05/03/2012 13:45 (GMT+7)
Số lượt xem: 77544
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đó là chữ “trí” trong “phi trí bất hưng”, một đúc kết mang tính quy luật về sự hưng thịnh của một quốc gia. Nhưng liệu có đúng thế không nhỉ?


Sự khẳng định “phi nông bất ổn”, “phi công bất phú”, “phi thương bất hoạt” thì quá rõ rồi. Và nội hàm của chữ “ổn”, chữ “phú” và chữ “hoạt” trong sự đúc kết ấy của nhà bác học Lê Quý Đôn xem ra cũng đã đủ để nói về mục tiêu chúng ta đang hướng tới: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cần gì phải có chữ “trí” nữa? Vả chăng, “có thực mới vực được đạo” từng là một đúc kết thường đi kèm với câu vè dân gian “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Còn nếu nói chữ nghĩa ra thì người ta hay nhắc đến câu của Mạnh tử: “có hằng sản mới hằng tâm”!

Vả chăng, cái tạng của anh “trí’ này thì thường rắc rối và “bất kham” vì hắn là người, theo ý của cụ Mác, “nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào”.*

Chẳng những thế, các anh "trí" này lại cứ hay vơ việc vào mình mà không hề sợ “ôm rơm nặng bụng”. Quả là có chuyện đó, hãy cứ nhắc lại lời J.P Sartre, triết gia người Pháp thế kỷ XX thì rõ: “Trí thức là người làm những việc chẳng ăn nhập gì đến họ, (s’occupe de ce qui ne le regarde pas). Kỹ sư thì không lo xây cầu, thầy thuốc thì không lo khám bệnh, kinh tế gia thì không lo cộng trừ nhân chia với cái thống kê. Tại sao họ lại xớ rớ vào những chuyện không liên quan gì đến họ vậy, tại vì họ cho đó chính là chuyện của họ. Chuyện không phải là của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức*.”

Rắc rối là ở chỗ này đây. Mà nào chỉ ông triết gia phương Tây nọ, cụ Nguyễn Công Trứ của ta, người từng đưa ra lời nguyền thật bi tráng “Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thong đứng giữa trời mà reo”, vào thời trai trẻ đã ra tuyên ngôn về kẻ sĩ phải là người “vũ trụ chi gian giai phận sự”, xem việc trong trời đất là phận sự của mình! Thế cơ đấy. Vì vậy mà “kẻ sĩ’ này đã từng “kinh luân khởi tâm thượng, binh giáp tàng hưng trung”, cách sắp xếp việc nước đã định sẵn trong lòng, đồ binh giáp để đánh giặc (tức là tri thức quân sự) đã định sẵn trong bụng. Con người ấy từng là bậc kinh bang tế thế, là danh tướng cầm quân dẹp cường khấu ở Lạng Sơn, bắt Phiên tặc ở thành Trấn Tây, trừ Hải tặc ở ngoài Đông Hải… cũng là người chỉ huy công cuộc lấn biển mở đất ở Kim Sơn Tiền Hải, đắp đê ngăn mặn ở Hải Dương vùng châu thổ Sông Hồng, rồi khơi dòng Mê kông ở Long Xuyên vùng đồng bằng sông Cửu Long… Cũng là người “lầy chính đạo” để chống tham nhũng ngay giữa triều đình.

Quả thật con người này đã tỏ rõ bản lĩnh của một trí thức đích thực “trong lăng miếu ra tài lương đống, ngoài biên thùy rạch mũi can tương”. Chẳng những thế, trên văn đàn, con người ấy cũng chiếm riêng một góc độc đáo trong lịch sử văn hóa nước nhà. Thế rồi, vì ông giỏi quá, bản lĩnh quá, “trí thức” quá nên luôn lấy chuyện không phải là của mình mà vẫn thấy là của mình để ứng xử với đời, lại cả gan “nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu”, mà tệ nhất lại là “không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào” cho nên trách gì chẳng rước họa vào thân! Kết quả là, Nguyễn Công Trứ đã năm lần bị cách chức, giáng chức, trong đó có lần bị án “trảm giam hậu”, có lần cách tuột làm lính trơn đày đi xa.

