20/06/2012 15:23 (GMT+7)
Số lượt xem: 94906
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng



Bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Hồn Việt:

Xã hội hiện đại mang lại cho con người những giá trị vật chất ngày càng cao. Tuy nhiên, con người hiện đại cũng đối mặt với những căng thẳng liên quan đến việc làm, quan hệ gia đình và xã hội. Trạng thái tâm lý này lại tác động đến công việc, đời sống tinh thần, ảnh hưởng đến chất lượng sống. Vậy, có cách nào để giảm thiểu các tác động ấy?

 

 

Câu trả lời từ các nhà tâm lý là “Có”! Mời bạn đọc trò chuyện với một trong những người đã khá thành công trong hoạt động chăm sóc tinh thần - thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt.

* Với tư cách là một nhà chuyên môn, bà có thể chia sẻ về vai trò của đời sống tinh thần trong cuộc sống của con người nói chung, và những tác động cụ thể của tinh thần đối với các lĩnh vực của đời sống?

- Cấu trúc tâm lý của con người hình thành bởi hai yếu tố: Thể chất và tinh thần. Thể chất như là phương tiện, là chiếc xe, còn tinh thần là tài xế. Tinh thần tạo ra năng lượng sống, là chủ nhân của cơ thể. Sức mạnh tinh thần là tài sản vô giá và vô hình, nhưng được thể hiện ra bên ngoài một cách hữu hình.

Trạng thái cân bằng, thoải mái, bình an và hạnh phúc... mắt thường không nhìn thấy được, nhưng tâm hồn trải nghiệm được. Yếu tố tinh thần giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào.

Những căng thẳng kéo dài, các biến cố trong công việc và cuộc sống không được giải quyết sẽ làm tăng khả năng bị bệnh. Các xung đột hôn nhân, mâu thuẫn giữa cha mẹ con cái đều làm con người mệt mỏi, chán nản, mất định hướng sống.

Sự gia tăng áp lực trong cuộc sống (như giá cả leo thang, cạnh tranh công việc, các vấn đề xã hội như tệ nạn, kẹt xe...) khiến con người dễ nổi nóng, phản ứng vội vàng, thiếu suy xét.

Sự thay đổi nhanh chóng về giá trị và lối sống, sự căng thẳng thần kinh và cảm giác mất khả năng kiểm soát, đã trở thành những căn bệnh tâm trí phổ biến trong xã hội hiện đại, gây ảnh hưởng đến thể trạng, cảm nhận cũng như những mối quan hệ của mỗi cá nhân với xung quanh.

Nói một cách ngắn gọn, cơ thể và tinh thần không phải là hai thực thể riêng biệt, mà chúng tương tác và liên quan trực tiếp đến nhau.

* Nói như vậy, tinh thần cũng cần được chăm sóc như cơ thể?

- Ở các quốc gia tiên tiến, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần trở thành một nhu cầu thiết yếu song hành với việc chăm sóc sức khỏe cơ thể. Càng ngày, con người nhận ra một điều rất quan trọng là sức khỏe thể chất có mối liên hệ mật thiết với tình trạng trí tuệ, cảm xúc và tinh thần của con người.

Khi một người có những trải nghiệm nhận thức, cảm xúc và tinh thần mang tính tiêu cực và mất quân bình thì hệ thống miễn dịch cũng bị suy giảm.Theo nghiên cứu y khoa, khoảng 70%- 90% các chứng bệnh lý thuộc về thể chất có nguồn gốc từ tinh thần.

Ngày càng có nhiều người thêm vào thời gian biểu của mình một số thực hành chăm sóc tinh thần như một liệu pháp giải tỏa stress hữu hiệu, biện pháp thư giãn nhằm giữ trạng thái tinh thần tích cực, khai thác hết tiềm năng và tăng hiệu suất làm việc mà không bị kiệt quệ năng lượng sống và mệt mỏi cơ thể.

* Bà có thể nói về một số cách cơ bản mà mỗi người có thể tự chăm sóc sức khỏe tinh thần, như kiểu ăn uống đủ dinh dưỡng hay tích cực rèn luyện thân thể đối với thể chất?

- Chăm sóc sức khỏe tinh thần là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng không phải ai cũng biết cách. Theo nghiên cứu của chúng tôi, có thể vận dụng một số phương cách sau để chăm sóc, cải thiện sức khỏe tinh thần:

Tự đánh giá bản thân: Đó là việc tự nhận thức về mình, nhìn lại chính mình để khám phá những phẩm chất, giá trị, điểm mạnh, điểm yếu...

