30/10/2011 14:21 (GMT+7)
Số lượt xem: 66300
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Niềm tin có nhiều cung bậc, nhiều sắc thái và rất đa dạng. Nhưng, chung quy có hai dạng tổng quát trong đời thường: niềm tin mù quáng và niềm tin đúng nghĩa.



Thực tế cho thấy, có nhiều người chỉ vì quá tin yêu mà đã vội trao tiền, thậm chí cả trao thân và gửi phận, để rồi lỡ làng! Có người quá sùng bái và kỳ vọng vào những điều tưởng là “chân lý” để rồi khi nhận ra vấn đề, hiểu đúng sự thật, tìm thấy lẽ phải thì họ thất vọng, đến mức không còn muốn tin vào điều gì nữa!... Như vậy, từ niềm tin mù quáng dễ dẫn tới khủng hoảng niềm tin.

Thực tế cũng chứng minh những điều ngược hẳn với khủng hoảng niềm tin. Đó là các trường hợp được xác định niềm tin đúng nghĩa - một dạng niềm tin có căn cứ xác đáng, có cơ sở thuyết phục từ khoa học đến thực tiễn, được thử thách và trải nghiệm. Dạng niềm tin này nếu được cộng thêm ý chí và nghị lực của chủ thể, sẽ có sự biến chuyển đột phá từ sức mạnh tinh thần sang sức mạnh vật chất, làm nên nhiều kỳ tích và tạo ra sự nghiệp lớn.

Nhưng, trớ trêu thay, khi niềm tin đúng nghĩa này bị bội tín hoặc bị đánh mất bởi những điều phi nghĩa, thì sự biến động ấy sẽ tạo ra một hội chứng mất niềm tin. Hội chứng mất niềm tin có khi còn tệ hại hơn cả khủng hoảng niềm tin, vì nó đánh tráo hết tất cả, đảo ngược mọi giá trị, khiến chủ thể thấy mình chẳng những bị lừa gạt, còn bị mất luôn chí hướng, không còn sinh khí và chẳng còn thiết gì trên đời, kể cả mạng sống là vốn quý nhất!

Chả thế mà trên đời đã không thiếu những ca tự vẫn chỉ vì mất niềm tin chứ không phải mất tiền của, chỉ vì bị đày đọa và không chịu nổi bởi sự giằng xé từ những điều phi nghĩa chứ không phải vì mất danh dự. Nhiều danh nhân và những người dạn dày vốn sống đã từng khẳng định: Mất tiền bạc là mất một phần, mất danh dự là mất một nửa, còn mất niềm tin là… mất hết!

Đó là những nghịch lý hết sức phi lý trên thế gian mà những người hiền lương  phải gánh chịu. Đáng thương nhất là những tâm hồn bé nhỏ, những học sinh tiểu học phải è cổ ra để mang vác những cặp sách nặng trĩu đến bải hoải cả tuổi thơ. Đến trường, chúng được nhồi nhét đủ thứ, học vẹt đủ thứ… trong khi “bề trên” luôn đòi hỏi chúng sau này phải là những người trung thực, không lươn lẹo, phải là chính mình, là chủ nhân của sự sáng tạo và đổi mới!

Tuổi của chúng phải được chơi là chính, nhưng người lớn cứ bắt chúng phải học ngày học đêm, học thêm học dồn… Hậu quả là chúng có thừa dinh dưỡng nhưng rất thiếu ngủ, thừa ăn uống nhưng thiếu vận động, thừa kiến thức nhưng thiếu kỹ năng, thừa lý thuyết nhưng thiếu thực hành, thừa lý tưởng nhưng thiếu thực tế, thừa “tuân lệnh” mà thiếu suy nghĩ, thừa a dua mà thiếu bản lĩnh, thừa sao chép mà thiếu sáng tạo…

Tóm lại, con cháu chúng ta thừa đủ thứ linh tinh, nhưng thiếu một thứ rất cơ bản: thiếu cái tôi đáng quý (chứ không phải đáng ghét). Nghĩa là, chúng bị đánh mất cái tôi chủ thể. Nghịch lý tệ hại nhất nằm ở sự thiếu gương mẫu của người lớn. Trong trường, học sinh tiếp thu toàn những chân lý và đạo lý, nhưng bước ra khỏi trường thì chúng thường thấy những điều phi lý và rất nghịch lý của người lớn. Từ chuyện nói tục chửi thề, tranh giành đấu đá… đến chuyện “nói một đàng làm một nẻo”, rồi móc nối tham nhũng hay tiêu xài bạt mạng của các đấng “bề trên”, đã khiến cho thế hệ trẻ mất dần niềm tin vào lẽ sống tử tế và ngay thẳng! Trẻ em còn tin ai khi thấy nhiều người lớn quanh mình và trên mình không sống và làm theo pháp luật, chưa nói là theo đạo lý, theo lẽ đời?

