20/03/2011 06:59 (GMT+7)
Số lượt xem: 2463
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Người dân đi lễ chùa công đức nhà Chùa nhưng những người nắm tiền công đức ấy họ thao túng. Xã hội chỉ có thể tốt đẹp khi đạt trình độ “phú quý sinh lễ nghĩa” chứ hiện nay mới đạt mức “no hơi ấm cật dậm dật chân tay”;

vì kiến thức chưa đạt được đến mức hiểu biết lễ nghĩa,…nên nó đã đẻ ra những kiến trúc trọc phú vô học, nhìn vào sự vô học lại tưởng là sự đẹp đẽ vì không có kiến thức. Nhất là tâm lý “thờ Phật thì ăn oản’ nên họ ăn nhiều quá; nhất là những điều đó chưa có sự quản lý. Nếu tiền công đức được quản lý chặt chẽ cũng giúp cho ngành văn hoá tránh được những tai hoạ, ung nhọt của những kiến trúc mới gắn với tín ngưỡng tôn giáo.- những điều trăn trở trên đây là một phần trong câu chuyên đối thoại xung quanh câu chuyện những ngôi chùa xây mới hiện nay của GS. TS Trần Lâm Biền với Trần Nga trong văn phòng nhỏ của ông trên tum tầng 3-Cục di sản văn hoá 51 Ngô Quyền.

GS. Trần Lâm Biền là một trong những nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam, luôn dành tâm sức cho công cuộc bảo tồn các di sản văn hoá của dân tộc; Ông có nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá dân gian, tín ngưỡng tôn giáo: Phật giáo và văn hoá dân tộc; Một con đường tiếp cận lịch sử, Diễn biến kiến trúc truyền thống của người Việt; Chùa Việt; Đồ thờ trong di tích của người Việt…

NGƯỜI TA NHẬP VÀO CHÙA NHỮNG THỨ KHÔNG PHẢI PHẬT

- Theo giáo sư Phật giáo và những ngôi chùa có ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống của Việt?
Đối với người Việt, đạo Phật rất được tôn trọng. Nhưng điều đáng nói ở đây là ở chỗ Đạo Phật chính đáng chứ không phải đạo Phật đã bị biến đổi đi. Trong tôn giáo tín ngưỡng, đối với người Việt chính đạo Mẫu lại là đạo bắt nguồn từ đời nguyên thuỷ từ mấy nghìn năm trở về trước. Chỉ đến đầu công nguyên cách đây 2000 năm, đạo Phật mới tới từ phương Nam tới, nó đáp ứng được yêu cầu của người Việt lúc đó. Bởi vì lúc đó đã có sự xâm lược, quấy nhiễu của phương Bắc. CHính người phương Bắc đã đưa đạo Nho, đạo Lão vào để dùng hệ tư tưởng ấy thống trị người Việt. Người Việt đã dùng đạo Phật như một sự đối trọng. Nên đi bên cạnh đạo thờ mẫu thì đạo Phật được người Việt quan tâm rất nhiều. Tuy nhiên mỗi thời đạo Phật phát triển khác nhau: Đạo Phật dung hoà với đạo Mẫu; Phật phái Thảo Đường- dung ổn giữa đạo Phật với đạo Nho, Phật Phái Trúc Lâm - một Phật phái chính trị….


- Và hiện nay thì sao ạ? Người dân ngày càng chuộng lễ bái và lễ chùa hàng tháng có thể cho rằng đạo Phật đang rất thịnh ở nước ta không ạ?
Đến bây giờ, đạo Phật và ứng xử với Đạo Phật của con người không đi vào được bản chất tốt đẹp sâu xa của đạo nữa. Những điều tốt đẹp như Nhẫn, Nghiệp,…chúng ta thấy khó tìm thấy trong thế giới tu hành. Suy cho cùng trên bước đường đi đạo Phật ở nước ta có rất nhiều khủng hoảng, gắn với tiêu cực, vì sự hiểu biết về Hiếu, Nghĩa của đạo Phật không đến nơi đến chốn.
Chính vì không hiểu đến nơi đến chốn nên nay người ta nhập vào chùa nhiều thứ không phải Phật, mà rõ ràng những thứ đó nhiều khi gắn với mê tín dị đoan. Nên người ta đang sống phần nào nó vội vã, tuỳ tiện xây dựng lại nhiều ngôi chùa không theo truyền thống. Đạo Phật dạy con người đi tìm sự đơn sơ nhưng thuộc về bản chất tốt đẹp nhất.