Đôi khi ta sống với niềm tin sai lạc do nhận thức lệch chuẩn hoặc có vấn đề do các biến cố đời sống cá nhân, sự sai lệch bao giờ cũng làm ta méo mó trong suy nghĩ, nhận thức đúng sẽ giúp ta đặt mục tiêu vừa sức, không rơi vào cảm giác hụt hẫng hay thất vọng - mảnh đất màu mỡ cho những ý nghĩ tiêu cực nảy sinh.

Điều quan trọng là việc khám phá ý nghĩa cuộc sống của chính mình sẽ giúp ta thấy hài lòng với những gì mình đang có, tinh thần vì vậy cũng thăng hoa.

Tạo dựng gia đình hạnh phúc: Gia đình không chỉ là chốn nương náu, mà còn là nơi cưu mang, vỗ về tâm hồn ta. Do đó, mọi người nên dành thời gian cho gia đình, tổ chức các hoạt động chung gắn kết các thành viên, thư giãn với bữa cơm gia đình, tạo ra những ký ức đẹp trong những dịp họp mặt kỷ niệm hay du lịch, lắng nghe, chia sẻ một cách tôn trọng với các thành viên khác.

Quản lý stress:
Stress là một phần của cuộc sống mà chúng ta không thể tránh. Nhưng cách chúng ta ứng phó với stress sẽ tạo ra mức độ ảnh hưởng của nó đối với chính mình. Biết chấp nhận tính tương đối của đời sống sẽ tạo ra một sự quân bình.

Để có sự quân bình đó, chúng ta cần có những triết lý và giá trị sống, cách chọn lựa thứ tự ưu tiên, cái nào là quan trọng với mình ở từng thời điểm của cuộc đời, từ đó mới có những quyết định không hối tiếc hay tạo áp lực cho bản thân.

Hãy tĩnh lặng:
Nội tâm tĩnh lặng đem lại sức mạnh, sự hài hòa thể xác và tâm hồn. Mỗi ngày, nên dành ít nhất 30 phút ngồi tĩnh lặng, bạn cũng có thể cầu nguyện. Tác dụng trị liệu của nội tâm tĩnh lặng làm tăng cao sức mạnh nội tâm, giúp vượt qua mọi khó khăn trong đời sống.

Để làm điều này hiệu quả, bạn cần trang bị những kiến thức tâm lý cơ bản, có kỹ năng suy niệm, qua việc biết cách lắng nghe chính mình và quan sát, từ đó tìm ra các chọn lựa ưu tiên cho những việc phải làm, những điều cần đạt tới trong ngày hôm sau, trong tháng tới, trong một đời...

* Những năm gần đây, ở các thành phố lớn của Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều tổ chức mang tên “Tư vấn tâm lý”, “Chăm sóc sức khỏe tinh thần”. Là một nhà chuyên môn, bà có thể nói về hoạt động và tác động xã hội của những tổ chức ấy?

- Trong xã hội hiện đại, để đáp ứng cho nhu cầu vật chất của cuộc sống, con người phải nỗ lực làm việc trong sự cạnh tranh khắc nghiệt, cho nên sự xuất hiện đồng thời với cuộc sống hiện đại là những trung tâm tư vấn tâm lý, các tổ chức chăm sóc sức khỏe tinh thần là điều hiển nhiên.

* Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt thì thế nào?

- Ở Hồn Việt, chúng tôi hoạt động theo mô hình một tổ chức cung cấp các dịch vụ tâm lý chuyên nghiệp, để chăm sóc tinh thần cho con người. Chúng tôi có hội đồng cố vấn chuyên môn, có đội ngũ chuyên gia được đào tạo chuyên ngành về tâm lý.

Đối với các doanh nghiệp, chúng tôi tư vấn các phương pháp chăm sóc tinh thần nhằm phát triển tổ chức và giữ chân người tài; các công cụ đo lường đánh giá nhân sự nhằm xây dựng “phần hồn” cho doanh nghiệp; ứng dụng tâm lý để gia tăng động lực làm việc đội nhóm, khám phá và phát triển bản thân; ứng dụng các giá trị tâm lý để thấu hiểu nhận thức và hành vi người tiêu dùng trong sale marketing...

