12/06/2017 18:40 (GMT+7)
Số lượt xem: 2010
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong 9 tháng 10 ngày mang thai, người phụ nữ cảm nhận cơ thể chuyển biến từng ngày, từng đêm, từng giờ… Những đau đớn của cơ thể, những hạnh phúc chờ đợi, và cả những lo lắng về những gì chưa biết đang tới gần.


Mindful-Pregnancy 

Thiền tập có thể giúp được gì cho quý bà đang mang thai? Và khi quý bà thiền tập, bào thai sẽ lợi ích ra sao?

 

Báo New York Times trong bài viết nhan đề “The Benefits of a Mindful Pregnancy” (Lợi Ích Thiền Tỉnh Thức Trong Khi Mang Thai) ngày 31/5/2017 cho biết một cuộc nghiên cứu mới cho thấy rằng thiền tỉnh thức có thể giúp quý bà mang thai lần đầu đối phó với sợ hãi.

Kết quả nghiên cứu in trên tạp chí ngành sản khoa BMC Pregnancy and Childbirth cũng cho thấy thiền tỉnh thức có thể làm giảm các hội chứng trầm cảm tiền sản và hậu sản. Thiền tỉnh thức (mindfulness), được định nghĩa là sự nhận biết khởi lên từ việc chú tâm vào khoảnh khắc hiện tại, được chứng minh là có công năng giúp đối trị đau nhức kinh niên, trầm cảm và lo lắng. 

Larissa Duncan, trưởng nhóm nghiên cứu này và là một giáo sư ở đại học University of Wisconsin-Madison, nói rằng: “Nỗi sợ hãi về những gì chưa biết ảnh hưởng mọi người, và điều này đặc biệt đúng với quý bà mang thai.”

Nghiên cứu này thực hiện với 30 phụ nữ lần đầu mang bầu trong ba tháng cuối gần sanh nở. 

Một cuộc nghiên cứu trước đó cho thấy quý bà lần đầu mang thai khi có nỗi sợ hãi sinh nở thường có thời gian sinh nở lâu hơn – trung bình nhiều hơn 47 phút – so với quý bà không sợ hãi. Trong khi nhiều phụ nữdự các lớp dạy về sinh nở để tự giáo dục về tiến trình sinh nở, nhiều khóa học đó không dạy kỹ năng đối trị với nỗi lo về sinh nở. Theo Tiến sĩ Duncan, trong vài trường hợp, các lớp dạy này có thể làm quý bà cảm thấy sợ hãi thêm.

Duncan và các cộng sự trong nhóm nghiên cứu chia quý bà làm hai nhóm: một nhóm sẽ tập thiền tỉnh thứctrong lớp có tên là Mind in Labor (Tỉnh Thức về Sinh Nở), nhóm kia dự các lớp truyền thống để hiểu biết về sinh nở.

Mind in Labor là khóa dạy cuối tuần, đề ra do Nancy Bardacke, một y tá đỡ đẻ và là một người dạy thiền tỉnh thức ở trung tâm y tế Osher Center for Integrative Medicine tại đại học University of California, San Francisco.

Trong khóa học, quý bà được học cách tỉnh thức trong tiến trình sinh nở, cách dùng tỉnh thức đối trị với đau đớn và sợ hãi trong khi chuyển bụng và sinh nở. Quý ông phối ngẫu của họ cũng được học để biết cách an ủi và hỗ trợ bằng kỹ thuật tỉnh thức.

Bardacke nói rằng bà dạy các thai phụ và phối ngẫu của họ về các khoảnh khắc chuyển bụng đau đớn tới và đi, trong từng khoảnh khắc, và rằng giữa các khoảnh khắc chuyển bụng là các khoảnh khắc bình an và thoải mái. Bà nói, chìa khóa đối trị sợ hãi là học về cách giữ tâm trong khoảnh khắc hiện tại mà không lo lắng về quá khứ hay tương lai. 

