DOANH NHÂN VÀ BẢY THỨ TÀI SẢN


Thích Thanh Thắng Uỷ viên Ban Văn hoá Trung ương GHPGVN
27/03/2011 10:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 2127
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sẽ có người nói rằng, người xuất gia thì chẳng nên bàn đến những chuyện về kinh doanh, làm giàu. Nhưng khi nghe một doanh nhân nói: “Đồng tiền không làm cho người ta giàu có hơn, một khi họ đánh mất uy tín và danh dự…”, thì theo góc nhìn của đạo Phật, người viết có đủ tự tin để lạm bàn đôi chút về chuyện làm thế nào để một người được gọi là người giàu.


Bàn chuyện làm sao để kinh doanh có lãi thì doanh nhân là những người có thừa kinh nghiệm. Nhưng điều chúng tôi quan tâm đến chữ “giàu” chẳng phải vì những đồng tiền ấy được công bố qua những con số ồn ào trên báo chí, mà chính là sự vươn lên của tầng lớp doanh nhân, một tầng lớp đang khẳng định những giá trị thực sự của người giàu đối với sự phát triển chung của một quốc gia, đặc biệt thông qua cách họ sử dụng đồng tiền.

Siêng năng làm việc thì tạo ra ích lợi, mà ích lợi gần nhất đối với con người chính là của cải, vật phẩm. Của cải, vật phẩm càng phong phú, dồi dào thì đời sống càng thịnh vượng. Một dân tộc cường thịnh phải là một dân tộc dám ước mơ, dám sống với những lý tưởng làm giàu, và điều quan trọng là mỗi người đều phải siêng năng làm tròn chức trách, phận sự của mình. Phật bà Quan Âm Nghìn mắt Nghìn tay sở dĩ được dân gian tôn sùng như một biểu tượng của lòng từ bi cứu khổ, vì đó là biểu tượng của “Tri - Hành hợp nhất”. “Mắt” là cái biết. “Tay” là cái làm. Có “biết” thì mới “làm”, không làm bừa, đó gọi là trí tuệ. Làm không mệt mỏi do cái biết đã vững vàng, đầy đủ, khi ấy năng lực cứu giúp được tạo ra là vô biên, ai có yêu cầu gì thì cứu giúp, đó gọi là tùy thuận chúng sinh. Một người có thể thực hiện nhiều những phương tiện khác nhau để tùy thuận chúng sinh thì được xem là người hành Bồ tát đạo. Có nghìn mắt thì phải có nghìn tay tương ứng, bởi biết nhiều mà làm ít thì cũng chẳng đem lại nhiều lợi ích, biết ít mà làm nhiều thì càng làm càng gây hại mà thôi. Dân gian gửi gắm triết lý sống của đạo Phật vào hình tượng đó với dụng ý sâu xa như vậy, chứ đâu phải chỉ tạc ra một hình tượng cho kỳ quái để gây tò mò về điêu khắc, mỹ thuật.

Người có khả năng cứu giúp cho nhiều người thì phải làm chủ cái biết, làm chủ hành động của mình. Người chưa giàu có về tài sản thì làm sao cứu khổ, ban vui cho người khác? Nhưng tài sản không chỉ mang khuôn mặt của đồng tiền hay những thứ tương tự như nó, mà cao hơn còn là uy tín và danh dự. Nếu chỉ biết làm đầy kho tiền bằng mọi cách thôi thì chưa đủ để bước vào địa vị của người giàu.

Trong kinh Tăng Chi Bộ (1), Đức Phật có đề cập đến bảy thứ tài sản: Tín tài (lấy chữ tín, lòng tin tưởng tốt đẹp làm tài sản), Giới tài (lấy giới luật và những cư xử chuẩn mực làm tài sản), Tàm tài (lấy sự xấu hổ với những việc làm sai trái làm tài sản), Quý tài (lấy sự sợ hãi với những hành vi bất thiện của thân khẩu ý làm tài sản), Văn tài (lấy sự nghe nhiều học rộng làm tài sản), Thí tài (lấy tâm rộng lượng, chia sẻ làm tài sản), Tuệ tài (lấy trí tuệ làm tài sản). Và Đức Phật khẳng định:

“Ai có những tài này

Nữ nhân hay nam nhân

Được gọi không nghèo khổ

Mạng sống không trống rỗng…”.

