15/08/2012 11:01 (GMT+7)
Số lượt xem: 106700
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GN - Nhận biết được sự cần thiết và những lợi ích thiết thực của việc hộ trì Chánh pháp của người Phật tử tại gia, đồng thời đáp ứng nguyện vọng tìm cầu giáo pháp của đông đảo tín đồ, Phật tử trên địa bàn thành phố, với tinh thần “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi sự nghiệp”, Ban Hoằng pháp THPG Hà Nội đề ra nhiều hoạt động nhằm hướng dẫn và hình thành những đạo tràng Phật tử thuần thành, đủ đức đủ tài để có thể trợ duyên đắc lực cho sự nghiệp hoằng pháp, góp phần phát triển của đạo Phật tại Hà Nội nói riêng và nền đạo pháp nói chung. Trong đó, nổi bật nhất là việc thành lập các lớp học giáo lý căn bản cho Phật tử tại gia trên toàn TP.Hà Nội.


Những lớp học quy củ

Trong những năm qua, các lớp học giáo lý đã liên tục được Ban Hoằng pháp mở ra với ý nghĩa là tạo nền tảng cho công cuộc truyền bá đạo pháp sâu rộng vào đời sống của người dân, góp phần xây dựng con người trở nên thuần lương thánh thiện.

ảnh sư phụ trao bằng khen lớp giáo lý chùa Ngọc Lâm.jpg

Những lớp học giáo lý tại thủ đô Hà Nội đang ngày càng được mở rộng,
điều đó cũng đồng nghĩa sẽ ngày càng có nhiều người con Phật tài đức - Ảnh: C.T

Từ năm 2008 đến nay, Ban Hoằng pháp THPG Hà Nội đã tổ chức thành lập được 7 lớp học giáo lý căn bản đặt tại các chùa trong nội thành và ngoại thành thủ đô, tổng số học viên có hơn 1.000 Phật tử tham dự.

Theo ĐĐ.Thích Chiếu Tuệ, Trưởng ban Hoằng pháp THPG Hà Nội, đối tượng tham gia lớp học bao gồm tất cả các Phật tử không phân biệt tuổi  tác, có nhu cầu học hỏi nghiên cứu giáo lý đều có thể đăng ký theo học. Nội dung giảng dạy dựa trên cơ sở giáo trình do Ban Hoằng pháp T.Ư soạn thảo.

Phần giáo lý tổng hợp là bộ Phật học cơ bản, về kinh điển gồm 5 bản kinh: Kinh Thập thiện, Bát đại nhân giác, Pháp cú, Tứ thập nhị chươngƯu-bà-tắc.

Ban giảng sư gồm chư tôn đức trong Ban Hoằng pháp được phân công giảng dạy đều đặn tại các lớp học. Khóa học kéo dài trong 3 năm vào các buổi sáng Chủ nhật. Đặc biệt, sau mỗi phần học giáo lý, kinh…đều có bài kiểm tra thu hoạch và viết báo cáo. Kết thúc khóa học, học viên sẽ được cấp chứng chỉ.

 Tất cả quá trình học tập, kiểm tra và cấp chứng chỉ đều được chư tôn đức thực hiện một cách quy củ và chặt chẽ đảm bảo chất lượng, hiệu quả sau khi khóa học kết thúc.

Học Phật pháp để hộ trì Phật pháp

Những người cư sĩ Phật tử sau khi đã được thấm nhuần giáo pháp trở thành những tấm gương sáng mẫu mực trong đời sống gia đình, xã hội và ở trong lĩnh vực truyền bá Chánh pháp. Họ cũng đóng vai trò quan trọng, là nhân tố tích cực đem đạo vào đời, hòa nhập với đời sống xã hội.

Thực tế cho thấy, sau khi kết thúc 2 khóa học đã có nhiều vị cư sĩ Phật tử với tâm huyết phục vụ trên cơ sở ứng dụng những kiến thức Phật học tiếp thu được trong đời sống tu học của mình, đã trợ duyên đắc lực cho chư tôn đức trụ trì các tự viện nói riêng và góp phần cho ngành hoằng pháp của Thành hội nói chung.

Bác Kim Ngân, lớp trưởng lớp giáo lý cơ bản cho Phật tử chùa Hòe Nhai chia sẻ: “Trải qua 3 năm học khóa học giáo lý cơ bản và thêm 2 năm học khóa nâng cao, Phật tử đã có được một vốn kiến thức Phật pháp không nhỏ, và quan trọng là họ ngộ và phân biệt được chánh tín, mê tín, biết cách hành thiện tích phúc và hộ trì cho đạo pháp nhiệm mầu ngày càng được xiển dương”.

Họ đã thể hiện được Phật chất trong cuộc sống của mình, trong gia đình và ngoài xã hội. Sự thể hiện những phẩm chất đạo đức của người con Phật như từ bi, bố thí, hoan hỷ và trí tuệ trong cuộc sống là những bài pháp không lời sống động và có sức thuyết phục cao. Ở đây, Phật pháp được hóa thân qua thực tiễn đời sống của họ bằng chính những lời nói việc làm thiết thực hàng ngày.

Những lớp học giáo lý tại thủ đô Hà Nội đang ngày càng được mở rộng, điều đó cũng đồng nghĩa sẽ ngày càng có nhiều người con Phật tài đức, đội ngũ hoằng pháp viên lý tưởng đóng góp vào sự phát triển của nền đạo pháp tại thủ đô và trên cả nước.

Chính Tâm

http://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2012/08/14/1F4610/


Âm lịch

Ảnh đẹp