Để dạy kỹ năng này, bà Bardacke yêu cầu người học dùng bàn tay nắm giữ các cục nước đá trong khí chú tâm vào hơi thở, như thế để cảm nhận bản chất tạm thời của các cảm thọ khó chịu của cơ thể. Bà cũng dạy cách tập thiền tỉnh thức căn bản, như yoga, thiền tập khi ngồi và khi đi bộ, cũng như khi ăn trong tỉnh thức. 

Bardacke nói, thiền tập đã giúp họ cơ hội khám phá ra nguồn nội tại đầy sức mạnh và chịu đựng: “Vào lúc khóa thiền hoàn tất, mức độ tự tin của quý bà tăng hơn, nỗi sợ hãi của họ bắt đầu tan biến. Họ nhận rarằng sinh nở là gian nan, nhưng nó là cái gì họ có thể đối phó từng khoảnh khắc một.”

Sau khóa học thiền, những người tham dự nói rằng họ cảm thấy sẵn sàng hơn về cuộc sinh nở sắp tới, và nhiều phần sẽ không dùng thuốc giảm đau Opioid trong khi chuyển bụng. Quý bà này cũng có ít hội chứng trầm cảm tiền sản và hậu sản hơn, khi so với quý bà dự các lớp về thai sản truyền thống. 

Theo hiệp hội y tế tâm lý American Psychological Association, các yếu tố sinh hóa trong cơ thể có thể ảnh hưởng tới mức độ rủi ro trầm cảm của một thai phụ, và cả trong thời kỳ sau khi sinh nở khi quý bà giữ vai mới là một bà mẹ chăm sóc con. Nghiên cứu cho thấy thiền tỉnh thức giúp quý bà đối trị các hội chứng trầm cảm.

Thiền tập cũng có lợi cho cả bé sơ sinh, theo một nghiên cứu rộng lớn hơn và phức tạp hơn, chủ đề“Maternal mindfulness and anxiety during pregnancy affect infants’ neural responses to sounds” (Thiền tỉnh thức nơi thai phụ và nỗi lo lắng trong khi mang bầu ảnh hưởng tới phản ứng thần kinh của bé sơ sinh đối với âm thanh) – thực hiện bởi Oxford Academic với các giáo sư Marion I. van den Heuvel, Franc C. L. Donkers, István Winkler, Renée A. Otte, Bea R. H. Van den Bergh – và nghiên cứu này còn lưu ở https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4350490/ trong thư viện Bộ Y Tế Hoa Kỳ.

Nghiên cứu này thực hiện với 178 phụ nữ trong tuần lễ thứ 15 của thai kỳ, và với 12 phụ nữ trong khoảngtuần lễ thứ 16 và thứ 22 của thai kỳ. Các thử nghiệm y khoa thực hiện 3 lần (gọi là T1, T2, T3) trong thai kỳ, một lần vào mỗi ba tháng; và thêm hai lần nữa, lần cuối là khi bé sơ sinh tròn 9 tháng tuổi (T4, T5).

Mục tiêu nghiên cứu này phức tạp, được mô tả là “khảo sát về việc người mẹ tập thiền tỉnh thức và nỗi lo lắng trong khi mang thai ảnh hưởng tới chức năng nhận thức của em bé khi bé này chào đời được 9 tháng” (aimed at investigating the effects of the mother's mindfulness and anxiety during pregnancy on the infant's neurocognitive functioning at 9 months of age).

Thử nghiệm bằng cách cho phụ nữ bụng bầu nghe nhiều loại âm thanh, ở nhiều nhịp độ khác nhau; tương tự với em bé sau khi chào đời. Kết quả: người phụ nữ tập thiền ảnh hưởng tới bào thai, và kết quả này lưu giữ tốt cho em bé nhiều tháng sau khi ra đời.

Nghĩa là: thai giáo ảnh hưởng tới chức năng nhận thức trong não bộ em bé.