Người ta thường nói “Đa kim ngân phá luật lệ” để ví về sức mạnh tàn phá công lý của đồng tiền, đó là một thứ đồng tiền có thể bẻ cong mọi luật pháp. Vậy cái có thể “đối kháng” với đồng tiền để giữ vững kỷ cương quốc gia chính là bảy thứ tài sản như đã nêu ở trên. Một quốc gia mà mọi công dân đều trang bị cho đời sống của mình bảy thứ tài sản đó thì làm sao quốc gia ấy có thể nghèo khó được, người dân làm sao có thể sống một cách trống rỗng, vô vị được.

Tuy nhiên, khi khuyến khích mọi người xây dựng đời sống của mình bằng bảy thứ tài sản đó, Đức Phật cũng không quên giảng về 5 cách sử dụng đồng tiền mà mỗi người phải chú ý thực hiện: 1. Dùng tiền để nuôi sống bản thân và gia đình, 2. Giúp đỡ những người có hoàn cảnh nghèo khổ, cơ nhỡ bất hạnh, 3. Cúng dường Tam Bảo, 4. Tái đầu tư, 5. Dành dụm để dự phòng rủi ro, bất trắc.

Cách sử dụng đồng tiền đã trực tiếp khẳng định lợi ích của đồng tiền đối với cuộc sống, đồng thời cho thấy con người làm chủ được đồng tiền, bảo vệ được tài sản. Ngoài ra, trong kinh Thiện Sanh, Trường Bộ (2), Đức Phật nói thêm về 6 nguyên nhân gây phung phí tài sản mà mọi người cần phải tránh xa là: 1. Đam mê các loại rượu, 2. Du hành đường phố không đúng lúc, 3. La cà đình đám hí viện, 4. Đam mê cờ bạc, 5. Giao du với bạn ác, 6. Quen thói lười biếng.

Tục ngữ người Việt mình có câu: “Giàu đâu những kẻ ngủ trưa, sang đâu những kẻ say sưa tối ngày”. Thực mục sở thị những gì đang diễn ra trên đường phố và khắp các hàng quán, đối chiếu với thời gian làm việc được nhà nước quy định, chúng ta dễ dàng nhận ra người Việt mình đang phung phí rất nhiều tài sản. “Kẻ ngủ trưa” là những kẻ đánh cắp thời gian, ưa đến làm việc trễ và về nghỉ sớm. “Kẻ ngủ trưa” là những tiêu phí sức lực và tâm trí của mình vào những chuyện say sưa vô bổ, không nỗ lực cho công việc mà bày trò du hí để giết thời gian, làm thui chột sự sáng tạo… Đất nước không thể trở nên giàu có khi những “kẻ ngủ trưa” xuất hiện trong mọi ngành nghề, mọi tầng lớp xã hội.

Cái giàu bị đánh cắp bởi sự phung phí thời gian, tuổi tác. Còn cái sang cũng biến mất cùng với thói quen say sưa, nghiện ngập. Bao nhiêu những chuyện hỉ nộ ái ố, tầm phào, bao nhiêu những ngôn ngữ loạn chuẩn đều từ thói say sưa tối ngày mà ra cả. Tiền mà mỗi người dân kiếm được thì ít, quốc gia vẫn còn đang nghèo, nhưng hãy nhìn cách không ít người quăng đồng tiền vào những cuộc nhậu, gọi thức ăn như quát, coi người phục vụ mình như nô lệ, xem nhẹ việc nuôi sống gia đình… thì sẽ thấy đồng tiền nó tàn phá người dân mình ra sao. Người xưa đâu chỉ muốn giàu không thôi, họ còn muốn tìm cách nâng mình lên để sang nữa chứ. Giàu mà không sang, không đàng hoàng thì chỉ cho ra hình ảnh của một anh trọc phú. Anh trọc phú ấy càng sơn phết cho cái vẻ hoành tráng ở bên ngoài thì càng lộ ra một bộ mặt kệch cỡm, khó ưa. Đó chính là tướng tự tâm sinh. Một quốc gia mà đi đâu cũng thấy ô nhiễm, nhếch nhác, giành giật, xâm lấn, cơi nới, nạt nộ, khinh khi nhau… thì đủ biết cái “Tâm” của người dân trong quốc gia ấy còn phải cần điều chỉnh nhiều lắm.

