Sống
trong thời buổi mà nhu cầu và cường độ làm việc cao khiến cho bạn không
có nhiều thời gian tu tập. Nhưng là người có niềm tin vào giáo pháp,
bạn tin chắc sự tu tập có thể giúp bạn đạt được an lạc trong đời sống
hiện tại và tương lai.
Trong
hai mươi bốn tiếng đồng hồ của một ngày đêm không đủ cho công việc và
sự nghỉ ngơi, làm thế nào để bạn có thể tu tập, thực hành các pháp môn
Phật dạy? Bạn không thể chỉ đọc qua những lời dạy của Ðức Phật để biết
và hiểu, mà cần phải thực hành. Tuy nhiên bạn không thể phân bố, sắp xếp
thời gian cho tu tập, vậy phải làm sao? Bạn cần nên tu tập ngay trong
công việc của mình. Ðó là câu trả lời dành cho bạn.
Có
thể bạn sẽ thắc mắc: Làm sao tôi vừa làm việc vừa ngồi thiền? Hoặc vừa
làm việc vừa tụng kinh, niệm Phật? Bạn thắc mắc đúng nhưng vì bạn chưa
hiểu mục đích cốt lõi của việc tọa thiền, tụng kinh hay niệm Phật v.v...
Tất cả những pháp thức đó đều nhằm đạt đến sự thanh tịnh, nhất tâm,
ngoài ra còn có lợi ích tăng thêm phước báo. Ðành rằng bạn không thể
ngồi thiền, tụng kinh hay niệm Phật được trong lúc làm việc, nhưng bạn
vẫn có thể đạt được sự thanh tịnh và nhất tâm bằng cách thực hành chánh
niệm. Chánh niệm là nền tảng của các pháp môn có năng lực đưa đến sự
thành tựu Giới, Ðịnh, Tuệ.
Chánh niệm là ý thức sự có mặt của mọi
sự vật và sự việc xung quanh ta, ý thức về bản thân mình và người khác,
ý thức trong từng hành động và lời nói, ý thức mọi diễn biến của thân
và tâm. Thực tập chánh niệm là bạn biết rõ mình đang nghĩ gì, làm gì.
Luôn giữ cho tư tưởng bạn trong sáng không lẫn lộn xen tạp những ý niệm,
nghĩ suy không lành mạnh, không chơn chánh, hoặc những ý tưởng không
nằm trong phạm vi việc làm của bạn. Ví dụ đơn giản như mỗi sáng sau khi
bạn thức dậy bạn làm gì? À, bạn rửa mặt, đánh răng, ăn sáng, chuẩn bị đi
làm v.v… Khi đến công ty bạn làm ở khâu nào, gồm những công việc gì…,
bạn đều ý thức không cho lẫn lộn hoặc lúc nhớ lúc quên.
Bạn có
thể thực tập phương pháp này bằng cách tưởng thầm hoặc có thể đọc nhẩm
những hành động bạn đang làm trong công việc, chẳng hạn: “tôi đang may”,
“tôi đang cắt chỉ”, “tôi đang đi xuống cầu thang”, “tôi ăn cơm”, “tôi
uống nước” v.v… Ðiều quan trọng là tập trung chú ý vào công việc, không
một tạp niệm xen vào, không nghĩ lan man về điều khác. Biết rõ bạn đang
làm gì, bạn ý thức trong từng hành động, cử chỉ. Khi có một tư tưởng đi
hoang, bạn nhận biết nó và lập tức dừng lại, không để tư tưởng tiếp tục
rong chơi. Khi khởi lên tư tưởng bất thiện, bạn cũng nhận biết rõ và
lập tức không để cho nó phát triển thêm nhiều. Ðó là sự tỉnh giác và giữ
gìn chánh niệm.
Người
không có thực tập chánh niệm, khi làm việc họ suy nghĩ miên man, toan
tính việc nọ việc kia, nhớ tưởng chuyện đã qua hay lo nghĩ, mộng mơ
chuyện chưa tới. Vì không chú tâm vào công việc nên họ không thành tựu
năng lực của chánh niệm và không đạt được hiệu quả mà công việc yêu cầu.
Thực
tập chánh niệm giúp chúng ta có khả năng tập trung cao và tinh thần
tỉnh táo, sáng suốt hơn, đưa đến sự thành công trong công việc, đồng
thời tạo cảm giác an lạc, thoải mái, dễ chịu, không căng thẳng, mỏi mệt
khi công việc quá nhiều. Có chánh niệm bạn sẽ cảm nhận được nhiều điều
thú vị trong cuộc sống, những điều mà khi sống bề bộn quay cuồng bạn
không ý thức được.
Trong thời buổi bạn phải đầu tắt mặt tối với
công việc. Bạn cần một đời sống mà tâm trí bớt những lo âu, phiền muộn,
giảm những căng thẳng mệt mỏi để bạn sống cảm thấy vui, đời sống có ý
nghĩa. Tu tập chánh niệm là phương pháp giúp bạn có thể vừa làm việc vừa
tu tập, không cần phải dành một khoảng thời gian riêng, bạn có thể thực
hiện bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Ðây là phương pháp tối ưu cho
những người bận rộn.
Có rất nhiều bài kinh Ðức Phật dạy phương
pháp này, chẳng hạn trong kinh Thân hành niệm thuộc Trường bộ kinh, Ðức
Phật dạy các vị Tỳ-kheo: “Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đi biết rằng: “Tôi
đi”, hay đứng biết rằng: “Tôi đứng”, hay ngồi, biết rằng: “Tôi ngồi”,
hay nằm, biết rằng: “Tôi nằm”. Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy
biết như thế ấy. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh
cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các
pháp ấy, nội tâm được an trú, chuyên nhất, định tĩnh. Lại nữa, này các
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi
ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay duỗi tay, biết
rõ việc mình đang làm; khi mang áo sanghati, mang bát, mang y, biết rõ
việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm;
khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm; khi đi đứng, nằm,
ngồi, ngủ, thức, nói năng, im lặng, biết rõ việc mình đang làm. Trong
khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy
thuộc về thế tục được đọan trừ, nhờ đọan trừ các pháp ấy, nội tâm an
trú, chuyên nhất, định tĩnh”.
Trong Tứ diệu đế, giáo lý nền tảng
căn bản của đạo Phật, chánh niệm là một chi phần của Bát Chánh đạo
(trọng tâm của Ðạo đế). Tất cả các pháp môn của đạo Phật đều không ngoài
Bát Chánh đạo, con đường dẫn đến Thánh quả. Với Chánh pháp, chỉ có thực
hành mới đem lại lợi ích thiết thực. Hãy bắt đầu sự thực tập chánh niệm
cùng với công việc của bạn. Tôi tin chắc rằng bạn sẽ thấy được giá trị
của pháp môn này.
Phan Minh Đức - GNO