28/12/2013 15:01 (GMT+7)
Số lượt xem: 1576
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GN - Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ chia sẻ với Giác Ngộ về hiện tượng nói dối có tính tăng trưởng theo tuổi tác - vấn đề được đề cập ở Giác Ngộ số 723 vừa qua.


Anh 1, PGTT GN 724.jpg
Chị Thanh Thúy, chồng và các con


Chị bắt đầu với câu hỏi: trong vai một người mẹ, nếu biết con mình nói dối hoặc có biểu hiện nói dối, chị sẽ làm gì?
Hội quán Các bà mẹ có địa chỉ tại 61/3 Điện Biên Phủ, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - là nơi trang bị những kiến thức, kinh nghiệm tiền hôn nhân, chuẩn bị làm mẹ cho giới trẻ và còn là sân chơi lành mạnh, bổ ích cho phụ nữ và các bậc cha mẹ, các em thanh thiếu niên qua các buổi sinh hoạt chuyên đề được sự cố vấn của các chuyên viên đầu ngành trong nhiều lĩnh vực như GS.Trần Văn Khê, BS.Đỗ Hồng Ngọc, GS.TS Vũ Gia Hiền, ThS.Phạm Thị Thúy, ThS.BS Nguyễn Lan Hải…

- Chị Thanh Thúy: Cố gắng giữ bình tĩnh là điều tôi phải làm đầu tiên. Bởi lẽ, chính những người làm cha mẹ sẽ là người biết rõ tâm tính của con nhất, do vậy tôi sẽ không đánh giá trên phát biểu của con. Đánh mắng sẽ không có tác dụng tốt trong trường hợp này.

Tôi cũng đã có lần nói dối mà tới giờ này, khi chuyện đó xảy ra đã hơn 30 năm nhưng tôi vẫn còn thấy xấu hổ vì mình đã suy nghĩ và hành động không giống như tính cách của mình. Đó là lần hai dì cháu tôi trèo cây mận (chúng tôi bằng tuổi nhau), dì út của tôi bị té do gãy cành. Ngay lúc đó, thấy má tôi cầm roi ra vườn, tôi vội tụt xuống, không lo đỡ dì ngồi dậy mà lại nói: “Ai biểu trèo cây!”. Tôi đã nói dối vì sợ những trận đòn của má (má tôi thường đánh đòn chúng tôi theo kiểu này). Rất may là lần ấy dì tôi bị trầy xước sơ sơ.

Kể câu chuyện đó để thấy rằng, trẻ nói dối đôi khi vì… sợ đánh chứ không phải là bản chất xấu, không thật thà. Chúng ta phải từ từ khuyên bảo, nói phải trái để con cái chúng ta biết mà tránh nói dối, thật thà, dũng cảm...

Chị có suy nghĩ gì về con số bậc tiểu học có tới 22% học sinh biết... nói dối cha mẹ. Bậc THCS và THPT thì có tới 50% và 64% học sinh không thật thà. Bậc đại học, cao đẳng có đến hơn 80% sinh viên sẵn sàng nói dối để qua mặt phụ huynh?

- Con số này thật sự đáng buồn nhưng đó chính là hệ lụy của nhiều nguyên nhân, trong đó có phần ảnh hưởng của gia đình. Đây là chuyện lớn nhưng tôi nghĩ mỗi gia đình nên tự làm gương, tự điều chỉnh mình và giúp con trẻ sống trung thực và có trách nhiệm với chính mình.

Tôi cũng gặp những người giáo viên, họ khá căng thẳng, ức chế và chia sẻ: “Trong nhiều năm gần đây, cái khó khăn nhất của học sinh là ở lại lớp”. Như vậy, phụ huynh nào dám can đảm để động viên và giúp con mình dám ở lại một năm để củng cố kiến thức khi xung quanh toàn những con số 99% lên lớp và quá nhiều học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi?

Là người thường xuyên tiếp xúc với các bà mẹ trong nhiều chương trình giao lưu, dạy con, trong đó có vấn đề nói dối ở trẻ, vậy, với điều tra cụ thể như vậy, cá nhân chị cũng như Hội quán sắp tới sẽ có chia sẻ gì với những bậc phụ huynh trong việc giáo dục, nuôi dạy con?

