại Ngài, nhưng ta có thể vỗ về những cơn khóc dạ đề, hay khóc vì hoảng loạn và tủi thân của trẻ thơ, bằng những lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ dịu dàng, nhờ tâm trí cân bằng vì luôn thở đều, thở sâu. 
    
Bên cạnh đó, nhiều khi vì cưng con mà cha mẹ vô tình dạy con sự hận thù, như khi chơi chạy vấp ngã, hay va đập vào những vật gì làm đau, cha mẹ đến dỗ xong lại đánh đập vào chỗ đó để làm cho con đỡ căm tức vì bị đau, nhưng gián tiếp cha mẹ dạy cho con sự hận thù và biết ăn miếng trả miếng, như vậy rất nguy hại.
    
Đối với những cô bảo mẫu trẻ chưa có con, hoặc chưa có kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc trẻ con, dù con người ta không phải do mình dứt ruột sinh ra, nên bảo mẫu có thể không cảm nhận được sự gắn kết yêu thương giữa mình và trẻ, nhưng sâu thẳm trong tâm mỗi người phụ nữ từ lâu đều có sẵn thiên chức bẩm sinh để yêu thương những con người bé nhỏ. Nhưng nhiều khi ngọn lửa giận bung lên thiêu rụi lòng yêu thương. Chăm trẻ chưa bao giờ là một công việc nhẹ nhàng. Phải thật sự nhẫn nại và có đầy đủ kỹ năng mới có thể chăm sóc tốt một đứa trẻ. Người giữ trẻ cần biết đặt tâm mình vào tình yêu con người, thì khi đó sẽ nhận biết mình nên làm gì. 
    
Sau vụ việc này, rất nhiều cha mẹ hoang mang không dám gửi con cho ai giữ nữa, không biết bấu víu vào đâu. Có một nơi chăm sóc tốt cho con trẻ mà các bậc cha mẹ không phải tốn quá nhiều tiền bạc, đó là những mái ấm tình thương như mái ấm Tâm Đức, chùa Linh Sơn địa chỉ 43/20 đường Đoàn Như Hải, phường 12, quận 4, Tp.HCM, có thể trông trẻ trong ngày giúp các bố mẹ, đối với những bậc phụ huynh có con nhỏ ở Hà Nội cũng có thể gửi con trong ngày tại chùa Bồ Đề(Long Biên) vốn nổi tiếng vì Tâm Từ của những vị thầy và phật tử đã bao bọc hàng trăm những đứa trẻ mồ côi.

Ở đây, các em sẽ nhận được tình yêu và sự chăm sóc tử tế bởi những phật tử thương người và biết chăm lo cho người khác. Bên cạnh đó, các sư thầy và phật tử biết kiên nhẫn tốt hơn hẳn người bình thường, và tuyệt nhiên họ không có ý làm ác, vì họ hiểu nhân quả hơn người bình thường. 
    
Sau khi sự việc xảy ra, từ ngày 17/11 đến nay, khu vực phòng trọ của vợ chồng chị Huyền luôn có người tới hỏi thăm động viên, gồm có đại diện Liên đoàn lao động Tp.HCM, Quỹ bảo trợ trẻ em thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Công Đoàn các khu công nghiệp thành phố, UNBD phường Linh Trung, cùng nhiều người dân hảo tâm khác đã đến chia sẻ, động viên về mặt tinh thần, giúp đỡ về vật chất, ngõ hầu phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát quá lớn nà của gia đình trẻ.
     
Có một sự thật là, tội ác bao giờ cũng phải trả giá thích đáng. Vì thế không ai bỗng dưng muốn làm điều xấu xa hay ác độc để bị vướng vào vòng lao lý. Khi tội ác trả giá đã xong, lòng căm phẫn và hận thù cũng cần cởi bỏ, vì đức Phật dạy: Hận thù không hóa giải được nỗi đau và thù hận, chỉ có tình thương mới có thể xoa dịu nỗi đau.
                            
Diệu Hòa

Theo Phatgiao.org


Âm lịch

Ảnh đẹp