LỜI KHUYÊN CÁC NHÀ GIÁO


Trích trong NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT - ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
14/11/2011 12:18 (GMT+7)
Số lượt xem: 48749
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tôi tin rằng tình trạng tiến bộ hay suy đồi của nhân loại một phần lớn được đặt trên vai những người có bổn phận giáo dục và các nhà giáo, và chính họ phải gánh vác một trách nhiệm thật nặng nề.

Nếu là một nhà giáo thì ta hãy nên cố gắng nhiều hơn, không phải vì trọng trách của mình chỉ đơn giản là truyền đạt sự hiểu biết, mà hãy đánh thức trong tâm hồn trẻ nhỏ những phẩm tính căn bản của con người, chẳng hạn sự tốt bụng, lòng từ bi, khả năng tha thứ hay sự hòa thuận. Không nên đề cập đến các vấn đề ấy qua các chủ đề dành riêng cho luân lý cổ truyền hay tôn giáo. Hãy đơn giản chỉ cho chúng thấy rằng những phẩm tính trên đây là có thể mang đến hạnh phúc và góp phần vào sự tồn vong của thế giới này.

Hãy tập cho chúng biết trao đổi, giải quyết những tranh chấp mà không cần đến bạo lực ; phải biết quan tâm xem người khác nghĩ gì khi có sự bất đồng. Giảng dạy cho chúng biết nhìn mọi vật với một tầm nhìn rộng lớn ; không nên chỉ biết nhìn vào tập thể của riêng chúng, quê hương của chúng, sắc tộc của chúng, mà phải ý thức rằng tất cả mọi con người đều có quyền hạn ngang nhau và những nhu cầu như nhau. Hãy khơi động trách nhiệm toàn cầu trong lòng chúng, hãy giúp chúng nhận thấy chẳng có gì là vô tội vạ cả, mà tất cả đều ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới này.

Không phải chỉ giảng dạy bằng lời nói là đủ, hãy tự đem mình ra làm một tấm gương (1). Những trẻ nhỏ sẽ ghi nhớ được nhiều hơn về những gì chúng được dạy bảo.

Nói tóm tắt là hãy tự mình tỏ ra là người biết trách nhiệm về tất cả mọi khía cạnh liên quan đến tương lai của đám học trò mà mình có trách nhiệm dạy dỗ.

Ghi chú :

 1- Người dịch thiết nghĩ nếu các thầy cô muốn áp dụng những lời khuyên bảo của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thì có lẽ tự mình phải học thêm nhiều lắm, nhiều hơn đám trẻ thơ mà mình dạy dỗ, và phải nhìn lại xem mình có xứng đáng hay không khi đứng trước những đứa học trò nhìn mình với những cặp mắt yêu thương và kính phục ? 

Có nên nhận quà cáp của chúng hay của cha mẹ chúng mang đến hay không ? Nếu ta thản nhiên hay vui thích khi làm việc ấy tức là ta gián tiếp dạy cho chúng một thói xấu. Khi lớn lên và ra đi làm, chúng sẽ tiếp tục nhận quà cáp và coi đấy là một việc tự nhiên, và khi đó ta cũng đừng nên trách những kẻ tham nhũng và hối lộ làm gì. Ta có thể vin vào lý do là tất cả thầy cô trong trường đều làm như thế, nhưng ta cũng có thể tự hỏi rằng ta có đủ sức và đủ can đảm đơn độc làm gương cho đồng nghiệp và đám trẻ nhỏ hay không ?

Sự liêm khiết và lương thiện sẽ mang lại hạnh phúc cho ta lúc tuổi già, hay là hộp bánh trung thu và chai rượu ngon ngày Tết do học trò biếu xén, không cần biết gia đình chúng khá giả hay nghèo đói ?

Những lời khuyên của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thật sâu sắc và bao la, còn những lời ghi chú của người dịch thì chỉ thu hẹp trong một bối cảnh giới hạn mà thôi. 

Xin phổ biến rộng rãi ngày Nhà giáo Việt Nam 20- 11- 2011

 Chuyển ngữ Pháp Việt: Hoang Phong


Âm lịch

Ảnh đẹp