16/09/2013 12:35 (GMT+7)
Số lượt xem: 2207
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Danh Ngôn Cho Cuộc Sống 01   Đừng quá xem trọng điều gì. Hãy tiếp nhận mọi sự may rủi một cách nhẹ nhàng. (Jepfecson) 02   "Trong những lúc khó khăn nhất của cuộc sống, đừng cố gắng trở thành một người thành công hay hạnh phúc, tốt hơn hãy trở thành một người có giá trị" (Albert Einstein).






03   Không nên bày tỏ những lo âu và thất bại của bạn cho những người bạn nghe. Tốt hơn hết nên kể với những kẻ thù của bạn – ít ra thì bạn cũng cung cấp cho họ những phút giây thoải mái, ngoài ra, bạn còn chắc rằng: họ sẽ dỏng tai lên mà nghe bằng hết những lời nói của bạn. (B.Sou)

04   Người có đạo đức thì luôn kính trọng các bậc đạo đức hơn mình. Người mà không biết kính trọng các bậc đạo đức thì phải biết rằng đạo đức của mình vẫn còn kém dở.

05   Thế giới này đầy ắp những đau khổ là do người ta chỉ biết sống cho mình, hướng về mình.

06   Đừng khóc vì nước mắt chỉ làm đầy thêm bể khổ, đừng cười vì ngạo mạn sẽ làm tan vỡ cả tương lai!

07   Nếu không biết cúi xuống để nhặt một cây kim thì đừng nghĩ rằng sau này sẽ làm được việc lớn; Nếu chưa thể tiết kiệm vài số điện ở bóng đèn, cái quạt trong nhà thì đừng nghĩ rằng sau này mình sẽ giàu.

08   Kẻ nào nghĩ mình là giỏi, thì biết rằng kẻ ấy vẫn còn quá ngu dốt. Người nào nghĩ mình vẫn còn kém cỏi mà vẫn không tự ti, luôn cố gắng thì đó là 1 suy nghĩ đúng!

09   Người kiêu mạn hay bị những tai nạn bất ngờ, càng kiêu mạn càng thêm đau khổ. Người khiêm hạ thường có nhiều niềm vui bất ngờ! Càng khiêm hạ bao nhiêu càng hạnh phúc bấy nhiêu!

10   Người không khoe khoang chưa biết họ tốt hay xấu nhưng là người có bản lĩnh, biết giấu kín thực lực của mình!

11   Đừng tiêu xài hết tiền bạn đang có, không nên muốn ngủ bao lâu thì ngủ.

12   Cuộc sống của chúng ta có lắm thăng trầm. Thăng vì đôi lúc chúng ta biết khiêm hạ nhưng trầm vì chúng ta còn mắc bệnh khoe khoang.

13   Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc. (Platon)

14   Người hay nói dối thì không có việc xấu gì mà người đó không thể làm.

15   Khi khoe khoang điều hay thì những điều đang có sẽ mất, đang đến sẽ không đến nữa, việc đang làm sẽ không làm được và thường gặp nhiều rủi ro, bất trắc.

16   Biết đủ không nhục, biết dừng không nguy. Như thế có thể giữ được lâu dài. (Lão Tử)

17   Người nào hay bị kích động, người đó có một tinh thần yếu đuối. Người nào không bị kích động, người đó có một tinh thần mạnh mẽ.

18   Hãy khôn ngoan như rắn và hiền lành như chim bồ câu!

19   Hãy có thái độ không sợ hãi của một anh hùng và trái tim thương yêu của một trẻ thơ.

20   Việc gì trong đời sống cũng khó khǎn cả, vì chưa thành thói quen khi đã có thói quen thì việc gì cũng không khó.

21   Trên sân khấu chỉ có kẻ bại trận mới ngồi nói dai. Kẻ thắng trận đã mĩm cười bỏ đi mất với chiến lợi phẩm.

22   Can đảm không phải là dám chết mà là dám sống và làm ích lợi cho đời!

23   "Có nhiều điều kỳ diệu chợt đến trong cuộc sống, nhưng hầu hết những điều tuyệt vời trong đời là do ta thận trọng vun đắp, nỗ lực đeo đuổi hoặc đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ mới có được."