Con người “kinh luân khởi tâm thượng, binh giáp tàng hưng trung” ấy về hưu lúc bảy mươi tuổi với hai bàn tay trắng. Trước khi chết, cụ để lại di chúc từ chối mọi nghi lễ chính sách của triều đình, dặn chôn ngay tại huyệt đã đào sẵn dưới chõng tre, rồi trồng bên mộ một cây thông với lời bi phẫn đã dẫn ở trên!

Đâu chỉ một Nguyễn Công Trứ! Không ít những “kẻ sĩ”, như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Chu Văn An, Cao Bá Quát cũng có thân phận bi tráng như vậy! Chẳng thế mà không ít những trí thức trong lịch sử thường lấy triết lý Lão Trang để di dưỡng phẩm tính làm người, “Ôi nhân sinh là thế ấy. Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao...” Bi phẫn mà thốt lên như vậy, nhưng phần lớn trong số họ “nói vậy mà không phải vậy”, họ vẫn đã vượt lên chính mình bằng nhiều chiêu thức khác nhau để “trong vũ trụ đã đành phận sự, phải có danh mà đối với núi sông”.

Cái chữ danh ở đây ẩn chứa một hàm lượng ngữ nghĩa khá rộng, cũng có thể là công danh đi liền với phú quý, nhưng có lẽ lớn hơn là danh dự, danh phận, là sự nghiệp để lại cho đời, trong đó sâu đậm hơn cả là danh dự của người trí thức đích thực. Chính vì thế mà người đời nhớ đến họ, lịch sử ghi nhận họ. Xưa đã thế, nay cũng vẫn phải như thế.

Cho dù phải cay đắng với những giọt nước mắt

… khóc những chân trời
không có
người bay
Lại khóc
những người bay
không có chân trời [ Trần Dần ]

thì vẫn phải thừa nhận rằng, với bản lĩnh trí thức, tự họ, họ đã tạo ra những chân trời cho chính mình để xứng đáng với nhân cách và phẩm tính trí thức của họ. Chẳng thế sao? Khi viết những dòng thơ trên, thì chính nhà thơ đã tự tìm lấy “chân trời” cho mình đấy thôi. Vả chăng, người trí thức đích thực trước hết phải là một nhà văn hóa. Mà “văn hóa là không thỏa mãn cái đã có, là đi tìm chân trời”. Thế nhưng lại “không tìm thấy đâu, vì đi tới thì nó lại lùi xa…”**

 Không thể có một bản chỉ đường đã được vạch sẵn, cứ thế mà ngoan ngoãn, cung cúc bước theo, mà phải biết tự mình tìm tòi. Chính vì “không thỏa mãn cái đã có” nên phải “đi tìm chân trời ”, cách đặt vấn đề như vậy đã là một sự bứt phá.

Xin trích một đoạn văn viết về cha mình của đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh để nói về điều ấy:

Cách đây 6 năm có dịp sang Nhật, tôi đã lần tìm lại dấu vết của cha tôi trong những ngày du hoc tại đây. Tôi được nghe kể rất nhiều mẩu chuyện cảm động về cha mình. Cuối cùng tôi được giới thiệu đến gặp Giáo sư Tomio Takeuch , Viện trưởng Viện Hoá vi sinh Tokyo. Ở Nhật bản này ông được xếp vào hạng người bất tử, nghĩa là được làm việc cho đến hết đời không phải về hưu.

