28/06/2011 03:15 (GMT+7)
Số lượt xem: 127502
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngày 20/06/2011, tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Hoằng pháp Trung ương đã tổ chức cuộc họp triển khai Phật sự tiếp theo trong năm 2011, trong đó, nội dung hàng đầu của chương trình nghị sự là đề ra mục tiêu và khởi động bước đầu việc thành lập Trung tâm Hoằng pháp phía Nam.


Thượng tọa Thích Tấn Đạt, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã chủ trì cuộc họp.

Do đây là một Phật sự quan trọng, sẽ có tác động tích cực đối với việc đẩy mạnh hoạt động hoằng pháp, đại diện Phattuvietnam.net đã có cuộc hầu chuyện với Thượng tọa Thích Tấn Đạt về Phật sự này.

Phattuvietnam.net: Bạch thượng tọa, Phật sự hoằng pháp có rất nhiều phương thức, nhưng vì sao Ban Hoằng pháp Trung ương lại xác định việc xúc tiến xây dựng Trung tâm Hoằng pháp phía Nam là ưu tiên hàng đầu đối với Phật sự hoằng pháp phía Nam?

Thượng tọa Thích Tấn Đạt (TTTTĐ): Vừa qua, Phật giáo Việt Nam chúng ta đã triển khai đồng loạt nhiều hoạt động hoằng pháp khác nhau và đều thu được những kết quả tốt đẹp.

Có thể kể đến việc đào tạo giảng sư, tổ chức thuyết giảng rộng rãi, tổ chức hội thảo hoằng pháp, tổ chức các khóa tu tập dành cho Phật tử, đẩy mạnh việc phát hành kinh sách…

Ban Hoằng pháp Trung ương đã tìm hiểu rất sát kết quả của các hoạt động đó.

Việc mở rộng đào tạo giảng sư, tổ chức thuyết giảng,… đều là trong tầm tay của Phật giáo chúng ta.

Duy có một hoạt động mà nếu không có tầm nhìn xa, rất có thể chúng ta sẽ bị động trong những năm sắp tới. Đó là việc tổ chức những trung tâm hoằng pháp, là địa điểm tu học tập trung dành cho Phật tử đủ mọi lứa tuổi, đặc biệt dành cho giới trẻ.

Phattuvietnam.net: Bạch thượng tọa, ở phía Nam, Phật giáo Việt Nam chúng ta đã có chùa Hoằng pháp, là trung tâm tổ chức các khóa tu rất nổi tiếng, đã quy tụ rất nhiều Phật tử.

TTTTĐ: Chính vì mô hình này rất thành công, cho nên Ban Hoằng pháp thấy cần thiết phải nhân rộng.

Trong những khóa tu mới đây cho thiếu niên, chắc đạo hữu cũng thấy các em về tu học đứng chật cả sân chùa. Như vậy, trung tâm hoằng pháp này đã bắt đầu quá tải, và việc nhân rộng mô hình đó cần phải được xúc tiến ngay từ bây giờ.

Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, thiết nghĩ đó là việc khó, vì trải qua nhiều năm, Phật giáo Việt Nam nói riêng phía Nam mới có một trung tâm như vậy. Còn ở phía Bắc, thì cũng chỉ có một trung tâm hoạt động mạnh là chùa Bằng, Hà Nội.

TTTTĐ: Muốn cống hiến nhiều cho đạo pháp và dân tộc, thì phải chọn việc khó để làm và quyết tâm làm cho bằng được.

Nhưng nhìn vấn đề một cách toàn diện, thì việc xây dựng Trung tâm Hoằng pháp phía Nam lại là một việc cấp bách (dễ) đối với Phật giáo Việt Nam.

Thầy nói cấp bách dễ, vì đây là một mô hình đã qua quá trình thử nghiệm và đã có kết quả là hết sức thành công. Tức là làm được,  làm có hiệu quả và cứ như thế mà mở rộng.

Đã làm thử nghiệm, tức là về thực chất, việc xây dựng Trung tâm Hoằng pháp phía Nam đã qua một giai đoạn. Tính hiệu quả, tính khả thi của mô hình đã được xác định.

Bây giờ cần có mặt bằng, cần có trung tâm Hoằng pháp để có nơi chốn cho Tăng ni và Phật tử tập hợp để thống nhất về hướng dẫn, về tổ chức về tu tập, nên đây là tính cấp bách, cần thiết mà Phật giáo phải phát tâm hỗ trợ và xây dựng. thầy trò chúng ta cứ bắt tay vào việc, không cần bận tâm gì nữa.