24   Người trí thì sự vui hay sự khổ không làm cho bồng bột hay suy sụp

25   Con người ta giỏi lên phần nhiều nhờ lúc thực hành, chứ không phải lúc học.

26   Người không chịu sửa mình mà muốn có tiếng thơm để đời thì khác nào mặt xấu mà muốn có cái hình đẹp trong gương.

27   Người có trí tuệ càng cao thì càng thấy mình nhỏ bé!

28   Ðức Phật có dạy: "Y nghĩa bất y ngữ". Nghĩa là chúng ta không nên bận tâm với những lời nói, những câu văn không có ý nghĩa gì cả. Thí dụ như có người nói chúng ta ngu như con bò, nếu chúng ta nổi giận, thì quả là chúng ta ngu thực rồi, còn gì nói nữa. Những câu nói vô nghĩa tương tự khó có thể làm động tâm những người cố gắng tìm hiểu đạo lý.

29   Cái gì cũng nói biết nghĩa là không biết gì cả (Tục ngữ Anh)

30   Ngu ngốc không phải là do thiếu kiến thức, không phải là do không muốn học mà do tin rằng đã biết hết tất cả. (Anita Joachim-Daniel)

31   Nếu không tìm thấy hạnh phúc ngay trong chính bản thân mình thì không thể tìm được ở nơi nào khác (Agnes replier).

32   Nếu còn tin ở đất đai
     Bao nhiêu gánh nặng trên vai cũng thường
     Nếu còn là kẻ bất lương
     Bao nhiêu bão tố mười phương đổ vào

33   Chúng ta không yêu quý điều gì, thì điều đó sẽ rời khỏi tầm tay của chúng ta.

34   Chẳng gìn giữ hạnh nhỏ, tất lụy đến đức lớn!

35   Người vượt đèn đỏ là người đã có hành vi ăn cắp (thậm chí ăn cướp) quyền sử dụng đèn xanh của người khác.

36   Cố gắng là sức mạnh của tinh thần nhưng không phải tự nhiên mà có. Chúng ta phải rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ. Khi đã qua thời tuổi trẻ, chúng ta rất khó rèn luyện vì Ý chí sẽ không khởi được nữa. Bởi vậy, khi còn trẻ, nếu có được những cảnh khổ để rèn luyện, chúng ta nên xem đó là một diễm phúc của cuộc đời. Phần lớn những người có một thời tuổi trẻ sung sướng là những người không có ý chí, nghị lực. Những người ấy chưa biết cố gắng là gì nên rất dễ dàng chùn bước trước khó khăn hay gục ngã trước hoàn cảnh

37   Người có tâm tự mãn, tự hào thầm kín giống như cái đĩa cạn, nước không thể rót được nhiều.

38   "Hạnh phúc là sự bình an của tâm hồn, không phải ở những trò vui giả tạo hay cuồng dại."

39   Không làm điều mình thích, Chỉ làm điều có ích!
Sự tôn trọng không đến từ công việc mà bạn đang làm, nó đến từ cái cách mà bạn đang làm công việc đó.

40   Người mà sống buông thả, bừa bãi, lười biếng là người có nội tâm không chặt chẽ được. Nội tâm cẩu thả, lười biếng là người không chiến thắng được bản thân. Ngay đến thói lười biếng, cẩu thả còn không chiến thắng được thì dĩ nhiên, phần nhiều ta biết rằng họ không chiến thắng được ngoại cảnh, những tác động từ bên ngoài, nói cách khác là dễ bị kích động.

41   Người không bị kích động là người có một nội tâm mạnh mẽ, trong những hoàn cảnh bất ngờ, những biến cố dữ dội vẫn giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt không cuốn theo hoàn cảnh và không đau khổ.