Từ những khủng hoảng niềm tin và hội chứng mất niềm tin, ta còn thấy nhiều người đã vì vậy mà sa vào cuộc sống thác loạn, ăn chơi xa xỉ, vô cảm trước nỗi đau của người khốn khó. May thay, cuộc sống vẫn còn đó những tấm gương lương thiện tuyệt vời của những người con hiếu thảo, những tình nguyện viên cứu trợ ở nhiều nơi, những mạnh thường quân giúp người từ tài sản không giàu có. Trong số mạnh thường quân này, có cả trẻ em 5 tuổi. Gần đây báo chí có nói đến một tấm gương sinh động hơn mọi lời tuyên huấn sáo rỗng, hơn cả mọi bài học về lẽ sống và tình người:
Bé Phoebe (5 tuổi) bên các bao tải vỏ lon bán ve chai để góp tiền giúp cho nhiều người đói có được bữa ăn no…
Với nội dung bài viết “Cô bé 5 tuổi ‘nuôi’ hàng vạn người lớn”, báo TT&VH đã cho ta thấy quá rõ một đại nghịch lý rất “hiện đại” về niềm tin. Đó là, trong khi có hàng triệu triệu người đang nuôi niềm tin về hạnh phúc là được cống hiến sức mình, thì ngược lại, có một bộ phận khác trong giới người lại sống với niềm tin hạnh phúc là phải hưởng thụ tối đa, tiêu xài xả láng!

Những người muốn cống hiến dù họ không sẵn tiền của, nhưng họ có sẵn cái tâm muốn chia sẻ nhọc nhằn với người khốn khó, dù chỉ là miếng cháo khi đói lòng. Bé Phoebe với hình ảnh nói trên là một trong số đông những người như vậy. Tuổi còn nhỏ, tim non nớt, nhưng tấm lòng của bé trải rộng đến bao người nghèo đang xin ăn. Không phải họ lười biếng, mà chỉ vì họ không có điều kiện!

Không ai thúc giục, vậy mà bé tự nguyện tiến hành một dự án quyên góp nhằm tạo ra 1.000 USD trong 2 tháng. Bé không quyên tiền, mà đi “gõ cửa từng nhà” để thu lượm các vỏ lon bia. Khi đã chất đầy vỏ lon vào các bao tải, bé đưa tới trạm thu mua đồ phế thải để đổi ra tiền. Số tiền bước đầu thu được đó đã đủ sức lo một bữa ăn trưa cho rất nhiều người thiếu đói. Và cứ thế, không chỉ một bữa, mà liên tục nhiều bữa, bé Phoebe đã lo cho cái ăn của hàng vạn người bất hạnh, cơ nhỡ...

Trong lúc những người mê hưởng thụ, tìm lạc thú vung tiền trong các “động” ăn chơi đến mức “tắm trong bia rượu” để say túy lúy, rồi ói hết ra để ăn nhậu tiếp nữa… thì những sự chia sẻ lặng thầm như việc làm của bé Phoebe là một bài học lớn lao và sinh động về nhân cách và lối sống, về đạo nghĩa và tình người, về lương tri và trách nhiệm...

Có lẽ nên chăng, những nhà sư phạm (hay bậc phụ huynh) cần cho học trò (hay con em) của mình tiếp cận bài học sinh động ấy từ một bé 5 tuổi. Và cũng nên chăng, các nhà lãnh đạo cần cho nhân viên của mình (và cả chính mình) học hỏi từ bài học nhân văn cao cả đó của một bé nhỏ (chứ không nhất thiết học ở các vĩ nhân).

Học như vậy, để làm gì ? Ít nhất là để giúp nhau phục hồi niềm tin, để biết sống theo niềm tin vào lẽ phải, tôn trọng và làm theo lẽ phải. Vậy thôi ! Mà như vậy cũng là cao quý lắm rồi…

Quang Dương - Nhà nghiên cứu tâm lý (Theo Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam)

 


Âm lịch

Ảnh đẹp