- Hội quán Các bà mẹ thường xuyên tổ chức những buổi chuyên đề để các bậc phụ huynh và cả các con có thể chia sẻ những giá trị rất cơ bản: Lòng vị tha, lòng trung thực, sống trách nhiệm, lòng nhân ái, cùng con bồi đắp lòng quảng đại… và quan trọng nhất vẫn là giúp con thành nhân. Khuyến khích con trẻ xin lỗi khi nói dối, góp ý cho con biết cách ứng xử, quan sát trong từng hành vi của con để uốn nắn kịp thời.

Quan trọng nhất vẫn là bố mẹ đừng tạo áp lực cho con. Bởi lẽ, chính chuyện đặt nặng thành tích, điểm số đôi khi gây tác dụng ngược, con giấu điểm kém và dần dần hình thành thói quen xấu: tìm cách gian dối để có điểm tốt cũng như có được lời khen bằng mọi cách.

Trong đạo Phật, có nói tới nguyên tắc đạo đức không nói dối cũng như nhiều nguyên tắc khác để bảo hộ con người. Chị có nghĩ tới việc sẽ dạy con theo tinh thần Phật dạy?

- Con chúng tôi còn nhỏ nên tôi cũng chưa dám nói trước điều gì, chỉ biết cố gắng không có những hành vi gian lận, dối trá để mong các con quan sát và học hỏi được cách sống tốt, chân thật. Và chúng tôi cũng giải thích và giúp con phân biệt được những lời nói dối vô hại trong một số tình huống ứng xử thường ngày.

Tôi tin vào luật nhân quả mà Phật dạy, nên tôi cũng sẽ dạy con mình điều đó, trong đó có nhân quả của việc không chân thật luôn là mất niềm tin ở người khác và uy tín không còn nữa…

Cảm ơn chị!

Hiền Đỗ thực hiện

ĐĐ.THÍCH GIÁC NHƯỜNG (Tiến sĩ, giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM): Nói dối được xem là một trong những nguyên nhân đưa đến những kết quả bất hảo hơn là kết quả có lợi ích.

Có thể ai đó cho rằng, nói dối không hại đến ai thì không sao; hoặc nói dối giúp người khác thì sao lại không nói… Những điều này có thể đúng trong một số (rất ít) tình huống nào đó xảy ra trong cuộc sống, vì tất cả các ứng xử đều nằm trong sự tương đối mà thôi.

Vấn đề quan trọng là khi nói, mình có kiểm soát được lời nói hay không? Ý niệm khởi lên ngay khi thực hiện lời nói đó là thiện hay bất thiện? Nếu làm chủ được lời nói đó, với tâm niệm thiện thì mình có thể tùy duyên trong các tình huống trên.

Hành vi nói dối, nói không thật đó được tái diễn trong cuộc sống của mình nhiều lần, dần dần hình thành thói quen. Thói quen ấy chi phối, ảnh hưởng trong giao tiếp, ứng xử, nhận thức của mình, Phật giáo gọi đó là nghiệp hay tập tánh. Chính vì thế, Đức Phật khuyến tấn chúng ta cần phải duy trì và thực tập nói lời chân thật, vì đây cũng chính là phương pháp thực tập Chánh ngữ - một trong tám phương pháp (Bát Chánh đạo) xây dựng cuộc sống hạnh phúc, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời.

TS Tâm lý NGUYỄN THỊ TỨ (Giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục - Đại học Sư phạm TP.HCM): Trong trường hợp cha mẹ bị con cái nói dối thì cha mẹ cần xem mức độ hành vi đó như thế nào (nhiều hay ít, thường xuyên hay không) và gây ra hậu quả gì (nặng hay nhẹ) để có biện pháp phòng chống và ngăn chặn một cách hiệu quả nhất.

Nếu nói dối mới gây ra những hậu quả nhè nhẹ thì phân tích cho trẻ hiểu và nhắc nhở là chính. Nếu lừa dối gây ra hậu quả nghiêm trọng thì ngoài việc phân tích cho trẻ hiểu, thường phải kết hợp với răn đe và trách phạt dưới nhiều hình thức khác nhau.

Hình thức hay dùng nhất là cấm đoán trẻ bằng những cam kết và ràng buộc về quyền lợi, nghĩa là nếu làm điều tốt thì thưởng, nếu làm điều xấu thì sẽ bị phạt. Ví dụ: vì con đã lừa dối cha mẹ nên con sẽ không được đi chơi cuối tuần, không được thưởng đồ chơi…

Đình Long - Như Danh ghi

http://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/doisongquanhta/2013/12/27/3FC200/


Âm lịch

Ảnh đẹp