42   Bạn không thể lựa chọn những gì xảy đến với mình nhưng bạn hoàn toàn có thể lựa chọn thái độ tích cực nhất để đối mặt với chúng.

43   Con người ta khi chưa thành danh, phải tập sống tiết tháo, theo khuôn mẫu, phép tắc, ước thúc bản thân vì sống bừa bãi, phóng dật thì sau này khó tiến bộ.

44   Người nào mà đạo đức không vững vàng thì khi gặp cơ hội rất dễ làm chuyện sai trái, lầm lỗi.

45   Khi ta chưa có địa vị, ai nói gì mình cũng nhịn được, nhưng có địa vị rồi, tâm lại trở nên hẹp hòi, cho nên được ca ngợi thì mình mới vui, ai xem thường thì mình khổ đau.

46   Sự cảm phục về người này chỉ xuất hiện trong tâm người kia nhưng có thể làm cho họ sung sướng khi biết người khác cảm phục mình.

47   Một người nghĩ mình giỏi, đôi khi là do họ tự nghĩ mình giỏi, chỉ là cảm xúc và đánh giá cá nhân, không hoàn toàn bởi sự công nhận của những người khác.

48   Thích nói ra những cái hay, cái tốt của mình cho người khác biết, đó là tâm lý thường tình của con người. Vì người ta nghĩ rằng, những điều đó làm cho họ tăng thêm giá trị và khiến người khác phải nể phục. Tâm lý thèm khát sự cảm phục của người khác là tâm lý rất mãnh liệt của con người.

49   Làm việc khó bắt đầu nơi chỗ dễ. Làm việc lớn bắt đầu nơi chỗ nhỏ”. Chính vì săn sóc, chăm lo cho những điều nhỏ mà làm được những điều lớn bất ngờ. Bắt đầu từ những việc làm căn bản, nhỏ bé mà thiết thực. Giọt nước chảy lâu cũng làm thủng cối đá. Lỗ mọt nhỏ cũng có thể làm chìm thuyền. Điều thiện cũng như điều ác cũng đều nên được ý thức từ những điều rất nhỏ.

50   Nếu cái nhỏ gì cũng xem thường, để cho qua loa thì sẽ có ngày trở thành những cái khó lớn. Biết khó mà không xem thường thì có thể đối mặt với mọi hoàn cảnh mà không rơi vào sự lúng túng, dao động. Biết nhỏ thì có thể lấy mềm buộc chặt, lấy ít ngăn chế nhiều.

51   Người hiểu đạo trị luôn giữ thái độ điềm đạm. Xem cái nhỏ cũng như cái lớn, cái ít như nhiều, lấy đức báo oán. Giải quyết việc khó từ khi còn dễ, thực hành việc lớn từ khi còn nhỏ. Cho nên người đắc đạo trước sau không làm việc gì lớn mà thực hiện được việc lớn.

52   Người tài không lộ tướng, lộ tướng thì không phải người tài! Người có bản lĩnh khác thường thì tính tình kín đáo, chẳng mấy ai nhìn ra được.

53   Người có thể tiến bộ thì không tự mãn, không cố chấp, cũng không tự ái. Vì vậy nên mới có thể bỏ cái qua cái cũ mà chấp nhận cái mới được. Khi thấy mình là giỏi nhất thì không còn học hỏi được nữa( vì mình đã là nhất rồi). Khi xem xét sự vật, không được quên mặt đối lập của nó. Nghĩ đến cái hữu hạn thì đừng quên cái vô hạn.

54   Người không ham giàu thì nghèo không là nỗi khổ; không thương yêu thì xa nhau không tiếc nhớ; không ghét nhau thì gần nhau không bực bội; không tự ái thì bị nhục mạ không khó chịu; không cần danh vọng thì mất chức không là nỗi bận tâm.