Một người không biết sử dụng tài sản của mình vào việc gì cho hợp lý, không biết cách nâng phẩm chất sống của mình lên thì dù có sở hữu một khối tài sản khổng lồ, anh ta cũng không phải là một người giàu đúng nghĩa. Đáng tiếc, từ lâu cách xã hội công nhận người giàu lại chỉ nhìn vào khối tài sản kếch xù (nhưng bấp bênh) ấy. Vì sao gọi nó là bấp bênh, vì nếu một người không tự làm giàu cho mình bằng những giá trị tài sản khác thì cái làm giàu bất chính, làm giàu phi pháp sẽ kéo họ vào hố chôn chính mình, tiêu tán sản nghiệp một cách nhanh chóng. Chính việc làm giàu bằng mọi cách, bất chấp đạo lý đang tạo ra nghiệp trộm cắp, nghiệp tham nhũng, nghiệp gian ác, những thứ nghiệp chướng này sẽ tàn phá đất nước ở cả chiều rộng và chiều sâu, và cái chữ “đa kim ngân phá luật lệ” càng dương dương tự đắc mà hành xử, mà gây oán, chuốc hờn với cộng đồng xã hội. Tại sao, người mình lâu nay cứ nghĩ rằng “có thực mới vực được đạo”, mà không thử nghĩ cách để lấy “đạo” mà vực cho cái ăn, cái mặc, cái ở đàng hoàng hơn?

Một khi mọi khuynh loát, dấy động, tha hóa đều được đồng tiền bảo kê thì càng nhiều người giàu như vậy, người dân càng đối mặt với mối nguy mất an toàn về thân thể và tài sản. Khi tham nhũng trở thành quốc nạn, cũng là lúc cho ra kết luận chính xác về một xu hướng làm giàu một cách bất lương và thiếu sạch sẽ. Người giàu thì phải biết cách sử dụng đồng tiền sao cho vừa ích mình vừa lợi người. Người sang thì không thể ăn bẩn, ăn một cách lén lút, ăn trong bóng tối. Chừng nào người trong thiên hạ còn làm giàu cho họ nhiều hơn họ làm giàu cho người khác thì họ vẫn chưa thể trở thành một người giàu đúng nghĩa. Điều đáng nói, thói vung vít đồng tiền của hàng trọc phú mới nổi vẫn chưa có lý thuyết nào đủ mạnh để định hướng, nên cứ lồ lộ ra những ứng xử bất ổn giữa ban ngày, đến mức nhiều người phải thốt lên rằng ô hay, hình như cái dây thần kinh xấu hổ của anh ta đã bị đứt từ bao giờ mà vẫn chưa có cuộc tiểu phẫu, đại phẫu nào.

Xin nhắc lại, trong bảy thứ tài sản, Đức Phật xem “hổ thẹn” cũng là một thứ tài sản. Một người nếu cứ làm đầy kho tiền của mình bất chấp việc tàn phá môi trường, gây ra những đau khổ cho người khác mà không hề khởi lên một sự hổ thẹn nào thì dù có vẻ hào nhoáng bên ngoài như thế nào, anh ta cũng không thể trở thành người giàu. Một người gây hại trầm trọng cho quốc gia, làm thất thoát tài sản của dân mà không biết hổ thẹn nhận trách nhiệm, thì tự mình đánh mất niềm tin và sự kỳ vọng của dân chúng. Chính sự hổ thẹn sẽ đem đến những điều chỉnh tích cực để anh ta xây dựng lại hình ảnh của chính mình, và mọi điều vẫn chưa trở nên quá muộn. Chẳng phải ngẫu nhiên, trong bảy thứ tài sản đó, Đức Phật lại đặt “Tín tài” lên hàng đầu. Hiện nay không ít doanh nhân đã nhận thức được chữ tín là nguyên nhân hàng đầu để xây dựng thương hiệu. Một thương hiệu mà chữ tín được củng cố thì lợi nhuận sẽ gia tăng tương ứng. Nếu một quốc gia mà mọi người đều biết khởi sự làm giàu bằng chữ tín, thì tin chắc rằng sự sáng tạo sẽ thăng hoa và ít ai phải tham nhũng, đưa hối lộ để làm giàu bất chính.

