Cách hiểu nghĩa “từ bi” theo hướng dễ dãi nên không ít
người đã đến những nơi chốn thiêng liêng rồi thỏa sức làm những gì mình muốn,
thiếu sự tiết chế cần thiết dựa trên nền tảng ứng xử văn hóa, tâm linh tối
thiểu, nên có những hành vi phản cảm.
Trách nhiệm của Tăng Ni, Giáo hội là phải hướng dẫn người đi chùa có những
ứng xử văn hóa
(Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Việc đi chùa lễ Phật cầu nguyện sự an
lành là nhu cầu tâm linh chính đáng của mọi người có tín ngưỡng đạo Phật. Nhưng
đi lễ chùa, ngoài các lễ phẩm dâng cúng vốn xuất phát từ tâm niệm tôn kính thì
việc dùng tiền bỏ bừa bãi trên các bàn thờ, thậm chí quẳng lên, nhét vào tay
các tôn tượng, thắp hương tùy tiện… làm mất tính trang nghiêm cần có của một
không gian tâm linh, biểu hiện kiểu suy nghĩ “lấy bụng ta suy ra bụng thánh
hiền” ở một số người, nhiều nơi.
Cũng có một số người đã ăn mặc không phù
hợp đến chùa; dẫn trẻ tham quan, đi chùa cầu nguyện nhưng không hướng dẫn trẻ,
để trẻ hiếu động leo trèo lên cả tôn tượng Phật trước sự thờ ơ của phụ huynh,
thậm chí có người còn cổ vũ trẻ về những hành vi như vậy... thì tránh sao khỏi
chuyện đứa trẻ ấy lớn lên, cũng sẽ lặp lại lỗi ấy, với những hành vi không đẹp
nơi cửa thiền.
Có một số vị trụ trì đã có sự hướng dẫn
người dân đi lễ chùa nhận thức và thay đổi được hành vi đi lễ chùa theo tập tục
không hợp với nhà Phật, nhưng điều đáng tiếc là trường hợp đó chưa phổ biến.
Qua mùa lễ hội đầu năm này, hình ảnh phản cảm cũ vẫn tiếp diễn, thậm chí có
chùa còn lạm dụng lý thuyết “tùy thuận chúng sinh” một cách dễ dãi, ngụy biện
với tinh thần “tùy duyên”, công khai những thông tin quy định về lễ “dâng sao
giải hạn” xa lạ với giáo lý đạo Phật, cả phí dâng lễ như ở chùa Một Cột (Hà
Nội) mà dư luận rất quan tâm trong tháng Giêng vừa qua, v.v…
Qua những mẩu chuyện như thế, chứng tỏ
rằng “văn hóa đi chùa” ở một số nơi đang có vấn đề. Trách nhiệm lớn hướng dẫn
và điều chỉnh nhận thức, từ đó dẫn đến thay đổi thói quen của người dân đến
chùa ở một số nơi có hiện tượng trên mà báo chí đã phản ánh, dư luận quan tâm,
phần căn bản tùy thuộc ở các vị trụ trì, cơ sở Giáo hội địa phương.
Nếu các vị trụ trì có chủ trương hoằng
pháp đúng đắn, kiên nhẫn thực hiện qua các hình thức: hướng dẫn, thông báo, phổ
biến báo chí Phật giáo, tài liệu in ấn bài viết phù hợp của chư tôn đức Tăng
Ni, tổ chức các buổi thuyết giảng… thì chắc chắn theo thời gian, người đi chùa
sẽ dần dần nhận thức đúng hơn về tinh thần từ bi, và hiểu hơn nữa, rằng từ bi
đúng nghĩa trong đạo Phật luôn có ánh sáng của trí tuệ chiếu soi. Nói cửa chùa
là cửa từ bi không thôi là đang có nhận thức phiến diện, tất nhiên ở đây không
đề cập đến cách hiểu “sao cũng được”.
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhớ lại lời huấn thị của
Đức Pháp chủ GHPGVN - Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ tại Đại hội đại biểu Phật
giáo toàn quốc lần thứ VII: “Tăng Ni, Phật tử phải tự thân để làm tốt mọi
Phật sự của mình thật đúng nghĩa, không ngụy biện với tinh thần tùy duyên nhưng
bất biến, bất biến tùy duyên. Có làm được như vậy mới xứng đáng với lịch đại tổ
sư và các bậc tiền bối đã hy sinh cả đời mình vì Đạo pháp, vì Dân tộc!”.
Trách nhiệm của Tăng Ni, Giáo hội trong việc hướng dẫn người đi chùa có những
ứng xử văn hóa, đúng nghĩa với tinh thần chánh tín của đạo Phật, thiết nghĩ là
một trong những Phật sự như thế!
Hoàng Độ