55   Đừng bị kích động trong những trường hợp khẩn cấp. Hãy giữ đôi chân của bạn trên mặt đất.

56   Giới hạn việc vay mượn: Những người sống bằng tiền vay mượn và thẻ tín dụng sẽ không thể giàu được. Do đó không nên vay mượn một khoản tiền lớn để tiêu dùng hay đầu tư. Cũng không nên thế chấp. Nhiều người cứ tưởng mình quản lý được nợ nần nhưng lại khốn đốn vì chúng tốt nhất là chỉ mượn đến số tiền bạn có thể trả và hãy đầu tư bằng tiền tiết kiệm của chính mình.

57   Người ta buồn vì có vui (hết vui thì thấy buồn) và người ta vui vì có buồn (hết buồn thì thấy vui). Chỉ có những người thiết lập được sự bình an, tâm tư lắng đọng không bị cảnh bên ngoài chi phối, vượt lên sự buồn vui thường tình mới thực sự vững chải, an trú trong hạnh phúc và tịnh lạc.

58   Đối với những người nóng giận, nhìn thái độ biểu hiện bên ngoài, tưởng chừng những người hay giận dữ có một bản tính mạnh mẽ, nhưng thực chất, họ có một nội tâm yếu ớt. Vì tâm và thân vốn ngược nhau. Người có thân mạnh là người làm được nhiều việc, hăng hái, năng nổ nhưng tâm chưa hẳn đã mạnh. Tâm mạnh là tâm trầm tĩnh, không dễ dàng bị kích động.

59   Người sâu sắc thường biết mà tỏ ra không biết, đó là buông xả. Họ biết nhưng không cố chấp cái biết của mình, vẫn ưu ái, thương yêu mọi người. Nếu như các vị Thánh lúc nào cũng biết mà tỏ ra biết, chúng ta sẽ không bao giờ dám đến gần họ. Ở đây, biết mà như không biết, sâu sắc mà buông xả là xuất phát từ tâm từ bi, tâm thanh tịnh. Đó cũng là tế hạnh. Vì vậy, người chưa có tế hạnh, chưa kín đáo thường hay bộc lộ sự hiểu biết của mình trước mặt mọi người.

60   Ta phải sống khiêm hạ nhưng không hèn hạ, khúm núm. Khi gặp người khác, chúng ta luôn tôn trọng họ nhưng tuyệt đối không khúm núm, không có thái độ của một kẻ cầu cạnh vì đó là thái độ của người mất tư cách.

61   Người quân tử khi tai họa đến thì không sợ, khi phúc đến thì không mừng. (Khổng Tử)

62   Khi sống sung túc, phẩm hạnh lớn nhất là sự điều độ,
Khi gặp tai họa phẩm hạnh lớn nhất là kiên cường (Ba con)

63   Sự trả thù là dấu hiệu của một tinh thần yếu ớt, bất lực không thể chịu đựng được những sự lăng mạ. (La Rochefoucaulol)

64   Ngưỡng cửa dẫn đến ngôi nhà khôn ngoan đó là sự tự hiểu mình còn ngu dốt.

65   Vấn đề không phải là chúng ta sống bao lâu mà sống như thế nào. (Balley)

66   Người hay nói dối thì không có việc xấu gì mà người đó không dám làm.

Như con voi lâm trận biết bảo vệ cái vòi là biết giữ mạng sống; nếu nó dùng luôn cả cái vòi tức đã thí mạng, không có gì nó không làm. Cũng vậy, kẻ cố ý nói dối thì không còn chừa điều ác nào.

67   Tuyệt vọng chính là một sự kiện ghê gớm mà ta cần phải tránh. Đôi khi sự tuyệt vọng, ngã lòng, thối chí có thể dẫn đến việc tìm một lối thoát bằng cách tự tử. Đó là một hành động sai lầm, có tính cách nhất thời, làm lỡ mất cơ hội sửa đổi và làm lại từ đầu. Hãy bắt tay làm lại từ đầu, đạt được kết quả từng ít một, đó là những thứ “của mình”, dù sao ít còn hơn không. Nếu tự tử hay tuyệt vọng mà buông xuôi, cái mà ta có vẫn chỉ là con số không.

