15/08/2013 07:52 (GMT+7)
Số lượt xem: 1910
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong cuộc sống có không ít gia đình tiền của dư thừa, ăn ngon mặc đẹp, vật trang sức quý giá sang trọng… Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ an vui hạnh phúc, con cái ngoan hiền đạo đức. 


Bởi lẽ, nếu trình độ hiểu biết của ông chồng, bà vợ chưa thực sự sâu rộng và hay cãi vã lẫn nhau, thì năng lượng tiêu cực ấy tự động gieo vào trong tâm thức của con trẻ và dĩ nhiên gây ảnh hưởng xấu lên đời sống của chúng. Ngược lại, nếu cha mẹ biết tạo dựng nếp sống chuẩn mực đạo đức, sự hiểu biết và lòng thương yêu rộng lớn thì đương nhiên con cái sẽ được thừa hưởng “tiếng thơm”, và tiếp nối những cái hay cái đẹp từ cha mẹ, để vững bước đi vào đời! Vì thế, gia tài trao truyền lại cho con không hẳn là của cải vật chất, mà đòi hỏi người cha, người mẹ cần phải có một cái tâm sáng suốt và trong lành mới thực sự thương yêu con đúng nghĩa.

thoi_bong_me1_thumb1_jpg_imgmax_800.jpg

Thực tế cho thấy, có nhiều cặp vợ chồng chỉ biết mãi mê lo làm giàu, ít khi quan tâm đến việc học hành cũng như các thể loại sinh hoạt của con trẻ. Họ cho rằng, có tiền là có tất cả - chỉ cần làm ra thật nhiều tiền thì sẽ giải quyết được mọi vấn đề của cuộc sống, cho nên việc dạy dỗ con cái hầu như họ phó thác cho các thầy cô giáo ở học đường. Với nhận thức lệch lạc như thế, khiến con trẻ mất đi nền tảng đạo đức căn bản từ gia đình cha mẹ, nên dễ dàng dẫn đến tình trạng học sinh ham chơi hư hỏng, tạo ra gánh nặng cho nhà trường và cho xã hội.
Trong thực tế, muốn trở thành một con người thông minh tài trí, đem lại lợi ích cho quốc gia xã hội, thì cha mẹ chính là nhân tố quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp trồng người! Hiện nay, mô hình giáo dục sớm theo “Phương án 0 tuổi” đã được đông đảo quần chúng quan tâm và dành nhiều thì giờ để nghiên cứu ứng dụng. Giáo sư Feng De Quan (Phùng Đức Toàn - người sáng lập phương án 0 tuổi) khẳng định rằng: “giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi là thời kỳ quan trọng bậc nhất để kích hoạt não bộ giúp cho trẻ sớm phát triển trí thông minh”. Như vậy, giáo dục không hẳn là chờ sau khi sinh ra hoặc đợi cho trẻ lớn lên mà ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Nhiều thập niên trở lại đây người dân Do Thái, Hoa Kỳ, Trung Hoa và các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu thực nghiệm phương pháp giáo dục sớm gọi là “thai giáo” (giáo dục con từ khi mang thai). Và kết quả các cuộc thử nghiệm cho thấy, hầu hết các em bé sau khi ra đời đều được thông minh học giỏi. Hiện nay, có nhiều trường phái đã đem phương pháp giáo dục sớm vào Việt Nam như: Montessori, Glenn Doman, Shichida… mà trong đó bà Lại Thị Hải Lý là người đầu tiên đã sáng lập ra viện nghiên cứu giáo dục sớm VSK (Vietnam Super Kids) tại thủ đô Hà Nội, bà đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên sâu về giáo dục sớm, nhằm giúp cho các thai phụ có kiến thức đúng đắn hơn trong việc nuôi dạy con trẻ.

NGOI THIEN 2.jpg

Thực ra, “thai giáo” là giáo dục chính bản thân của người cha, người mẹ chứ không phải ai khác. Vì, nếu vợ chồng thiếu khả năng hiểu biết và ứng xử với nhau bằng những lời nói không mấy dễ thương ái ngữ thì tác hại đến thai nhi. Vì lẽ đó, cha mẹ và những người thân trong gia đình phải có một lối sống an vui hạnh phúc, mới đúng là hành động cụ thể thiết thực trong việc giáo dục sớm. Hay nói cách khác, muốn giúp cho con trẻ thông minh đạo đức thì đòi hỏi người tham gia giáo dục phải có cái tâm định tĩnh và sáng suốt. Bởi vì, nhờ có tâm hồn trong sáng an tịnh nên ta mới thấu hiểu được mối liên hệ tương quan mật thiết giữa bản thân ta và cuộc đời, giữa cha mẹ đối với con cái, v.v… vì mọi thứ có mặt trên cuộc đời này đều phải nương tựa vào nhau, không có cái gì hiện hữu riêng biệt. Cha mẹ hạnh phúc thì con cái được thừa hưởng, và ngược lại cha mẹ phiền não bất an thì con cái cũng chịu ảnh hưởng không kém. Do đó, khi người vợ đang mang thai thì ông chồng phải ân cần thương yêu chăm sóc, anh chị em hay ông bà nội phải đối xử tốt đẹp với nàng dâu, vì nhờ vào năng lượng hòa hợp an lành ấy mà khi đứa bé chào đời nó sẽ được thông minh vượt trội.
Thiết nghĩ, các bậc làm cha, làm mẹ cần phải ý thức được rằng, mỗi cử chỉ hành động và lời nói của mình đều là bài học thiết thực căn bản để định hướng cho con trẻ vững bước vào đời. Bởi tâm hồn của em bé chẳng khác gì một trang giấy trắng, và cha mẹ là ngòi bút để viết lên những nét chữ đầu đời! Có nhiều người hiểu sai lầm câu nói: “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, nghĩa là thân thể đứa bé do cha mẹ sinh ra còn tính tình thì do trời sinh. Thực ra, trời ở đây là cuộc đời, là nhân quần xã hội chứ không phải chỉ cho một đối tượng riêng lẻ. Theo đạo Phật, để hình thành tính cách của một con người như ngày hôm nay là do nghiệp lực mà mỗi người đã tự tạo ra từ trong quá khứ, phần còn lại là tùy thuộc vào cha mẹ và những người chung quanh biết cách định hướng cho con trẻ, chứ không thể đổ lỗi do ông trời định đoạt.

