08/06/2011 09:56 (GMT+7)
Số lượt xem: 3193
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phật giáo Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng của mình, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới và chưa đáp ứng được lòng kỳ vọng của quần chúng Phật tử, đòi hỏi của dân tộc Việt Nam.


Với xu thế đi lên của đất nước, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Nhà nước, trong những năm qua, Phật giáo Việt Nam đã từng bước chuyển mình phát triển và có những thành quả đáng ghi nhận, mà điển hình là một mùa Phật đản 2011 khởi sắc. 

Nhưng ngay trong mùa Phật đản vừa qua, bên cạnh những nơi làm rất tốt với nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo người dân, cũng có nhiều nơi Phật đản còn trầm lắng, buồn tẻ, không đáp ứng mong mỏi của người dân đối với một lễ hội lớn nhất của Phật giáo.

Nói như thế để thấy rằng, Phật giáo Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng của mình, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới và chưa đáp ứng được lòng kỳ vọng của quần chúng Phật tử, đòi hỏi của dân tộc Việt Nam. 

Dưới đây là những “tài nguyên” mà Phật giáo chúng ta còn lãng phí, chưa tận dụng hết cho sự phát triển của mình.

LÃNG PHÍ “TÀI NGUYÊN” TỰ VIỆN

Hơn hai ngàn năm Phật giáo du nhập vào Việt Nam, cha ông ta và thế hệ hôm nay đã xây dựng biết bao tự viên để làm nơi thờ Phật và tu học. Chưa có thống kê chính xác nhưng ước chừng số tự viện cũng gần 15.000. Phật giáo là tôn giáo có cơ sở thờ tự nhiều nhất trong các tôn giáo có mặt ở Việt Nam. 

Nhưng thực tế hiện nay có bao nhiêu phần trăm trong hàng số đó định kỳ hàng tuần, hàng tháng tổ chức các buổi truyền giảng giáo lý, tổ chức các khóa tu, các buổi sinh hoạt cho Phật tử?

Bao nhiêu phần trăm trong số đó có thống kê, quản lý Phật tử của mình?

Ngôi chùa không chỉ là nơi thờ tự, để lễ bái, cầu xin mà phải là nơi hoằng dương Phật pháp.

Ngôi chùa không phải chỉ là nơi dành cho các bậc xuất gia tu hành, cho người già lễ chùa  mà phải là nơi thu hút, tập hợp tất cả lứa tuổi đến để sinh hoạt Phật pháp.

Ngôi chùa không phải là thâm nghiêm u tịch để lánh xa sự đời mà phải là nơi nhập thế phụng sự chúng sinh.

Ngôi chùa không phải là nơi diễn ra các hoạt động mê tín, dị đoan mà là nơi giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và nơi lưu truyền chính pháp.

Ngôi chùa không chỉ là trường dạy Phật pháp mà còn là trường đời dạy đạo đức, cách sống làm người.


Bao giờ thì những hình này trở nên phổ biến trong các ngôi chùa Việt Nam mỗi khi  hè về?

Lãng phí “tài nguyên” tự viện có lẽ là sự lãng phí dễ dãi nhất, vì chùa vốn có sẵn, dù có đổ nát siêu vẹo. Người dân vốn có tục lệ đến chùa để cúng bái, cầu khấn vào các ngày rằm, mùng một. Hơn nữa chùa lại là cơ sở Phật giáo hòa nhập trong đời sống người dân, gần dân nhất, dễ gắn bó với người dân nhất.

Các ngôi chùa ở ngoài bắc các ngày lễ tết, ngày rằm, mùng một rất đông người đến lễ bái cầu xin, nhưng có ai trong số họ đến chùa được nhà chùa giảng dạy giáo lý nhà Phật để họ hiểu biết giáo lý, trở thành một người Phật tử đích thực? Hay để họ đến chùa lễ xong lại về, mấy chục năm đi lễ chùa nhưng không hiểu gì về đạo Phật.

Việc xây dựng ngôi chùa thực sự là nơi thu hút đông đảo quần chúng mọi lứa tuổi đến tu học Phật pháp là trách nhiệm của người trụ trì được Giáo hội bổ nhiệm.

Nếu chùa không có Tăng, Ni trụ trì, Ngành hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp cần đào tạo ra những cư sĩ nòng cốt, hiểu đạo, hiểu Pháp luật, có năng lực để làm nhiệm vụ hoằng pháp và hướng dẫn tu học. Không thể bỏ mặc những chùa không sư trụ trì cho các ban hộ tự chỉ biết thu tiền công đức về cho địa phương, hay làm việc hương, đèn.