Thứ hai, các cơ sở mang tính thử nghiệm (thí dụ chùa Hoằng pháp phía Nam, chùa Bằng ở phía Bắc) sẽ đóng vai trò những cơ sở đào tạo nhân sự, thực tập nhân sự cho Trung tâm Hoằng pháp phía Nam có quy mô lớn hơn. Cũng giống như trước khi xây dựng nhà máy lọc dầu quy mô lớn Dung Quất, ngành dầu khí Việt Nam xây dựng nhà máy lọc dầu ở quy mô nhỏ, đặt tại Cát Lái để đào tạo cán bộ kỹ thuật, để thực hành kỹ thuật.

Thứ ba, xây dựng một trung tâm hoằng pháp không cầu kỳ như một ngôi chùa, tức là phí tổn trang trí sẽ không cao, trước hết chỉ cần đất rộng, xây dựng sao cho đạt mức tiện nghi tối thiểu cho việc tu học.

Thứ tư, là chúng ta có thể xây dựng từng bước trên mảnh đất đã có. Khởi đầu, có thể phục vụ  số lượng Phật tử ít hơn số Phật tử mà chùa Hoằng Pháp có thể tiếp đón, sử dụng trước một khu vực. Các khu vực còn lại sẽ xây dựng dần dần, từng bước nâng cao số lượng Phật tử có thể phục vụ việc tu học nội trú.

Nếu những bước xây dựng đầu tiên đạt kết quả tốt, trung tâm hoằng pháp sớm hoạt động, hoạt động có hiệu quả, thì Phật tử sẽ tin tưởng, mạnh dạn cúng dường.

Như vậy, tiến độ xây dựng sẽ được đẩy mạnh.

Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, như vậy, yêu cầu trước tiên là đất, cũng tức là địa điểm.

TTTTĐ: Đúng vậy. Trước tiên, phải có được đất để xây dựng và địa điểm xây dựng phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

-    Thanh tịnh, không quá gần với khu công  nghiệp, khu dân cư, bảo đảm cho yêu cầu tu học.

-    Giao thông thuận tiện, để Phật tử có thể đến bằng xe bus chẳng hạn.

-    Rộng rãi, tối thiểu từ 10 mẫu đất trở lên, để có thể phục vụ khoảng 10.000 người tập trung tu học, và cũng tạo thành một cảnh tùng lâm đặc sắc.

-    Tốt hơn là có cảnh sông nước hữu tình.

-    Phù hợp với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Thí dụ, là trung tâm phía Nam, dự kiến đặt ở Đông Nam Bộ, thì trung tâm phải ở giữa, hoặc nằm trong tứ giác phát triển đã quy hoạch là TPHCM – Đồng Nai – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu.

Việc xây dựng xa hơn cũng có thể, nhưng nằm ở các tỉnh phát triển trọng điểm, có dân số đông đảo, kinh tế phát triển thì việc phục vụ sẽ tốt hơn, vì nhằm vào đối tượng là số cư dân đông đảo ở nơi này, mà Phật tử chắc chắn chiếm tỷ lệ cao.

Phattuvietnam.net: Bạch thượng tọa, trong thông tin đã đưa, cũng có dự kiến cả Lâm Đồng, Long An…

TTTĐĐ: Mọi khả năng đều được tính đến. Thí dụ, nếu Phật giáo Việt Nam được cấp một khu đất phù hợp ở Lâm Đồng, Long An hay Bình Thuận chẳng hạn, thì cũng vẫn được. Chúng ta phải nhìn sự vật trong sự phát triển. Cách đây 20 năm, các bãi biển ở tỉnh Bình Thuận là bãi hoang, nhưng nay đã trở thành thủ đô nghỉ dưỡng của cả nước, giao thông rất thuận lợi.

Hay ở Long An, nơi có một khu du lịch sinh thái đang được xây dựng ven sông Vàm Cỏ trên đất ruộng, đất vườn, chắc chắn sẽ là nơi giao thông thuận tiện.

Vì vậy, việc đầu tiên là công bố chương trình, hoàn thiện phương án để xin cấp đất, vận động hiến đất tài chính để sang nhượng đất.

Phattuvietnam.net: Bạch thượng tọa, việc xây dựng một trung tâm quy mô như vậy sẽ tốn rất nhiều thời gian, và việc tốn nhiều thời gian còn vì kinh phí lớn, tất nhiên, không thể huy động trong một thời gian ngắn. Vậy thượng tọa nghĩ sao về ý kiến mượn tạm trú xứ để hoạt động tạm?

