30/05/2012 18:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 90777
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GNO - Với tôi, nghệ thuật là nói đến “tam giác” chơn-thiện-mỹ và người làm nghệ thuật chính là người suốt đời theo con đường chơn-thiện-mỹ, hiến tặng cái đẹp cho cuộc đời…


Có một người nghệ sĩ đã một đời theo đuổi con đường ấy, để rồi mới đây chị đã được nhận một danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), một sự ghi nhận của xã hội đối với chị. Ít ai biết rằng đằng sau vai diễn với vị trí là nghệ sĩ thì chị còn là một Phật tử, diễn trọn vai đối với cuộc đời bằng cái tâm của một người con Phật. Ở đây tôi muốn nói đến một NSND vừa được phong tặng - NSND Kim Cương.

NSND Kim Cuong.jpg

Hành trình các vai diễn của NSND Kim Cương

Tâm và tài

Cuộc đời của NSND Kim Cương với nhiều nỗi thăng-trầm, và rõ ràng, thăng-trầm là lẽ đương nhiên của bất kỳ kiếp người nào trong cõi luân hồi, vô thường này. Từ một nghệ sĩ tài danh, với những vai diễn để đời, với nghiệp diễn gắn liền bao thế hệ để rồi sau đó suốt 15 năm lặng lẽ, không xuất hiện với bất kỳ vai nào thì chị đã trở lại bất ngờ với danh hiệu cao quý. Có lẽ chính vì vậy, ngay sau khi trở lại, NSND Kim Cương đã khẳng định “Là nghệ sĩ phải đóng góp cho nghệ thuật”. Đấy là cái tâm của người nghệ sĩ, là mục tiêu và là thiên chức của bất kỳ nghệ sĩ nào thực tâm muốn “sống” với nghệ thuật.

Còn tài? NSND Kim Cương thì có lẽ công chúng nào cũng biết, cũng đã từng nghe về tài danh của chị, như báo Sân Khấu sau khi chị nhận được danh hiệu cao quý đã tóm lược một đoạn: “Vai diễn đầu tiên của Kim Cương trên sân khấu đó là vai A Liễu, một vai chính trong vở cải lương “Giai nhân và ác quỷ” do soạn giả Duy Lân viết riêng để giới thiệu Kim Cương. Vai diễn thành công và kể từ đó cuộc đời của Kim Cương đã gắn liền với ánh hào quang sân khấu, trở thành một đào sáng chói trên sân khấu cải lương và được báo chí phong tặng biệt danh Kỳ nữ (người phụ nữ kỳ tài). Không chỉ thành công trên sân khấu cải lương, mà cô còn là một trong những ngôi sao điện ảnh đầu tiên và hàng đầu của nền điện ảnh Việt Nam thời bấy giờ.

Những năm NSND Bảy Nam không còn sức khỏe, Kim Cương lại thay mẹ mình gánh vác đoàn hát, lưu diễn khắp ba miền với những thành công vượt bậc. Khi kịch nói thiếu vở diễn, Kim Cương đã “liều mình” khai phá mảnh đất hoang thoại kịch trong vai trò là tác giả với bút danh Hoàng Dũng. Một Kim Cương nghệ sĩ, rồi bầu gánh, tác giả và cả đạo diễn... ở vị trí nào cô cũng đảm nhiệm một cách xuất sắc. Các kịch bản của Kim Cương như: Tôi là mẹ, Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Hai mùa giáng sinh, Vực thẳm chiều cao, Bông hồng cài áo... đã in dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả với những hình tượng người mẹ, người vợ, người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó và là những vở diễn kinh điển mang phong cách rất riêng - “Kịch Kim Cương”.

Hơn 60 kịch bản do Kim Cương viết được ký dưới bút danh Hoàng Dũng, cô đã trở thành nữ soạn giả đầu tiên được trao kỷ lục quốc gia. Và có lẽ, nhắc đến NS Kim Cương còn có một kỷ lục khác, đó là vai Diệu trong vở Lá sầu riêng - một vai diễn mà cô đã diễn từ khi tóc cô còn xanh, cho đến khi bắt đầu điểm bạc. Trong ngót gần nửa thế kỷ qua, cô Diệu của Kim Cương đã lấy không biết bao nhiêu là nước mắt của khán giả ở từng thế hệ khác nhau”…

Người nghệ sĩ giữa đời thường

Giữa đời thường, NSND Kim Cương từng có lần tâm sự với phóng viên, rằng, chị cũng từng mê và rồi ngộ. Cái duyên để ngộ chính là khi chị gặp minh sư - HT.Thích Thanh Từ. Từ lúc ngộ và thực tập chữ “buông” mà suốt cuộc đời chị tìm kiếm nên bây giờ Kim Cương rất tự tại. Sáng tối kệ kinh, niệm Phật, có dịp đi đến đất Phật và cảm, thương về bậc Giác ngộ nên càng tinh tu.

Với Kim Cương, tu thì phải sống thiện, làm thiện, và vai trò Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ em mồ côi TP.HCM không phải chỉ là chức danh cho có. Những chương trình, những món quà ấm áp niềm tin mang tới cho những mảnh đời bất hạnh của Kim Cương chính là minh chứng cho nếp sống chơn-thiện-mỹ (nếp sống cao thượng, một giá trị của người nghệ sĩ) mà chị thể hiện giữa đời thường.

Nếu người nghệ sĩ trên sân khấu mang đến cho công chúng niềm vui trong nghệ thuật, xới dậy trong tâm thức họ những hạt giống lành thông qua vai diễn thì người nghệ sĩ giữa đời thường chính là người biết sống sẻ chia với khó khổ của mọi người xung quanh, xới lên hạt giống từ-bi trong lòng người.

NSND Kim Cương đã làm điều đó, như một cách chọn con đường sáng, cũng là để tri ơn Phật. Tri ơn Phật pháp đã cứu mình, như chị khẳng định trên Tuổi Trẻ ngày 6-5-2012: “Nếu không nhờ Phật pháp nhiệm mầu có lẽ tôi cũng đã tìm đến cái chết sau nhiều biến cố riêng tư”.

Chúc Thiệu

http://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/doisongquanhta/2012/05/30/32D05B/


Âm lịch

Ảnh đẹp