68   Khi nghe khen, chớ vội mừng; khi nghe chê cũng chớ vội buồn; vì vui buồn theo khen chê, cả hai đều làm cho ta sa đọa.

69   Hầu hết những người có nhiều đam mê hưởng thụ đều có tính ích kỷ cao.

70   Làm việc nhỏ mà không ra gì thì làm việc lớn cũng khó thành công!

71   Có nhiều người đã dùng nửa đầu cuộc đời mình để làm cho nửa sau trở nên thảm hại và đê hèn.

72   Ngay cả những thứ làm cho ta cảm giác thoải mái, thích thú và những thứ cho ta cảm giác bực bội khó chịu (nóng giận), thì cũng đều không thực sự có một chút giá trị gì cả. Ta sẽ thấy: "Ô, đâu có gì trong cái cảm giác thích thú nầy. Ðây chỉ là một thứ cảm giác xuất hiện rồi sẽ biến mất. Cảm giác không thích (nóng giận) cũng vậy, nó chỉ là một cảm giác có rồi mất. Thế thì tại sao chúng ta phải rắc rối với chúng cơ chứ?"

73   Khi ta tiêu diệt được sự nóng giận trong ta, thì tất cả mọi kẻ thù của ta ở bên ngoài đều bị tiêu diệt.

74   Hãy tự mình làm chỗ nương tựa cho mình! Người khác thì làm chỗ nương tựa cho mình sao được? Và chính sự khéo tự chế ngự là chỗ nương tựa khó có. (Lời Phật dạy)

75   Khi nghe thấy lời chê bai, trước tiên phải biết kẻ đi chê người là hạng người thế nào đã.

76   Đại thần bị vua Kiệt, vua Trụ phế bỏ thì không hẳn là ngu xuẩn thật sự; bị vua Nghiêu, vua Thuấn phế bỏ mới là bất tài thật sự. Lời nói xấu và lời khen ngợi của thế tục quả thực không đáng tin.

77   Giàu có không ước hẹn với kiêu ngạo, nhưng kiêu ngạo sẽ tự tìm đến với giàu có; kiêu ngạo và tử vong không liên quan với nhau, nhưng tử vong cũng sẽ tìm đến với kiêu ngạo. Kết cục bi thảm lấy kiêu ngạo làm điềm báo trước; diệt vong lấy kiêu sa xuất hiện để xác định. Thiên hạ thái bình, tự nhiên thói kiêu sa sẽ dễ xuất hiện; kiêu ngạo xa xỉ tự nhiên sẽ dẫn đến nguy nạn diệt vong.

78   Một số người tuỳ tiện hứa hẹn với người khác, không giữ chữ tín, họ xem sự việc quá dễ dãi, tất phải gặp khó khăn; còn thánh nhân, thường chú trọng khó khăn cao độ, cho nên họ không bao giờ gặp bất cứ khó khăn nào. (Lão Tử)

79   Tốc độ của tên bay rất nhanh, nhưng tầm bắn lại không quá hai dặm, vì nó bay một đoạn sẽ dừng lại; tốc độ bước đi rất chậm, nhưng có thể đi đến mấy trăm dặm, vì bước đi không ngừng. Vô luận làm việc gì, điều quý ở chỗ kiên trì đến cùng, chỉ cần giữ được thái độ đó thì cho dù người bình thường có thể đạt được thành tích rất tốt.

80   Con tuấn mã ngày vượt ngàn dặm, là nhờ chiếc xe nhẹ; vác nhiều chở nặng đi một ngày không đến vài dặm, vì vác chở quá sức. Bất luận làm việc gì, kể cả học tập, đều không được gánh vác quá sức, nếu không thì cho dù người có bản lĩnh đến đâu cũng sẽ bị gục ngã.