* Bà vừa nhắc đến dịch vụ ứng dụng tâm lý trong hoạt động sale, marketing và xây dựng “phần hồn” cho doanh nghiệp. Bà có thể nói rõ hơn về ý nghĩa của các hoạt động này? Nó giúp “phát triển tổ chức” (như bà nói) như thế nào?

- Dịch vụ nghiên cứu hành vi khách hàng, thấu hiểu nhận thức người tiêu dùng bằng giá trị tâm lý đang là một chiến lược mới của Hồn Việt. Bất cứ khi nào môi trường kinh tế vĩ mô thay đổi cũng kéo theo sự thay đổi về hành vi người tiêu dùng và marketing.

Xu hướng kinh doanh mới đã định hình nên nhu cầu marketing hướng đến con người: Từ sản phẩm đến khách hàng đến tinh thần. Các công ty đang chuyển từ chú trọng sản phẩm đến các vấn đề của con người. Hành trình tìm kiếm sự chuẩn mực cho đàn ông thông qua chiếc áo sơ mi của thời trang Việt Tiến là hình thức ứng dụng tâm lý trong marketing như thế.

Xây dựng “phần hồn” cho doanh nghiệp là một giải pháp tâm lý độc đáo. Tôn tạo phần hồn doanh nghiệp là đạt đến sự đồng thuận của đồng tâm hiệp lực, sự cộng hưởng của những nhân sự thấu hiểu và chia sẻ những mục tiêu, gặp nhau ở những giá trị chung, tạo dựng không khí làm việc sao cho có thể khơi quật tất cả tiềm năng con người.

“Phần hồn” sẽ tạo ra một sức mạnh mới cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể vượt qua sóng gió khi có biến cố. Tình trạng kinh doanh khó khăn như hiện nay làm cho thu nhập, tiền thưởng và các chế độ bị cắt giảm, dễ tạo ra cảm xúc tiêu cực cho đội ngũ nhân sự.

Chính đây là lúc doanh nghiệp cần sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ từ đội ngũ nhân sự. Doanh nghiệp phải chia sẻ sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị với nhân sự để họ thống nhất hành động.

Những nhà lãnh đạo với tầm nhìn, sự tận tâm, và tính chính trực sẽ luôn tạo ra trong tổ chức của mình sự “trong lành“, nơi mà người lao động có thể thực sự khám phá chính mình, biết cách quản lý bản thân, biết làm thế nào để sống có ý nghĩa, biết gắn kết nội bộ và như vậy, doanh nghiệp sẽ giữ được người tài, năng suất làm việc tăng, tiết kiệm được chi phí.

* Như vậy, ở Hồn Việt, người tài luôn được “giữ chân” và tất cả nhân viên luôn được “gia tăng động lực làm việc”?

- Theo kết quả khảo sát của Hội Tâm lý và Trung tâm Hồn Việt, trong số nhân sự cấp trung và cao nghỉ việc, có đến 40% bắt nguồn từ vấn đề tâm lý. Và hiện có đến 60% lãnh đạo doanh nghiệp xác định việc chăm sóc tinh thần cho nhân viên là rất quan trọng, vì họ là tài sản quý giá nhất của công ty. Vấn đề của tổ chức luôn là vấn đề về con người.

Nhận thức rõ điều đó, ngay từ khi thành lập, Hồn Việt đã tạo dựng phong cách cho môi trường văn hóa doanh nghiệp của mình theo kiểu tập trung dân chủ, không có giới hạn cho sự phát triển cá nhân.

Rất nhiều người tài đã đến chia sẻ với Hồn Việt bằng cái tình, tấm lòng hơn là sự đòi hỏi sòng phẳng. Họ làm việc không chỉ vì họ được trả tiền, mà vì họ được đối xử như các đồng nghiệp chứ không phải như thuộc cấp.

Nhân sự ở Hồn Việt luôn được quan tâm động viên, và nguồn động viên lớn nhất mà Hồn Việt luôn làm là tạo cho nhân sự một sự phát triển và khám phá bản thân. Chúng tôi quan niệm, người trí thức làm việc không chỉ vì tiền, họ được trả tiền để có thành tựu.

Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao cho nhân sự có trách nhiệm, nhìn thấy kết quả, và nhanh chóng biết được các giá trị của họ là gì. Đó cũng là khả năng thu hút, giữ, và thúc đẩy những người tài ở Hồn Việt.


PHƯƠNG THANH

Theo DNonline


Âm lịch

Ảnh đẹp