Giáo sư Takeuchi ân cần tiếp tôi trong phòng khách của Viện. Ông cho biết đã từng làm việc với cha tôi tại Trường Đại học Y khoa Tokyo trong 3 năm trước khi Nhật đầu hàng đồng minh. Rồi ông nói: Nhưng tôi chỉ là đàn em của cha anh thôi. Hồi đó cha anh đã có nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao trong giới Y học. Có một số công trình tôi viết chung với cha anh, nhưng tên ông bao giờ cũng để trên tên tôi. Ông là bậc đàn anh của tôi. Công việc nghiên cứu của ông đang tiến triển rất thuận lợi, không hiểu sao ông lại bỏ dở tất cả để về nước. Sau này nghe tin ông mất chúng tôi rất thương tiếc… Mà cũng lạ. Hồi ấy người Mỹ cũng đã bất đầu biết đến cha anh, mời cha anh cộng tác với họ. Nhưng rồi cha anh cũng từ chối. Tôi nghĩ ông có điều gì thôi thúc lắm ở bên trong. Tôi nghĩ thầm: Giáo sư không hiểu tại sao cha tôi lại bỏ tất cả để về nước ư? Thưa Giáo sư, là vì cha tôi không muốn làm nguời đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc mình. Nhân cách của cha tôi không cho phép ông làm như vậy. Ông cũng biết rằng nếu ông tiếp tục ở lại Nhật Bản làm việc cùng giáo sư, con đường khoa học của ông hẳn cũng rực rỡ như của giáo sư bây giờ. Nhưng ông đã chọn cho mình con đường khác, và đó có lẽ là một đặc điểm nổi bật nhất của người trí thức Việt Nam.”

Với “đặc điểm nổi bật” đó, giáo sư Đặng Văn Ngữ đã có một quyết định không gì lay chuyển được: phải vào chiến trường Trị Thiên, mặt trận nóng bỏng nhất lúc bấy giờ, để nghiên cứu một thứ vắc xin miễn dịch sốt rét rồi ứng dụng ngay tại chỗ cho bộ đội, nhằm thực hiện mục tiêu giảm tử vong vì sốt rét cho họ. Sau nhiều lần đề đạt nguyện vọng, cuối cùng ông được toại nguyện để rồi chưa kịp tìm được vaccine miễn dịch sốt rét, thì ông đã chia sẻ với họ cái chết ngay tại chiến trường bởi bom B52!

Dẫn ra một trường hợp “không muốn làm nguời đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc mình” rất tiêu biểu nói trên cũng chỉ để nói rằng: với đặc điểm nổi bật ấy của người trí thức, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bộ phận tinh hoa của dân tộc vẫn in đậm dấu ấn của mình trong sự nghiệp của đất nước. Lật từng trang lịch sử dựng nước và giữ nước đều nhận ra được dấu ấn ấy khi bàn về sự hưng vong của một triều đại, một chính thể.

Sự hưng vong ấy tùy thuộc vào việc có chiêu tập, quy tụ được bộ phận tinh hoa của đất nước, những người biết hấp thu vào mình trí tuệ của thời đại, đồng thời cũng góp phần của dân tộc mình vào trí tuệ của thời đại, hay không. Mà nói đến “tinh hoa” chính là nói đến những phẩm chất cơ bản làm nên bản lĩnh, phẩm giá và danh dự của dân tộc, góp phần vào sức mạnh của đất nước, góp phần quyết định chuyện “hưng” hay “bất hưng” của một quốc gia.

Quả đúng là cái chữ “trí” trong mệnh đề “phi trí bất hưng” giữ một vị trí không thể thay thế, hoặc nói như Phạm Văn Đồng: “Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá”! **

---

* Dẫn lại theo Cao Huy Thuần

** Phạm Văn Đồng “Văn hóa và Đổi mới. Tác phẩm và Bình luận" - Bộ Văn hóa Thông tin, 1997. Câu nói trên nằm trong cách giải thích của tác giả về câu nói của Nguyễn Trãi “Nước ta là một nước văn hiến”, điều đó có nghĩa là trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là những của quý không gì thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá.”

GS. Tương Lai (Theo Tia Sáng)

 


Âm lịch

Ảnh đẹp