Giáo hội cần có giải pháp cụ thể để ngày càng có nhiều những ngôi chùa như Bằng A, Sùng Phúc, Đình Quán, Hòe Nhai… (Hà Nội), Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Phật Quang(BRVT), chùa Từ Tân, Hoằng Pháp, Viên Giác, Giác Ngộ, Ấn Quang (TP.HCM)…

Mô hình sinh hoạt Phật pháp của những ngôi chùa đó cần được học hỏi và nhân rộng ra cả nước.

LÃNG PHÍ “TÀI NGUYÊN” NHỮNG NGƯỜI YÊU MẾN ĐẠO PHẬT


Ngoại trừ hơn 10% dân số Việt Nam theo các tôn giáo như Ki-tô La Mã, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài…, còn lại là hơn 80% người dân Việt Nam hoặc theo đạo Phật hoặc theo tín ngưỡng thờ ông bà tổ tiên. 

Những người theo tín ngưỡng thờ ông bà tổ tiên mặc dù họ chưa quy y Tam bảo, nhưng đa số đều hơn 1 lần đến chùa lễ Phật. Dù họ chưa từng nghe giảng về đạo Phật nhưng mỗi lần thắp hương trên bàn thờ tổ tiên thì câu đầu tiên họ đều xưng tụng Nam mô A Di Đà Phật. 

Mặc dù chưa là Phật tử nhưng mỗi khi có dịp người thân, bạn bè, hay công ty tổ chức đi hành hương chiêm bái các danh lam cổ tự họ đều nhiệt tình tham gia.  

Trong suy nghĩ của họ, Đức Phật là một người có lòng từ bi, luôn cứu giúp, che chở cho mọi người. Đức Phật thật gần gũi, thân thương như hình ảnh ông Bụt hiền từ trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám. 

Điều đó cho thấy phần đông người dân Việt Nam có cảm tình với đạo Phật, yêu mến đạo Phật. Họ là mảnh đất phì nhiêu, mầu mỡ và tiềm năng cho Phật giáo chúng ta gieo trồng hạt giống bồ đề. 

Phật giáo có thể dễ dàng truyền giảng giáo lý đạo Phật, dẫn dắt họ vào đạo và hướng dẫn con đường tâm linh cho họ theo chính pháp của đức Phật. 

Rất tiếc là chúng ta vẫn để lãng phí một “tài nguyên” vô giá đó trong bối cảnh các tôn giáo khác đang quyết liệt khai thác bằng tất cả các nguồn lực, hoặc để cho tư tưởng mê tín, dị đoan có dịp bùng phát.


Phật giáo Việt Nam không thể và không được phép lãng phí những tài nguyên được vun đắp hơn 2000 năm qua

Ki-tô giáo La mã tại Việt Nam có Câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình để tập hợp trí thức Ki-tô giáo, trong khi Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có hình thức tập hợp lực lượng trí thức yêu đạo Phật để khai thác trí tuệ, ảnh hưởng của họ trong việc truyền bá chính pháp.

Các doanh nhân, đại thí chủ Phật giáo mới chủ yếu cúng tiền cho việc xây chùa, chứ chưa đầu tư tiền bạc xứng đáng vào việc xây dựng các tác phẩm văn hóa nghệ thuật Phật giáo mang tính quảng đại quần chúng, các bộ tài liệu, giáo trình, sách, băng, đĩa, chương trình phát thanh truyền hình Phật giáo.


Phật giáo Việt Nam mới tập trung vào việc xây chùa (sức mạnh cứng), mà chưa phát huy các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục (sức mạnh mềm)

Nếu ngày xưa Đức Phật không tự thân và yêu cầu các đệ tử mỗi người đi một hướng truyền bá chính pháp, vua Asoka không cử các đại sư đến các nước truyền đạo thì làm sao đạo Phật có thể được mở mang như ngày nay.

Một khi Phật giáo còn hờ hững, chưa chủ động mở rộng cánh cửa chùa, chưa dấn thân bước vào đời để hoằng dương Phật pháp, thì e rằng nguồn “tài nguyên” này sẽ cạn kiệt lúc nào không hay.

Và khi, cây Phật pháp không còn bám rễ sâu trong dân, thì chỉ một cơn gió nhẹ cũng có thể làm bật gốc.

LÃNG PHÍ "TÀI NGUYÊN" GIÁO PHÁP VI DIỆU CỦA ĐỨC PHẬT

Đạo Phật là khoa học, giáo lý nhà Phật soi rọi và mở đường cho khoa học, khi khoa học phát triển không làm lu mờ giáo lý nhà Phật mà còn kiểm chứng được tính đúng đắn của đạo Phật

Đạo Phật là chân lý, trí tuệ. Đạo Phật nói thật bản chất của vũ trụ, của vạn vật, của nỗi khổ thế gian. Nhìn sự vật như chúng thật sự là. 