Trên phần giới thiệu trước nghiên cứu cũng dẫn ra một số nghiên cứu trước đó về ảnh hưởng thiền tỉnh thức trên thai phụ, trong đó có ghi về nghiên cứu của:

-- Vieten C,  Astin J. với chủ đề nghiên cứu về ảnh hưởng của thiền tỉnh thức trong khi mang thai đối với căng thẳng tiền sản, đăng kết quả trên tạp chí Archives of Women’s Mental Health , năm 2008, vol. 11 (trang 67-74)

-- Sriboonpimsuay W,  Promthet S,  Thinkhamrop J,  Krisanaprakornkit T., với chủ đề nghiên cứu ảnh hưởng thiền tập ngăn ngừa sinh non tại tỉnh Udonthani, Thái Lan, đăng kết quả trên tạp chí International Journal of Public Health Research, năm 2011, vol. 1 (trang 31-39).

Một cuộc nghiên cứu khác, với chủ đề “Maternal mindfulness during pregnancy and infant socio-emotional development and temperament: The mediating role of maternal anxiety” (Thiền tỉnh thức trong khi có thai và sự phát triển cảm xúc xã hội của bé sơ sinh và cá tính [em bé]: vai trò trung gian của nỗi lo lắng của thai phụ) cũng lưu hồ sơ ở cơ quan y tế này -- ở địa chỉ: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/25577496 – thử nghiệm với 90 thai phụ, và rồi khảo sát khi các em bé ra đời được 10 tháng, cho kết luận: “Thiền tỉnh thứctrong khi có thai có thể có ảnh hưởng tích cực cho tiến trình phát triển của bé sơ sinh.”

Trong truyện kể về cuộc đời các thánh tăng, có trường hợp một thai phụ gặp sản nạn, cơ nguy tới tính mạng, đã nhờ người thân thỉnh tỳ khưu Angulimala xin giúp. 

Vị thánh tăng này khi còn trong đời thường, đã từng giết 999 người và rượt theo Đức Phật để tìm giết cho đủ 1.000 người, theo một niềm tin từ ngoại đạo là sẽ được lên trời. Đức Phật đi bình thường, nhưng hung phạm rượt hoài không kịp. Angulimala nói với Đức Phật, sao kẻ kia không ngừng lại. Đức Phật nói, ta ngừng từ lâu rồi, chỉ có ngươi là chưa ngừng… Angulimala chợt tỉnh thức, xin xuất gia. Và rồi khi đứng trước thai phụ, thánh tăng Angulimala hồi hướng công đức giữ giới, bấy giờ phụ nữ kia được nhẹ nhàng, mẹ tròn con vuông.

Thời này của chúng ta, không có cơ duyên để gặp một thánh tăng như ngài Angulimala hồi hướng cứu nạnnhư thế. Do vậy, tự mỗi người phải tự lo. Không gì bằng thiền tập. Nhưng thiền tập thế nào, để tốt đẹp nhất cho thai phụ?

 

Trong bài Kinh Metta Sutta, Đức Phật dạy kết hợp thiền tỉnh thức (đi đứng nằm ngồi đều giữ tâm tỉnh thức, an tĩnh) vào tâm từ bi (trải rộng lòng yêu thương).

Trước tiên, quý bà nên điều thân cho thích nghi. Nghĩa là, trong khi mang thai, tuyệt đối không uống rượu, không hút thuốc, giảm cà phê và trà, nên ăn chay thích nghi với nhiều trái cây và rau, nên uống nhiều nước, nên thể dục nhẹ, không làm việc nặng nhọc, không đàn ca hát xướng nhiều…

Kế tiếp là điều tâm. Nên tin rằng tập Thiền Tâm Từ sẽ có vô lượng công đức cho cả mẹ và bào thai. 

