15/08/2013 20:26 (GMT+7)
Số lượt xem: 1356
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mùa hạ, từ giữa tháng tư tới giữa tháng bảy âm lịch, là mùa an cư kiết hạ của chư tôn đức Tăng Ni. Cũng trong khoảng thời gian ấy là mùa hè của những người trẻ - thanh thiếu niên, nên nhà chùa đã chọn đây là thời điểm tổ chức những khóa tu, đồng thời huy động sinh viên tham gia cùng với Phật giáo “tiếp sức mùa thi”. Vì ý nghĩa đó, tôi gọi mùa hè là mùa tu của người trẻ!


Khi khóa tu nở rộ

Đó là bề nổi trong hoạt động Phật sự vào những tháng hè (từ tháng 6 tới tháng 9 hàng năm) của các chùa. Nếu như trước đây, khóa tu mùa hè chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn, TP.HCM) là một trong những khóa tu mùa hè hiếm hoi, thu hút hàng ngàn người trẻ tham gia thì đến nay, từ Nam chí Bắc, gần như tỉnh nào cũng có mở khóa tu mùa hè danh cho thanh thiếu niên với con số từ vài trăm khóa sinh trở lên.

Ldl.jpg

Hàng ngàn bạn trẻ tham dự Khóa tu mùa hè tại chùa Hoằng Pháp
giao lưu với GS Ngô Bảo Châu - Ảnh: Chùa Hoằng Pháp

Ngoài Bắc có chùa Bằng, hệ thống các thiền viện Trúc Lâm, chùa Đình Quán… thì trong Nam có chùa Hoằng Pháp, chùa Quê Hương… với sự thu hút khá đông những người trẻ tham dự. Chẳng hạn như khóa tu mùa hè lần thứ 9 tại chùa Hoằng Pháp (từ ngày 30-6 tới 7-7-2013) thu hút 3.100 khóa sinh hay hội trại Tuổi trẻ & cuộc sống, chủ đề “Hiểu và thương” tại chùa Quê Hương (Đồng Tháp) với con số tham dự trên 1.000 trại sinh. Đó là những con số ấn tượng, có thể minh chứng một điều là Phật giáo có sức hút đối với người trẻ chứ phải… già cỗi như nhiều người vẫn đánh giá khi nhìn vào người đi chùa chỉ toàn là U60 trở lên và chủ yếu là phụ nữ.

Thực tế, nếu các chùa, các địa phương chịu khó tổ chức và chọn một mô hình sinh hoạt phù hợp, lồng ghép nội dung sinh hoạt Phật giáo với các vấn đề liên quan tới tâm lý lứa tuổi, hướng nghiệp, định hình lối sống đẹp, sống thiện thông qua các chương trình cụ thể trong khóa tu hoặc hội trại thì chắc chắn giới trẻ sẽ đến để học hỏi và ứng dụng rất đông.

Đừng quên, cuộc sống thời @ “múa may quay cuồng” với đủ thứ phương tiện hiện đại đã rất “hại điện” - khi mà con người, nhất là người trẻ bị lệ thuộc vào, chạy theo nó một cách mỏi mệt, nhiều khi họ muốn thoát ra nhưng lại thiếu phương pháp. Nhớ để rồi nghĩ về lời Phật dạy, chất riêng của đạo Phật là phương cách thực tập tĩnh thức, chánh niệm, hay nôm na theo cách gọi của người hiện đại là sống chậm sẽ là chìa khóa tháo gỡ những khó khăn, ách tắc trong bạn trẻ vì những hệ lụy của chính xã hội mà họ đang sống gây ra.

Một ngày hay vài ba ngày hoặc một tuần thu mình lại, rời xa các phương tiện hiện đại cùng cuộc sống chật vật, lo toan để đến với khóa tu mùa hè, tham gia hội trại Phật giáo với những phút giây thở và cười, ngồi tĩnh tọa, lắng lòng, đi khẽ, nói nhẹ, ăn cơm trong chánh niệm… chắc chắn là một cơ hội để người trẻ nhìn lại mình và nhận diện nhiều thứ mới mẽ mà trước đây họ chưa thấy hoặc chưa có dịp để thấy, chưa được ai chỉ cho thấy.

Một đôi ngày tất nhiên sẽ chưa thể chuyển hóa hết và thay đổi hoàn toàn cục diện vốn đã là tập khí lâu dài, huân tập một thời gian quá lâu nhưng đến khóa tu, hội trại với những thực tập ngăn ngắn về thời gian nhưng có chất lượng (vì có thầy hướng dẫn, có đại chúng đông cùng thực tập) sẽ trao cho bạn trẻ phương pháp, xác tín một con đường đi đến bình an không phải là kiếm tìm từ bên ngoài mà là bắt đầu từ bên trong. Thay vì buồn quá, mệt quá, chán quá, đuối quá thì đi du lịch, đi cà phê, đi nhậu, tán gẫu, giải tỏa stress nơi karaoke, thậm chí sàn nhảy thì bạn trẻ được trao “chìa khóa” hãy về quán niệm hơi thở, ngồi ngắm Bụt, ngắm chư vị Bồ-tát mà thở vào, thở ra, nhận diện nỗi khổ niềm đau có mặt trong mình rồi ôm ấp nó, thương nó, chuyển hóa nó chứ không tống khứ hoặc cố đẩy nó ra bằng mọi giá…

Đó là phương pháp bất bạo động, đầy từ bi để chữa lành những tổn thương trong tâm, thuộc về tinh thần mà Phật giáo trao cho người trẻ. Không khó để thực hiện nếu chịu khó… dừng lại, không lao xao như con thoi, không động đậy như con lật đật mà bình tâm, điềm tĩnh trước mọi diễn biến của cuộc sống.