Chữ tín sẽ đem đến sự công bằng. Một khi niềm tin giữa doanh nghiệp và nhà nước, giữa nhà nước và doanh nghiệp có với nhau thì kho công, kho tư đều cùng đầy lên, đồng nghĩa với việc nhà nước có nhiều điều kiện hơn để hoàn thiện các chính sách giúp các doanh nghiệp phát triển. Việc tăng GDP làm sao để chất lượng sống của người dân được nâng cao nằm ở chính sự lương thiện của cả hai phía và ý chí làm giàu chân chính của cả cộng đồng. Các công ty đừng khai khống thuế thì sẽ làm đầy cho ngân quỹ của quốc gia. Nhưng thử hỏi làm đầy cho ngân quỹ như thế nào khi tham nhũng trở thành quốc nạn, khi những người giữ vai trò lãnh đạo không có đủ sự trong sạch tối thiểu để tạo niềm tin về một khối tải sản được chi dùng hợp lý hơn cho các công việc quan trọng của quốc gia và lợi ích cộng đồng?.

Nếu sự vận hành của nhà nước và doanh nghiệp đúng chuẩn mực thì lợi ích cho cả hai phía sẽ không ngừng tăng lên, khi ấy lương công nhân và các phúc lợi xã hội cũng sẽ tăng theo cùng với niềm tin xã hội. Nếu có ai hỏi Việt Nam có bao nhiêu người giàu, lập tức sẽ có vô số thống kê nhanh nhảu chỉ đích danh ông nọ bà kia, nhưng tin chắc khó ai có thể trả lời chính xác về khối tài sản ấy có được là nhờ vào việc làm ăn chính đáng, minh bạch hay không.

Những con cá săn mồi đều phải đuổi theo những con mồi để đớp nhanh, và trong hàng đàn những con săn mồi sẽ có con no bụng trước vì đớp trúng mồi nhờ kỹ thuật, kinh nghiệm và đôi khi nhờ cả vào sự may mắn nữa. Tất cả mọi kỹ năng săn mồi được đưa ra để làm giàu thêm cho kinh nghiệm kiếm mồi. Nhưng sự đầy bụng của những con cá lớn luôn đi cùng sự giảm sút số lượng của những con cá bé. Dù đó là quy luật sinh tồn trong tự nhiên, nhưng thông thường những con cá lớn thì vẫn ít nguy hiểm, rủi ro hơn. Đây cũng là lý do mà người ta thường ví, người giàu thì giàu thêm, người nghèo thì ngày càng bần cùng, khố rách.

Trong tự nhiên là như vậy, còn ở xã hội loài người thì mọi phát triển đều cần dựa trên sự công bằng, chính sự công bằng tách quy luật của con người ra khỏi quy luật hoang dã (cá lớn nuốt cá bé). Bởi cái làm nên phần người là cái thúc giục con người phải văn minh, phải sang, phải biết vượt ra khỏi sự hoang dã để sống với phần người nhiều hơn nữa.