THIEN BIEN.jpg

Thực chất, mọi thứ hiện hữu trên cõi đời này đều luôn luôn thay hình đổi dạng, không có cái gì bất di bất dịch cả, nhận thức của mỗi con người có thể tốt hơn hoặc xấu hơn là tùy thuộc vào cách sống của người ấy ở thời điểm hiện tại. Nếu một ai đó, dù có thông minh tài trí đến mấy chăng nữa, nhưng họ tỏ vẻ ỷ lại và thiếu khả năng lắng nghe, thiếu sự trầm tĩnh sáng suốt để suy nghiệm về những lời chia sẻ của người khác, thì sự hiểu biết ấy chỉ dừng lại trong phạm vi kiến thức vay mượn khô cứng, và dễ dàng bị rập khuôn theo một mẫu lý tưởng nhất định nào đó. Muốn thoát ra khỏi khuôn khổ hạn hẹp để thấy rõ nguyên lý vận hành tương giao của cuộc sống, bạn cần phải biết buông bỏ thái độ bám víu chấp thủ và buông luôn cái đang buông, thì mặt trời trí tuệ tức thời hiện hữu. Khi cái thấy của bạn không còn lệ thuộc bởi thời gian và không gian, thì sẽ trở nên bén nhạy, uyển chuyển để thích ứng với mọi hoàn cảnh thực tế. Vì vậy, ở phương diện bồi đắp tri thức chưa phải là chìa khóa mở ra cánh cửa an vui giải thoát, mà bạn cần phải tiến thêm bước nữa là quán chiếu tu tập để phát khởi trí tuệ, bởi chỉ có trí tuệ mới đoạn tận phiền não tham sân si.

Chính vì khai mở trí tuệ là việc quan trọng bậc nhất của đời người, nên đức Thế Tôn dạy rằng: “Này các Tỷ kheo, ví như trong loài bàng sanh, sư tử, vua các loài thú được xem là tối thượng, tức là về sức mạnh, tốc lực và dõng mãnh. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ” (KinhTương Ưng Bộ V). Giáo pháp mà đức Thế Tôn giảng dạy được thâu tóm thành ba môn học chính yếu, đó là giới học, định học và tuệ học. Trong ba môn học này thì tuệ giác được xem là hoa trái do giới và định mang lại, nên thuộc về phần tối thượng trong các pháp.Cũng giống như trong loài bàng sanh, sư tử, vua các loài thú được xem là tối thượng. Thật rõ ràng, nhờ có trí tuệ nên ta mới biết cách để thương yêu và nhờ thương yêu đúng nên niềm an vui hạnh phúc có mặt. Do đó, trong đạo Phật có câu “duy tuệ thị nghiệp” nghĩa là sự nghiệp cao cả nhất của người học đạo chính là trí tuệ, vì chỉ khi nào hành giả đạt được trí tuệ giác ngộ mới thực sự chấm dứt luân hồi sinh tử khổ đau.
Để khai mở tuệ giác vốn có, bạn cần phải biết thường trực quan sát thân tâm mình và hoàn cảnh đương tại. Khi đi đứng, lúc nằm ngồi, mặc áo, rửa tay, ăn cơm, rửa bát, v.v… bạn chỉ đơn thuần nhận biết trọn vẹn mọi động dụng đang diễn xảy ra nơi thân tâm mình mà không khởi niệm thêm thắt, chọn lựa thì tuệ giác tức thời biểu hiện. Việc quan sát này không hao tốn thì giờ, không làm trở ngại công việc nhưng đem lại cho bạn lợi ích không thể nghĩ bàn. Thế nên, trở về với thực tại quán niệm thân tâm, chính hành động thiết thực nhất để hoàn thiện bản thân và làm nền tảng đạo đức cho con cháu nương tựa. Và đây cũng là mục đích chính yếu trong việc trao truyền sự nghiệp kế thừa cho con cái ở hiện tại cũng như mãi mãi về sau.

Viên Ngộ

Nguon: http://www.nguoiaolam.net/


Âm lịch

Ảnh đẹp