Đạo Phật là đạo từ bi, yêu thương tất cả chúng sinh bằng tình yêu không phân biệt.

Đạo Phật là đạo của hòa bình, trong suốt của quá trình truyền đạo và hành đạo của mình, Phật giáo không gây chiến tranh và thù hận. Đạo Phật đi đến đâu hòa bình và tình thương được gieo trồng.

Đạo Phật là đạo của tự do, giải thoát con người khỏi sự nô lệ về thần quyền, con người làm chủ cuộc đời của họ. 

Đạo Phật là đạo dân chủ, bình đẳng, mọi chúng sinh đều có thể giác ngộ thành Phật.

Đạo Phật không mê muôi chúng sinh, không ru ngủ con người ta bằng ảo tưởng về thiên đàng, hay đe dọa địa ngục mà con người bằng chính nghiệp mình gây tạo sẽ quyết định đích đến cho mình trong hiện tại và cả kiếp sau.

Đạo Phật là đạo cứu khổ ban vui, chỉ ra phương pháp trị liệu cho những nỗi khổ niềm đau của chúng sinh

Đạo Phật là con đường tâm linh có thể kiểm chứng, những ai hành trì theo lời Phật dậy thì đều có thể chứng đạt, và có lợi ích thiệt thực ngay trong hiện đời không cần phải chờ đến kiếp sau...

Tất cả những điều đó nói lên giáo lý nhà Phật là cao siêu vi diệu như một viên ngọc quý. Chúng ta có ngọc quý, nhưng lại để bụi phủ, cất kín trong bốn bức tường chùa.

Chúng ta có thuốc quý trị bách bệnh, nhưng đa số mới chỉ trưng bày cho người bệnh thờ cúng, cầu khấn.


Người dân dâng sao giải hạn tràn ra đường như thế này là sự lãng phí "tài nguyên" giáo pháp của nhà chùa rất đáng trách

Trong khi đó, cuộc sống hiện nay còn nhiều khổ đau, bệnh tham – sân – si còn phát tác gây nhiều hậu quả trong thân và tâm của mỗi cá nhân, lên đời sống kinh tế, xã hội, môi trường. 

Đạo đức xã hội đang bị suy giảm nghiêm trọng, giới trẻ bơ vơ giữa nhiều luồng văn hóa, nền tảng gia đình đang bị lung lay, văn hóa truyền thống của dân tộc bị lu mờ.


Nhiều vấn nạn xã hội cần bàn tay từ bi trí tuệ của Phật pháp

Hơn lúc nào hết, bây giờ chính là lúc người dân, xã hội cần đến những phương thuốc trị liệu quý báu của Đức Phật, cần đến những giáo pháp vi diệu, màu nhiệm nhưng cũng hết sức thực tế.

Một khi tinh túy, cốt lõi của giáo lý tuyệt vời ấy được truyền trao rộng khắp thì người dân sẽ được an lạc, xã hội hòa hợp, thái bình, tâm bệnh và thân bệnh của chúng sinh được gột rửa. Khi đó, Niết bàn, Tịnh độ sẽ xuất hiện chính trong cuộc đời này. 

Tiếc rằng, chúng ta chưa làm được.

LÃNG PHÍ LỊCH SỬ HƠN 2000 NĂM ĐỒNG HÀNH, GẮN BÓ CÙNG DÂN TỘC

Con đường hành đạo của Phật giáo trong suốt hơn 2000 năm qua trên đất Việt đã tạo thành một bản sắc Phật giáo Việt Nam, hun đúc thành một truyền thống hộ quốc an dân quý báu.

Ngay từ buổi đầu độc lập dân tộc, những nhà sư uyên bác lỗi lạc như Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh với con mắt chiến lược, tầm nhìn xa trông rộng đã cố vấn và kiến tạo cho vương triều, củng cố nền độc lập xây dựng quốc gia vững mạnh, trong ấm ngoài yên.

Đỉnh cao là Phật giáo Việt Nam là ở thời Trần. Trần Nhân tông là vị vua anh minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn cũng là sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền thuần việt và nhập thế. 

Khi đã thành đạo, Phật Hoàng Trần Nhân Tông công du khắp cõi để truyền bá đạo Phật. Thời trần, Phật giáo được coi là quốc giáo. Triều đình, Vua quan đều là Phật tử thấm nhuần giáo lý nhà Phật do vậy có nhiều chính sách hợp lòng dân, khoan thư sức dân, đoàn kết nhân tâm để làm nên những chiến công hiển hách, văn minh Đại Việt phát triển rực rỡ, vang xa khắp chốn, lân bang nể phục. 