Mùa tình nguyện

Vâng, kể từ năm 2009, Báo Giác Ngộ khởi xướng chương trình Tiếp sức mùa thi, dựa trên thực tế cần được tiếp sức của sĩ tử nghèo, nơi nhiều vùng quê khác nhau trong mỗi mùa thi tuyển sinh đại học về. Thế nên kể từ năm đó đến nay, đã trải qua 5 năm “tiếp sức”, chương trình được giao hẳn về Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư trực tiếp tổ chức, điều hành (từ năm 2012) đã thu hút hàng trăm chùa và nhà Phật tử ở ba địa phương gồm TP.HCM, Cần Thơ, Đà Lạt (Lâm Đồng) tham gia chăm lo cho những ước mơ của người trẻ. Chương trình mỗi năm tiếp sức được hàng ngàn thí sinh với hàng trăm ngàn suất ăn chay miễn phí và chỗ trọ không tốn tiền đã nhận được sự đánh giá tốt của xã hội.

ldl2.jpg

Bạn trẻ TNV chương trình Tiếp sức mùa thi do Ban HDPT T.Ư tổ chức - Ảnh: Vũ Giang

Chương trình thể hiện sự nhập thế của Phật giáo, và tất nhiên không chỉ dừng lại ở mỗi ba địa phương trên mà còn được sự hưởng ứng của nhiều địa phương khác với các cơ sở Phật giáo khác như Hà Nội có chùa Bằng, chùa Đình Quán, Huế do Trung tâm Liễu Quán trực tiếp điều hành hay Đà Nẵng, Quảng Nam do GĐPT trực tiếp tham gia… Có được sức lan rộng đó và thành công trên các mặt trận chính là nhờ đội ngũ tình nguyện viên trẻ không ngại khó ngại khổ, dấn thân cùng làm với các tổ chức thuộc Phật giáo.

Để có thể tham gia mấy ngày tiếp sức mùa thi, các bạn tình nguyện viên đã “hi sinh” suất làm thêm hay đợt về thăm gia đình dài ngày để vừa tập huấn vừa trực tiếp làm công việc hướng dẫn, đưa đón thí sinh và người nhà một cách ân cần, chu đáo. Những bóng áo xanh của chương trình Tiếp sức mùa thi do Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư tổ chức hay những bóng áo lam của anh chị huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn… cho thấy tinh thần vì cộng đồng, đồng cảm với những ước mơ, vươn lên trong khó khăn của những sĩ tử, mầm xanh tương lai của đất nước.

Đức Phật dạy rằng, việc thiện chính là việc “lợi mình, lợi người” trong chiều hướng hiện tại lẫn tương lai. Do vậy, tiếp sức cho những ước mơ, giúp những thí sinh tự tin hơn trong mùa thi cũng là việc thiện trong ý nghĩa hiến tặng sự bình an, xóa đi bớt những lo lắng, bỡ ngỡ của lần đầu xuống phố, lên thị thành đi thi của học trò chân đất. Hoặc, những hội trại, khóa tu cũng có rất nhiều những tình nguyện viên sẵn sàng làm công việc hướng dẫn, chung tay lo cơm nước cho trại sinh, khóa sinh tu học cũng chính là “cộng tu” trong niềm hoan hỷ rằng, khi mình giúp người tu tập cũng như mình đang thực tập việc tu, không khác.

Tu là như thế, bắt đầu bằng ý nghĩ làm lợi người để kiến thiết nên trong mình, từ ý-khẩu-thân những thiện nghiệp, từ nhỏ đến lớn, rồi dần dần mình sẽ thuần thục, nhuần nhụy. Cũng là lời Phật dạy, đừng chê những việc thiện nhỏ mà không làm, nên nếu có cơ hội làm việc thiện, dẫu chỉ là một ý nghĩ mong cho người ta bớt khổ cũng nên cố gắng mà nghĩ, huống hồ xắn tay vào giúp người, tình nguyện đem lại cho họ niềm vui, niềm tin hoặc dốc sức, dốc hầu bao mang đến cho người nghèo những phần quà vật chất nho nhỏ và tấm lòng ấm áp, sẻ chia!

Nghĩ đến đó mà vui, mà hoan hỷ quá chừng, vì mùa hè là mùa thúc liễm thân tâm của chư Tăng Ni và cũng là mùa hòa vào dòng đời giúp người bớt khổ, hoặc bước vào chốn thiền môn thanh tịnh làm tâm mình lắng lại của rất nhiều người trẻ…

Lưu Đình Long (Đạo Phật Ngày Nay)


Âm lịch

Ảnh đẹp