ĐỪNG XOÁ SỔ CHÙA CỦA TỔ TIÊN
-

Gần đây, chùa Bái Đính nằm trong một quần thể du lịch ở Ninh Bình dù chưa hoàn thành nhưng đã giữ nhiều kỉ lục lớn nhất Đông Nam á: Tượng Phật bằng đồng; Chuông, 500 bức tượng La Hán,… Ông suy nghĩ như thế nào về ngôi chùa mới này?
Tôi thấy hiện chùa Bái Đính ở phía trong mới gọi là Bái Đính, còn chùa mới xây hoàn toàn không phải là Bái Đính. Nếu gọi là Bái Đính là hoàn toàn xoá sổ chùa của tổ tiên đấy. Điều thứ hai, trong kiến trúc ba tầng mái, như chúng ta thấy kiến trúc ba tầng mái của chùa Bút Pháp có tháp Cửu phẩm liên hoa – là nơi thế giới của người chết; nhưng chùa Bái Đính mới ấy lại co cái gọi là tam quan – ba tầng mái ở ngoài, khiến người ta đến với cái chết trước khi đến với Phật. Điều đó không chấp nhận được. Toà nhà ba tầng mái có nhiều ý nghĩa lắm, thường nó phải nằm ở phía sau như ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Sổ(Thanh Oai). Nhà Ba tầng mái có thể được đặt ở ngoài nhưng không gắn với chùa mà nó được gắn với tam tài như Hiển Lâm các trong Huế. Nơi đó gắn với Vua- Trời đât- Dân gian; chứ không gắn với tam phẩm của nhà Phật. Để như thế thì con người trước khi đến với Phật đã chết ở Phật tâm rồi. Thì họ chỉ còn đem cái rác rưởi của trần gian đến với Phật mà thôi. Cái chùa Bái Đính mới ấy là phi Phật và có tính chất không đi theo truyền thống, muốn xoá bỏ chùa của tổ tiên và mặt nào đó nó có tính khoe mẽ.


- Giáo sư đánh giá ý nghĩa của ngôi chùa mới to lớn này ra sao?
Những ngôi chùa được xây to lớn nhiều khi nó có tính áp chế khiến con người khi bước vào ngôi chùa bị tâm hồn của mình hoà quyện với sự hoành tráng, bị hình thức nào đó nó làm người ta nhẹ cái tâm đi. Đứng trước ngôi chùa quá to lớn như Bái Đính mới hay Tây Thiên thì con người cảm thấy tâm hồn của mình bị teo đi, bé nhỏ trước áp lực tinh thần nào đó. Người ta không thấy được bản chất hoà vào thiên nhiên, hoà vào vũ trụ, hoà với thế gian của bản thân họ nữa mà chỉ còn tính quy phục mà thôi. Tính chất ấy không đúng với tinh thần của người Việt. Xu hướng xây dựng những ngôi chùa to lớn là khó có thể chấp nhận được trên dòng chảy truyền thống.

- Nhưng hiện nay không phải chỉ ở Ninh Bình xây chùa mới Bái Đính mà đã có rất nhiều nơi, nhiều địa phương tổ chức xây chùa mới, nơi thì trên nền chùa cũ, nơi thì xây bên cạnh,… vậy những người xây phải chú ý gì đến kiến trúc của những ngôi chùa mới này?
Đi vào tín ngưỡng chúng ta phải đi theo truyền thống, phải VN chứ đừng để đến những ngôi chùa kiến trúc mới người ta thấy tây không phải tây, tàu không tàu nhưng nhất định không phải VN như một số ngôi chùa hiện tại đang được làm một cách tuỳ ý không thông qua bộ Văn hoá. Theo kiến trúc truyền thống, một ngôi chùa hay đền, đình phải đạt chuẩn thông tam giới: với mái tượng trưng cho tầng trời, với đất – thân của nó là nơi thần và người tiếp cận, cần được thông nhau. Vì thế nền đất để mộc, hoặc có lát phải để những mạch rộng hoặc dùng gạch bát thấm nước để thông âm dương; những nơi đặt ban thờ thì gầm ban thờ lộ đất… để âm dương không bị cách trở. Nhưng nay thì người ta lát hết, thậm chí lát cả gạch men hoa, gạch tầm thường tưởng là sang trọng nhưng rõ ràng rằng nó đã tạo nên một hịên tượng ngăn cách âm dương không đi theo dòng truyền thống.
Thậm chí người ta còn xây tầng cho chùa thì làm sao các vị thần linh cách biệt khỏi thế gian, khỏi thế giứoi âm mà đầy đủ âm dương hợp đất. Nên kiến trúc của đạo Phật gắn với kiến trúc truyền thống của người Việt có đặc điểm là nó phải hoà vào thiên nhiên, hoà vào trời đất đồng thời theo quan điểm của người Việt không đẩy thần linh lên thượng tầng như thế. Có thể chúng ta xây những ngôi chùa mới, nhưng những ngôi chùa ấy hãy ở những vùng đất mới không gắn với kiến trúc cổ truyền. Kiến trúc mới hãy ra đất mới không ai cấm xây dựng những ngôi chùa mới nhưng đừng đem những ngôi chùa lớn vào đất của chùa cũ. Bởi chùa cũ là tiếng nói của tổ tiên. Chúng ta không có quyền thay đổi kiến trúc một phần hoặc xây mới ở nơi truyền thống cũ ấy. Do sự không hiểu biết phân biệt giữa Phật với thần linh khác nên trong kiến trúc có sự lẫn lộn. Theo kiến trúc cũ, Phật điện là nơi cao nhất nhưng nay người ta xây mới nhiề khi nhà Tổ lại xây cao hơn Phật điện,.. hay Phật tiếp cận với chúng sinh lại biến điện Phật thành hậu Cung như chùa Láng là không thể chấp nhận được. Phật là nơi rộng cửa với chúng sinh nên điện Phật không bao giờ có hậu cung….