Những năm tháng dưới ách thực dân đế quốc, nhà chùa là nơi bào vệ và che giấu cách mạng, nhà chùa là nơi gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc, là thành trì vững chãi chống lại sự xâm lăng của văn hóa và tôn giáo Phương tây.

Phật giáo Việt Nam luôn hòa chung dòng chảy của dân tộc, đồng cam cộng khổ, đồng hành cùng dân tộc. Phật giáo trong suốt 2000  truyền đạo và hành đạo của mình chưa từng quay lưng phản bội lại dân tộc. Phật giáo VN chưa từng phải nói lên lời sám hối vì đã gây đau thương cho dân tộc Việt Nam.

Đó là truyền thống quý báu, là lịch sử vẻ vang đầy tự hào của PGVN. Truyền thống đó chưa được chúng ta tuyên truyền quảng bá sâu rộng đến tăng ni Phật tử và toàn thể dân tộc Việt Nam để tăng ni, Phật tử gìn giữ và kế thừa, để mọi người hiểu giá trị cao quý của Phật giáo Việt Nam. Để đồng bào có cái nhìn trân trọng và thiện cảm với PGVN, cùng góp phần chấn hưng PGVN.

PGVN còn là một Phật giáo nhập thế, dấn thân phụng sự dân tộc và đạo pháp. Trong lịch sử ngôi chùa vừa là nơi bốc thuốc chữa bệnh, các nhà sư không chỉ là bậc thầy tâm linh và còn là thầy thuốc vân du khắp chốn chữa bệnh cho dân. 

Nhà chùa không chỉ là nơi dậy đạo còn là nơi dạy chữ, dạy đạo lý làm người. Nhà chùa còn là nơi nương tựa của nhiều mảnh đời bất hạnh.

Rất tiếc nhiều nhà sư trụ trì hiện nay coi chùa như là một ốc đảo, một chốn để lánh xa trần thế. Nhà chùa nhận tiền cúng dàng của thập phương cốt để xây đắp chùa to Phật lớn, sắm sửa tiện nghi, phương tiện mà thờ ơ với nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống của Phật tử. 

Thử đặt câu hỏi có bao nhiêu vị trụ trì làm được những việc sau:

- Nắm rõ được trong làng, trong thôn, trong vùng chùa của mình có bao nhiêu người già cô đơn, gia đình nghèo túng khó khăn cần giúp đỡ để nhà chùa vận động Phật tử lập quỹ xóa đói giảm nghèo, tương thân tương ái.

- Những chuyện vui của Phật tử được nhà chùa đến chúc mừng. Khi Phật tử không may gặp hoạn nạn, tai ương thì được nhà chùa đến thăm hỏi, động viên, an ủi.

- Trong làng ngoài xóm có gia đình bất hòa, hàng xóm láng giềng bất hòa được nhà chùa đến khuyên nhủ hòa giải?

- Khi Phật tử có như cầu hướng dẫn con đường tâm linh thì được nhà chùa giúp đỡ thay vì để họ tự tìm đến thầy cúng, thầy đồng cốt, bói toán dẫn tới mê tín dị đoan vừa tốn kém mà không có lợi lạc…?

- Trẻ em, người lớn, người già được an vui không chỉ trong giáo pháp, mà trong các hoạt động đời sống như quốc tế thiếu nhi, tết trung thu, chúc thọ…

Có rất nhiều việc mà Phật giáo chúng ta ngày nay chưa tương xứng với truyền thống nhập thế và với phương châm phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật hơn 2000 năm qua.

LÃNG PHÍ “TÀI NGUYÊN” HỖ TRỢ CỦA NHÀ NƯỚC VÀ NGƯỢC LẠI

Với hơn 2000 năm gắn bó, cắm rễ sâu trong đời sống người Việt, một người nào đó nếu ghi tôn giáo “không”, không hẳn là không có tôn giáo, mà họ vẫn có một nơi sâu thẳm trong cõi tâm linh để nương tựa, dù không nói ra, chính là Đức Phật và Phật pháp. Và với đa số quan chức, công chức, viên chức Nhà nước, Phật giáo chính là tôn giáo để họ hướng về, và họ cũng là những người hộ pháp tiềm tàng.

Nhìn lại lịch sử gần đây, trong những năm tháng dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc, nhà chùa là nơi che chở, nuôi dưỡng cán bộ và tổ chức cách mạng.