Người biết đem tải sản chia sẻ cho lợi ích chính đáng của cộng đồng, cũng nên là người hiểu đồng tiền, quý giá trị của đồng tiền, đôi khi cũng phải biết xem nó gắn liền với khúc ruột của mình, tức phải hiểu những khó khăn, vất vả, cơ cực của việc kiếm tiền. Có như vậy mới có thể sử dụng đồng tiền sao cho có ích nhất trong việc nâng cao các giá trị và phẩm tính của cộng đồng. Và chỉ khi có trí tuệ sáng suốt, nhìn ra tương quan nhân quả thì mới có thể cắt khúc ruột của mình cho người khác mà không đau tiếc, không do dự. Biết tặng khúc ruột ấy vào một cơ thể có thể ý chí sống vươn lên, biết tận dụng khúc ruột được trao tặng ấy để sống tiếp một cuộc đời đáng sống thì chính khi ấy, doanh nhân kia đã giàu lên nhờ đạt được “thí tài”. Nếu cắt khúc ruột cho một kẻ đã băng hoại và mất hết ý chí sống, thì lòng từ bi dù có cao cả đến bao nhiêu cũng chỉ là việc làm phung phí tài sản. Còn những người chỉ biết đóng vai từ thiện để mua về những thứ danh hảo, lợi dụng vào việc thiện để tiêu thụ hàng rởm, làm lợi cho bản thân mình thì xét ở góc độ sở hữu bảy thứ tài sản như đã nêu ở trên, họ còn cách rất xa tầm vươn tới địa vị của một người giàu.

Có những người ban đầu cũng nỗ lực sử dụng đồng tiền một cách minh bạch, nhưng không đủ sức kiên nhẫn khi nhìn thấy người khác giàu lên nhanh hơn mình, thế là họ nghĩ rằng làm ăn chính đáng thì thiệt thòi, cần phải gian lận, luồn lách thì mới mau giàu. Ngay khi suy nghĩ thiếu lương thiện ấy xuất hiện, họ rớt ra khỏi địa vị của người giàu, và đồng tiền đã chính thức sai xử họ, làm chủ nhân của họ. Một người làm giàu không lương thiện, không thể làm chủ được đồng tiền bằng chính tài năng và sức lực của mình, mới là người bất an nhất trên cuộc đời này. Thử hỏi một người luôn bất an thì làm sao có thể đem an vui thực sự đến cho người khác? Một người chưa có đủ những định mức và tiêu chí cần thiết để trở thành người giàu khi còn khuyết rất nhiều thứ tài sản tối cần thiết khác, nhưng xã hội cứ thản nhiên tung hê anh ta là “người giàu”, chẳng phải điều đó đang làm méo mó hình ảnh của một lớp người đang ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội hay sao?.

Đồng tiền, cách sử dụng đồng tiền và bảy thứ tài sản để một người có thể sống không nghèo khổ, không trống rỗng được Đức Phật nói đến từ hơn 2.500 năm trước luôn là những điều kiện cần thiết để tạo dựng hình ảnh của một người giàu đúng nghĩa. Có thể không ít doanh nhân sẽ cảm thấy buồn vì một số điều mà chúng tôi vừa nêu, nhưng chúng tôi vẫn giữ quan điểm rằng, chừng nào người tiêu dùng còn làm giàu cho doanh nghiệp nhiều hơn những gì mà doanh nghiệp đang làm cho cộng đồng, thì danh xưng “người giàu” vẫn rất cần phải được suy nghĩ thêm cho chín chắn. Doanh nhân chân chính thì không thể là những người “làm giả ăn thật”. Họ buộc phải “làm thật ăn thật” bằng ý thức trách nhiệm không chỉ của một giai tầng mới mà còn của một giai tầng biết dẫn đầu cho mọi khát vọng sống. Cái mới nào cũng rất cần niềm tin nơi mỗi chúng ta! Và để có được niềm tin ấy, điều đầu tiên mà mỗi doanh nhân phải làm, không gì khác hơn là hoàn thiện “Tín tài”./.

Chú thích:

[1] Phẩm Tài sản, Kinh Tăng Chị bộ, Hoà thượng Thích Minh Châu dịch, phiên bản điện tử do Cư sĩ Bình Anson cung cấp.

[2] Kinh Thiện Sanh (Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt), Hoà thượng Thích Minh Châu dịch.

 


Âm lịch

Ảnh đẹp