- Vì sao lại nhất định phải giữ lại những ngôi chùa cũ bé nhỏ và xuống cấp?
Giá trị của ngôi chùa cổ truyền thực sự không nằm ở vật chất mà ở chỗ khác. Những dấu tích truyền thống chỉ nói riêng về niên đại của những ngôi chùa như ở HN, Bắc Ninh,…hay những ngôi chùa có di tích của đời Trần nằm dọc trên dải đất miền Trung Bộ mang tính chất như những tiền đồn, những ngôi chùa thời Mạc trên mặt bằng châu thổ, trung du, thế kỷ 17 thấy dấu tích ở Non Nước,… Rõ ràng bằng những di sản văn hoá chúng ta thấy tộc người chủ thể đi đến đâu để dấu tích lại tới đó. Điều đó quan trọng như thế nào! Chính những di sản văn hoá của tổ tiên để lại cho biết bước phát triển của cộng đồng dân tộc đi dần tới thống nhất như ngày nay một cách cực kỳ rõ ràng. Thế mà nay cứ phá cái cũ đi để xây những cái mới lên thì còn gì để chúng ta chứng minh những điều ấy. Cho dù dấu tích cũ đã mất nhưng vẫn còn dấu tích trong lòng đất thì chúng ta vẫn phải tôn trọng. Vì có tôn trọng quá khứ thì chúng ta mới biết vào tương lai. Nay xoá sổ những ngôi chùa mới trên nền đất cũ là không thể chấp nhận được. Dù nó tàn phai thì vẫn để đấy vì nó vẫn đang nói với chúng ta những thì thầm của tổ tiên.
CHÙA MỚI KHÔNG THEO KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG LÀ PHÁ HOẠI BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC
- Tuy nhiên, trong khi Bái Đính mới chưa hoàn thành nhưng khách tham quan đã đến rất đông trong một hai năm gần đây…
ở đây chúng ta phải nói rằng, khách tham quan thì cứ tham quan nhưng mà “bất tri bất trách”, chúng ta không trách được bởi trong thời gian qua sự hụt hẫng tinh thần qua thời chiến tranh trở nen rất nặng nề. Nay nay cứ có nơi nào để nó được giải toả tâm hồn là người ta sẽ đến. Người ta đến Bái Đính mới để ngợi ca sự to lớn về cái gì đó rất đời thường chứ không phải thờ đạo. Rõ ràng một khi họ đã hiểu biết thì vai trò của chùa gọi là Bái Đính ấy sẽ tàn phai. Người Việt Nam không chấp nhận sự to lớn một cách thái quá đâu, bởi sự khoe mẽ ấy, người Việt đi sâu vào cái tâm. Sự vĩ đại của nó là ở cái tâm thánh thiện chứ không phải hình thức. Cái hình thức đó làm mờ cái tâm. Khi họ phát triển trí tuệ cao hơn nữa thì họ sẽ nhận ra đó là sự sai lầm.
- Xu hướng xây chùa mới to lớn, khang trang đang khá phổ biến hiện nay trong khi chưa có những quy định về kiến trúc cũng như việc xin cấp phép của bộ Văn hoá, điều này tiềm ẩn những nguy cơ gì?
Đó là một cảnh báo lớn là hiện tượng phá hoại truyền thống văn hoá dân tộc; đúng hơn là phá hoại bản sắc làm méo mó tâm hồn dân tộc. Một dân tộc có thiện tâm vô cùng cao nay lại chỉ quan tâm đến hình thức. Tôi xin nhắc lại là xây dựng chùa cao to mấy cũng được nhưng hãy để ra ngoài không gian kiến trúc của tổ tiên đã làm.
- Phải chăng đã đến lúc nhận định việc xây dựng những ngôi chùa mới nằm ngoài sự quản lý của Bộ văn hoá?
Chuyện này không phải nằm ngoài sự quản lý của nghành văn hoá, mà ngành văn hoá nhiều khi đã không biết đến điều ấy. Đến khi biết được nó đã thành sự đã rồi. Như chùa Hoà Xá bên quận Long Biên vừa được xếp hạng thì đã để mất tượng và bỏ mặc tan nát, sát vách đó là một ngôi chùa mới được xây dựng lên với sự bề thế đời thường, xây tầng hẳn hoi. Như vậy trước đây những ngôi chùa mang vẻ đẹp văn hoá phi tôn giáo thì nay những ngôi chùa to lớn ấy chỉ mang tính chất tôn giáo mà thôi.

Theo SacViet - KTSVN.com


Âm lịch

Ảnh đẹp