25/11/2013 18:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 1761
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trên vong linh những người bất hạnh quá cố, có được một buổi lễ cầu nguyện mà cũng không được yên! BBC tiếng Việt là một trang web thường hay đưa những mảng đen lên hình ảnh Phật giáo Việt Nam trong nước. Hễ đề cập đến Phật giáo trong nước thì trang này luôn bộc lộ những ác cảm. Chuyện xấu của tôn giáo ở Việt Nam lên trang này thì hầu như là gắn với Phật giáo như các bài “Chùa chiền và tiền bạc”, “Vừa tu vừa thích hưởng thụ”…





Đi với những bài báo như vậy, thường là tên của 2 nhà khoa học trong nước, là Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian, và Tiến sĩ Nguyễn Đức Truyền, nguyên Trưởng phòng Xã hội học Văn hóa Viện Xã hội học (học vị, chức vụ được nêu theo BBC tiếng Việt).

Trong những bài viết và audio phỏng vấn mà BBC tiếng Việt loan tải, 2 nhà khoa học trên luôn đưa ra những ý kiến, mà chúng tôi nghĩ rằng không khách quan và thiếu công bằng về Phật giáo Việt Nam.

GS Ngô Đức Thịnh, trong bài “Chùa chiền và tiền bạc” đăng trên BBC tiếng Việt, sau khi phê phán việc cúng dường chùa chiền gắn với niềm tin tâm linh, đã đi đến một đề xuất cực đoan, mang màu sắc “cách mạng văn hóa”, rằng “phải có một cách nào đó để ngăn chặn cái đó”.

Thật tình, chúng tôi ghê sợ khi đọc thấy những ý kiến như vậy trong bối cảnh hiện nay. Điều đáng lưu ý là ông Thịnh chỉ xoáy vào Phật giáo, và tín ngưỡng Việt Nam, nêu cụ thể tên chùa ở Hà Nội.

Còn ông Truyền, khi phóng viên BBC tiếng Việt đặt vấn đề rằng chuyện chỉ có ở Phật giáo hay ở những tôn giáo khác, thì không trả lời thẳng, nhưng rồi chỉ giới hạn ở Phật giáo Việt Nam. Ông này soi cả vào bữa cơm của tăng ni.

Nói như thế là lộ rõ ý đồ gieo một cái nhìn ác cảm cho xã hội khi nhìn về tăng chúng Phật giáo Việt Nam hiện nay và rõ ràng tránh đi không nói đến các tôn giáo khác.

Tại sao họ lại nói thế và chỉ nói như thế, chỉ chăm chắm vào tín ngưỡng truyền thống Việt Nam rồi dần dần thu hẹp vào tăng ni Phật giáo?

Trong khi nói về Phật giáo như thế, thì bài đã dẫn còn dùng cụm từ thiếu lịch sự, đầy tính chất kỳ thị: “hành nghề tôn giáo”.

Mới đây, cái cách nói như thế lại hướng về Phật giáo Việt Nam trong bài “Cầu siêu để đối phó tai nạn giao thông?”, BBC tiếng Việt 19/11/2013.

Trong bài này, GS Ngô Đức Thịnh và Tiến sĩ Nguyễn Đức Truyền lại xuất hiện, với đầy đủ chức vụ trước đây.

Lướt qua 2 tên tuổi đó, với các chức vụ kê dài sau tên họ nghe rất kêu, cũng đoán biết họ sẽ nói như thế nào về Phật giáo.

Việc kê các chức vụ đã đảm nhiệm như một sự phô trương để cầu chứng cho những nhận xét thiếu thiện cảm đối với Phật giáo Việt Nam, thiết tưởng, không phù hợp với những người làm khoa học tự trọng. Nhận xét của một nhà khoa học là có giá trị thì tự thân nó sẽ đứng vững và thuyết phục, không cần kêu lớn đến chức vụ đã được cấp trên bổ nhiệm.

Khi người ta phải kêu lớn tới chức vụ trước khi phát biểu, thì bạn đọc nên coi kỹ giá trị của những phát biểu đó. Có ai đó phía sau cần đến những lời nói như vậy từ những chức vụ khua leng keng đó thay vì là những con người cụ thể.

Và việc người của BBC tiếng Việt cứ nêu đi nêu lại, nêu tới nêu lui những chức vụ đó cho thấy phải chăng có một mối liên hệ gì trong mục đích nói lên những điều không hay cho Phật giáo Việt Nam trong nước?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Truyền, “nguyên Trưởng Phòng Xã hội học Văn hóa, Viện Xã hội học” (có lẽ còn thiếu tên cơ quan chủ quản: “Viện Khoa học Xã hội Việt Nam”, nay là “Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam” xin nêu cho đủ), trong bài “Cầu siêu để đối phó tai nạn giao thông?”, có nêu câu hỏi, mà trong bối cảnh bài viết, dù không nêu tôn giáo nào, thì vẫn rõ ràng liên hệ đến Phật giáo:

“Nhà xã hội học nhân sự kiện này đặt câu hỏi về sự bình đẳng của các tôn giáo.

“Và thứ hai là giữa các hệ tư tưởng ấy, nó có được bình đẳng với nhau hay không. Tôn giáo này thì được thừa nhận, cái khác thì sao?””.

Tôi, một bạn đọc là Phật tử xin phép trả lời câu hỏi trên của Tiến sĩ Nguyễn Đức Truyền, nguyên Trưởng Phòng Xã hội học Văn hóa, Viện Xã hội học như sau, bằng nguyên văn một câu trích từ quyển sách “Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo”, chủ biên: Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, bản dịch và bản quyền tiếng Việt: Hội đồng Giám mục Việt Nam - Ủy Ban Bác ái Xã hội, nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội 2007, duyệt Imprimatur: Phao lô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Câu trích dẫn ở trang 292, thuộc điều 423, như sau:

“Vì có liên hệ về mặt lịch sử và văn hóa với một quốc gia, nên một cộng đồng tôn giáo nào đó có thể được Nhà Nước nhìn nhận một cách đặc biệt hơn” (trong nguyên bản, từ “Nhà Nước” viết hoa).

Là một nhà xã hội học nguyên Trưởng Phòng Xã hội học Văn hóa, Viện Xã hội học” chắc tiến sĩ biết đến Học thuyết Xã hội rất nổi tiếng của Giáo hội lớn nhất thế giới với cái nhìn về quan hệ tôn giáo như thế trong phần “VI. Nhà nước và các cộng đồng tôn giáo”.

Không hiểu vì sao trong khi đến Giáo hội Công giáo toàn cầu còn có quan điểm mở như vậy, thì tại Việt Nam có người lại đặt vấn đề nặng nề như thế?

Báo chí Việt Nam đã đưa gấn như đồng thời 2 tin, về lễ cầu siêu nạn nhân tai nạn giao thông tại Việt Nam cử hành theo nghi thức Phật giáo Việt Nam và về lễ cầu nguyện nạn nhân bão Haiyan tại Philippines cử hành theo nghi thức đạo Ca tô La Mã ở Philippines. Không hiểu có một nhà xã hội học nêu câu hỏi gì về các “hệ tư tưởng” ở Philippines không?

Nếu có, thì quả thật nó không được trong sáng, nếu không muốn nói là đen, trên vong linh những người bất hạnh quá cố, có được một buổi lễ cầu nguyện mà cũng không được yên!

MT


Âm lịch

Ảnh đẹp