Minh Ngọc, một bạn đọc trung thành, đồng thời cũng là cộng tác viên Phattuvietnam.net, thường có bài viết về quan hệ giữa Phật giáo và các tôn giáo, trong một phản hồi về một bài bàn đến người Phật tử với lễ Noel có nói lên mong ước của mình: “Cũng mong sao Noel năm nay các chức sắc Phật giáo sang nhà thờ chúc mừng tôn giáo bạn được “bảo đảm sự tôn nghiêm trong nghi lễ, thể hiện sự kính trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo một cách tương xứng”.”
Điều làm tôi thắc mắc, là không hiểu vì sao đoàn Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do vị Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự dẫn đầu lại đến thăm và được tiếp đón bởi chức sắc trong tư cách cấp địa phương đơn vị thành phố.
Tổng giáo phận Hà Nội là một đơn vị địa phương. Tổng Giám mục là người đứng đầu tổng giáo phận Hà Nội, nếu trong chức vụ, tư cách như thế, tức là chỉ tương nhiệm với Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN TP. Hà Nội (Mặc dù Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội hiện nay cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, cũng như Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP. Hà Nội là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN).
Theo chỗ tôi được biết, Cố HT. Thích Thanh Tứ - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự cũng chưa bao giờ tới Văn phòng Tổng Giáo phận Hà Nội chúc mừng Giáng sinh đến linh mục và giáo dân trong Tổng Giáo phận.
Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự chỉ nên đến chúc mừng giáng sinh tại Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, và được tiếp đón bởi Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Cũng vậy, Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự chỉ nên đến chúc mừng tại Văn phòng Hội Thánh Tin lành Việt Nam (Miền Bắc) và được tiếp đón bởi Hội trưởng hoặc Phó Hội Trưởng.
Tương nhiệm với Hội thánh Tin Lành Thành phố Hà Nội chỉ là Ban Trị sự Thành hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội, không thể là Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Duy có việc Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự chúc mừng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và được linh mục Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tiếp đón là phù hợp. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là một tổ chức toàn quốc.
Tương nhiệm là một yêu cầu rất quan trọng và chặt chẽ trong hoạt động đối ngoại. Chẳng hạn, đón tiếp, hội đàm hay nhận và phúc đáp văn bản của chủ tịch nước chẳng hạn phải là chủ tịch nước, tổng thống hoặc phó, hoặc quốc vương, không thể là cấp nhỏ hơn, hay chỉ là người đứng đầu địa phương (như tỉnh trưởng chẳng hạn).
Trở lại vấn đề mà chúng ta đang bàn luận, thì nếu đại diện Tổng giáo phận Hà Nội (Tòa Tổng Giám mục Hà Nội) hay Hội thánh Tin Lành Thành phố Hà Nội có đến thăm Phật giáo chúng ta chúc mừng lễ Phật Đản, thì cũng chỉ nên tiếp ở chùa là trụ sở Ban Trị sự Phật giáo Thành phố Hà Nội, với vị tôn đức tương nhiệm về chức vụ (trưởng hoặc phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội).
Chúng tôi đã đọc thấy trên trang web của Tổng Giáo phận TPHCM, đoàn chúc mừng Phật Đản của Tổng Giáo phận TPHCM (đơn vị địa phương) cũng chỉ đến chúc mừng Phật Đản ở chùa Ấn Quang, Văn phòng Thành hội Phật giáo TPHCM, mà dường như không đến Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Như vậy là phù hợp với nguyên tắc tương nhiệm, giữ đúng phép lịch sự.
Đáp lễ tại TPHCM cấp Phật giáo chúc mừng Giáng sinh 2012 tại tòa Tổng Giám mục thành phố là “Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM” (trích từ đầu đề tin đăng trên Giác Ngộ Online, không phải Trung ương Giáo hội). Lẳng hoa chúc mừng Giáng sinh ghi rõ dòng chữ “Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM”.
Có bài viết góp ý này, chúng tôi không ngoài mục tiêu mong mỏi việc gìn giữ sự tôn nghiêm cho Phật giáo, cho Giáo hội của chúng ta, cho liệt vị tôn đức trưởng thượng được chú ý nhiều hơn nữa, bảo đảm sự kính trọng tương xứng lẫn nhau giữa các tôn giáo, hợp lý trong nghi lễ giao thiệp.
MT