14/02/2013 20:33 (GMT+7)
Số lượt xem: 64060
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GNO - Em à, có một bài nhạc phim tên là "Vết xước" đã viết rằng: "Hãy để những lầm lỡ chỉ là những vết xước. Và rồi những vết xước sẽ mờ đi theo tháng năm. Xóa hết những hờn căm, tha thứ cho nhau. Để niềm tin yêu luôn đong đầy trong cõi đời...".


Em có từng nghe bài hát ấy, và nếu nghe, em có cảm nhận được nó gửi gắm đến cho ta chân giá trị mang tên thứ tha? Ông bà mình thì nói đó là "chuyện lớn hóa bé, chuyện bé hóa không" qua cái màn sàn lọc của yêu thương và lòng vị tha cao thượng.

hang thuan11.jpg
Phật tử yêu nhau và cưới nhau bằng lễ hằng thuận.
Trong ảnh: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung làm lễ hằng thuận - Ảnh minh họa


Cũng bởi con người ai không có lỗi lầm và cũng bởi con người ai chẳng muốn sống tốt, muốn dựng xây hạnh phúc lâu bền nên ông bà mình dạy "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Cho người khác cơ hội để sửa sai và phụng hiến cũng là một việc làm đầy trí-bi vì nó phát xuất từ tình thương-yêu và sự hiểu biết chơn chánh về con người, rằng họ luôn có chất Phật, chất người, sẽ có khả năng hướng thiện, hướng thượng...

Nếu người đó là người yêu của mình thì mình càng cần phải cho họ cơ hội (cũng là cho chính mình cơ hội) nếu họ thật sự muốn quay đầu.

Dẫu biết trong tình yêu ta luôn đòi hỏi ở nhau cao hơn mọi thứ tình cảm khác nên ta thường soi xét đến từng tiểu tiết, đôi khi là thái quá. Nhưng, ở một hướng nhìn khác, ta sẽ hiểu rằng, giữa những con người yêu nhau và mai mốt sẽ "về chung một nhà" ấy thì cần phải học cách chấp nhận nhau. Chấp nhận những điểm tốt và hài lòng với cả những chưa được trong tư thế làm người lắm khi vụng về, lắm khi không-thể-tự-do vì nhiều nguyên nhơn mà chính đương sự cũng không hề muốn.

Thế nên mới có câu, nói yêu thì dễ nhưng để giữ cho tình yêu ấy đi tới bến bờ thì cần phải cố gắng rất nhiều từ cả hai phía.

Em biết không, khi yêu ai đó thì em và họ sẽ chung cùng nhiều thứ, khi ấy hai thực thể tuy hai nhưng là một, như răng với môi. Nếu răng bất cẩn thì có thể cắn môi, và đương nhiên cái đau là của cơ thể "tình yêu" của hai người.

Do vậy, có những người giận người yêu và hành xử cho "bõ ghét", cho "đáng đời" nhưng thực ra những lúc như vậy họ cũng đau đớn theo cách riêng của mình. Nếu ta hiểu sự tương tác "hai trong một" ấy thì ta sẽ không hành xử một cách thiếu suy nghĩ chỉ để thỏa mãn cơn ghen tức, hờn dỗi của mình. Đến đây, chợt muốn chia sẻ lại với em điều có lần đã sẻ chia, đó là khi muốn yêu thì mình phải học cách lắng nghe. Lắng nghe không phải bằng tai mà bằng tất cả các giác quan và bằng cả tâm mình.

Khi ấy ta sẽ nghe thấy những nỗi khổ niềm đau và cả hạnh phúc (lâu dài) mà ta có thể sẽ kiến tạo ngay trong hiện tại này để biết nhẫn. Chữ nhẫn ở đây không có nghĩa là chịu đựng theo kiểu "quân tử trả thù mười năm chưa muộn" mà là biết thứ tha và dắt dìu người mình yêu ra khỏi vùng tối của sân, si, của những hành xử trái khoáy gây tổn thương cho người, cho mình.

Nhẫn cũng là để "biến những lầm lỡ thành những vết xước", để tránh hành động ngược lại - "chuyện bé xé ra to". Tâm mình khởi ra ý niệm nào thì ý niệm ấy sẽ dắt dẫn mình nói và làm tương ưng, đồng thời phát triển theo hình xoắn ốc, bổ sung, nâng đỡ cho mình tiến xa trong lộ trình phản ứng trước mọi đối tượng cũng như sự vật, sự việc trong cuộc đời. Do vậy, nếu em nhẫn được thì em sẽ thấy mọi lỗi lầm rồi sẽ qua đi, và khi người ta quay đầu lại họ sẽ có cửa để về, sửa sai và sống đẹp hơn, tất nhiên không chỉ cho mình mà thôi.

Có lời khuyên rằng, khi ta chưa từ bỏ hẳn được chuyện yêu đương thường tình của thế gian để toàn tâm toàn ý trên đường tu tập đạo giải thoát thì mình sẽ còn yêu nhưng mình không thể dễ dãi, yêu theo cách của người không biết lời Phật dạy. Khi đó, mình sẽ yêu theo "thực đơn" người con Phật, sẽ có những thời khóa chung trong tu học, hành trì, sẽ hoạch định việc dạy con theo tinh thần Phật giáo cũng như cùng nhau gìn giữ những giá trị đạo đức cao thượng (giới) và cứ thế, thong dong cùng tiến bước.

Chẳng phải có một nguyên lý về lượng và chất, rằng, khi lượng tích lũy đến một lúc nào đó sẽ biến thành chất mới là gì? Quán niệm như thế để tin rằng, với tình yêu trên tinh thần lời Phật dạy, mọi người nhìn vào sẽ thấy em và người mình yêu chính là những người bạn đồng tu, không khác. Biết đâu, đến một ngày nào đó trong đời này hoặc đời sau em và người yêu sẽ là huynh đệ phát tâm xuất gia từ chính nhân "đồng tu" bây giờ!

Sống và yêu được vậy thì khi đó, em và người mình yêu cũng đang thuyết một bài pháp về tình yêu, rằng, khi yêu bạn cần phải lắng nghe, cần cùng nhau làm những việc thiện lành như thế này, thế này này...

Tin tưởng là bài pháp ấy sẽ đi vào lòng người, vì nó được hiển bày bằng nụ cười tươi rói của em trong mỗi giờ đến thiền môn cùng người mình yêu chứ không phải là nước mắt đau thương, ngậm ngùi, oán trách... Khi ấy, em cũng tròn vai Phật tử, cũng sẽ giải thoát trong khuôn khổ của mình, phù hợp với căn cơ!

Lưu Đình Long

Tái bút: Nếu đang yêu, em hãy cùng người yêu đến chùa và cầu nguyện cho những ai đang yêu sẽ đều có hạnh phúc, đều sống theo tinh thần lời Phật dạy. Khi ấy em cũng đang gieo hạt giống lành cho tâm mình cũng như đang vun bồi cội rễ yêu thương của cả hai. Vì sao? Vì em và người yêu đang vị tha, đang nghĩ tới hạnh phúc của số đông chứ không phải chỉ nghĩ và cầu cho mỗi mình mình!

http://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/doisongquanhta/2013/02/14/36D649/

Âm lịch

Ảnh đẹp