TTTTĐ: Ban Hoằng pháp Trung ương khuyến khích tất cả tu viện, tự viện dù lớn, dù nhỏ có khả năng tổ chức khóa tu theo mô hình chùa Bằng, chùa Hoằng Pháp… tự tổ chức các hoạt động tu học cho Phật tử như vậy.

Do đó, chùa nào có sẵn cơ sở thì đẩy mạnh hoạt động, sao cho khai thác triệt để cơ sở của mình. Ở quy mô như thế, thì cứ để các tu viện, tự viện tự tổ chức các trung tâm cấp cơ sở và tự điều hành quản lý.

Ban Hoằng pháp Trung ương sẽ dồn hết tâm lực xây dựng một trung tâm điểm cấp khu vực, có quy mô vượt trội, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khi các trung tâm cấp cơ sở quá tải.

Về thời gian, nếu Ban Hoằng pháp cố gắng, tập trung nhân lực vật lực, thì có thể đưa vào sử dụng sớm, nhưng qua từng giai đoạn.

Cái khó là có được mảnh đất phù hợp với yêu cầu. Chúng ta tiến hành khâu thiết kế song song với việc tìm đất, trong đó gồm có các công trình chính có tính vĩnh cửu và các công trình phụ có tính chất tạm thời (nhà cấp 4).

Sau khi có đất, chúng ta xây dựng trước các công trình phụ, với thời gian xây dựng nhanh, chi phí xây dựng thấp trước, để đưa vào phục vụ việc tu học trong thời gian sớm nhất, với số lượng Phật tử bước đầu có thể từ vài trăm người.

Việc xây dựng các công trình chính sẽ được tiến hành sau đó và trong một thời gian dài ở khu vực biệt lập đã được hoạch định trước.

Các công trình chính cũng xây dựng theo từng giai đoạn, xây tới đâu, đưa vào sử dụng, nâng cao số lượng Phật tử tu học tới đó.

Khi việc xây dựng hoàn tất căn bản, thì các công trình phụ được dùng như cơ sở chính trong giai đoạn đầu sẽ được chuyển sang dùng làm sơ sở hậu cần như nhà kho, nhà để xe…

Sau 20 – 30 năm, nếu nhu cầu phục vụ tăng cao thì phá dỡ những nhà cấp 4 được xây dựng ở giai đoạn đầu tiên lúc đó đã xuống cấp để lấy đất xây dựng công trình kiên cố nhiều tầng.

Như thầy đã nói, đây là trung tâm hoằng pháp, nên sẽ xây dựng đơn giản, cốt là có chỗ tu học cho đông đảo Phật tử, không trang trí cầu kỳ như một ngôi chùa, nên chi phí thấp, tiến độ thi công nhanh.

Ngoài chức năng trung tâm hoằng pháp, nơi đây có thể trở thành trung tâm từ thiện xã hội, nuôi dưỡng người già, người neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi, cơ sở kinh tế tự túc của Phật giáo, những dãy nhà cấp 4 xây dựng buổi đầu không bao giờ là chuyện lãng phí.

Phattuvietnam.net: Như vậy, Ban Hoằng pháp Trung ương đã khởi động chương trình xây dựng Trung tâm Hoằng pháp phía Nam?

TTTTĐ: Thầy nhờ Phattuvietnam.net với thế mạnh của mình thông báo rộng rãi chương trình này. Mọi đóng góp, có thể liên hệ Ban Hoằng pháp Trung ương (phía Nam) Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q3, TPHCM.

Theo như nội dung cuộc họp thì sau đây, Ban Hoằng pháp sẽ lập dự án, lập ban vận động để có thể xin cấp đất hoặc vận động hiến đất và vận động quỹ xây dựng.

Thầy ước mong, có một Trung tâm Hoằng pháp rộng, đẹp, phong cảnh hữu tình xây dựng bên bờ biển hay ven sông, để cứ đến dịp hè như thế này, Phật giáo chúng ta đó vài chục ngàn em thanh thiếu niên về tu học tập trung, thay vì khoảng 2000 em như hiện nay. Ở đó, các thầy cô sẽ dạy giáo lý, huấn luyện cho các em nếp sống đạo đức, trên cơ sở lòng từ bi, nhân đức…

Phattuvietnam.net: Thành kính cảm ơn thượng tọa. Kính chúc Thượng tọa thân tâm thường an lạc, Phật sự viên thành.

MT (thực hiện)


Âm lịch

Ảnh đẹp