Nhiều nhà sư, Phật tử đã theo tiếng gọi của non sông, của Bác Hồ lên đường nhập ngũ bảo vệ quê hương đất nước, nhiều người đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường. 

Đất nước hòa bình, Nhà nước làm tất cả vì mục tiêu dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ Văn minh. Đường lối ấy không khác gì với con đường dấn thân của đạo Phật là xây dựng xã hội hướng thượng, tốt đẹp văn minh, một tịnh độ tại nhân gian.

Nhà nước chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, chủ trương ấy cũng đồng nhất với gì Phật giáo đã và đang làm là:

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.


Nhà chùa là nơi bảo tồn các bảo vật quốc gia, giá trị truyền thống của dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc, phong tục và tôn giáo truyền thống của dân tộc.

Một sự gặp gỡ giao thoa giữa những mục tiêu phát triển của Nhà nước với phương châm hành đạo của Phật giáo. Cùng với chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển. 

Nhưng Phật giáo Việt Nam chưa lắm bắt hết thuận lợi này. Phật giáo chúng ta không chỉ hoằng pháp cho đồng bào Phật tử mà còn cần coi trọng việc hoằng pháp đối với những người quản trị đất nước. Điều đó không chỉ gây dựng một lực lượng hộ pháp, mà còn mang lại lợi lạc cho nhân dân nhờ có việc quản trị tốt trên cơ sở đạo đức và phương pháp Phật giáo.

Chúng ta chưa có nhiều vị Tăng Ni xứng tầm, am hiểu và có khả năng vận dụng Phật pháp vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, các học thuyết quản lý, quản trị.

Phật giáo chưa mạnh dạn tìm ra những cơ chế, phương pháp, hình thức để tư vấn, hỗ trợ, phản biện đối với các chính sách của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội.

Mặt khác, Phật giáo không chỉ thụ động trông chờ Nhà nước mà phải chủ động đề xuất với Nhà nước những hỗ trợ giúp đỡ cho Phật giáo Phát triển.

Mạnh dạn đề xuất Nhà nước giúp kiện toàn tổ chức Giáo hội, thành lập được tất cả các ban trị sự, ban đại diện tại tất cả các tỉnh thành và quận huyện.

Đề xuất Nhà nước tạo điều kiện cho Phật giáo hoằng pháp tại những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng trắng Phật giáo, vùng biên giới hải đảo để Phật giáo được mở mang khắp cõi và là tiền đồn bảo vệ đất nước.

Đề xuất Nhà nước hỗ trợ xây dựng các trung tâm hoằng pháp tại các vùng miền, các trung tâm văn hóa Phật giáo làm nơi truyền bá chính pháp và tổ chức các đại lễ Phật giáo, sự kiện văn hóa Phật giáo tầm cỡ quốc gia và thế giới.

Đề xuất Nhà nước quán triệt chính quyền các địa phương, nhất là cấp thôn xã về vai trò, vị trí của Phật giáo trong sự nghiệp hộ quốc an dân, gìn giữ các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, tránh những sự cản trở, gây khó dễ cho hoạt động Phật giáo.

Đề xuất nhà nước tạo điều kiện cho PGVN quan hệ trao đổi Phật pháp, kinh nghiệm hoạt động Phật sự đối với các tổ chức Phật giáo và giáo hội trên thế giới.

***

Tất cả những tài nguyên trên của PGVN đều là những tài nguyên vô giá mà không có một tôn giáo nào tại Việt nam có được. PGVN đang đứng trước tiền đồ sáng lạn khi đang có những yếu tố thuận lợi và tiềm năng cho sự phát triển của mình. 

Chỉ có điều, nếu chúng ta còn thụ động, bàng quan, không có tầm nhìn, không nỗ lực dấn thân, không đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của tứ chúng, sự ủng hộ của Nhà nước và quần chúng, không đi sâu, sát trong đời sống xã hội, không tự trang nghiêm thanh tịnh, thì thời cơ và cơ hội sẽ trôi qua rất nhanh, Phật giáo Việt Nam sẽ bị thời đại bỏ lại phía sau, bị các tôn giáo khác lấn lướt.

Tuy nhiên, với di sản 2000 năm của các thế hệ đi trước, với những tiềm năng mạnh mẽ đã đề cập, với sự quyết tâm của mỗi người con Phật, tin rằng Phật giáo Việt Nam sẽ vượt thoát được những trì trệ, cản trở nội tại và bên ngoài, cùng hành động để khẳng định vị thế xứng đáng trong lòng dân tộc, có được thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, và quan trọng nhất, mãi là một của báu của người dân Việt Nam.

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/diendan/chanhung/14849.html


Âm lịch

Ảnh đẹp