Trong Kinh AN 11.16, Đức Phật nói rằng người tu tập lòng từ bi sẽ có 11 lợi ích:

1. Ngủ ngon. 2. Khi tỉnh, thoải mái nhẹ nhàng. 3. Không thấy ác mông. 4. Được mọi người quý trọng. 5. Được chúng sinh cõi phi nhân quý trọng. 6. Được chư thiên cõi trời tới bảo vệ. 7. Lửa, thuốc độc, đao kiếm không thể chạm tới thân người này. 8. Tâm định tĩnh nhanh chóng. 9. Khuôn mặt từ hòa. 10. Khi chết, tâm không hỗn loạn. 11. Nếu không đắc quả A La Hán ngay đây và bây giờ, sẽ tái sinh vào cõi Phạm thiên.”

Chính yếu, có 2 phương pháp Thiền Tâm Từ. Phương pháp tu theo Thanh Tịnh Đạo Luận là tuần tự khởi từ bi tâm, nghĩ tới mình, tới người thân của mình, tới người lạ, tới người đối kháng hiềm khích mình, rồi tới tất cả chúng sinh… Đó là phương pháp các vị tổ sư đời sau  nghĩ ra cho tiện dụng, vì cho là cần nghĩ tới người cụ thể. Nhưng pháp này có thể sẽ trở ngại với một số học nhân, vì khi nghĩ tới người mình yêu thương (như ba, mẹ) lại có thể mủi lòng, hay nghĩ tới người từng có sân si ngang trái với mình lại gặp cơ nguy  khó định tâm.

Phương pháp thứ nhì là tu tâm từ theo Kinh Metta Sutta. Trong này, Đức Phật không dạy nghĩ về người cụ thể, mà nói hãy nghĩ tới chúng sinh một cách trừu tượng (chúng sinh đã sinh ra đời và chưa sinh ra đời, chúng sinh cõi được nhìn thấy và cõi không được nhìn thấy…). Có lẽ, pháp này thích nghi cho hầu hết các bà mẹ.

Sau đây, là đề nghị pháp Thiền Tâm Từ cho quý phụ nữ đang mang thai, phần chính dựa vào Kinh Metta Sutta, theo cách đơn giản, có thể tự tu tập và có thể tự hướng dẫn người khác.

Trước tiên, ngồi [có thể ngồi trên ghế] hay nằm thoải mái (và rồi khi đi bộ, và khi làm mọi chuyện đời thường), mắt nhắm hay mở lim dim (tùy, sao cho tâm dễ an tĩnh), hãy dịu dàng thở, theo dõi từng hơi thở, rồi cảm nhận về không gian chung quanh (như tiếng chim trong vườn hay tiếng đồng hồ trong phòng, như gió nhẹ trên làn da…) rồi cảm nhận về thân (như chân, đùi, hông, bụng, bào thai, ngực, cổ, đầu…) rồi cảm nhận về suy nghĩ khởi trong tâm. Khi tâm tương đối bình lặng, hãy khởi tâm “xin nguyện cho tôi, cho bào thai, cho tất cả mọi người được bình an, hạnh phúc…” và nghĩ tới lòng yêu thương tất cả các chúng sinhcõi này và các cõi khác, tự nhìn thấy mình muốn bảo vệ tất cả chúng sinh như người mẹ bảo vệ đứa con trai duy nhất của bà, và thấy toàn bộ thân tâm mình rực sáng, chiếu tâm sáng này tới khắp các cõi trên trời, các cõi dưới đất, khắp các phương hướng… để tất cả chúng sinh xa lìa đau khổ, xa lìa tham ái, xa lìa sân hận. Giữ tâm từ chiếu sáng như thế trong mọi khoảnh khắc trong ngày.

Đó là Thiền Tâm Từ. Đó hiển nhiên là món quà tuyệt vời nhất, sang trọng nhất, quý giá nhất để các phụ nữmang bầu trao tặng cho bào thai. Món quà này không chỉ giúp cho em bé trong kiếp này, mà sẽ lợi ích cho cả mẹ và con trong rất nhiều đời sau, cho tới khi giải thoát.

https://thuvienhoasen.org/a27901/thien-tap-khi-mang-thai


Âm lịch

Ảnh đẹp