81   Người thông minh tài trí, phải dùng ngu xuẩn để tự thủ; người đa văn thiên biện, phải dùng thiển lậu để tự thủ; người dũng mãnh kiên cường, phải dùng e sợ để tự thủ; người giàu sang phú quý, phải dùng tiết kiệm để tự thủ; người đại nhân đại đức, phải dùng khiêm nhường để tự thủ. Xử thế như vậy mới có thể tránh được tai hoạ vào thân.

82   Quân tử xử thế nên lấy hành vi của mình làm chính, tôn kính người khác nhưng không đòi người khác phải tôn kính lại mình. Tôn kính và yêu thích người khác là việc của mình, còn được người khác yêu thích mình hay không, là việc của người khác.

83   Cho dù mười câu nói đúng đến chín câu cũng chưa chắc đã có người tán thưởng bạn, nhưng nếu bạn nói sai một câu thì sẽ bị người khác chỉ trích. Làm việc gì thà tỏ ra vụng một tý, tuyệt đối không được làm ra vẻ thông minh hơn người.

84   Nhón gót lên để muốn đứng cho cao, kết quả là đứng không vững; xoạc chân cho rộng để muốn đi cho nhanh, kết quả là không đi được. Cố hết sức để thể hiện mình, ngược lại lại không thể bộc lộ được bản thân; tự cho mình là phải, ngược lại lại không thể phân biệt rõ phải trái; cố tâng bốc mình, ngược lại lại không thể lập lên công tích; người tự cao tự đại thì không thể hơn người. (Lão Tử)

85   Kiêu mạn có cái tác hại là khiến ta dù muốn hay không muốn tạo thành thói quen chê bai người khác . Nếu ta hay nhìn thấy lỗi của người khác ,hay chê bai người khác thì phải biết rằng lúc đó ta đang kiêu mạn.

86   Quân tử dùng người cho ở xa để xem lòng trung , cho ở gần để xem lòng kính, sai làm nhiều việc để xem cái tài, hỏi lúc vội vàng để xem cái trí, hẹn cho ngặt ngày để xem cái tín, ủy cho tiền bạc để xem cái nhân, giao cho việc nguy biến để xem cái tiết, cho đánh chén say sưa để xem cử chỉ, cho ở chỗ phiền tạp để xem thần sắc…. Xem người đại khái như vậy, thì họa may mới có thể biết người được. (Trang Tử)

87   Khi con người ta sống chỉ vì mình thì trở thành thừa đối với những người còn lại I.Rađep

88   Trí tuệ của con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp. W.Gơt

89   Có khi chỉ một giây phút bồng bột mà cuộc đời hoàn toàn thay đổi. Tương lai ra sao cũng chỉ là do thái độ của chúng ta trước những việc nhỏ nhất hôm nay.

90   Nếu bạn áp đặt suy nghĩ của bạn lên người khác là quyền của bạn, nhưng nếu bạn nghĩ rằng người ta sẽ thành ra cái thứ mà bạn muốn thì thật là ngô nghê, buồn cười!

91   Người ta có thể làm việc thiện mà không cần ầm ĩ.

92   Không phải cứ làm theo những gì mình muốn thì sẽ sung sướng hả hê thích thú. Trái lại... người ta phải trả giá cho những gì đã làm.

93   Phải khiêm tốn để biết rằng mình vẫn có thể sai!

94   Không thể “nói chuyện trên trời” khi chưa đứng một cách vững chắc trên đất.

95   Mỗi ngày ta cần cảm nhận hạnh phúc và an vui chính mình đang có: ít bệnh và ít não; chớ nên chờ đến khi có bệnh có não phiền rồi mới tìm sự an vui hạnh phúc thì không còn trọn vẹn. (Master Powerful Wisdom) 

Source Sưu tầm internet

Âm lịch

Ảnh đẹp